Liệt sĩ Nguyễn Việt Hồng
“Ngày 17/3, ngày Nguyễn Việt Hồng hy sinh. Tôi viết bài này để tưởng nhớ về người em “họ Lý”. Trang lưu bút là kỷ vật duy nhất của em, tôi đã cất giữ nhiều năm, nay xin được đăng để bạn bè của Hồng nhìn thấy dòng chữ của người bạn thân thương đã đi xa!”
Tôi cũng có một thời là học trò, cũng được học qua nhiều ngôi trường từ phổ thông lên đại học nhưng đối với tôi, Trường Lý Tự Trọng khu Tây Nam Bộ là chiếc nôi là bệ phóng đầu tiên đưa tôi vào đời dưới đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của thầy, cô đã điều khiển đường bay đi đúng quỹ đạo, đưa chúng tôi đến đích “Học để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, học để cải tạo thế giới”. Điều đó, đã được kiểm nghiệm qua chặng đường dài kháng chiến.
Năm 1967 là niên khóa cuối cùng, cả lớp chia tay giã từ mái trường thân yêu lên đường làm nhiệm vụ: người ra tiền tuyến, kẻ ở hậu phương nhưng đều cùng chí hướng, cùng lý tưởng, cùng môt hoài bão ước mơ khi dẹp xong giặc xây dựng lại quê hương xứ sở đẹp tươi. Đầu năm 1969, qua đài phát thanh bất ngờ nghe tin Nguyễn Việt Hồng người nữ biệt động của thành đội thành phố Cần Thơ đã anh dũng hy sinh. Tôi nghẹn ngào xúc động… vội tìm lại trang lưu bút của Hồng viết lúc chia tay, tìm lại tấm hình năm xưa em trao tặng. Những phút suy tư hoài niệm về hình ảnh thân thương của người em mồ côi cha đồng cảnh ngộ, nhớ tính cương trực thẳng thắng nhưng rất tình cảm của em… Trang lưu bút đã theo tôi qua những năm dài chiến tranh lửa khói, tôi gìn giữ kỷ vật quý giá này để nhớ nhau hoài về một thời học trò đẹp nhất!
Sau khi chia tay, em vào đội biệt động thành phố Cần Thơ ngày đêm hăng say miệt mài công tác, xung phong lãnh về phần mình mọi gian khó nguy nan. Em hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sau đó, địch phản công chiến sự nổ ra gay gắt, lực lượng ta tổn thất, ta và địch giằng co giành thế chủ động trên chiến trường…
Đầu năm 1969, phối hợp chiến đấu toàn diện trên mặt trận, đội biệt động thành phố Cần Thơ hạ quyết tâm hành động: mục tiêu đầu tiên được chọn là cư xá Mỹ trên đường Quang Trung, Cần Thơ. Nguyễn Việt Hồng nữ biệt động trẻ, gan dạ mưu trí được giao cho nhiệm vụ quan trọng đánh vào cư xá Mỹ. Sau thời gian nghiên cứu, điều tra quy luật canh phòng, đi lại của bọn Mỹ, nắm được sơ hở của chúng, Hồng quyết định hành động. Một quả mìn nổ chậm có hẹn giờ được Hồng đặt đúng vị trí đã chọn. Hồng trở về điểm hẹn an toàn. Hồi hợp, căng thẳng chờ đơi đến giờ G. Thời gian trôi qua, chỉ còn 5 phút, 4 phút, 2 phút… rồi từng giây, từng giây một… khắc khoải đợi tiếng nổ quyết định số phận của bọn Mỹ, nhưng chỉ có âm thanh quen thuộc ồn ào của đường phố vọng lại.
Hồng suy nghĩ, có sự cố gì đây? Chúng có phát hiện và vô hiệu hóa quả mìn chăng? Nếu mìn bị lép sẽ lộ mục tiêu…Bao nhiêu lo lắng ập đến, Hồng phải làm gì đây? Hồng quyết định trở lại nơi đặt mìn, khi có bao nhiêu lời cản ngăn vì quá nguy hiểm cho Hồng. Trong trí Hồng, hình ảnh người cha hy sinh, bạn bè đồng đội thân yêu ngã xuống; Hình ảnh làng quê bị bom cày đạn xới… Một ý nghĩ táo bạo thúc giục phải trả thù và không để mục tiêu bị lộ.
Hồng đã đem được trái mìn ra, chẳng may trên đường về mìn phát nổ… Cảnh sát ập đến bắt Hồng đưa vào nhà thương Thủ Khoa Nghĩa. Chúng quyết tâm chữa trị để mua chuộc khai thác, để lung lạc tinh thần đồng đội của Hồng. Đôi chân của Hồng bị gãy nát, thương tích đầy người nhưng mỗi lần tỉnh lại Hồng lên án tội ác của bọn Mỹ ngụy, vạch mặt bọn xâm lược … Dụ dỗ mua chuộc không được, không khuất phục được tinh thần thép của Hồng, chúng chuyển sang dùng mọi cực hình khảo tra tàn nhẫn. Nhưng lúc này Hồng càng thể hiện khí phách hiên ngang của người chiến sĩ biệt động thành, làm cho những tên gian ác phải khiếp đảm.
Một hôm khi thấy tên cố vấn Mỹ, Hồng bỗng thay đổi thái độ ra hiệu muốn nói chuyện với hắn. Tên Mỹ mừng thầm ngỡ rằng đã khuất phục được người con gái mảnh dẻ, yêu kiều. Bỗng dưng, Hồng cố hết sức bình sinh rướn tới cắn phập chặt vào cổ tên cố vấn Mỹ, nó giãy giụa kêu cứu… Những người chứng kiến vừa kinh ngạc vừa kính phục, thương tiếc người con gái nhỏ nhắn anh hùng! Bầy quỷ dữ ùa vào hành hạ khảo tra Hồng cho đến chết vào ngày 17/3/1969.
Trong những năm công tác ở chiến trường ác liệt, một lần gặp mẹ (cô Ba Tốt) Hồng nói “Con có chết thì chết cho nó đã…”, lời tâm sự với mẹ đã được minh chứng bằng cái chết làm rúng động không chỉ thành phố Cần Thơ mà cả nước biết tên Hồng, người con gái mới 18 tuổi đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, nhân dân, bạn bè tiếc thương, kính trọng. Ngày 10/2/1970, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định truy tặng Nguyễn Việt Hồng Huân chương chiến công hạng nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân giải phóng. Ngày nay, thành phố Cần Thơ có ngôi trường THPT mang tên người nữ anh hùng NGUYỄN VIỆT HỒNG!
MAI PHƯƠNG-
* Bài viết hưởng ứng cuộc vận động viết về đề tài thương binh liệt sĩ. đã đăng trên đặc san” LINH KHÍ QUỐC GIA” số xuân nhâm dần.