LẬP LẠI TRẬT TỰ TRÊN XA LỘ TRUYỀN THÔNG (*)
Mạng xã hội như xa lộ giao thông. Những người tham gia xa lộ ấy có quyền và trách nhiệm. Họ (chủ thể sử dụng mạng) không chỉ được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật mà còn bởi lương tâm, trách nhiệm công dân, mối quan hệ giữa con người với con người. Thời đại công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, sự bùng nổ thông tin, người ta “đến” với nhau, tiếp cận thế giới không phải bằng các chuyến bay hoặc các phương tiện giao thông hiện đại mà chỉ bằng chiếc điện thoại nhỏ xíu như miếng pa tê vẫn điểm tâm mỗi buổi sáng. Thượng vàng hạ cám. Từ tinh hoa, cao cả đến tả phí lù, hèn mạt đều có thể tìm thấy trên miếng pa tê ấy. Công nghệ càng cao, tác dụng càng lớn, đòi hỏi người sử dụng càng phải có ý thức trách nhiệm và đạo đức.
Thực tế cho thấy, cơ cấu kinh tế thế giới và nguồn thu nhập đã có sự thay đổi, rõ nhất từ khi xuất hiện mạng internet. “Ngồi mát ăn bát vàng” không còn được hiểu theo nghĩa bóng mà cả nghĩa đen. Với chiếc máy tính xách tay, thậm chí chiếc iphone người ta có thể “hái” ra tiền. Có người sử dụng mạng, hằng năm doanh thu lên tới nhiều chục tỷ đồng.
Nhà báo Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng Biên tập báo SGGP tại lễ khánh thành trường Tiểu học- Mầm non thác Bản Giốc huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng – Công trình do Báo SGGP và Ngân hàng CP Bưu điện Liên Việt thực hiện năm 2014.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, điều đáng lưu tâm, với sự trợ giúp của khoa học công nghệ, các công cụ này đã trở thành vũ khí cho những kẻ không có lương tâm trục lợi. Họ sử dụng mạng xã hội thực hiện mưu đồ xấu như: Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhà nước và công dân; trốn thuế, đặc biệt tung tin thất thiệt, nói xấu Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền riêng tư của công dân; tập hợp lực lượng chống đối, thậm chí âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân…
Phát triển đi đôi với quản lý. Quản lý tạo động lực phát triển. Thấu suốt quan điểm đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp tạo điều kiện phát huy giá trị công nghệ tiên tiến và hạn chế đến mức thấp nhất mặt trái, tiêu cực của việc sử dụng mạng xã hội.
Luật Báo chí 2016 không những điều chỉnh hành vi của các tổ chức và cá nhân hoạt động, sử dụng báo chí mà còn điều chỉnh hoạt động của các chủ thể sử dụng mạng xã hội. Nhiều chủ sở hữu các trang mạng xã hội thông tin sai sự thật, kích động bạo lực, đăng bài và hình ảnh trái với thuần phong, mỹ tục…, đã được “mời” lên làm việc. Và, nếu sai đã bị xử lý theo quy định của pháp luật như phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động… Tuy nhiên, các biện pháp, chế tài ấy chưa đủ răn đe.
Thực hiện chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông, theo chúng tôi các cấp uỷ, chính quyền cần có sự vào cuộc quyết liệt, huy động sức mạnh tổng hợp để lập lại trật tự hoạt động báo chí, truyền thông phục vụ nhiệm vụ chính trị xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trước hết, cần thực hiện tốt Quy hoạch phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đồng thời cần rà soát lại hệ thống văn bản (dưới luật) bổ sung kịp thời các chế tài, định chế để quản lý mạng xã hội, theo hướng tạo điều kiện cho tổ chức, công dân sử dụng công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy kinh tế văn hoá xã hội phát triển, vừa hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực, bất cập do việc sử dụng mạng xã hội xảy ra. Cuối cùng cần xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, lập lại trật tự mặt trận thông tin; thiết thực góp sức tổ chức thành công bầu cử đại biểu quốc hội khoá XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 và cuộc chiến phòng chống Covid 19 đang diễn ra quyết liệt ./.
TRẦN THẾ TUYỂN
(Nguyên Phó Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ TT TT )
(*) Bài đăng SGGP ngày 17-5-2021