Vậy là 20 mùa xuân đã trôi qua kể từ ngày ông rời xa cõi thế, trong lòng chúng tôi – những thế hệ trẻ – vẫn nhớ ơn ông: Đại tá Lê Kích. Ông là một con người Việt Nam bình dị, thuỷ chung và tình nghĩa.
Đã có biết bao câu chuyện huyền thoại kể về cuộc đời của đại tá Lê Kích – một cán bộ quân sự thông minh, dũng cảm, có những hành động rất táo bạo gắn liền với thực tế trên các chiến trường Đông Dương. Đó là một con người đã vào sinh ra tử trên khắp các chiến trường nóng bỏng trong cuộc chiến tranh vì sự tồn vong của Tổ quốc.
Từ nhỏ, ông là người có chí khí, bản lĩnh và biết tập hợp những người đồng chí hướng về với mình, đi đầu trong việc tập hợp thanh niên trong thôn trong xã tham gia đội du kích Ba Tơ và cùng ông lên đường Nam tiến. Ngày 23 tháng 10 năm 1945, chi đội Lê Trung Đình – Quảng Ngãi, do ông chỉ huy đã ra lệnh cho nổ quả mìn đầu tiên làm tín hiệu mở đầu cho cuộc kháng chiến ở Nha Trang và được giao làm Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96 thuộc Quân khu 5, chiến đấu anh dũng ở Đà Nẵng. Năm 1948, ông là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 53, Trung đoàn 120 ở Bình Định. Sau đó là tình nguyện quân của Liên khu 5 tại Hạ Lào; là trung đoàn phó Trung đoàn 101, Đại đoàn 325.
Ngày 20 tháng 11 năm 1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Tháng 12 năm 1954, liên quân Lào – Việt đánh mạnh ở Trung Lào, tiêu diệt và bức rút hàng loạt vị trí, giải phóng thị xã Thà Khẹt, cắt đứt đường số 9, tiến xuống Hạ Lào, tập kích thị xã Át-tô-pơ phát triển sang Xa-ra-van, giải phóng toàn bộ cao nguyên Bô-lô-ven. Đồng chí Lê Kích và đơn vị của ông đã góp phần to lớn trong chiến thắng này.
Tiểu đoàn 436 do đồng chí Lê Kích làm tiểu đoàn trưởng, đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là đơn vị thọc sâu chiến lược của Bộ – mở ra một hướng quan trọng trong chiến cục Đông Xuân, góp phần cho bộ đội ta thắng lớn ở Điện Biên Phủ. Đồng chí Lê Kích đã chỉ huy đơn vị làm nên chiến thắng vẻ vang, tạo ra thế và lực mới cho chiến cuộc: Căng kéo địch, phối hợp cùng chiến trường Liên khu 5, Nam Bộ, giải phóng Hạ Lào, bốn tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia; tiêu diệt hoàn toàn sinh lực địch.
Không những được giao trọng trách to lớn và vinh dự ấy, đồng chí Lê Kích còn được tin cậy giao nhiều nhiệm vụ đặc biệt quan trọng như chủ nhiệm, tư lệnh pháo binh Quân khu Tây Bắc, tư lệnh Quân khu Tả Ngạn; tư lệnh Sư đoàn 2 Quân khu 5 từ năm 1968 đến năm 1970; tư lệnh Sư đoàn 325 ở mặt trận Quảng Trị trong những ngày mùa hè đỏ lửa.
Ông từng giữ nhiều cương vị quan trọng giúp bạn Lào, là trưởng đoàn cố vấn quân sự các khu Hạ Lào, Trung Lào, Bộ Tham mưu Quân đội Lào; từng gần gũi và làm việc thường xuyên với các đồng chí lãnh đạo Đảng Cách mạng nhân dân Lào, làm việc với các đồng chí lãnh đạo quân đội nhân dân Lào. Ông từng là Phó Cục trưởng Cục Huấn luyện tác chiến của Học viện Lục quân cho đến ngày về nghỉ hưu và tham gia trong Hội Đông y của thành phố. Cả cuộc đời ông chịu bao gian nan vất vả, nhưng chưa bao giờ ông nản chí, đầu hàng. Chặng đường đời trọn vẹn 85 năm biết bao thăng trầm, nhưng không làm ông chùn bước. Ông ra đi trong một ngày đầu xuân Giáp Thân (2004) ở thành phố hoa Đà Lạt – nơi ông và gia đình đã từng gắn bó, yêu thương.
Mùa xuân năm 2001, qua sự kết nối của đại tá Trần Thế Tuyển, lúc bấy giờ là Trưởng văn phòng đại diện báo QĐND tại TP. Hồ Chí Minh, đại tá Lê Kích và chúng tôi vinh dự được đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp và tâm sự.
Mùa xuân đã về, hoa đào đỏ thắm trên mỗi cánh rừng, mỗi con đường của thành phố đầy sương, thơ mộng, hình ảnh người lính già – đại tá Lê Kích như vẫn còn đâu đây thân thiết với biết bao người. Đồng chí Lê Kích là bộ đội Cụ Hồ trong sáng; là tấm gương tuyệt vời về lòng dũng cảm, nhân hậu bao dung và ý chí quyết tâm không bao giờ nguội lạnh trong ông.
Nhà văn Trần Ngọc Trác