Xuân Hòa
Mai Khắc Kim sinh ngày 12/10/1948 tại xóm Yên, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Ngay từ ngày đầu giặc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, Mai Khắc Kim chưa đến tuổi trưởng thành, nhưng anh đã tự nguyện tham gia du kích xã và được chọn vào đội trực chiến bắn máy bay Mỹ. Mặc dù tham gia chiến đấu đánh trả giặc Mỹ ngay trên quê hương mình, nhưng anh vẫn muốn tình nguyện xin nhập ngũ vào Nam chiến đấu.
Chân dung liệt sĩ Mai Khắc Kim
Nguyện vọng của anh không được chấp nhận vì gia đình anh đã có 2 liệt sĩ và một người anh đang chiến đấu ở chiến trường, nhưng không có gì ngăn cản được ý chí chiến đấu của người thanh niên ấy. Tháng 9/1968, Kim đã trốn nhà lặn lội trên 100 cây số đến nơi luyện quân xin được nhập ngũ. Xúc động trước tấm lòng cháy bỏng của chàng trai, Trung tâm huấn luyện Quân khu đã đồng ý tiếp nhận anh.
Tháng 9/1963, Kim cùng đơn vị vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu tại chiến trường Nam Bộ. Mai Khắc Kim được bổ sung về Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 268 Phân khu I, thuộc Quân khu Sài Gòn – Gia Định. Người chiến sĩ tuổi trẻ ấy đã tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt trên vành đai trắng Củ Chi. Chiến công nối tiếp chiến công, Mai Khắc Kim đã nhanh chóng trưởng thành và được đề bạt làm cán bộ tiểu đội, trung đội, rồi đại đội phó.
Tháng 10/1970, trong một trận chiến đấu ác liệt, Kim bị thương, trong lúc các chiến sĩ Quận y đang chuẩn bị đưa Kim về phía sau thì địch bất ngờ đổ quân ngay tại vị trí đội phẫu thuật. Kim và một số thương binh bị địch bắt. Bọn giặc đã dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng Kim vẫn giữ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Bọn giặc đã đưa anh hết nhà tù này đến nhà tù khác và không từ một thủ đoạn dã man tàn bạo nào, nhưng chúng vẫn không khai thác được gì ở anh. Cuối cùng giặc phải đưa anh ra giam cầm tại khu D.9 nhà tù Phú Quốc. Tại đây, Kim vẫn tỏ rõ khí phách của người chiến sĩ trung kiên, luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh với địch, và anh đã được bầu vào cấp ủy bí mật của nhà tù khu D.9.
Vào cuối tháng 12/1972, đầu tháng 01/1973, Hiệp định Paris chuẩn bị được ký kết, địch chuyển hơn 500 tù binh là thương binh ở khu D.9 nhà lao Phú Quốc về giam tại khu B, trại giam Hố Nai Biên Hòa.
Ngay sau khi chuyển về Hố Nai, Đảng ủy bí mật mà nòng cốt là Đảng ủy khu D.9 chủ chương tiếp tục đấu tranh công khai qua ban đại diện tù binh, kết hợp đấu tranh bí mật, đào hầm vượt ngục và diệt ác, trừ gian. Thường bọn địch lợi dụng lúc chuyển trại, gài người của bọn chúng, hoặc những tên chiêu hồi vào lẫn với số người giữ vững khí tiết. Vì thế, một đội xung kích nhanh chóng được ra đời, nhiệm vụ đầu tiên là diệt 2 tên chiêu hồi cài cắm, vì 2 tên này đã phát hiện được việc ta đào hàng trăm mét đường địa đạo vượt qua nhiều lớp rào kẽm gai, đồng thời chỉ điểm thủ tiêu các cán bộ của ta trước khi trao trả.
Nhiệm vụ này được giao cho đồng chí Uy quê Thủy Nguyên, là bí thư chi bộ và 2 đồng chí khác thực hiện. Như đã có tiền lệ, sau khi bọn chiêu hồi, ác ôn bị tiêu diệt, địch sẽ lồng lộn khủng bố, đánh đập và đe dọa bắn chết hết 500 tù binh, hòng làm lung lạc tinh thần chiến đấu của anh em tù binh… Vì vậy, để giữ vững bí mật của tổ chức, cứ mỗi lần sau khi diệt ác, Đảng ủy tổ chức 2 đồng chí đứng ra nhận, vì lần này có 3 đồng chí xung phong. Nhưng chỉ có 2 đảng viên được chấp thuận. Đó là đồng chí Mai Khắc Kim và đồng chí Thức quê ở Quảng Nam.
Kế hoạch được thực hiện, hai tên chiêu hồi đã bị diệt, đó là vào một ngày cuối tháng 12 năm 1972 – trước khi Hiệp định Pari được ký kết. Và ngay ngày hôm sau, Mai Khắc Kim và anh Thức đứng ra nhận một việc mà mình không làm, nhận sự hy sinh để bảo vệ tổ chức, bảo vệ đồng đội. Mai Khắc Kim biết rằng ngày toàn thắng của dân tộc, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam không còn xa nữa. Đó cũng là ngày anh và đồng đội anh được trở về sum họp với gia đình, nhưng để bảo vệ tổ chức, bảo vệ hơn 500 tù binh khỏi bị bọn giặc tra tấn hành hạ, anh đã giành cái chết về phần mình bằng một hành động anh hùng, Giặc đã điên cuồng bắn anh trước mấy trăm tù binh trại giam Hố Nai, Biên Hòa.
Chúng tôi, những người đồng đội của anh luôn nhớ mãi về anh, và nhiều năm qua với biết bao giấy mực, và mộc son đỏ của chính quyền các cấp, cùng hàng trăm lá đơn xác nhận của đơn vị cũ, của đồng đội cũ thành một tập dày cả trăm trang giấy đề nghị Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho liệt sĩ Mai Khắc Kim. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có hồi âm. Song, máu thịt anh đã thấm vào lòng đất đai Tổ quốc, như hai câu thơ của nhà thơ Trần Thế Tuyển: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”.