MỜI ĐỌC:
LINH KHÍ QUỐC GIA SỐ THÁNG 7- 2021.
LTS: Nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ ( 27/7) và 1 năm ngày thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM ( 10/7), Ban Thường vụ Hội HTGĐ LS TP HCM đã xuất bản đặc san Linh khí Quốc gia số 2, theo giấy phép xuất bản số 113/ GP- XB ĐS do Bộ TT TT cấp ngày 16/10/2020.
Tòa soạn LINHKHIQUOCGIA.VN lần lượt đăng giới thiệu các bài chính trong ấn phẩm đặc biệt này.
Mở đầu, mời đọc bài THÊM MỘT NGÀY QUỐC GIỖ ? của Đại tá nhà báo Trần Thế Tuyển, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam- Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM
THỰC TIỄN VÀ KIẾN NGHỊ :
THÊM MỘT NGÀY QUỐC GIỖ ?
Đại tá Trần Thế Tuyển
Đất nước ta có mấy ngàn năm lịch sử. Mấy ngàn năm văn hiến ấy được xây dựng nên bởi ý chí, bản sắc Việt, đẫm máu xương và mồ hôi, nước mắt. Vì thế, có thể nói lịch sử đất nước ta là lịch sử của các cuộc kháng chiến giải phóng, bảo vệ Tổ quốc; mở cõi
và chống chọi với thiên nhiên.
Chỉ tính riêng mấy cuộc kháng chiến gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã có trên 1.100.000 liệt sĩ; trong đó có 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt; 300.000 liệt sĩ đã
quy tập về nghĩa trang, nhưng chưa xác định được danh tính.
Để tri ân những người con ưu tú đã hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, cả nước ta có 7000 công trình ghi công liệt sĩ ( đài, bia tưởng niệm, đền thờ liệt sĩ…), trong đó có 3000 nghĩa trang liệt sĩ với gần 800 ngàn ngôi mộ liệt sĩ…
Hằng năm, ngoài liệt sĩ đã xác định được địa điểm và thời gian hy sinh để làm đám giỗ theo phong tục, truyền thống của dân tộc, thân nhân các gia đình liệt sĩ chưa xác định được danh tính liệt sĩ đã chọn bất kỳ ngày nào ( như ngày nhập ngũ, ngày đi chiến trường hoặc ngày nhận giấy báo tử…) để giỗ liệt sĩ.
Nhiều gia đình, chọn 27/7 hằng năm- ngày Thương binh- Liệt sĩ để làm đám giỗ liệt sĩ.
Từ thực trạng ấy, chúng tôi kiến nghị nên chọn ngày 27/7 hằng năm làm ngày giỗ liệt sĩ toàn quốc ( quốc giỗ ), bởi các căn cứ sau đây:
Thứ nhất, theo phong tục văn hoá Á Đông, giỗ là ngày tưởng nhớ, kỷ niệm ngày chết ( qua đời, quy tiên…) của một người nào đó. Ngày ấy, người ta không chỉ để nhớ, tri ân người quá cố mà còn nhằm mục đích sum họp gia đình, giáo dục cho thế hệ nối tiếp truyền thống gia phong và bảo ban, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống.
Ở nước ta, từ lâu đã lấy ngày giỗ tổ Vua Hùng ( 10 tháng 3 âm lịch) làm ngày giỗ tổ toàn quốc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi danh vào mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của thế giới. Năm 2001, ngày giỗ Tổ Hùng Vương được Nhà nước xác định là ngày Quốc giỗ. Từ năm 2007, ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là ngày nghỉ lễ. Điều 73 của Bộ Luật Lao động ghi rõ : Người lao động mỗi năm được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương chín ngày, trong đó có ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng ba âm lịch.
Đó là ngày giỗ những người có công DỰNG NƯỚC. Còn giỗ những người có công GIỮ NƯỚC thì bấy lâu nay có làm nhưng chưa
tập trung, chưa trở thành nét đẹp văn hoá tâm linh của toàn dân tộc.
Thứ hai, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách nay 74 năm, ngày 27/7 hằng năm là ngày Thương binh- Liệt sĩ. Ngày đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bằng việc làm thiết thực tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú đã hy sinh cả đời mình hoặc hiến một phần thân thể cho độc lập tự do của tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Ngoài các nghi lễ tri ân, tôn vinh thương binh, liệt sĩ, hầu như các gia đình, đặc biệt các gia đình liệt sĩ đều làm mâm cơm theo phong tục để cúng, giỗ liệt sĩ.
Từ lẽ trên, chúng tôi kiến nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ nên xem xét chọn ngày 27/7 hằng năm làm ngày giỗ chung liệt sĩ- những người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Tổ quốc, vì cuộc sống yên lành của nhân dân.
Để tránh hình thức, lãng phí, các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết việc thực hiện ngày quốc giỗ thứ hai này để tưởng nhớ, tri ân những người có công Giữ Nước./.
TTT.