Chủ Nhật, Tháng mười 13, 2024

MẸ TÔI

MẸ TÔI

Đại tá Mạc Phương Minh

( Bài đã đăng trên đặc san Linh khí Quốc gia số 1)

“Trong chiến tranh ác liệt này, con chợt nghĩ có thể ngày nào đó mẹ hy sinh, nên con đã chuẩn bị tinh thần tư tưởng để vượt qua cảnh đau thương đó, con sẽ chiến thắng. Vì hoàn cảnh đó không phải của riêng con. Mà mẹ có hy sinh cũng vì Đảng vì dân, vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, góp phần xương máu xây đắp vinh quang cho tổ quốc, con thấy rất tự hào”.

Thư viết về cho con gái, mẹ nói mẹ sửa lại lời trong thư tôi gửi mẹ rằng “con sẽ chịu đựng nhớ thương mẹ …” thành lời hứa với mẹ như vậy. Để rồi sau đó không lâu, mẹ tôi hy sinh khi lấy thân mình che cho ba cháu nhỏ dưới làn bom của địch. Đó là ngày 7 tháng 11 năm 1973 tại Lộc Ninh – thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam – khi Hiệp định hoà bình Paris vừa được ký kết. Tôi mất mẹ đúng vào lúc tôi cần mẹ nhất. Đứa con gái duy nhất của mẹ đã 19 tuổi, nhưng thời gian sống bên mẹ chỉ được tính bằng tháng. Biết bao điều đặt ra trong cuộc sống mà chỉ có mẹ mới giải đáp được; lại đúng vào thời khắc mà đáng ra tôi phải được mẹ ôm vào lòng, là phút giây hạnh phúc nhất đời, thì tôi đã như hóa đá khi người đồng đội của mẹ bảo rằng: “Chị Hai Phương đã hy sinh, nửa tháng trước”. Khi tôi được ba tháng tuổi thì ba tôi cùng gia đình cô bác đi tập kết ra Bắc. Mẹ tôi ở lại do tôi còn quá nhỏ, sợ không chịu được sóng gió, có “bề gì” phải thả tôi xuống biển. Gia đình lúc ấy còn lại ông bà nội, hai mẹ con tôi và cô Út. Ít lâu sau giặc đóng bốt gần nhà, mẹ phải gửi tôi lại cho nội rồi trở về đơn vị. Hoạt động khủng bố tìm diệt Việt Cộng ngày càng khốc liệt, đến nổi một đứa trẻ bốn tuổi là tôi cũng bị bắt, nhằm buộc mẹ, ông bà và cô Út ra đầu hàng. Ngoại tôi ở Cần Thơ biết tin vội xuống đón tôi về.

Ở với ngoại đi học, mỗi khi nghỉ hè là tôi được đưa  xuống U Minh thăm mẹ. Những chuyến đi giữa hai vùng thành thị và giải phóng thật gian nan và nguy hiểm mà thời gian bên mẹ chẳng được là bao. Có lần khi đến nơi thì mẹ vừa hành quân; có lần phải chờ mỏi mòn, bánh trái hư hết mẹ mới về. Ở được vài hôm mẹ lại đi. Có một lần không phải ngoại mà là mẹ Tư cùng hai em nhỏ đưa tôi đi . Mẹ vừa rước tôi vào cứ chơi thì ở ngoài nhà dân các em đổ bệnh nặng. Mẹ Tư cấp tốc đưa các em quay về cần Thơ, tôi bị “rớt” lại. Mẹ không biết gửi tôi cho ai, đành phải mang theo. Là đơn vị cơ yếu nên không ở đâu được lâu, hành quân liên miên. Khi vượt lộ, lúc qua đồn, có khi đi bộ suốt ngày đêm. Tôi lúc ấy 8 tuổi, đeo bình toong nước bên hông, bươn bả đi theo, đuối quá thì được các cậu cõng.  Được chừng 3 tháng, quá vất vả nên mẹ xin phép nghỉ đưa tôi về nội, chờ ngoại xuống đón. Cái rủi bị “rớt” lại trở thành điều may mắn của đời tôi: Đó là khoảng thời gian dài nhất tôi được sống bên mẹ, cho tôi những kỷ niệm quý báu với mẹ, hiểu thêm về cuộc sống của mẹ.

Năm tôi 12 tuổi, chuẩn bị thi đệ thất thì mẹ nhờ người về xin cho tôi vào U Minh với mẹ. Ngoại dù lo lắng nhưng muốn cháu được gần bên mẹ nên đồng ý để tôi đi. Tưởng rằng vào chiến khu được gần mẹ, nào ngờ mẹ lại gửi tôi đến trường. Mẹ nói tôi cần phải học tiếp; với lại mẹ ở đơn vị, bom đạn ác liệt không mang tôi theo được. Vậy là tôi phải đến trường. Ngôi trường cấp 2 mang tên Lý Tự Trọng do Khu Ủy Tây Nam Bộ thành lập để nuôi dạy con cán bộ. Ở đây, lớp học do thầy trò đốn cây lá dựng  lên, nơi ở là nhà dân. Nhà trường cấp gạo, học sinh phải tự lao động để nuôi sống bản thân, tự đào hầm tránh bom đạn. Một bé gái 12 tuổi đang ấm êm  trong vòng tay ngoại ở chốn thị thành bỗng  chốc phải đương đầu với cuộc sống tự lập, giữa những người xa lạ. Ngày thứ 5 vào trường, tôi đã kịp nếm mùi của một trận càn có đủ bom pháo và quân đổ bộ. Dầm mình cả ngày dưới hầm trú ẩn, run cầm cập vì đói, vì lạnh, vì sợ;  tôi nghĩ mẹ không thương mình, mẹ bỏ mình giữa chốn đạn bom và những người xa lạ. Tôi ước có phép màu nào đưa ngoại đến đón tôi về. Có lẽ vì hoàn cảnh khắc nghiệt ấy mà chúng tôi trưởng thành rất nhanh. Đến khi thích nghi được thì tôi cảm thấy tự hào và tôi thấy thương mẹ vô cùng!

Có một lần mẹ chợt ghé thăm tôi. Ở có một ngày mà mẹ kịp vá cho tôi bộ áo quần, giặt cái mùng đen ngòm vì khói đèn, chặt đống củi mà tôi vừa gom được, sửa lại cho tôi cái hầm trú ẩn. Mẹ nói mẹ thật mừng khi thấy tôi lớn nhanh về thể xác lẫn tâm hồn. Đêm nằm, mẹ dạy tôi những điều cần thiết với một bé gái 13 -14 tuổi. Mẹ dạy phải biết sống sao để dân thương…

Sau hai năm học ở trường Lý Tự Trọng, tôi được phân công về học tập, công tác tại Ban Dân Y Khu Tây Nam Bộ. Đó cũng là lúc mẹ tôi được điều động lên Miền Đông. Thư cho tôi, mẹ nói chỉ đi 18 tháng. Khi về mẹ sẽ đến thăm tôi ngay. Nhưng rồi mẹ không về. Từ Miền Đông xa xôi, mỗi khi có dịp là mẹ gửi thư về. Có khi là lá thư viết vội, nhưng có những lá thư viết sẵn, rất dài; những lá thư đầy ắp yêu thương và lo lắng. Mẹ dặn dò tỉ mỹ những gì mà một người mẹ cần lo cho đứa con gái đang lớn lên từng ngày mà không có mẹ gần bên. Tôi thuộc lòng những điều mẹ dặn và luôn tự hứa sẽ rèn luyện, học tập, công tác thật tốt để mẹ vui. Trong đời tôi, niềm vui lớn nhất mà tôi kịp gửi đến mẹ đó là tin tôi trở thành đảng viên Cộng Sản khi vừa tròn 18 tuổi. Trong thư gửi về, mẹ nói : “ Mẹ thật tự hào và yên tâm vì con đã lớn khôn, đã trở thành đồng chí của ba mẹ”. Rồi mẹ nói vì nhiệm vụ, không về được như đã hứa nên mẹ sẽ xin để tôi được lên công tác gần bên mẹ. Lúc ấy mẹ đang là cán bộ phòng Dân Quân Miền, được biệt phái đến công tác tại Thị đội Lộc Ninh. Tranh thủ những ngày nghỉ, mẹ đạp xe hơn 10km về lại cứ hái lá trung quân, đốn cây. Được sự phụ giúp của đơn vị, mẹ đã dựng được căn nhà nhỏ bên cạnh dòng suối để đón tôi lên. Lúc ấy, ở tít tận vùng đất mũi Cà Mau, được đơn vị cho phép, tôi làm các thủ tục để chuyển công tác. Sau đó tìm cách quá giang rồi nhập trạm giao liên trên sông Ba Đình – Rạch Giá. Tôi đi hợp pháp từ Rạch Sỏi lên Châu Đốc, qua biên giới Cam-pu-chia. Lúc đi xe, có cung đường đi bộ, cả việc bị binh trạm giam lỏng vì nghi là “Thiên Nga” dò thám.  Cứ như vậy ròng rã hai tháng liền, tôi cũng đến được Lộc Ninh. Tìm đến Thị đội nơi mẹ tôi công tác lúc chiều muộn. Vào cơ quan, nhìn quanh tìm mẹ mà không thấy, tôi bước đến chỗ có người ngồi sau chiếc bàn :

– Chú ơi! Cho cháu hỏi cô Hai Phương

– Chị Hai Phương công tác ở đây, nhưng…

(tôi kịp nghĩ: Nhưng vừa mới đi ra ngoài, nhưng đã trở về đơn vị… ) … Nhưng chị hy sinh rồi!

–  Chú vừa nói gì chú ơi?

– Chị Hai Phương công tác ở đây, nhưng đã hy sinh nửa tháng trước. Mà cháu là ai?

– Dạ cháu là con.

Cơn sốt rét rừng ập xuống khi nỗi đau mất mẹ đang ngấm vào từng tế bào khiến tôi ngã quỵ. Nằm trong bệnh viện, lời căn dặn như là trăn trối của mẹ cứ tua đi tua lại trong đầu tôi. Các bác chú, cậu, dì là đồng đội, là bạn của mẹ liên tục đến thăm. Mỗi người mang đến cho tôi một câu chuyện về mẹ: “Mẹ con là người nhân hậu”, “mẹ con thật vui tính”, “mẹ con khéo tay lắm”,  “mẹ con cương trực nhưng rất tình cảm”, “mẹ con đẹp lắm!”… Tôi dần nhận ra dù không một người thân quen, nhưng tôi thấy ấm áp vì tình yêu mà mọi người dành cho mẹ và giờ đây tôi được đón nhận.

Sau khi xuất viện tôi được rước vào cứ, được nhìn thấy ngôi nhà nhỏ xinh còn thơm mùi lá mới mà mẹ vừa dựng để chuẩn bị đón con gái. Mẹ gọi là “ngôi nhà hạnh phúc”. Tôi hình dung bóng dáng mẹ có ở khắp nơi. Không chịu đựng nổi,  tôi xin được đến ở gần bên mộ mẹ, nơi sản xuất tăng gia của đơn vị. Được ở bên chị Tư Gừng (chị Trần Thị Gừng – Dũng Sỹ Diệt Mỹ đầu tiên của đất Củ Chi) – người mà mẹ tôi coi như con gái, tôi hiểu thêm được nhiều điều về mẹ. Chị kể: “Mẹ thường  bị sốt rét nên ốm lắm!”, “Mẹ lúc nào cũng nhớ thương em”, “khi biết em được kết nạp vào Đảng, mẹ khóc vì vui mừng”. Mẹ nói mẹ thương và tự hào vì em biết tự phấn đấu vươn lên và trưởng thành trong gian khổ ác liệt mà không có mẹ gần bên”…Những chuyện kể ấy dần lấp đầy hiểu biết của tôi về mẹ. Như bao người phụ nữ Việt Nam khác trong chiến tranh, mẹ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho độc lập tự do của dân tộc. Bên cạnh sự đau thương mất mát, mẹ đã để lại cho tôi cả một gia tài: Đó là lý tưởng sống cao đẹp, để noi theo mà không được phép phản bội. Tết đã về. Đây là cái tết duy nhất trong đời tôi được gần bên mẹ. Mẹ con tôi đón tết chỉ với những cành lay ơn  bằng giấy mà tôi nắn nót làm để cắm lên mộ mẹ. Tôi thầm hứa với mẹ rằng: “ Con sẽ mạnh mẽ như lời mẹ dạy. Con sẽ sống thật tốt để xứng đáng với những hy sinh to lớn của mẹ, xứng đáng là con của người mẹ liệt sĩ./.

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây