Thứ ba, Tháng mười 15, 2024

LÒNG DÂN

Trung tướng LƯU PHƯỚC LƯỢNG

Gia đình má Huỳnh Thị Gần, những người đã bảo vệ và che giấu các chiến sĩ Trung đoàn Quyết thắng trong Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 ở Thành phố Sài Gòn

 

Trung tướng Lưu Phước Lượng và má Hai Cây Thị – Huỳnh Thị Gần (năm 2000)

 Lời tòa soạn: Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Quân khu 9, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, từng là một người lính anh dũng xông pha trận mạc. Trong hồi ký “Dấu ấn cuộc đời” của mình, ông đã tường thuật lại những thời khắc ác liệt của cuộc Tổng tấn công nổi dậy mùa xuân năm 1968, làm lung lay tận gốc rễ chế độ Mỹ ngụy ở miền Nam.

Trong cuộc chiến cam go đó, có những thời điểm đơn vị quân giải phóng của ông bị địch bao vây, truy lùng giữa đô thị Sài Gòn. Chính nhờ sự đùm bọc, che chở hết lòng của người dân, ông cùng đồng đội đã thoát vòng vây an toàn, trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Tòa soạn xin trích đăng một phần hồi ký kể trên, tường thuật lại sự kiện đáng nhớ này.

“Tôi và Khoai quay trở lại nơi đơn vị tập kết trước khi hành quân ra (theo quy định của Trung đoàn, nếu bị lạc) và ở đây tôi đã gặp được 4 đồng chí nữa (đồng chí Tân – Tiểu đoàn phó, đồng chí Thôi – Chính trị viên phó Tiểu đoàn, đồng chí Thanh và đồng chí Hòa, Đại đội trưởng). Như vậy chúng tôi đã trở thành một nhóm 6 người. Nhận thấy khả năng thoát ra bằng con đường luồn lách tránh địch không còn nữa, chúng tôi đã quyết định “chém vè” trong nhà dân.

Sau nhiều lần bị lộ, bị địch bắn dữ dội và thay đi đổi lại để có một căn nhà cho “vừa ý” – tức là đảm bảo được độ an toàn cao, chúng tôi đã tìm được một căn nhà có khuôn viên xung quanh.

Sau khi tôi trổ được nóc nhà, tháo gỡ được mấy tấm tôn xi măng, cả tổ lần lượt vào bên trong, bám trần nhà. Trần nhà là một dàn cây cứng, bên dưới là những tấm carton mong manh. Lúc bấy giờ đã 1 giờ sáng ngày 17 tháng 5 năm 1968. Với vũ khí trong tay (không kể súng ngắn), gồm 1 khẩu AK tôi mang, một quả thủ pháo dù, hai quả lưu đạn M26, cả tổ thề sẽ quyết tử trong tình huống quyết định. Giờ nghĩ lại tình cảm cách mạng lúc đó sao mà thiêng liêng, đầy hy sinh và cống hiến, khi nghĩ đến Đảng và Bác Hồ.

Tại ngôi nhà đó, ngày thứ nhất trôi qua trong căng thẳng tột độ. Trời vừa sáng, từng toán thủy quân lục chiến lùng sục.

Xung quanh khu vực tác chiến đêm qua, nhiều tràng súng nổ của cả hai bên. Khoảng 10 giờ sáng, từ trần nhà nhìn xuống hẻm đổ ra đường Phan Văn Trị, từng tốp chiến sĩ ta, trong đó có nhiều thương binh đang bị địch đưa ra ngoài. Tôi đếm có khoảng hơn 100 chiến sĩ ta đã bị địch bắt.

Đến gần trưa, địch quay trở lại khu vực quanh nhà, sau đó leo vào bên trong khuôn viên, đập phá cửa và vào trong nhà. Chúng lục soát và cuối cùng đóng quân luôn tại đây. Diễn biến quá bất ngờ và cực kỳ căng thẳng, chỉ cần một tiếng động nhỏ, mọi việc tồi tệ có thể xảy ra. Cả nhóm trong tư thế sẵn sàng quyết tử. Trưa đến chiều tối hôm đó, ta trên trần nhà, địch dưới mặt đất và chúng cũng đã thoáng qua nghi ngờ có ai đó trên trần nhà qua lời nói của tên chỉ huy: “Tiểu đoàn trưởng nhắc là phải chú ý các nhà tầng, hôm qua đã có Việt Cộng trốn trên đó”. Mãi đến tối chúng mới tập kết ra đường lớn.

Ngày thứ hai, gia đình về, bọn địch không vào. Cả nhà dọn dẹp sửa sang lại nhà cửa. Vẫn căng thẳng, nhưng dễ thở hơn hôm qua rất nhiều. Chúng tôi theo dõi xem thái độ gia đình ra sao. Nhưng không nghe nói gì, chỉ thỉnh thoảng phiền trách đám lính quậy phá. Đêm gia đình không ở lại. Trước khi đi, họ để lại một số thức ăn trên bàn, cố tình nói lớn “ai có cần gì cứ lấy”. Đêm hôm đó, chúng tôi xuống đất, quan sát bên trong ngôi nhà, chỉ lấy nước uống rồi lại quay lên trần nhà.

Ngày thứ ba, từ sáng sớm, qua kẽ hở, tôi thấy một người đàn ông lớn tuổi cứ đi đi lại lại, rù rì việc gì đó với gia đình, tôi không nghe rõ. Sau đó ông bắc ghế để nhìn lên trần nhà, chúng tôi đã ở tư thế sẵn sàng. Khi nhìn thấy ông, tôi nói ngay: “Chúng cháu là quân giải phóng”. Ông thể hiện rõ sự thông cảm và thân thương. Ông vội khoát tay và nói: “Các chú có cần gì, cứ nói”. Chúng tôi trả lời bằng cái gật đầu đầy lòng biết ơn. Cuộc tiếp xúc giữa nhóm chúng tôi và gia đình bắt đầu, và chúng tôi xem cuộc gặp gỡ này như một sự kiện lịch sử của cả cuộc đời.

Đêm đầu tiên, những người thân trong gia đình nhìn chúng tôi như những “thiên thần” với cảm xúc mến mộ khó tả. Sau một lúc tâm sự, bà mẹ (chủ nhà) chủ động giới thiệu về gia đình với chúng tôi. Té ra, bà là chị ruột của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bà chậm rãi thổ lộ:

– Đây là bí mật của cả gia đình đã được giữ kín và không được nhắc tới trong suốt bao nhiêu năm nay.

Bà kể tiếp, trong các con của bà, người con gái thứ tư có chồng là quan chức làm việc trong chính quyền Sài Gòn, trưa nào cũng về nhà.

– Không biết nó nghĩ như thế nào khi biết chuyện này, có thể sẽ xảy ra rắc rối, khó xử – Bà băn khoăn nói – Vì vậy, giờ trưa “mấy con phải giữ im lặng”.

Và trưa nào người con gái thứ tư cũng tìm cách rủ chồng sớm rời khỏi ngôi nhà. Kể từ lúc đó, chúng tôi gọi bà (chủ nhà) là má – má Hai Cây Thị. Những ngày ở nhà má Hai, gia đình tâm sự rất nhiều. Và việc đầu tiên chúng tôi hỏi má Hai: Tại sao gia đình biết chúng tôi ở trên trần nhà? Má Hai nói, bác trai phát hiện có những luồng sáng nhấp nháy trên tường (do lớp carton bị hở ra với khung trần, vì quá nóng chúng tôi dùng tay quạt cho mát đã tạo ra hiện tượng trên); cái nữa, là mất một bình sành đựng nước uống (do chúng tôi đã lấy nước đưa lên trần nhà) và cuối cùng, gia đình cố tình để lại thức ăn mà sao vẫn còn nguyên vẹn. Phải truy cho ra những việc này.

