Những ngày này, hình ảnh Đặc san Linh Khí Quốc Gia của Hội HTGĐLS TPHCM chiếm sóng mạng xã hội. Các tác giả, độc giả mòn mỏi chờ đứa con tinh thần “ra lò”, đây là tấm lòng, nén hương thơm để tưởng nhớ những người con đã dâng hiến tuổi thanh xuân và một phần xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội HTGĐLS TPHCM, người nặng lòng với công tác tri ân liệt sĩ
Công tác tri ân, tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân. Đây là công việc mang tính lâu dài, căn cơ. Hàng năm, nước ta khởi xướng nhiều hoạt động để tri ân, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, trong đó tập trung vào tháng 7, đúng với dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7).
Tháng 7 đối với mỗi người dân Việt Nam chính là dịp để bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc với những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Còn với những người từng vác súng ra chiến trường, đây là lúc họ trả món nợ với đồng đội.
Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội Face book, Zalo, nhiều người chia sẻ hình ảnh về Đặc san Linh Khí Quốc Gia, đứa con tinh thần của Hội HTGĐLS TPHCM. Dù chưa “ra lò” nhưng dự báo đặc san sẽ tiếp tục “cháy hàng” như số Xuân Quý Mão 2023.
Đặc san Linh Khí Quốc Gia số đặc biệt nhân kỷ niệm 3 năm thành lập Hội và 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7)
Theo dõi sát sao các hoạt động của Hội HTGĐLS TPHCM, trong đó có Đặc san Linh Khí Quốc Gia số đặc biệt, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng – Chủ tịch Hội HTGĐLS việt Nam gửi lời chúc mừng đến Hội HTGĐLS TPHCM – Một tổ chức hoạt động công tác tri ân hiệu quả toàn diện các mặt.
“Đặc san Linh khí Quốc gia là tiếng lòng của thân nhân gia đình liệt sỹ, của các tình nguyện viên, là nỗi lòng sẻ chia của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo.Đọc Linh khí Quốc gia như đưa ta về với thực tại, những kỷ niệm đẹp khó quên, những năm tháng hào hùng của dân tộc trong đánh Mỹ, những tấm gương, những anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương hiến trọn tuổi thành Xuân cho độc lập tự do, cho cuộc sống chúng ta hôm nay, là tài liệu góp phần giáo dục các thế hệ trẻ rất hay. Xin chúc mừng tập thể những người thiện nguyện Hội HTGĐLS TPHCM”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng bày tỏ.
Trên trang cá nhân của mình, Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đặt tựa đề “Quà tháng 7” để giới thiệu về Đặc san Linh Khí Quốc Gia.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc nhấn mạnh: Đặc san Linh Khí Quốc Gia của Hội HTGĐLS TPHCM là một tờ báo quy tụ được sự cộng tác của đông đảo nhà văn, nhà thơ, bạn viết từ nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là sự góp mặt của các tướng lĩnh đã từng đi qua chiến tranh, từng vào sinh ra tử, cùng một số cựu chiến binh.
Đón đọc các tác phẩm trên Linh Khí Quốc Gia
“Xin chúc mừng Hội HTGĐLS TPHCM. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc xa, gần, một tấm lòng, một nén hương thơm tưởng nhớ những người con đã dâng hiến tuổi thanh xuân và một phần xương máu cho độc lập, tự do”, Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc bày tỏ.
Góp mặt trong Đặc san Linh Khí Quốc Gia với tác phẩm “Mắc nợ trang viết về những anh linh”, nhà văn Hoài Hương bày tỏ sự vui mừng, tự hào khi được chấp bút tri ân những anh hùng nghĩa sĩ “vị quốc vong thân”.
“Nghe cái chữ “về nguồn”, “địa chỉ đỏ” sao như một linh thiêng khó diễn tả. Băng mình trong khu rừng già, giữa tiếng ca của đoàn người những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng, bỗng như xuyên không thời gian ngược về nửa thế kỷ trước, để nghe âm vang “ra đi bảo tồn sông núi/ ra đi thà chết chớ lui..”. Không phải là lần đầu tới đây, nhưng hình như mỗi lần đặt chân vào chiến khu “R”, là một niềm phấn khích kỳ lạ, như có một dòng chảy rần rần trong người, như đang là chiến sĩ Giải phóng hành quân ra trận năm xưa…”, trích tác phẩm “Mắc nợ trang viết về những anh linh”.
Trong số đặc biệt này, Đặc san Linh Khí Quốc Gia quy tụ nhiều tên tuổi nổi tiếng. Phần chính luận có sự tham gia của các vị: Tiến sĩ Lê Doãn Hợp – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lưu Phước Lượng – Nguyên Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Đức Hải – Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Văn Nam – Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP HCM; Thiếu tướng Đặng Văn Hùng – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7…
Mái ấm của hương hồn liệt sĩ
Cùng sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ: Nguyễn Quang Thiều, Bích Ngân, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Trình Quang Phú, Trần Thế Tuyển, Nguyễn Trường, Trầm Hương, Bùi Phan Thảo, Lê Minh Quốc, Nguyễn Sỹ Đại, Trần Kim Hoa, Thu Hương, Hoài Hương, Lê Kiên Thành, Lê Thiếu Nhơn, Văn Công Hùng, Phan Tùng Sơn, Hà Tùng Sơn, Ngô Thu Vân, Đan Hà, Nguyên Hùng, Phạm Văn, Xuân Hòa… và các cây viết quen thuộc: Đỗ Thị Kim Liên, Mạc Phương Minh, Trình Tự Kha, Nguyễn Đồng Bằng, Hoàng Da, Liên Liên, Minh Khang, Trần Thái Học…
Nói đến Linh Khí Quốc Gia không thể không nói đến Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển bởi ông chính là người đã khơi ý tưởng và mở lối cho Linh Khí Quốc Gia ra đời. Có thể thấy, Hội HTGĐLS Việt Nam có rất nhiều tổ chức thành viên nhưng duy nhất Hội HTGĐLS TPHCM có Đặc san Linh Khí Quốc Gia.
Những ngày này, tuy xa cách về vị trí địa lý nhưng Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển vẫn từng ngày bám sát Đặc san Linh Khí Quốc Gia, có lẽ khi nào đặc san “ra lò”, ông mới thở phào nhẹ nhõm.
Như Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ, phụ trách xuất bản Đặc san Linh Khí Quốc Gia là Đại tá, nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển, vốn là một người lính thực thụ, có mặt trên chiến trường miền Đông Nam Bộ những năm khốc liệt. Sau ngày non sông liền một dải, anh làm báo. Từng là Trưởng Đại diện báo QĐND tại TPHCM, rồi Phó Cục trưởng Cục Báo chí, nhiều năm anh là Tổng Biên tập báo Sài Gòn giải phóng. Nghỉ công việc quản lý ở một tờ báo lớn, anh vẫn miệt mài hoạt động, hướng về chiến trường xưa và các anh hùng, liệt sĩ đã xả thân vì nước, đặc biệt là với thân nhân của các liệt sĩ, các thương binh. Xông xáo, nhiệt tình và tận tâm, anh Trần Thế Tuyển đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận.
Tên đặc san Linh Khí Quốc Gia xuất phát từ đôi câu đối: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên hoá Linh Khí Quốc Gia”. Và đến nay, Linh Khí Quốc Gia đã trở thành một phần không thể thiếu trong lòng bạn đọc gần xa.
Hoàng Diệp