Thứ Bảy, Tháng Chín 7, 2024
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SANMÓN NỢ VỚI ĐỒNG ĐỘI ĐÃ NGÃ XUỐNG CÒN LỚN LẮM

MÓN NỢ VỚI ĐỒNG ĐỘI ĐÃ NGÃ XUỐNG CÒN LỚN LẮM

Đại tá, Nhà báo Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh:

PHẠM MINH HUỆ (thực hiện)

Trước thềm năm mới, PV có buổi gặp gỡ và trò chuyện với Đại tá, Nhà báo Trần Thế Tuyển, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh (Hội HTGĐLS) để lắng nghe ông trải lòng về những việc Hội đã làm được, tâm nguyện cũng như những trăn trở của người đứng đầu sau một năm rưỡi thành lập Hội.

 

PV: Thưa ông, năm 2021 trong tình hình dịch bệnh Covid-19 khó khăn như vậy, Hội đã làm được gì trong công tác hỗ trợ gia đình liệt sĩ?

Ông Trần Thế Tuyển: Dịch Covid-19 xuất hiện trên toàn cầu, trong đó có nước ta và TP.HCM. Hội đã làm được nhiều việc hỗ trợ về cả tinh thần và vật chất cho các gia đình liệt sĩ. Về tinh thần: tổ chức tọa đàm “tìm kiếm thông tin liệt sĩ và hài cốt liệt sĩ”; hỗ trợ tìm kiếm và quy tập 70 hài cốt liệt sĩ; phối hợp xây dựng bia ghi danh liệt sĩ Trung đoàn 174 hy sinh ở Đắc Tô – Tân Cảnh; tham gia xây dựng đền thờ liệt sĩ tại Long Khốt và Phú Quốc…; Lập dự án cùng các cơ quan Nhà nước kiến nghị Đảng, Quốc hội, Nhà nước xem xét chọn ngày 27/7 là ngày Quốc giỗ; tham gia đề xuất truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho những người hy sinh trong cuộc chiến chống Covid-19, đề xuất ngày tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ hy sinh và đồng bào tử nạn do đại dịch Covid-19…

Về vật chất: xây dựng, sửa chữa 16 nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ với tổng kinh phí 860 triệu đồng; thăm hỏi 3 thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các gia đình chính sách về quê do dịch Covid, tặng quà tết cho các gia đình thương bệnh binh, gia đình chính sách, bộ đội biên phòng đồn Long Khốt.

Trong đại dịch Covid-19, Hội kịp thời vào cuộc, phối hợp với Cục Chính trị – QK7, báo Công lý tổ chức “gian hàng 0 đồng”, trao tặng 1.000 phần quà cho gia đình chính sách khó khăn, hỗ trợ 6000 suất ăn chia sẻ với các chiến sĩ áo trắng, kết nối để bà Đỗ Thị Kim Liên (Sark Liên) tổ chức chương trình “Gói tình Shark Liên – gửi nghĩa đồng bào” trao gần 30.000 phần quà cho gia đình chính sách khó khăn, với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng.

 

PV: Trước thực trạng có những lùm xùm trong việc tài trợ hiện nay, Hội chọn phương thức giải ngân nào khi tham gia hoạt động thiện nguyện?

Ông Trần Thế Tuyển: Hội xác định làm thiện nguyện cái tâm phải trong sáng, hoạt động phải công khai minh bạch. Hội chọn cách sau khi vận động, đề nghị nhà tài trợ chuyển thẳng tới người khó khăn cần được giúp đỡ, tri ân, thông qua chính quyền địa phương giải ngân và giám sát. Thường xuyên thông tin minh bạch trên các cơ quan truyền thông của Hội và trong các hội nghị để nhà tài trợ nắm được “đồng tiền bát gạo” của họ ủng hộ có đầy đủ, hiệu quả, đúng mục đích hay không. Hội thực hiện đúng tôn chỉ mục đích là thiện nguyện, không có phần trăm nào chi trả cho người thực hiện. Hội tự thành lập đoàn kiểm tra về thực hiện điều lệ Hội trong đó chú ý đến vấn đề tài chính; kết quả đã kết luận là rất rõ ràng, minh bạch.

 

PV: Sau 1 năm rưỡi hoạt động Hội, ông còn trăn trở điều gì?

Ông Trần Thế Tuyển: Trước hết, phải làm sao huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia hoạt động tri ân. Là tổ chức xã hội không có kinh phí, trụ sở, phương tiện, biên chế nên Hội cần có được sự đồng hành của các doanh nhân, các mạnh thường quân ủng hộ cả về vật chất và tinh thần.

Thứ hai, về đối tượng tri ân. Chúng tôi nghĩ, đất nước ta là một, dân tộc ta là một. Những ai hy sinh cho đất nước, dân tộc, được cấp có thẩm quyền xác nhận liệt sĩ đều là đối tượng tri ân của Hội. Cụ thể, những ai hy sinh cho mảnh đất Sài Gòn – Gia Định trước đây, ở miền Đông Nam Bộ, biên giới Tây Nam hay làm nghĩa vụ quốc tế Campuchia… đều là điểm đến tri ân, dù quan điểm này không phải ai cũng đồng tình.

Thứ 3, cần tiếp tục lan tỏa, khẳng định sự hy sinh to lớn của liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. Chúng tôi kiến nghị lấy ngày 27/7 là ngày Quốc giỗ liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho con cháu muôn đời là vì lẽ đó.

 

PV: Với tư cách người đứng đầu, ông có những suy nghĩ thế nào trong những năm hoạt động tiếp theo của Hội?

Ông Trần Thế Tuyển: Tôi có may mắn tham gia các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc và nguyên vẹn trở về, nên tôi nghĩ món nợ với đồng đội đã ngã xuống còn lớn lắm. Cách đây hơn chục năm, làm việc ở báo Sài Gòn giải phóng, tôi cùng Ban biên tập phát động chương trình Nghĩa tình Trường Sơn với những kết quả đáng khích lệ, nhưng tôi thấy mình vẫn chưa trả hết món nợ với đồng đội.

Theo đề nghị của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Hội HTGĐLS VN, tôi đã cùng tập thể những người thiện nguyện vận động thành lập Hội HTGĐLS TP.HCM. Sau hơn 1 năm hoạt động, tôi thấy sự lựa chọn của mình là chính xác. Tham gia Hội là tiếp tục nối dài khát vọng của mình; để tiếp tục lan tỏa hình ảnh người lính Cụ Hồ, trực tiếp là liệt sĩ và đồng đội của họ đến những người đang sống và thế hệ mai sau. Gần hai chục cuốn sách của tôi đều tập trung vào đề tài người lính, một số tác phẩm đã được chọn trao giải thưởng, dàn dựng. Trong đó, hai câu thơ: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia” đã trở thành đôi câu đối được chọn khắc ghi tại nhiều đền thờ, đài tưởng niệm liệt sĩ.

Mới đây Hội phối hợp với Hội nhà văn TP và Tạp chí Văn nghệ TP.HCM phát động cuộc vận động viết về đề tài thương binh, liệt sĩ… là sự nối tiếp ấy. Tôi nghĩ, chiến tranh khốc liệt như thế mà mình còn trở về sau ngày chiến thắng là do đồng đội cử mình ở lại, để làm và vận động mọi người cùng làm việc tình nghĩa này. Coi như mình được sống thêm một lần nữa, nên phải trả nợ cho những người đã khuất.

 

PV: Xin cảm ơn Đại tá nhà báo Trần Thế Tuyển về cuộc trò chuyện đầy thú vị này. Chúc ông và những người thiện nguyện của Hội thật nhiều sức khỏe, nghị lực để tiếp tục thực hiện sứ mệnh trái tim tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ.

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây