BẢO NINH
Bấy giờ là thời kỳ bất hạnh, vô cùng cay đắng trong thoái trào của tấn công Mậu Thân. Trong không đầy nửa tháng mùa khô, hai lần bị bao vây, hai lần liều mạng mở đường máu, đơn vị Kiên tan nát, vụn ra từng tốp, vừa đánh vừa chạy.
Ngang qua vùng rừng trũng dưới chân Ngọc Bơ Rẫy, bọn anh gặp một đoàn chừng hai chục cô thương binh đang trên đường lánh sang đất Campuchia, bên sông Sa Thầy. Đã gặp thì phải nhập vào với chứ thực tình Kiên chẳng muốn chút nào. Lực lượng đã quá tơi tả. Đạn dược thiếu, lương thực gần hết. Sức cùng lực kiệt. Và mặc dù họ có một giao liên dẫn đường nhưng lại là nữ giao liên, mà gái Bắc chứ không phải gái Thượng thạo địa bàn. Quê miền biển Hải Hậu, nữ giao liên tên Hòa mới nhập ngũ hai năm, vừa tròn hai mươi tuổi, còn nhiều bỡ ngỡ với vùng đất Tây Nguyên này.
Bây giờ cứ phải ba người khiêng hai cáng. Thế mà trầy trật, rồng rắn mãi vẫn cứ quẩn quanh dưới Ngọc Bơ Rẫy. Tới buổi sáng của ngày đường thứ ba thì tình hình trở nên tuyệt vọng, đáng lẽ là bờ sông Sa Thầy thì trước mặt họ trải rộng ra một đầm lầy không thể có cách nào vượt qua. Để đoàn thương binh nằm lại bên khe suối cạn, Kiên và Hòa dò dẫm tìm đường về hậu cứ. Vũ khí ít ỏi, Kiên nhét theo một trái lựu đạn, Hoà cầm khẩu súng ngắn còn bốn viên đạn.
Sau bao vất vả tìm được hướng để thoát ra, trên đường về cả hai đều rảo bước. Mới đi qua mấy lùm tre chằng chịt ở bìa rừng, Kiên sững lại. Nghẽn trong cổ họng một tiếng kêu. Kiên tái mặt kéo Hòa ngồi thụp xuống. Bọn Mỹ! Đa phần là Mỹ đen. Chúng đang lần theo dấu vết của đoàn tải thương để lại trên đường di chuyển từ hồ Cá Sấu về khe cạn. Tên quản chó giật giật sợi dây da con bẹc- giê to lớn. Con chó lại gí mũi xuống sát đất ngoắt ngoắt đuôi, nhanh nhẹn chạy chếch lên phía trước theo hướng mục tiêu mà nó bắt được trong thính giác. Kiên tái mặt khi nghĩ đến các thương binh.
Đúng giây phút đó, thình lình vang lên một phát súng lục. Tiếng súng ngắn nhưng làm bầu không khí lặng phắc của rừng chiều giật nảy lên. Con chó săn hộc một tiếng kêu đau đớn. Bọn Mỹ phản ứng cực nhanh, nằm rạp xuống và lăn tản ra. Tên quản chó buông sợi dây da. Phát K59 thứ hai vang lên. Bây giờ Kiên mới kịp hiểu là Hòa đã lặng lẽ rời xa anh một quãng và bắn, làm anh choáng hồn.
Con chó có lẽ đã trúng đạn nhưng nó hăng lên, hung dữ như cọp, hú lên, rẽ ngang lao dạt tới nơi phát ra tiếng súng. Sau một ụ mối chếch bên tay mặt Kiên chừng chục bước chân, Hòa nhô hẳn người lên. Mặt trời xuống thấp lùa ánh sáng qua cửa rừng, những làn ánh sáng cuối cùng trong ngày, đỏ thẫm như máu. Hòa đứng hơi nghiêng trước nắng tà nên thân hình mảnh mai nổi lên đậm nét với những đường cong sẫm tối và những vệt da bắt sáng. Mái tóc xõa trên vai. Cái cổ cao yếu ớt, áo cộc, quần đùi, đôi chân trần đầy vết gai cào. Con chó lao xộc tới, tung mình chồm lên, hứng gọn hai phát đạn, bật lộn ra sau như bị đá thốc vào ngực. Tất cả diễn ra trong chớp mắt.
Hòa quăng khẩu súng hết đạn về phía bọn Mỹ đang nằm rạp xuống, xoay người chạy lao ra hướng cửa rừng, ngược phía Kiên đang nấp, đồng thời cũng hút chúng lệch khỏi vệt đường có thể dẫn tới khe cạn. Bọn Mỹ không bắn, rầm rập đuổi theo, gần như ngay lập tức đã đuổi kịp Hòa. Chúng reo ồ lên.
Trườn theo các lùm cây, Kiên men tới cửa rừng và len lén anh nhổm lên, quỳ một chân, nhìn ra trảng. Quả lựu đạn đã rút chốt như chỉ chực rớt ngay xuống chân Kiên. Tay anh lạnh ngắt, các ngón run và toàn thân anh tròng trành, đầu óc chao đưa hầu như không còn tự chủ được nữa. Ngợp trước mắt anh, ở ngoài trảng, trên đám những cây bổi bị giẫm nát ngay sát tảng đá rêu mốc chơ vơ hình đầu người, kín nghịt một đống kinh khủng đen ngòm, lấp loáng mồ hôi và phì phò hơi thở rốc. Không nghe thấy tiếng Hòa kêu, nhưng mà có thể cảm thấy tiếng kêu ấy.
Bọn Mỹ dồn cục lại, chỉ có vài tên còn đang đứng và đều xây lưng lại phía Kiên. Chúng không hò hét, không rống cười, không quát tháo. Sự thể ghê rợn bày ra, quằn quại trong yên tĩnh man rợ. Chỉ trong tầm ba chục thước không hơn, Kiên đủ sức tung trái cầu thép này vào giữa đám, quét đi ít nhất là non nửa số Mỹ đang chất đống.
Nhưng nín lặng, gần như nín cả thở nữa, Kiên cứ như thế quỳ mãi, náu mình sau lùm cây ở bìa rừng. Đã đến lúc phải cắt ngang cận cảnh dã man này, phải đánh dấu chấm hết lên đầu bọn khỉ đột, song cái dấu chấm hết ấy vẫn bị giữ lại khư khư trong lòng bàn tay Kiên. Lẳng lặng, anh tra lại chốt cho quả US rồi từ từ bò lui. Và cùng với bóng tối đang buông xuống rừng từng đợt, anh thẫn thờ trở về chỗ khe cạn.
Đoàn tải thương lập tức dắt díu, khiêng cáng nhau di chuyển. Trong đêm, theo lối mòn Hòa đã tìm thấy khi chiều với điểm chuẩn là tảng đá hình đầu lâu, Kiên dẫn cả đoàn tiếp cận bờ sông và vượt sang ngang trót lọt. Do không chạm địch nên Kiên không phải dùng tới trái lựu đạn. Cả đêm anh giữ nó trong tay, làm nóng lớp vỏ thép.
Sau đấy chẳng thấy ai hỏi gì anh về Hòa cả. Anh cũng chẳng kể, rồi cũng bẵng quên. Có lẽ, đức hy sinh, sự quên mình là cái gì quá giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ quên. Một người ngã xuống để người khác có thể sống, chuyện đó dường như đã quá thông thường ở mặt trận.
Phải rất nhiều năm sau, khi hòa bình trở lại, nhờ tham gia vào đội thu nhặt hài cốt tử sĩ của sư đoàn, Kiên mới có dịp trở lại vùng hồ Cá Sấu. Tất nhiên anh nhớ ngay tới Hòa và muốn đi tìm lại đoạn đường rừng ngày trước. Nhưng cái trảng trống ấy không hiểu sao chẳng còn dấu vết. Tảng đá hình đầu người, chứng tích duy nhất như thể đã bị nhòa trong thời gian…
Chỉ còn lại đó ngàn cây âm u, những thảm lá mục nát lấp lên đáy rừng, các khe cạn; tiếng chim chóc, tiếng gió, tiếng những nguồn nước thì thầm xa xôi và hương thơm hoa chạc chậu, hoa vòi voi, hòa quện vào nhau gợi nhớ và lưu giữ một điều gì đấy thầm lặng, mơ hồ, phảng phất đâu đây… Lòng Kiên tràn ngập một nỗi buồn thẳm sâu, man mác. Đã có biết bao sự hy sinh lặng thầm, khốc liệt như thế để làm nên chiến thắng, làm sáng danh đất nước này.