Thứ tư, Tháng chín 18, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCBẠN ĐỌC VIẾTCẢM NHẬN VỀ NHỮNG TÁC PHẨM CỦA TRUNG TƯỚNG LƯU PHƯỚC LƯỢNG

CẢM NHẬN VỀ NHỮNG TÁC PHẨM CỦA TRUNG TƯỚNG LƯU PHƯỚC LƯỢNG

Sau tác phẩm tự truyện Dấu ấn cuộc đời xuất bản năm 2018 nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, Trung tướng Lưu Phước Lượng tiếp tục cho ra mắt tập sách mới của ông mang tên Luận bàn và suy ngẫm – góc nhìn thực tiễn (NXB Quân Đội Nhân Dân). 

Luận bàn và suy ngẫm từ góc nhìn thực tiễn của một vị tướng

Nếu như Dấu ấn cuộc đời kể về quá trình hoạt động cách mạng của Trung tướng Lưu Phước Lượng và mang nhiều dấu ấn cảm xúc cá nhân, thì Luận bàn và suy ngẫm – góc nhìn thực tiễn là tập sách chuyên khảo, gồm các bài viết, phát biểu của ông ở nhiều giai đoạn khác nhau, khi đang ở các cương vị công tác khác nhau trong quân đội, mang tính khoa học và chính luận rõ nét. Do đó, Luận bàn và suy ngẫm – góc nhìn thực tiễn là một tác phẩm độc lập, nhưng đồng thời cũng có thể xem đây là là sự bổ sung thú vị cho Dấu ấn cuộc đời, để người đọc hiểu thêm về góc nhìn, quan điểm của tác giả đối với nhiều vấn đề khác nhau trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng của đất nước.

Trung tướng Lưu Phước Lượng từng là Phó tư lệnh về chính trị Quân đoàn 4, Phó tư lệnh về chính trị Quân khu 9, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Do đó, trong tập sách có nhiều bài viết thể hiện quan điểm của ông về các vấn đề liên quan tới vùng Tây Nam Bộ và TP.HCM, đáng chú ý là Công tác Đảng, công tác chính trị trong bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc; Mấy kinh nghiệm chỉ đạo Đội công tác tuyên truyền vận động quần chúng trong đồng bào Khơ me trên địa bàn Quân khu 9, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư phát triển Đồng bằng song Cửu Long; Mấy ý kiến về vấn đề đầu tư ở Campuchia; Phải ổn định guồng máy và có phương án tốt trong bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.HCM… “Góc nhìn thực tiễn”, hay nói cách khác, góc nhìn của một người lính, một vị tướng đã có những năm tháng lăn lộn chiến đấu, bảo vệ và xây dựng vùng Tây Nam Bộ thể hiện rõ nét ở những trang viết này.

Chẳng hạn, bài Mấy kinh nghiệm chỉ đạo đội công tác tuyên truyền vận động quần chúng trong đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn quân khu 9 cho thấy những kinh nghiệm quý báu này đã được tác giả rút ra trên cơ sở hiểu một cách sâu sắc tính cách, tập quán, lối sống, tín ngưỡng..  của đồng bài Khmer: “Hầu hết đồng bào Khmer Nam bộ theo Phật giáo Tiểu thừa Nam Tông… Vai trò của các chức sắc tôn giáo có tác động rất lớn trong đời sống đồng bào. Do đó cán bộ đội công tác cần phải gần gũi, quan hệ chặt chẽ với các sư sãi, A Cha… gây được lòng tin ở họ, thông qua họ để tuyên truyền, vận động quần chúng”.

Một vấn đề quan trọng thường được tác giả đề cập là làm sao nhận thức đúng và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Trong phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ VIII (tháng 11.2005) Thiếu tướng Lưu Phước Lượng khẳng định đây là một việc rất phức tạp trong bối cảnh quan hệ đối ngoại được rộng mở theo yêu cầu hội nhập; phân tích sâu sát tình hình, và kiến nghị những việc cần làm. Ông tiếp tục luận bàn về vấn đề này trong nhiều bài viết khác, như Cần nhận rõ chiến lược “diễn biến hòa bình” của Mỹ và sự chống phá của các thế lực thù địch đối với VN (2019), Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động để phòng chống “diễn biến hòa bình” hiệu quả hơn nữa (2019)…

Đặc biệt, ông đã phân tích Về cái gọi là “phi chính trị hóa” quân đội nhân dân Việt Nam trong thời điểm hiện tại, để chỉ ra rằng, việc kiểm tra, rà soát, xử lý kiên quyết những mặt yếu kém trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, trong thực hiện chức năng quân đội làm kinh tế là công việc bình thường trong xây dựng quân đội, nhưng lại bị những thế lực chống phá lợi dụng, lớn tiếng đòi “phi chính trị hóa” quân đội. Họ cho rằng như thế mới có thể khắc phục những yếu kém nêu trên. Bằng các lập luận và dẫn chứng xác đáng từ những gì đã xảy ra ở Liên Xô trước tháng 10.1991, tác giả mạnh mẽ bác bỏ đòi hỏi này: “Thực chất đòi hỏi này là tách rời quân đội khỏi sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng cộng sản Việt Nam đối với quân đội, và đó là phương thức, bước đi để xóa bỏ Đảng và chế độ chúng ta”.

Cuốn sách còn thể hiện sự quan tâm của tác giả tới nhiều vấn đề khác, như rèn luyện thanh niên trong môi trường quân đội, phẩm chất cần có của nhà lãnh đạo, những phương án để bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.HCM, ứng xử lành mạnh, đúng mực trên mạng xã hội… Ở vấn đề nào tác giả cũng thể hiện sự phân tích sắc bén trên cơ sở lập trường chính trị vững vàng và sự am hiểu thực tế cuộc sống liên quan tới vấn đề bàn luận.

Các bài viết này được chính Trung tướng Lưu Phước Lượng tập hợp đưa vào sách khi đã trở về với cuộc sống đời thường. Ông thể hiện một tư duy hết sức cởi mở, cầu tiến: “Có việc, tôi nghĩ đúng vào thời điểm đó, phù hợp với đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, song thực tiễn công cuộc đổi mới của Đảng ta luôn vận động, biến đối theo đúng quy luật khách quan và xu thế tất yếu của thời đại. Vì vậy, với góc nhìn, nghĩ “đúng trong thời điểm đó” lại có thể trở thành lực cản cho sự phát triển của đất nước”. Do đó, cuốn sách là nơi ông “hệ thống lại và bày tỏ góc nhìn của bản thân ở từng thời điểm bấy giờ, để có thể suy ngẫm, rút ra những bài học quý giá trong cuộc sống”.

Xuyên Vân  

Dự bữa tiệc mừng Xuân Giáp Thìn tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, có lẽ đây là buổi gặp mặt lần cuối của Binh Đoàn Cửu Long, tôi được gặp lại Trung tướng Lưu Phước Lượng – Nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn.

Anh Năm Lượng về công tác ở Quân đoàn 4 sau khi tôi đã về nghỉ nên không được biết nhiều về anh nhưng xem cuốn hồi ức xuất bản lần đầu anh tặng tôi, tôi đã có ngay cảm tình với vị Trung tướng Năm Lượng.

Cũng như một vài người bạn chiến đấu tôi được gặp tại vùng đất Miền Đông gian lao mà anh dũng. Những nét đẹp của một thời hình như chứa đựng đầy đủ trong con người anh Năm: Thân thiện, khiêm tốn, dễ gần, dễ mến, mưu trí dũng cảm trong chiến đấu và đặc biệt là truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương.

Việc cho ra những tác phẩm văn học cũng đã nói lên đức tính kiên nhẫn, trí óc minh mẫn, lao động miệt mài của một “Anh Năm đất thép “.

Và dịp này tôi lại được anh tặng hai cuốn sách. Chưa xem, nhưng chắc chắn những cảm nghĩ về anh không thể khác được. Xin chúc mừng anh và gia đình!

Đại tá nhà văn Nguyễn Văn Hồng (Nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4)

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây