TRẦM HƯƠNG
Nhiều năm trôi qua, câu chuyện kể của chị Hứa Cẩm Hiền – con gái út Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Nhân cứ ám ảnh tôi. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Nhân, sinh năm 1920, quê Thị xã Bến Cát, Bình Dương. Mẹ sinh 13 người con, chồng và 5 người con của mẹ ngã xuống cho Tổ quốc.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhân
Câu chuyện khởi nguồn từ ngày giỗ liệt sĩ Hứa Văn Phùng. Gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi là những tấm bằng trên bức tường phòng khách nhà chị Hiền. Những người hy sinh hiện hữu trên dương thế bằng những tấm bằng Tổ quốc ghi công, xếp hàng ngang.
Chị Hiền ngậm ngùi kể: “Mẹ tôi sinh 13 người con. Năm anh trai tôi hy sinh còn một anh đang làm hồ sơ truy nhận liệt sĩ. Mẹ tôi đặt tên con có vần cho dễ nhớ, là vầy: Trương, Phùng, Mới, Mậu, Tiếp, Dẫn, Vui, Hát, Chiến, Thắng, Út, Hiền. Tên đầy đủ của các anh hy sinh là Hứa Văn Trung, Hứa Văn Phùng, Hứa Văn Chiến, Hứa Văn Châu, Hứa Văn Vui. Anh Hứa Văn Mới đi giao liên, hy sinh mới 14 tuổi, cho đến nay vẫn chưa làm được hồ sơ truy tặng liệt sĩ”. Chị Hiền tỏ vẻ bức xúc. Ngước nhìn lên di ảnh mẹ Nguyễn Thị Nhân, tôi có cảm giác nỗi đau của người mẹ mất đi 6 đứa con trong cuộc chiến tranh vẫn còn nguyên vẹn, được truyền dẫn sang chị.
Sẽ không có gì đặc biệt ở chân dung một người mẹ quê kiểng, mờ nhạt nếu ta vô tình lướt qua. Nhưng ký ức những người con còn được sống sót đã dần làm bức chân dung của mẹ trở nên thật sống động. Dường như mẹ từ khung ảnh, bước ra cuộc đời, máy môi cử động kể về nỗi đau mà mẹ chôn giấu suốt nhiều năm. “Ờ, mà sao thằng Phùng hồi đó không chịu kể thiệt chuyện nó với con Sơn để bây giờ đỡ khổ tâm. Thằng nhỏ giống cha như đúc mà mình không dám nhận. Cá trong giỏ nhà người ta rồi, biết mở miệng sao đây?!”.
Liệt sĩ Hứa Văn Phùng
Mẹ nhớ trước chiến dịch Mậu Thân, anh Phùng gặp mẹ, hồ hỡi báo tin: “Mẹ à, con đã hứa hôn với một người con gái”. “Vậy hả, rồi cưới hỏi làm sao đây?”. Mẹ mừng rỡ hỏi lại anh. Con đi chiến đấu, chiến tranh ngày càng ác liệt, mẹ thầm mong anh lấy vợ sinh con, rủi anh có bề gì, mẹ còn có cháu ẵm bồng. Anh cười cười, bối rối: “Tình hình căng quá. Đơn vị con được lệnh xuống đường. Xong trận “dứt điểm” này, con mới yên tâm lấy vợ!”.
Phùng là đứa con trai chín chắn, hiếu thảo. Mẹ cưng anh nhất nhà. Anh vội vã từ biệt mẹ ra đi. “Nó đã hứa hôn với người ta. Người nó chọn chắc không tệ”. Mẹ thầm nghĩ, cũng không trách anh Phùng sao quyết định một việc hệ trọng mà không hỏi qua mẹ. Nếu chuyện này xảy ra mấy năm trước, chắc hẳn mẹ sẽ trách anh, sẽ hờn dỗi. Nhưng những tang thương mất mát liên tiếp dội xuống cuộc đời, khiến mẹ ngày càng trân quý dấu hiệu của sự sống. “Ừ, nó gặp được đứa con gái tâm đầu ý hợp, người ta chịu lấy nó là phúc ba đời rồi!”.
Nghĩ vậy nên khi anh đi rồi, mẹ lặng lẽ lấy ra chiếc túi rút giấu dưới đáy tủ, tất tả ra chợ, rẽ vào tiệm vàng mua một đôi bông tai. Mẹ cất chiếc hộp đựng nữ trang đỏ chói vào chiếc túi rút, quấn thêm mấy lớp vải, về nhà nhét vào một chỗ kín đáo trong bức vách. Mẹ định bụng khi gặp lại, mẹ sẽ đưa cho con trai đôi bông tai này, cho anh đi cưới vợ.
Chồng mẹ, ông Hứa Văn Châu hy sinh năm 1965, trong trận địch ném bom ở Trảng Bàng, Tây Ninh khi đứa con trai út mới hai tuổi. Nghe tin báo tử, mẹ xuống hầm nằm khóc, tránh cặp mắt theo dõi của tên trưởng ấp. Một mình nuôi đàn con, vừa đào hầm bí mật nuôi giấu, tiếp tế cho cách mạng; bao nhọc nhằn, mưa nắng nên mẹ rất mong con mình có đôi, được hạnh phúc, cho dù chiến tranh tàn khốc, sự sống và cái chết rất mong manh.
Nhưng rồi anh Phùng không trở về. Anh được tuyển quân vào Tiểu đoàn Phú Lợi, hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân, khi xuống đường tấn công vào nội đô Sài Gòn. Mẹ không kịp gởi đôi bông cưới cho cô gái anh Phùng đã hứa hôn, hẹn “xuống đường” giành chiến thắng, sẽ đưa cô về ra mắt mẹ. Nỗi đau không đừng lại ở đó. Năm tháng qua đi, mãi sau ngày hòa bình, chị Sơn mới có dịp tìm đến thăm gia đình mẹ. Chị dắt theo một đứa bé trai trạc 7 tuổi, có gương mặt sáng sủa, đĩnh ngộ.
Thoạt nhìn, mẹ cơ hồ đứng tim, bởi đường nét, cung cách đứa bé giống anh Phùng như đúc. “Nó có phải là…”. Thiếu phụ lắc nhẹ đầu, để mặc những giọt nước mắt tuôn rơi. Cho đến lúc đó, mẹ mới biết nỗi đau mà chị Sơn phải gánh chịu. Chị kể phần đời của chị sau khi anh Phùng hy sinh. Đi đâu, chị cũng có cảm giác bên chị là hình ảnh người chiến sĩ quân giải phóng đội nón tai bèo đi theo, vui buồn cùng chị, an ủi chị. Chị bị chỉ điểm làm giao liên cho đoàn quân xuống đường, buộc phải lấy một tên cảnh sát để được yên thân. Mấy tháng sau, chị sinh đứa con đầu lòng. Gia đình chồng cũng có nghi ngờ đứa con thiếu tháng, nhưng người chổng gạt đi…
Rồi đứa con thứ hai ra đời. Chị Sơn chôn xuống đáy lòng tình yêu đầu đời, sống thầm lặng cùng người chiến sĩ quân giải phóng trong tâm tưởng. Chị chu toàn bổn phận làm vợ, làm mẹ nhưng phần hồn thuộc về người chiến sĩ quân giải phóng tiến về nội đô đã hy sinh. Đó là bí mật cuộc đời chị. Mẹ lục tìm chiếc túi rút ngày xưa, lấy ra đôi bông vàng đính cẩm thạch xanh trao cho chị. Chị lắc đầu, nói trong nước mắt: “Mẹ ơi, con không thể nhận lấy kỷ vật này. Con không xứng đáng”.
Mẹ ôm chị, giọng cũng ngạt đi vì nước mắt: “Con đừng nói vậy, chẳng qua là hoàn cảnh. Con giữ đi. Đợi thằng nhỏ lớn lên, lấy vợ, con tặng cho vợ nó!”. Chị Sơn nhận đôi bông cưới nhưng phủ nhận đứa bé là con của anh Phùng. Chị khẩn khoản nói: “Hãy để mọi điều ngủ yên mẹ à!”. Chị mở chiếc khăn, lấy ra bức di ảnh anh Phùng, nghẹn ngào: “Con đã giữ bức ảnh này nhiều năm rồi. Giờ con đưa hình hài anh Phùng về cho mẹ!”.
Chị Sơn ngước nhìn lên bàn thờ. Tang thương mất mát trong ngôi nhà mẹ quá lớn. Dàn hàng ngang trên bức tường là những tấm bằng Tổ quốc ghi công. Nào đâu chỉ có anh Hứa Văn Phùng mà chồng mẹ – ông Hứa Văn Châu, người cán bộ làm nhiệm vụ kinh tài, cung cấp lương thực cho đoàn 83 hy sinh ở tuổi 50.
Mẹ rưng rưng kể cho chị Sơn nghe về câu chuyện người con trai đầu – anh Hứa Văn Trương hy sinh trong trận điều nghiên đánh vào Phước Thành, giải cứu 300 tù chính trị. “Trước khi ra trận, nó được truy điệu sống cùng tổ đặc công ba đứa. Rồi mẹ kể về đứa con gái Hứa Thị Vui – một y sĩ giỏi nghề, xinh đẹp, hy sinh ở Trảng Bàng, Tây Ninh sau mấy tháng mẹ nhận tin báo tử anh Phùng. Còn chú Hứa Văn Chiến là chiến sĩ an ninh Dầu Tiếng đi trinh sát bị địch phục kích, đã bắn đến viên đạn cuối cùng cho đồng đội thoát khỏi vòng vây.
Mẹ thở dài, nhìn lên những tấm bằng Tổ quốc ghi công: “Trong những người nằm xuống, chỉ có thằng Chiến là tìm được hài cốt, còn cha tụi nó, thằng Trương, thằng Phùng, con Vui, thằng Mới thì hài cốt thất lạc, không có bức di ảnh nào. May nhờ con giữ được bức ảnh thằng Phùng nên giờ mẹ mới có ảnh con để thờ!”. Câu chuyện sau ngày hòa bình cứ dài theo chuyện người hy sinh. Mỗi khi nhớ đến đứa con trai Hà Văn Mới, đi làm giao liên, hy sinh khi mới 14 tuổi là tim mẹ thắt lại. Cho đến nhiều năm về sau, mãi đến khi mẹ mất, hồ sơ truy tặng liệt sĩ cho Hồ Văn Mới vẫn chưa hoàn tất.
Chị Hứa Cẩm Hiền (đứng giữa, con gái út Mẹ VNAH Nguyễn Thị Nhân),
người có nỗi đồng cảm sâu sắc với chị Sơn
Nhiều năm sau, cứ đến ngày giỗ anh Hứa Văn Phùng là chị Sơn về thăm mẹ. Đôi lần, chị ôm mẹ khóc nức nở. “Mẹ ơi, phải chi anh Phùng còn sống…”. Chị nghẹn ngào, tức tưởi. Mẹ cùng hòa với chị dòng nước mắt, khi biết chị không hạnh phúc. Sau ngày hòa bình, chị quyết định ly hôn với người sĩ quan cảnh sát, một mình nuôi con.
Chị Hứa Cẩm Hiền – con gái út mẹ Nguyễn Thị Nhân có nỗi đồng cảm sâu sắc với chị Sơn. Chị kể: “Sau này, khi mẹ mất rồi, tôi và chị Sơn vẫn thường gặp nhau. Ngày giỗ anh Phùng, hai chị em cứ ôm nhau khóc. Tôi nhiều lần van nài: “Nhưng nếu nó là con anh Phùng, chị phải trả về cho nó nhân thân người cha liệt sĩ. Nó còn cả một tương lai!”. Chị lộ vẻ đau khổ nhưng kiên quyết: “Anh Phùng chết rồi, không ai tin chị. Đứa nhỏ sẽ lớn lên bằng chính đôi chân nó. Chị sẽ dạy con sống đàng hoàng, tử tế để mọi người yêu thương, tự hào về nó”. Tôi im lặng, tôn trọng quyết định của chị. Đứa bé ấy nay đã là một chàng trai trưởng thành, là một chiến sĩ công an. Có lã, đó cũng là một điều an ủi cho linh hồn mẹ tôi và người anh trai…”.
Chị Hứa Cẩm Hiền (đứng giữa, con gái út Mẹ VNAH Nguyễn Thị Nhân), người có nỗi đồng cảm sâu sắc với chị Sơn