Thứ ba, Tháng chín 17, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCMắc nợ trang viết về những anh linh

Mắc nợ trang viết về những anh linh

Có chút ngỡ ngàng thao thiết tâm can khi đến Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát thuộc huyện Tân Biên của tỉnh Tây Ninh, cách TP.HCM 135km, phía tây có sông Vàm Cỏ Đông bao bọc, thượng nguồn từ Campuchia, phần chảy sang nước Việt có chiều dài khoảng 20km, lòng sông rộng 10 – 20m, là ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam – Campuchia.

Theo thống kê, diện tích Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát là 19.156ha, riêng khu rừng đặc dụng chiếm tới 26% tổng diện tích rừng che phủ tự nhiên của tỉnh Tây Ninh. Hệ thực vật có tới 696 loài và cây có thể dùng làm thuốc có tới 158 loài, cây cho gỗ là 58 loài, cây làm cảnh 21 loài, cây thực phẩm là 10 loài và cây dùng làm rau là 7 loài. Hệ động vật số lượng lên tới 58 loài bò sát, 28 loài ếch, 88 loài cá, 128 loài côn trùng, có một số loài quý hiếm như: voọc chà bá chân đen, voọc bạc Đông Dương, cu li nhỏ, hệ chim với số lượng lên tới 203 loài trong đó có nhiều loài chim nước quý hiếm như Giang sen, Già đẫy Java, Cò nhạn, Le khoang cổ…

Khi gần như các vùng lân cận rừng đã trắng, thì nơi đây như một thiên đường của thiên nhiên với rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, xanh đến ngút mắt, xanh đến thẳm xanh, xanh cả màu nước sông nước suối, một màu xanh rừng đẹp đến ngây ngất… Ngồi trên ghe chạy dọc đường biên giới thủy, thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, nhìn ven bờ là những vệt xanh rừng ngập nước, nghe trỗi dậy tình yêu như mật ngọt với rừng, đặc biệt, về phía Việt Nam có một rừng Gừa cổ thụ, có những gốc ngàn tuổi rễ chằng chịt quấn níu như đan móc cắm sâu vào lòng sông sâu, thảm lá rụng hình như cả mấy trăm năm chồng chồng lớp lớp…

Đoàn cán bộ về thăm và tìm hiểu Khu Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Và khi đến đây, ngồi dưới bóng Gừa, nằm trên thảm lá, nghe những câu chuyện về cuộc chiến giữ đất giữ rừng qua các cuộc chiến tranh, cảm nhận tình yêu từng tấc đất Tổ quốc thiêng liêng đến nghẹn ngào… Trong cái nắng hanh hao cuối mùa khô, đi trong những tán rừng, theo vệt đường tuần tra biên giới, nghe sao lòng mình cũng xanh mát dịu ngọt, để lắng đọng tâm can cảm xúc thiêng liêng khi chạm tay vào cột mốc quốc gia 132-2, mắt bỗng cay cay…

Lò Gò – Xa Mát, nơi trảng cỏ Tà Nốt, chiều rơi dần, vệt nắng cuối ngày cũng chạy từ từ nơi trảng cỏ về phía bên kia của nước bạn. Trên tháp 7 tầng ở độ cao 33m, trong bạt ngàn gió, trong bạt ngàn mây, thinh không vài cánh cò chao liệng. Phóng tầm mắt quan sát cả một vùng biên cương rộng lớn, bên bạn là màu đất đỏ trống huơ trống huếch, bên này mình là vạt rừng xanh, xanh đến thắt lòng, se sắt lo làm sao giữ được màu xanh bền vững… Nghe nói, tới mùa mưa, trảng ngập nước và cỏ, cỏ sẽ làm nên một thảm xanh non tuyệt đẹp, soi bóng mình trên mặt nước là mềm mại nhánh cỏ lung linh vờn quanh, tạo bóng ảnh như thơ như mộng.

Khu Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Nghe cái chữ “về nguồn”, “địa chỉ đỏ” sao như một linh thiêng khó diễn tả. Băng mình trong khu rừng già, giữa tiếng ca của đoàn người những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng, bỗng như xuyên không thời gian ngược về nửa thế kỷ trước, để nghe âm vang “ra đi bảo tồn sông núi/ ra đi thà chết chớ lui…”. Không phải là lần đầu tới đây, nhưng hình như mỗi lần đặt chân vào chiến khu “R”, là một niềm phấn khích kỳ lạ, như có một dòng chảy rần rần trong người, như đang là chiến sĩ Giải phóng hành quân ra trận năm xưa…

Bắc Tây Ninh – Thánh địa của kháng chiến, trong 15 năm, từ khi ngọn lửa Ðồng Khởi 1960 đến ngày thống nhất đất nước 1975, cơ quan Trung ương Cục miền Nam đã đứng chân vững chắc tại vùng rừng núi nguyên sinh hiểm trở với nhiều tầng cây che phủ Rùm Đuôn, Chàng Riệc, thuộc địa bàn huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Nơi đây ghi dấu cuộc sống và làm việc trong những tháng năm kháng chiến trường kỳ gian khổ của các nhà lãnh đạo lỗi lạc, những nhà hoạt động chính trị – xã hội và những nhân sĩ trí thức yêu nước nổi tiếng của Ðảng, Nhà nước và Quân đội ta.