Các anh chị trong gia đình đã tận tình chăm sóc cho anh em chúng tôi, từ việc chăm lo ăn uống, cắt tóc, điều trị các vết thương, mua sắm quần áo đến việc móc ráp cơ sở, bất chấp hiểm nguy cho cả gia đình.

Hơn nửa tháng ở nhà má Hai, khi không có mặt người con rể, chúng tôi được sinh hoạt thoải mái hơn. Bên ngoài, bọn địch vẫn chốt các ngả đường và lùng sục ngày đêm. Đầu tháng 6, chúng tôi được cơ sở tổ chức đưa ra ngoài trong một chuyến đi hợp pháp, nguy hiểm nhưng đầy thú vị, trong sự thân thương bịn rịn của má Hai và gia đình.

Đêm trước khi tôi rời khỏi nhà má Hai, má bày tỏ tình cảm mến thương đặc biệt đối với tôi, bà nói: “Con phải chú ý giữ gìn sức khỏe, người nhỏ và ốm yếu như vậy không đủ sức đi chiến đấu đâu! Còn việc vợ con để sau này má lo cho, mấy đứa nhỏ ở nhà (con gái của bà), nghe Quân giải phóng cũng mến mộ lắm!”. Tôi cười hồn nhiên và nhớ mãi lời nói đầy yêu thương nghĩa tình của bà.

Chị Bảy Hà (Đỗ Thị Trinh, sau này là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và chị Chín Nghĩa (Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ nhiệm Hợp tác xã thành phố, Anh hùng Lao động) được tổ chức giao nhiệm vụ, đã mưu trí, không ngại hiểm nguy đưa chúng tôi đến nơi an toàn.

Trung tướng Lưu Phước Lượng và má Hai Cây Thị – Huỳnh Thị Gần (năm 2000)

Nhớ lại, trước chuyến đi đầy mạo hiểm này, chị Bảy Hà là người đầu tiên vào phòng ngủ của gia đình, trao cho tôi giấy tờ giả, là cán bộ bình định nông thôn, đồng thời sinh hoạt “nội quy” đi lại trên đường; “tuyệt đối không nhìn vào mặt “bọn lính”, mọi việc để tôi đối phó. Chị nói: “Bây giờ tôi đưa anh đi một đoạn đường, rồi sẽ giao cho một chị cũng đi xe Honda, đưa anh đi tiếp”.

Vừa bước ra cửa, đã có hai lính thủy quân lục chiến đứng trước cổng, chị Bảy nhanh nhẹn bồng cháu bé trên tay má Hai rồi nói: “Chị trả em bé lại cho má Hai”, rồi đẩy xe Honda ra cổng, nổ máy. Chị và tôi lướt qua hai tên lính đang nhìn theo.

Đi được một đoạn trên đường Nơ Trang Long ngày nay thì xe dừng lại bên lề đường. Ngồi sau xe chị Bảy, tôi nghe chị Chín Nghĩa (sau này mới biết) người đang chờ đưa tôi đi tiếp, trách chị Bảy Hà sao đến chậm theo hiệp đồng? Rồi chị giả vờ xe bị hư, đi ngay không được. “Anh giả bộ sờ lắc bugi giùm tôi” – chị Chín Nghĩa nói. Tôi đụng vào cái bugi, nhưng không dám đụng mạnh, sợ nó hỏng hóc thì thật nguy hiểm.

Bằng động tác nhanh nhẹn, chị đạp cho xe nổ máy, tiếp tục đưa tôi đi đoạn đường tiếp theo. Chị dặn: “Mình phải đóng kịch như người tình mới qua mặt được mấy thằng lính này”. Tôi thấy ngại quá. Quân giải phóng tuổi còn trẻ đâu có quen cái cảnh này. Chị nhắc lại: “Sắp đến cầu Bình Lợi, lính đông lắm! Anh cứ tự nhiên!”.

Thật sự tôi cố gắng hết sức, để tự nhiên làm đúng như lời chị. Nhắc lại kỷ niệm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn để bày tỏ sự cảm ơn chân thành của tôi đối với hai chị”.

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây