Mẹ VNAH Cao Thị Hường (ảnh), sinh năm 1924, nhà số 41 tổ 1 Khu phố 114, thị trấn Định Quán, Đồng Nai. Nguyên quán xã Quang Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình. Mẹ có hai người con hy sinh. Anh Vũ Văn Tiệp, hy sinh ngày 24/6/1969 nơi bờ sông Sài Gòn. Anh Vũ Bảo Diệp, hy sinh ngày 28/3/1975 tại Buôn Mê Thuột…
“Tụi nó đi là đi luôn, không một lần về thăm nhà. Thư báo tử thằng Tiệp nói nó hy sinh bên bờ sông Sài Gòn. Nói chung chung vậy thôi. Bờ sông Sài Gòn thì mênh mang, biết đâu mà tìm. Hòa bình, mẹ vô Nam, đi kiếm con khắp nơi. Mẹ rời làng quê, quyết vào Nam là cũng để đi tìm con. Tìm hoài, tìm mãi mà chẳng thấy hài cốt nó đâu. Chán rồi, thôi, không tìm nữa, tự an ủi là nó nằm ở đâu cũng là quê hương…”
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Cao Thị Hường, tại thị trấn Định Quán vào một buổi chiều. Quê tận Kim Sơn, Ninh Bình nhưng theo bước đường tìm hài cốt hai người con trai, gia đình mẹ lần vào phương Nam, rồi cùng người con trai út Vũ Văn Kiên, mẹ định cư tại thị trấn Định Quán này.
Ngôi nhà khang trang này là tấm lòng của nhiều cơ quan, đơn vị cùng với nỗ lực vợ chồng anh Kiên xây dựng nên. Tất cả đều tiện nghi, chỉn chu theo đà đô thị hóa nhưng ao cá bên sân nhà và giàn trầu trước ngõ là bóng dáng hoài niệm về làng quê miền Bắc xưa cũ.
Mẹ VNAH Cao Thị Hường bên người con trai út Vũ Văn Kiên. Anh Kiên nói: “Sau ngày hòa bình, gia đình tôi tìm hài cốt các anh khắp nơi, mong đưa về nghĩa trang Định Quán, nơi gia đình từ Ninh Bình vào miền Nam định cư để tiện việc tìm mộ các anh. Cho đến nay gia đình chỉ tìm được mộ liệt sĩ Vũ Bảo Diệp, còn hài cốt liệt sĩ Vũ Văn Tiệp vẫn chưa tìm thấy… “.
Ảnh: Nguyễn Hoàng, 21/10/2022
Vừa ngoáy trầu, mẹ Cao Thị Hường mắt nhìn xa xăm, nói: “Con muốn nghe mẹ kể chuyện hả. Ối trời, đời mẹ khổ lắm, kể mấy ngày cũng không hết!”. “Thì mẹ kể cho con nghe vài cái khổ…”. “Khổ nhiều. Nghèo thì khổ thôi. Còn phải nuôi chứa cán bộ, đào hầm hố, chỗ nào cũng có hầm. Ông nhà tôi hoạt động chống Pháp, du kích xã Quang Thiện, sau làm bí thư; bị bắt nhốt một năm trời ở nhà tù Phát Diệm…”
“Rồi mẹ làm gì để nuôi con?”. “Làm ruộng, bắt cua bắt cáy, gánh chuối ra chợ bán… Khổ lắm con ơi. Mà hồi đó ai cũng khổ. Nhà tôi với nhà ông Trần Đại Quang cùng là lối xóm. Sau này ổng làm chủ tịch nước chớ thời đó mẹ ổng cũng khổ lắm. Tôi với bà mẹ ông Trần Đại Quang cùng gánh chuối đem ra chợ bán, kiếm chút tiền lời nuôi con…”.
“Hồi đó mẹ làm dâu có khổ không?”. “Khổ lắm. Cưới nhau về, cái giường cũng không có mà nằm. Trời lạnh, mẹ lấy bao tải đắp. Sáng thức dậy, quần áo dính đầy lông như lông chó. Rồi phải chăm sóc bố mẹ chồng, bắt cua mò cá… Mà ngày xưa ai cũng vậy, chẳng trách gì đâu. Ngày xưa làm dâu khổ nên gọi là con dâu, chớ giờ thì là “bà dâu” .
Mẹ sinh 15 người con. Năm anh chị mất khi còn nhỏ và hai người con trai của mẹ hy sinh. Tôi hỏi mẹ: “Các anh đi bộ đội, có hỏi ý mẹ không?”. Mẹ nói: “Đi làm việc nước non, cần gì phải hỏi”. “Các anh nhập ngũ vào Nam chiến đấu, mẹ có gì cho các anh trước lúc ra đi?”. “Nhà nghèo, chẳng có gì để cho. Hồi đó, cơm còn không có ăn. Cả nhà ăn sắn trộn cơm. Có mấy sào ruộng, làm công điểm không đủ, cha tụi nhỏ phải đi tỉnh khác mua sắn về. Đi bộ, mất cả tháng trời, về tới nhà sắn (củ mì ở miền Nam) đã chạy chỉ, ăn đắng lắm. Thương lắm, bữa cơm tiễn con đi còn đắng mùi sắn đã chạy chỉ!”.
Bàn tay ngoáy trầu của mẹ dừng lại. Mẹ nghẹn ngào, lấy khăn trầu lau nước mắt. Tôi nghèn nghẹn hỏi: “Từ khi đi bộ đội đến lúc hy sinh, các anh có về thăm mẹ lần nào không?”. “Hai đứa đi là đi luôn, không một lần trở về”. Lặng đi một lúc, mẹ thở dài nói: “Chưa đứa nào kịp lấy vợ. Chết còn trai tân!”.
Mẹ lần bước ra vườn trầu, mắt nhìn xa vắng vào hoàng hôn xạc xào gió thổi. Tôi hỏi: “Giờ mẹ mơ ước điều gì?”. “Mẹ không cần thiết điều gì nữa. Sống vậy đủ rồi. Cực khổ nhiều nhưng cũng được nhiều. Mơ ước duy nhất là tìm mộ con. Tìm bao năm rồi, chẳng thấy. Giấy báo tử thằng Tiệp nói nó hy sinh ở mặt trận phía Nam, bên bờ sông Sài Gòn. Mà bờ sông Sài Gòn thì mênh mông, biết đâu mà tìm.
Mẹ đi hết nhà ngoại cảm này đến nhà ngoại cảm khác. Ông ở Quảng Nam, bà ở Bìa Rịa Vũng Tàu, người ở Đà Lạt… Người ta chỉ nhiều cách. Có ông nói cứ theo con bướm. Nó đậu ở đâu thì mộ con bà ở đó. Mẹ làm theo lời ổng, đi theo con bướm. Con bướm có đậu thật. Nhưng nó đậu vào mộ có tên có tuổi hết… Tìm mộ con hoài không thấy. Thôi, giờ mẹ không mơ gì nữa, không tìm nữa!”.
Tôi đứng lặng nhìn mẹ, chợt nhớ sáng nay những người tuổi trẻ ở trường Tây Sơn đầy hào hứng nói về ước mơ của mình. Vâng, tôi nói với các em cứ ước mơ đi, bởi những gì chúng ta mơ ước có thể được hoặc chưa được nhưng nếu ngay giấc mơ cũng không có thì chúng ta chẳng có gì. Nhưng với người mẹ hơn nửa thế kỷ đi tìm hài cốt người con trai hy sinh bên bờ sông Sài Gòn, mơ ước ấy giờ bỗng quá xa xôi. Tôi cúi đầu trước tiếng thở dài tuyệt vọng của mẹ…
Tôi hỏi: “Mẹ mơ ước điều gì?”. Mẹ nói: “Mơ ước duy nhất là tìm mộ con. Tìm bao năm rồi, chẳng thấy… Thôi, giờ mẹ không mơ gì nữa, không tìm nữa!”.
Mẹ VNAH Cao Thị Hường bên người con trai út Vũ Văn Kiên. Anh Kiên nói: “Sau ngày hòa bình, gia đình tôi tìm hài cốt các anh khắp nơi, mong đưa về nghĩa trang Định Quán, nơi gia đình từ Ninh Bình vào miền Nam định cư để tiện việc tìm mộ các anh. Cho đến nay gia đình chỉ tìm được mộ liệt sĩ Vũ Bảo Diệp, còn hài cốt liệt sĩ Vũ Văn Tiệp vẫn chưa tìm thấy… “.
Di ảnh liệt sĩ Vũ Văn Tiệp. Anh nhập ngũ vào tháng 4 năm 1966, hy sinh ngày 20/6/1969, chức vụ hạ sĩ, tiểu đội phó, thuộc đơn vị C20, E3, F9, Quân đoàn 4. Nơi hy sinh trong thư báo tử gởi về: Mặt trận phía Nam. Sau này gia đình tìm mộ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình cho biết thêm nơi hy sinh của anh Tiệp: Bên bờ sông Sài Gòn. Không tìm được mộ anh nhưng gia đình còn giữ lại bài thơ duy nhất anh viết:
“Con bước chân trên con đường mới
Buổi chiều hè nắng trải cánh đồng xanh
Con đi chưa hẹn ngày trở lại
Súng chắc trong tay hai buổi tập tành
Xa gia đình con thấy vấn vương
Xa thầy u con thấy nhớ thương
Các em ơi các em có biết
Xa các em anh nhớ trong lòng
Rồi từ buổi ấy đi, đi mãi
Con đường chưa định hướng tương lai
Làng quê nằm lại chân trời thắm
Bao người thương xa vắng bóng hình
Đoàn quân cất bước đi, đi mãi
Tiếng hát vang bay khắp đó đây
Ai biết đoàn người cuồn cuộn ấy
Con đi hàng giữa mắt sáng ngời
Nhìn về quê mẹ lòng lưu luyến
Quê hương ta hỡi gởi mấy lới
Con đi chiến đấu lòng phơi phới
Đất nước hòa bình cũng gần thôi
Rừng xanh ta hỡi quê hương mới
Con đã ở đây mấy tháng trời…”
Di ảnh liệt sĩ Vũ Bảo Diệp, sinh năm 1946, thiếu úy, trợ lý hậu cần E 28, F10, QĐ 3, hy sinh ngày 28/3/1975, tại Nha Trang (theo thư báo tử). Hài cốt anh đã được gia đình quy tập về nghĩa trang Định Quán để tiện chăm sóc…
Thư báo tử của liệt sĩ Vũ Bảo Diệp