Sáng 11/3, Hội Nhà văn TPHCM phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, Tạp chí Văn nghệ TPHCM tổ chức tọa đàm viết về chủ đề “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm hưởng ứng cuộc vận động viết về đề tài Thương binh, Liệt sĩ.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của đông đảo nhà văn, nhà thơ, nhà báo trên địa bàn TPHCM, đây là dịp để tạo cảm hứng sáng tạo, đồng thời tiếp tục lan tỏa rộng rãi cuộc thi viết về chủ đề "Đền ơn đáp nghĩa" nhằm hưởng ứng cuộc vận động viết về đề tài Thương binh, Liệt sĩ, qua đó tìm ra các tác phẩm đúng tiêu chí để trao giải và in sách.
Theo Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, viết về đề tài chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang nói chung và liệt sĩ, gia đình liệt sĩ nói riêng là lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút. Để có ngày toàn thắng, để giành được độc lập, non sông thu về một dải, đã có hàng triệu người con ưu tú ngã xuống, thân thể họ đã thành đất đai Tổ quốc và hồn các liệt sĩ ấy đã hóa thành linh khí quốc gia. Tuy nhiên đến nay chưa có nhiều tác phẩm văn chương xứng tầm với chiến công ấy.
Vì thế, Hội Nhà văn TPHCM đã phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, Tạp chí Văn nghệ TPHCM phát động cuộc thi viết về đề tài Thương binh, Liệt sĩ nhằm tri ân, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh và thân nhân liệt sĩ; qua đó kêu gọi toàn xã hội cùng chung sức hỗ trợ, chăm lo gia đình liệt sĩ. Cuộc thi gồm nhiều thể loại như ký văn học (dưới 3.000 chữ); truyện ngắn, thơ; truyện dài, tiểu thuyết, các tác phẩm hướng đến việc ca ngợi sự hy sinh cao cả của liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ; tôn vinh những nhà tài trợ, hảo tâm, những người thiện nguyện đồng hành với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ chăm lo, hỗ trợ gia đình liệt sĩ (yêu cầu người thật việc thật, ưu tiên trên địa bàn TPHCM và khu vực miền Đông Nam Bộ).
Để cuộc thi đạt được kết quả, tạo sự lan tỏa rộng rãi, Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển cho rằng cấp ủy, chính quyền các cấp cần chú trọng đầu tư cả tinh thần và vật chất, đặt hàng các nhà văn có tài năng để sáng tạo ra tác phẩm xứng tầm thời đại. Đối với Hội Nhà văn TPHCM, cần tạo môi trường, cảm hứng để nhà văn sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị; tiếp tục đổi mới cho phù hợp với tình hình mới, ví dụ đặt hàng các nhà văn tài năng, tâm huyết, đặc biệt các nhà văn đã từng trực tiếp tham gia các cuộc kháng chiến; việc lựa chọn trao giải thưởng, quảng bá, lan tỏa các tác phẩm giàu chất liệu lịch sử, độc đáo về nghệ thuật cần được thực hiện một cách nghiêm túc, công bằng. Riêng các nhà xuất bản nên có kế hoạch đặt hàng, làm bà đỡ để các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng nói chung, Thương binh - Liệt sĩ nói riêng ra đời.
Các nhà lý luận và phê bình văn học; các cơ quan báo chí truyền thông cần lan tỏa có định hướng các tác phẩm viết về đề tài này, kích thích sự sáng tạo không chỉ đối với những cây viết chuyên nghiệp mà cả các đối tượng khác. Cuộc thi viết về đề tài Thương binh, Liệt sĩ chính thức khởi động vào tháng 12/2021. Đối tượng tham gia là tất cả các nhà văn, nhà báo, người viết trong và ngoài nước. Các tác phẩm chất lượng cao sẽ được đăng trên Tạp chí Văn nghệ TPHCM, Đặc san Linh khí quốc gia và các website của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM (linhkhiquocgia.vn); Văn chương TPHCM (Hội Nhà văn TPHCM). Qua 3 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được khoảng 30 tác phẩm dự thi. Dự kiến Lễ tổng kết, trao giải đợt 1 sẽ diễn ra vào tháng 12/2022, thời gian cuối nhận bài vào tháng 10/2022. Riêng cuộc thi sẽ kéo dài trong vòng 3 năm, hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12). Kim Sáng