Thứ Bảy, Tháng Chín 7, 2024

Lá rụng đỗi đền

Tản văn 

Hàng trăm năm nay, đã có biết bao đổi dời trong ngôi làng giữa đôi bờ dòng sông xanh ngắt này. Nhưng có những điều không thể đổi thay, đó là ký ức.

Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, lúc ấy chưa đầy 10 tuổi, tôi đã được hầu chuyện các cụ sinh ra từ thế kỷ XIX. Đó là cụ Rật, cụ Thoại, cụ Đạm, cụ Ân, cụ Năng…Trong ký ức của tôi, các cụ như những bà tiên  bước ra từ cổ tích. Áo nâu sồng, váy đen thô, tóc trắng như cước, miệng bỏm bẻm nhai trầu và nụ cười bao giờ cũng bao dung, phúc hậu.

Những ngày ấy, mỗi lần tôi đi chăn trâu, từ gốc đa Đỗi Đền về, thế nào các cụ cũng gọi tôi vào hỏi chuyện. Và, trước khi ra về, bao giờ các cụ cũng “ dúi “ cho tôi một món quà, khi thì trái chuối, khi thì quả mận, có khi cả múi bòng ( bưởi) nữa.

 Cụ Thụy, tôi gọi bằng bác bởi cụ là chị họ của bố tôi, thường dặn thêm: “ Cố mà học cho giỏi cháu nhé, để mùng một tết sang xông nhà cho bác.  Bác mừng ( lì xì ) tuổi cho”. Có lẽ thế, ngày ấy tôi là một trong những đứa trẻ ngoan và học giỏi nhất làng nên các cụ dành cho tình cảm đặc biệt. Những năm đói kém, cứ mỗi dịp có giỗ chạp, cụ Thụy thường dẫn tôi xuống ăn cỗ ở nhà họ hàng như cụ Thiện, cụ Tín…

Năm tháng trôi qua, khi cây đa Đỗi Đền thay lá, các cụ làng tôi lại nối nhau về với tổ tiên. Xin nói thêm, cây đa Đỗi Đền ở làng tôi thiêng lắm. Tôi không biết danh xưng này có tự bao giờ. Sinh thời, bố tôi bảo rằng, từ xa xưa các cụ đã gọi thế. Đỗi là con đường nhỏ, Đền là gần gốc đa cổ thụ này có ngôi đền cổ thờ Đức Thánh Trần- Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn- một danh tướng thời Trần. Bố tôi còn dặn thêm: “ Con chăn trâu dưới gốc đa chớ làm điều gì xằng bậy. Cây đa cổ này lạ lắm, cứ thấy lá đa rụng nhiều thì làng mình sắp có người đi xa.”

Bây giờ tôi mới ngộ ra, ông cụ có lý, cuối thu, đầu đông lá rụng đã đành. Đằng này đang hè mà cây đa trút lá là thế nào làng tôi cũng có chuyện.

Cách đây 16 năm, vào giữa thu, bố tôi về với tổ tiên ở tuổi gần 90. Lo việc đại tang xong, trước khi trở lại đơn vị, tôi ra thăm cây đa Đỗi Đền. Tôi thấy lá vàng bay tơi tả. Những cành đa khẳng khiu như những bàn tay chới với giữa nền trời xám xịt.

Cách đây ít lâu, tôi trở về quê. Phải nói thêm, dường như lần nào về quê tôi cũng ra thăm cây đa Đỗi Đền. Lần này giữa hè, tôi đang đứng dưới gốc đa bỗng thấy lá vàng bay tơi tả. Nhớ lời bố dặn ngày xưa, tôi biết làng mình sắp có chuyện. Lại có ai đó sắp đi xa.

Đêm qua, tôi nhận được điện thoại của em trai từ quê gọi đến, báo tin anh Cẩn vừa từ trần. Người tôi bỗng nóng ran như có luồng điện chạy qua. Tôi thấy chưa tới mùa thu mà cây đa Đỗi Đền làng tôi đã trút lá. Những cánh lá vàng lao xao trong gió như những đám mây chở nặng hoàng hôn. Anh Cẩn là con trai cả của cụ Thụy ( bác họ của tôi) nên cũng khá cao niên. Chỉ còn ít tháng nữa anh sang tuổi 90. Đó là người anh em họ ghi dấu trong tôi nhiều kỷ niệm. Thời còn giặc Pháp, anh Cẩn là du kích chiến đấu thật dũng cảm với những câu chuyện ly kỳ “ xuất quỷ, nhập thần” mà sau này tôi mới biết đó là cách đánh đặc biệt của bộ đội đặc công.

Khi tôi học cấp 1, mỗi dịp rảnh rỗi tôi rất thích nghe anh Cẩn kể chuyện. Chuyện của anh chủ yếu là chuyện Tàu. Đó là anh em kết nghĩa vườn đào Lưu -Quan – Trương, đó là thầy trò Đường tăng với những câu chuyện ly kỳ trên con đường ngàn dặm đi lấy kinh…

Vậy là một trong những người cuối cùng của thế hệ 3X ở làng tôi đã về với tổ tiên. Biết rằng đó là quy luật của muôn đời, nhưng trái tim tôi đau nhói.

Đó là sự biến. Nhưng có điều tôi tin là sẽ bất biến, ấy là ký ức. Ký ức về các thế hệ đã qua trong ngôi làng có những ngôi nhà dọc bờ sông ; mà dường như nhà nào cũng hiến dâng cho đất nước những đứa con thân yêu, trong đó có liệt sỹ Trần Văn Thiềng, em trai tôi và liệt sỹ Trần Văn Chiến, con trai anh Cẩn.

Xa xôi quá, tôi không kịp về quê tiễn đưa anh Cẩn, người anh họ với những câu chuyện như cổ tích về nơi an nghỉ cuối cùng. Xin thành kính tưởng nhớ anh. Giữa biển đảo mênh mang, tôi như thấy anh Cẩn đang cười, chòm râu bạc rung rung và

cây đa Đỗi Đền ào ào trút lá. Những cánh lá vàng lao xao trong gió như những đám mây chở nặng hoàng hôn.

Singapore, tháng 6 năm 2018 

Trần Thế Tuyển

 

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây