Nhiều năm qua, Khu di tích lịch sử Quốc gia khu vực Đồn Long Khốt, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đã trở thành niềm tự hào to lớn của người dân địa phương. Hàng năm, cứ đến ngày 19/5, mọi người lại tề tựu về đây để dâng nén nhang thơm cùng các lễ vật tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ.
Trong 2 ngày 18 và 19/5, Đồn Long Khốt đã đón hàng ngàn người về tham quan, dâng hương. Có những thương binh hạng nặng (bị cụt chân) vẫn lặn lội hơn 100km từ TP.HCM xuống thắp nén nhang cho đồng đội, hay vị sư thầy dù tuổi đã cao, ngồi xe lăn nhưng vẫn cố gắng đến tận nơi bày tỏ lòng thành kính.
Long Khốt – Khu di tích lịch sử Quốc gia, nơi ghi dấu chiến công vang dội của các đơn vị quân đội, đặc biệt của Trung đoàn 174 – Đoàn Cao – Bắc – Lạng. Nơi đây đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương nằm lại, trong đó có hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174.
Nhằm khắc ghi công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại khu vực Đồn Long Khốt, bà con nhân dân xã Thái Bình Trung đã đề nghị chính quyền và Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Long Khốt chọn ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5 hằng năm) làm ngày toàn dân Vĩnh Hưng tưởng nhớ Bác Hồ và tri ân các Anh hùng liệt sĩ.
Người dân địa phương sum vầy chuẩn bị cho hoạt động tri ân Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ tại đền Long Khốt
Nhiều năm qua, cứ đến ngày 19/5, mọi người lại tề tựu về Đồn Long Khốt để bày tỏ lòng tri ân với những người đã có công giữ nước. Cứ như vậy, ngày 19/5 đã trở thành ngày hội tri ân truyền thống của chính quyền, bộ đội và nhân dân tỉnh Long An nói chung và huyện Vĩnh Hưng cùng hai xã Thái Trị, Thái Bình Trung nói riêng.
Hoạt động tri ân chỉ diễn ra trong 1, 2 ngày nhưng người dân địa phương, bộ đội biên phòng đã chuẩn bị tâm thế lẫn mọi công việc từ nhiều ngày trước. Ở đây, mọi thứ đều tự nguyện, gần đến ngày tri ân, không ai bảo ai, mỗi người một việc, nhóm thì chia nhau dọn dẹp, người cầm thớt, người mang dao, người mang chén dĩa phụ giúp công tác hậu cần, đặc biệt nhiều gia đình còn mổ bò, heo để bày tỏ lòng tri ân với Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ.
Không khí ở đây không khác gì ngày hội, từ người già đến trẻ em đều có mặt đông đủ, khi nghe tin khách năm nay đến đông họ lại càng mừng và phấn khởi. Bà Đặc (80 tuổi), người dân xã Thái Bình Trung nói Long Khốt hôm nay là niềm tự hào to lớn của người dân địa phương, việc tổ chức hoạt động tri ân hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của các cựu chiến binh và người dân.
Hoạt động tri ân từ lâu đã trở thành ngày hội truyền thống được nhân dân đồng tình hưởng ứng
Bà Đặc nhớ lại, thời gian đầu khi địa phương chọn ngày 19/5 để tưởng nhớ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ chỉ có ít người đến thắp nhang nhưng giờ mỗi năm có cả hàng nghìn người đến, mọi người ai cũng vui, xúc động.
“Mấy ngày diễn ra hoạt động tri ân, tôi và con cháu đều có mặt ở đây để phụ, từ lâu mọi người đã xem đây là ngày hội truyền thống, làm dù có cực nhưng ai cũng phấn khởi, hào hứng”, bà Đặc nói.
Còn bà Đà (64 tuổi) cho biết, từ khi đền Long Khốt được xây dựng khang trang, sạch đẹp, bà con trong vùng thường đến đây thắp nhang, chưng hoa tưởng nhớ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ, còn vào ngày 18, 19/5 thì mọi người tụ về đây cùng nhau chuẩn bị các lễ vật bày tỏ lòng tri ân.
Cứ đến ngày 19/5, mọi người lại tề tựu về Long Khốt
Vừa xong giờ dạy ở trường, cô Ngọc, giáo viên mầm non tại xã Thái Bình Trung nhanh chân đến phụ giúp công tác hậu cần để tiếp khách. Cô Ngọc cho biết, đây là năm đầu tiên được tham gia hoạt động tri ân ở Long Khốt nên thấy rất vui và hào hứng.
“Mấy bữa nay thấy người dân đi quá trời, đứng dạy học mà thấy ham. Trường bọn em chia nhau ra, người này dạy thì người kia tới mà hầu như ai cũng muốn đi. Không chỉ ngày 19/5 mà vào cuối tuần hay các ngày lễ lớn, trường thường dẫn trẻ qua để tham quan, học tập, giúp các em biết về lịch sử, công lao của cha anh đi trước”, cô Ngọc chia sẻ.
Đến tham quan đền Long Khốt, chị Sương (58 tuổi) cùng nhiều bà con tại xã Kiến Tường, huyện Vĩnh Hưng mang theo heo quay và một số lễ vật để dâng lên Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ, chị mong muốn hoạt động tri ân tiếp tục được duy trì để người dân, du khách thập phương có dịp đến tri ân những người có công giữ nước.
Đoàn Hội Người cao tuổi lặn lội từ TP.HCM về với chiến trường Long Khốt để tưởng nhớ đồng đội
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Cường – Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng nhấn mạnh: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khi phách, lương tri của dân tộc và thời đại.
Thấm nhuần lời dạy của Người, bao thế hệ quân, dân Vĩnh Hưng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, hăng hái lên đường tham gia vào các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Hòa bình lập lại, Đảng bộ – Chính quyền và nhân dân Vĩnh Hưng lại bắt tay vào công cuộc khai hoang phục hóa đưa vùng đất chua phèn, ngập lũ ngày nào trở thành những cánh đồng trù phú, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, quan tâm thực hiện các mục tiêu văn hóa xã hội và xây dựng nông thôn mới; từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo quốc phòng an ninh, nhất là trên tuyến biên giới; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh”.
Ôn lại truyền thống hào hùng của Trung đoàn 174, đơn vị từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Long Khốt, ông Lê Thành Đại – Phó Trưởng Ban LLTT Trung đoàn 174 cho biết, nhằm khắc ghi công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại khu vực đồn Long Khốt, bà con nhân dân xã Thái Bình Trung đã đề nghị chính quyền và Ban Chỉ huy đồn Biên phòng Long Khốt chọn ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19/5 hằng năm) làm ngày toàn dân Vĩnh Hưng tưởng nhớ Bác Hồ và tri ân các Anh hùng liệt sĩ.
Dịp này, Ban Tổ chức đã vận động được 100 phần quà để trao tặng cho các gia đình nghèo trên địa bàn huyện. Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 45 suất quà cho các hộ dân. Trong đó, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM trao 15 phần.
Cũng trong dịp này, huyện Vĩnh Hưng đã tổ chức Lễ an vị tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cạnh khuôn viên Di tích Quốc gia khu vực đồn Long Khốt và trồng cây Bồ Đề bên tượng Phật.
Năm 1997, đồn Long Khốt được UBND tỉnh Long An công nhận là di tích cấp tỉnh. Năm 2008, Ban LLTT Trung đoàn 174 tại TP.HCM đã liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Vĩnh Hưng và Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An vận động nguồn xã hội hóa xây dựng đền thờ liệt sĩ đầu tiên và khánh thành vào dịp kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2009). Năm 2019, đồn Long Khốt được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2021, Trung tướng Lưu Phước Lượng – Nguyên Chính ủy Sư đoàn 5, nguyên Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với Ban LLTT Trung đoàn 174 cùng các tướng lĩnh, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động nhà tài trợ xây dựng ngôi đền và các hạng mục công trình phụ trợ trong khuôn viên di tích giai đoạn 1, khánh thành vào ngày 21/12/2021. Kể từ đây, huyện Vĩnh Hưng có thêm một công trình văn hóa kết hợp hài hòa giữa các giá trị truyền thống với kiến trúc hiện đại nhằm ghi công, tôn vinh và tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này. Đây không chỉ là “địa chỉ đỏ” mang ý nghĩa tâm linh mà còn góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ mai sau. |
Liên Liên