Chủ Nhật, Tháng chín 15, 2024

Mẹ ngồi bậu cửa

Không phải xuân về, tết đến mẹ mới ngồi bậu cửa ngóng ra con đường trước mặt. Từ mấy chục năm nay, khi tuổi cao, sức yếu không có dịp đi đây đi đó, hằng ngày mẹ đều ngồi ngóng như thế. Chiến tranh kết thúc đã mấy chục năm nay. Trai tráng của ngôi làng dọc bờ sông này đi đánh giặc, người nào còn sống sót đã về hết. Nhưng thằng Thiêm, con trai mẹ vẫn chưa về…

Mẹ nhớ lại cũng cách đây gần nửa thế kỷ, một buổi chiều ảm đạm, mây xám giăng kín bầu trời, gió heo may hun hút, anh cán bộ xã đội đến nhà. Lúc ấy cả nhà đang dùng bữa tối. Chờ cả nhà ăn xong, anh xã đội mới nâng ly nước vối, ngập ngừng nói:

– Cháu báo tin này, chú thím và cả nhà phải thật bình tĩnh.

Linh tính báo cho mẹ điều chẳng lành. Chiến tranh kết thúc đã mấy tháng nay mà thằng hai, thằng ba của mẹ vẫn chưa có tin tức gì.

– Anh cứ nói đi. Chuyện gì nào?

Mẹ nghe rõ tiếng trầm đục của chồng. Giọng anh xã đội nghe như gió thoảng:

– Cháu báo tin buồn cho cả nhà, chú Thiêm nhà mình đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Sáng mai xã sẽ đến nhà chính thức báo tin và cùng gia đình bàn làm lễ truy điệu chú ấy.

Mẹ như thấy đất dưới chân sụp hẫng:

– Anh nói đứa nào. Thằng anh hay thằng em?

– Dạ, thằng em, chú Thiêm ạ

Mẹ không cầm lòng được:

– Trời đất, ông bà ơi. Đêm qua tôi còn mơ thấy nó khoác ba lô về đầu làng. Tôi đứng nơi bậu cửa chờ nó mà…

Từ năm ấy, sau lễ truy điệu Thiêm, bận quá thì thôi, rảnh chút mẹ lại ngồi bậu cửa ngóng ra đường. Mẹ không tin là thằng Cay (tên thường gọi của Thiêm khi nhỏ ) mãi mãi đi xa không bao giờ trở lại. Làm sao mẹ có thể quên nó được. Dường như nó sinh ra là để lo cho người khác. Ngày ấy, khi cuộc chiến tranh lan rộng ra miền Bắc cũng như bao nhiêu gia đình nông dân nằm dọc bờ sông này, nhà mẹ nghèo lắm. Cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm. Mà nói ngay, làm gì có cơm. Ngày hai bữa ăn chỉ toàn sắn và khoai. Nhà nghèo, nhưng mẹ bàn với chồng phải chắt chiu cho các con ăn học bằng anh, bằng em. Mẹ dồn sức lo cho thằng hai học cấp ba trường huyện. Mấy đứa em của nó đều được cắp sách tới trường. Mẹ bòn từng đồng xu từ bán rau, bán trái cây gom nhặt trong vườn cho con đóng tiền học phí. Thấy bố mẹ vất vả nuôi đàn con gần chục đứa, một buổi tối, thằng Cay rủ rỉ với mẹ:

– Mẹ ơi, học hết năm nay, con không đi học nữa. Con ở nhà phụ mẹ và bố kiếm tiền cho anh hai và các em ăn học.

Mẹ không kìm lòng được, kéo thằng Cay vào lòng:

– Con sắp học hết lớp 7. Con phải lên trường huyện học cấp 3 như anh hai con chứ ?

– Dạ, con không đi học nữa đâu.

Thiêm nói là làm. Học hết lớp 7, bố mẹ khuyên nhủ mãi Thiêm cũng không đi học nữa. Ngày theo trâu ra đồng, chiều tối Thiêm đi mò cua, bắt cá, trồng rau phụ mẹ. Mỗi ngày Thiêm đưa về cho mẹ cả rổ cá, tôm. Con nào lớn mẹ mang ra chợ Hàng bán. Cá nhỏ thì kho mắm cho cả nhà, đặc biệt dành cho mấy đứa bé nhất. Năm 1970, chiến trường phía Nam khốc liệt, trai tráng trong làng lần lượt nhập ngũ. Thằng hai vừa tốt nghiệp cấp 3. Mặc dù có giấy gọi vào đại học nhưng nó đã theo chúng bạn vào bộ đội rồi vượt Trường Sơn. Ít tháng sau, cũng là một buổi tối gió heo may hun hút như hôm nay, thằng Thiêm rủ rỉ với mẹ:

– Bố mẹ cho con tòng quân nhé. Con sẽ vào Nam Bộ tìm anh hai. Giặc tan chúng con sẽ về với bố mẹ.

– Con nghĩ kỹ chưa. Anh con đang ở chiến trường. Con lại chưa đầy 18 tuổi, người ta không cho con nhập ngũ đâu. Mẹ nói chậm như rơi từng chữ một.

Thằng Cay rút túi đưa cho mẹ tờ giấy:

– Đây là đơn tình nguyện nhập ngũ của con. Xã đã tiếp nhận và bảo về xin phép bố mẹ. Nếu được bố mẹ đồng ý thì đầu tháng tới con nhập ngũ.

Biết tính nết con trai. Nói là làm, mẹ nói:

– Trai thời loạn. Nước có giặc thì đi đánh giặc. Con suy nghĩ cho kỹ. Bố mẹ chỉ thương con gầy gò, chưa được học hành bằng anh, bằng em…

Thằng Thiêm cắt ngang:

– Mẹ đừng lo, quân đội là trường học lớn. Nhập ngũ con sẽ học và trưởng thành như anh hai và mọi người.

Chục ngày sau, thằng Cay nhập ngũ. Sau vài tháng huấn luyện, một chiều nó khoắc ba lô về thăm nhà. Và đây cũng là lần cuối cùng mẹ gặp đứa con trai yêu quý. Nó đã mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại.

Hai chục năm trước khi bước vào tuổi 70, chồng đã đi theo tổ tiên gần 10 năm, mẹ thấy sức khỏe như buồng chuối chín cây lung lay trước gió. Một dịp thằng hai về nghỉ phép, mẹ nói:

– Đất nước hòa bình đã lâu mà vẫn chưa có tin tức gì về thằng Cay. Các con thử đi tìm em Cay xem nó nằm ở đâu? Đêm đêm mẹ vẫn mơ thấy nó khoác ba lô về thăm nhà.

Nghe theo lời mẹ, anh hai cùng bạn bè, đồng đội của Thiêm lặn lội khắp chiến trường cũ mà Trung đoàn 24, đơn vị của Thiêm đánh giặc để đi tìm mộ. Từ Tây Nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long và cả vùng ven Sài Gòn nữa. Nhưng tất cả đều vô vọng.

– Hay là ta nhờ nhà ngoại cảm. May ra tìm được bác ấy. Chú Út trong nhà đề xuất.

Để làm yên lòng mẹ, thôi thì cứ tạm tin nhà ngoại cảm, đó là cách giải tỏa tâm lý tốt nhất hiện tại. Nhà ngoại cảm đã “mách bảo” phần mộ của thằng Cay con trai mẹ tại một trong những nghĩa trang lớn nhất trên đất Tây Nguyên. Con chim Chơ Rao xà xuống đậu trên ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên cạnh tượng đài.

Cả nhà làm lễ nhận mộ người thân và chụp ảnh mang về khoe với mẹ. Bàn tay run run, mẹ cầm tấm ảnh mộ liệt sĩ chưa có tên nay đã có tên là thằng Cay. Nước mắt mẹ tưởng như đã không còn vì sự mòn mỏi tiếc thương, bỗng trào dâng như những hạt mưa đầu mùa trên sa mạc khô cằn.

– Con ơi, sống khôn, thác thiêng phù hộ độ trì cho cả nhà và mọi người nhé? Rồi mẹ thủ thỉ như tâm sự với người đã khuất:

– Ông ơi, thế là tôi toại nguyện rồi. Tìm thấy thằng Cay rồi. Tôi có theo ông về với tổ tiên cũng yên lòng.

Mọi chuyện tưởng như đã xong. Câu chuyện tìm mộ thằng Cay tưởng như đã kết thúc. Nhưng một chiều nọ, khi lá rụng đầy sân, gió heo may hun hút, người ta mang đến cho mẹ một bức thư. Thư của Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 24 báo tin cho mẹ, chiến sỹ Trần Văn Thiêm, con trai mẹ hy sinh tại ấp Cây Khế, huyện Châu Thành tỉnh Mỹ Tho (cũ). Hiện phần mộ được xác định là một trong 300 ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên tại nghĩa trang Cai Lậy tỉnh Tiền Giang…

Mọi việc tưởng như đã chôn sâu trong lòng bỗng ùa lên.

– Vậy thực sự em con đang ở đâu? Mẹ hỏi trong nước mắt. Con trai thứ hai của mẹ lúng túng như gà mắc tóc, ấp úng:

– Dạ, hơn 10 năm nay gia đình mình đã xác định ngôi mộ trên nghĩa trang Tây Nguyên là phần mộ của chú Thiêm. Năm nào chúng con cũng lên thắp hương, thăm nom…

Mẹ như hiểu được sâu thẳm câu chuyện. Mẹ nói như rót từng chữ:

– Mẹ biết mà. Chiến tranh điều gì cũng xảy ra. Thôi thì, nếu phần mộ trên nghĩa trang Tây Nguyên không phải mộ của thằng Thiêm nhà mình thì bữa nào các con lên đó thắp nhang khấn thay mẹ. Rằng đất nước ta là một. Liệt sĩ hy sinh vì đất nước, dù có hy sinh ở đâu cũng là liệt sĩ. Mẹ nhận liệt sĩ trong phần mộ ấy là con nuôi. Các con tiếp tục đến thăm nom, hương khói phần mộ ấy như đã làm từ hơn chục năm nay. Việc chưa xong phải tiếp tục làm là đi tìm phần mộ của thằng Cay. Sớm đưa nó về nằm cạnh ông bà và cha, mẹ…

Xuân sắp về, sau đại dịch Covid-19 xóm làng như hồi sinh. Lá rụng đầy sân. Gió heo may hun hút. Mẹ lại ngồi trên bậu cửa ngóng ra đường. Không biết đêm nay, thằng Cay có khoắc ba lô về làng như đêm qua hay không?

Trần Thế Tuyển

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây