MẠC PHƯƠNG MINH
Gần 50 năm trước, non một tháng kể từ khi rời xưởng Dược Tây Nam Bộ, bắt đầu chuyến đi đầy gian nan, trắc trở: Từ vùng Đất Mũi, sau khi hoàn tất các thủ tục, hồ sơ cần thiết, cô gái quá giang đơn vị bộ đội hành quân lên đất Rạch Giá, nhập trạm giao liên bên sông Ba Đình; làm căn cước giả; đi hợp pháp từ Rạch Sỏi đến Long Xuyên, lên Châu Đốc, qua Tân Châu, sang Campuchia đi đường bộ; rồi bị binh trạm giam lỏng vì nghi là “phượng hoàng”…
Cuối cùng cô gái cũng đã đến được trạm cuối của tuyến giao liên miền Tây – miền Đông. Một mình lẻ loi làm khách đi lên, trong khi điệp trùng bộ đội đổ về miền Tây. Hạnh phúc được gặp mẹ đã cho cô gái nghị lực vượt qua mọi gian nan thử thách, không chỉ trên từng cung đường mà cả trong cuộc sống 19 năm qua của con gái.
Bao nhiêu yêu thương mong nhớ; bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn; bao nhiêu điều cần được mẹ giải đáp, được mẹ chỉ bảo … tất cả chỉ dành cho ngày gặp mẹ, được ôm mẹ, được vùi vào lòng mẹ. Mà ngày ấy đến rồi! Từ trạm cuối này đến Lộc Ninh chỉ nửa ngày đi bộ mà thôi. Không còn giao liên dẫn đường, nhưng may mắn là có đoàn Anh hùng Dũng Sĩ của khu Sài Gòn Chợ Lớn về dự đại hội thi đua miền đi cùng, họ quyết định đưa cô gái “giao tận tay mẹ” rồi mới đi tiếp.
Qua hết cánh rừng cao su, ra con đường nhựa lỗ chỗ đá sỏi, mặc cho những vết phồng rộp dưới chân đang rướm máu, cô gái đi như chạy tìm về thị đội Lộc Ninh nơi có mẹ đang chờ. Bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến.
Thị đội đây rồi! Cô gái ngây ngất niềm vui trước thời khắc được gặp mẹ. Các anh chị dừng ở cổng để cô đi vào, chỉ dặn với theo “Gặp mẹ rồi đừng quên bọn anh ngoài này đang khát lắm nha!”
Vào cơ quan, nhìn quanh một lượt không thấy mẹ đâu, cô gái bước tới chỗ người ngồi sau chiếc bàn phía giữa nhà:
– Chú ơi cho cháu hỏi, cháu tìm cô Hai Phương?
Người đàn ông lướt nhìn cô gái rồi chậm rãi trả lời:
– Chị Hai Phương làm việc ở đây, nhưng…
(nhưng vừa bước ra ngoài; nhưng đã đi công tác; nhưng đã trở về đơn vị… cô gái thoáng nghĩ ra những tình huống sau chữ nhưng)
… nhưng vừa rồi bom đánh, chị đã hy sinh.
– Chú vừa nói gì chú ơi?
– Chị Hai Phương làm việc ở đây, nhưng trong trận bom hơn nửa tháng trước, chị đã hy sinh rồi! Mà cháu là ai?
– Dạ cháu là con.
Nỗi đau tột cùng bất ngờ giáng xuống cô gái như một tia sét, làm tê dại hết mọi cảm xúc. Không một giọt nước mắt nào rơi xuống, không một tiếng nấc nào bật ra được. Cô gái như đã hoá đá! Rồi sau đó, như người mộng du, cô gái làm mọi việc một cách vô thức theo sự hướng dẫn của mọi người.
Không nỡ để lại cô gái một mình, đoàn Sài Gòn – Chợ Lớn quyết định ở lại. Họ tìm được một ngôi nhà vắng chủ, không còn vách, gần bên một hố bom rồi giăng võng nghỉ qua đêm. Khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, cô gái vẫn chong mắt nhìn vào bầu trời đêm, cố hiểu về biến cố vừa giáng xuống đời mình. Rồi nhận thức dần quay lại. Nỗi đau bắt đầu ngấm vào từng tế bào, đau đến cùng cực. Mẹ ơi!
Cô gái không biết sẽ phải làm gì, không biết phải đi đâu, về đâu giữa chốn xa lạ này. Không còn mẹ, cánh cửa cuộc đời như đã đóng sầm lại trước cô.
Như là sự dự báo, trong lá thơ gửi về con gái một năm trước đó, người mẹ đã dặn dò con phải chuẩn bị tinh thần để vượt qua nỗi mất mát đau thương. Trong thơ mẹ viết:
“Thơ của con gửi cho mẹ có đoạn con nói là “con đã chuẩn bị tinh thần chịu đựng xa mẹ một thời gian nữa” mẹ thấy vui lòng vì con của mẹ đã nhận thức được lý trí và tình cảm. Nhưng mẹ cần bổ sung thêm 1 ý nữa cho tương đối đầy đủ là: Trong chiến tranh ác liệt này con ước lượng là mẹ có thể bị hy sinh. Nên con đã chuẩn bị tinh thần tư tưởng để vượt qua cảnh đau thương đó, con sẽ chiến thắng. Vì hoàn cảnh đó không phải riêng con mà mẹ có hy sinh cũng vì Đảng vì Dân, vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, đã góp phần xương máu xây đắp vinh quang cho Tổ quốc, con thấy rất tự hào. Mẹ bổ sung như vậy con thấy thế nào?”
Những dòng thơ như một lời dặn dò, trăn trối ấy của mẹ đã giúp cô bé có thêm sức mạnh và nghị lực để vượt qua nỗi đau thương mất mát quá lớn lao, từng bước trưởng thành, góp phần nhỏ bé vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc mà mẹ đã không tiếc máu xương, hy sinh cả cuộc đời mình!
Cuối năm viết những dòng này để tưởng nhớ, để nhắc nhở bản thân và con cháu hãy sống sao cho xứng đáng với những hy sinh, mất mát của thế hệ trước.