Nhà làm việc của đồng chí Nguyễn Chí Thanh.

Căn cứ Trung ương Cục đã đi vào lịch sử với biệt danh bất tử là “R”. Từ “R”, các lãnh đạo cuộc cách mạng đã chỉ đạo làm nên chiến thắng, từ “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Chiến tranh phi Mỹ hóa và Việt Nam hóa” đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, đặc biệt chiến thắng trận càn Junction City của Mỹ từ 22/2 – 14/5/1967 đánh trực diện vào “R”.

Những tướng lĩnh Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam gọi “R” là “Nhà trắng và Lầu năm góc của Việt Cộng giữa rừng già”. Trong những năm 1965 – 1967, nhiều ký giả và nhà văn quốc tế đã đến thăm căn cứ “R” huyền thoại như phóng viên Báo Sự thật của ĐCS Liên Xô, phái đoàn Báo chí – Nhiếp ảnh – Truyền hình Trung Quốc, nhà báo Úc – Wilfred Graham Burchett, nhà báo Báo Nhân đạo của Ðảng Cộng sản Pháp – Madeleine Riffaud, nhà văn – nhà báo Ba Lan – Monika Warnenska, phái đoàn báo chí Triều Tiên, phái đoàn báo chí CuBa…

Nhà làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Sau khi về nước, họ đã viết nhiều cuốn sách và những thiên phóng sự rực lửa chiến trường Việt Nam, góp vào tiếng nói của những người bạn quốc tế yêu hòa bình ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống xâm lược Mỹ.

Rừng ở đây còn gắn với những cái tên lãnh đạo đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Việt Nam. Suối Nhung, suối Linh gắn với tên đồng chí Bí thư Xứ ủy, Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh; suối Mây, “núi Ðất” gắn với tên Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh; suối Tiên Cô, Rùm Ðuôn, Chàng Riệc gắn với tên đồng chí Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng; suối Chò, trảng A Lân gắn với tên Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát…

Buổi chiều nhạt nắng rừng, bên con suối Chò mùa nước cạn, in bóng lá trong xanh tới đáy nước, những tảng đá lô xô rêu trơn mượt. Được biết nơi đây từng là Bến tắm tiên của các nữ chiến sĩ trong “R”, bỗng nghe lao xao trong gió tiếng con gái cười đùa vọng vang rừng. Chợt rưng rưng nghẹn người khi nghe câu chuyện nữ liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh, con gái thứ ba của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, đã hy sinh anh dũng tại đây…

Có khoảnh khắc giữa trưa nắng, khi chúng tôi đến đây, cả khu rừng cây bỗng yên ả đến kỳ lạ. Không biết có phải hương linh 14 ngàn liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, trong đó có gần 700 liệt sĩ là người Hà Nội, nằm trên đồi 82 thuộc chiến khu “R” đang lẩn khuất nơi này? Đang thầm nhắc cho chúng tôi, những nhà văn, không để họ bị lãng quên trên những trang viết của mình.

Bình minh rừng sau mưa trong veo an yên đến ngọt ngào, chỉ có tiếng chim hót chào nắng đang bừng lên trên các ngọn cây, thi thoảng vài tiếng rơi tinh nghịch của giọt mưa đọng trên lá xuống thảm lá khô… Chợt nhớ cũng tháng Tư, khi phỏng vấn một cựu giải phóng quân – nhà văn cho bài báo có tên “Ngày dài nhất của chiến tranh” về ngày 30/4, ông đã nhắc đến khu rừng: “Nghe tin ta đã cắm cờ trên Dinh Độc Lập, tôi và mấy anh em ở R lẳng lặng ra rừng, mỗi người một góc ngồi khóc. Khóc vì mừng, khóc vì thương đồng đội đã hy sinh. Đêm đó, nghe tiếng súng bắn lên trời rất nhiều, nhưng không phải là tiếng súng của chết chóc mà như tiếng gọi bầy báo tin vui cho nhau…”.

Còn trong tôi là bao cảm xúc dù không phải lần đầu tới miền rừng này, nhưng mỗi lần tạm biệt lại một lần cảm giác mình còn mắc nợ những trang viết về nơi đây, mắc nợ những anh linh liệt sĩ “R”, những liệt sĩ miền biên viễn Tây Nam ở Tây Ninh.

Tây Ninh – TP.HCM

Hoài Hương

Bài trước đó
Bài tiếp theo
Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây