TS LÊ DOÃN HỢP (nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp viết cảm tưởng tại
khu di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt ( Long An)
Tôi và Đại tá Nhà báo, CCB Sư đoàn 5, Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh, cùng đi Long Khốt tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; đồng thời dự lễ trao quà cho hộ nghèo và học sinh nghèo học giỏi của Ban Liên lạc các thế hệ cán bộ Đoàn Thanh niên Miền Nam trong chương trình “Sống mãi tuổi hai mươi”.
Tại đây tôi được gặp nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và các thế hệ lãnh đạo cao nhất của tỉnh Long An như các đồng chí: Lê Thanh Tâm, Phạm Thành Phong, Trương Văn Tiếp, Phạm Văn Cảnh, Dương Quốc Xuân… Các tướng lĩnh như Trần Đơn, Lưu Phước Lượng, được gặp lại nguyên Phó chủ nhiệm UBKT TW Lê Hồng Liêm và rất nhiều đại biểu của TW, QK7, lãnh đạo xã Thái Bình Trung và huyện Vĩnh Hưng cùng các thế hệ cán bộ Tỉnh đoàn Long An, lãnh đạo chỉ huy, cán bộ chiến sĩ đồn Biên Phòng Long Khốt.
Điều tôi cảm động và mừng nhất là đồng đội của tôi – Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Đại tá Nhà báo Trần Thế Tuyển, nguyên Cục phó Cục Báo chí phụ trách phía Nam của Bộ Thông tin và Truyền thông đã cùng các tướng lĩnh, vận động doanh nhân, doanh nghiệp tài trợ để dựng nên tại đất Long Khốt đầy chiến tích năm xưa một khu đền thờ khang trang cao đẹp; tôn thờ hơn 6.500 liệt sĩ cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã hy sinh cho độc lập dân tộc trên vùng đất yêu dấu này. Trong đó có gần 1.200 liệt sĩ của Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 của chúng tôi. Tên tuổi các anh còn đây, nhưng thân thể các anh đã biến thành đất đai Tổ quốc. Tôi hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành Hồ Chí Minh về việc chọn ngày 27/7 hằng năm là ngày Quốc giỗ – giỗ những người hy sinh vì sự nghiệp giữ nước.
Tại vùng đất Long Khốt này ngày xưa là Chi khu quân sự Long Khốt được Mỹ Nguỵ mệnh danh là “Lá chắn thép” chốt chặn tuyến đường tiến về đồng bằng của quân ta. Nơi đây Sư đoàn 5 của chúng tôi đã chiến đấu nhiều trận rất ác liệt. Có trận người còn sống ít hơn người đã mất. Có lúc người sống kiệt sức khi đi tìm người chết để chôn cất. Thương đồng đội chết không có một thẻ hương, chỉ có tình thương và nước mắt của nhân dân và những người đang sống đã vắt cạn vì người đã khuất. Nhớ lại tình cảm thiêng liêng đó, tôi đã viết vào sổ vàng của nhà tưởng niệm như sau:
Là một người lính của Sư đoàn 5 thời chống Mỹ, mỗi lần về Long Khốt thắp hương cho đồng đội, tôi bồi hồi xúc động nhớ đến gần 1.200 cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để san bằng Chi khu Long Khốt mở toang cửa cho cả Sư đoàn tiến về giải phóng đồng bằng, cắt đứt đường số 4, làm chủ tỉnh Long An, tiến vào vây hãm và tiến tới giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975.
Chúng tôi tôn vinh các anh là thế hệ “VÀNG” của Quân Đội và Nhân Dân Việt Nam anh hùng; Thế hệ 5 nhất.
- Chiến đấu gian khổ hy sinh ác liệt nhất
- Tình người và tình đồng đội cao đẹp nhất
- Tình cảm Quốc tế trong sáng nhất
- Được nhân dân yêu thương và quý mến nhất
- Hưởng thụ thấp nhất
Gương sáng của các anh sẽ lưu truyền mãi cho các thế hệ mai sau. Mong các anh an giấc ngàn thu; Hương hồn siêu thoát, phù hộ cho đất nước và nhân dân đổi mới thành công; Hội nhập Quốc tế thắng lợi; Sớm đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.
Gần như cả ngày 13/3/2022, chúng tôi đi từ lúc 6 giờ sáng, ăn bánh mì trên xe và về khách sạn lúc 6 giờ tối, cả đi và về gần 350km. Trong cái nóng gay gắt của miền đất cát trắng vùng biên giới, rất mệt, nhưng làm được một việc tâm linh nên chúng tôi rất mãn nguyện và yên lòng. Đêm ấy chúng tôi ngủ rất ngon.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14/3/2022