TRẦN MỸ AN
Tiếng khóc đàn ông
Cứ thế Thanh khóc như chưa bao giờ anh được khóc. Tiếng nấc và sự nghẹn ngào của anh, qua máy điện thoại, tôi có cảm giác như dòng suối đang cuộn chảy. Biết Thanh gần 40 năm nay, từ cái thuở chúng tôi vừa mới bước qua tuổi 20, tôi thấy chàng sinh viên này cũng dễ yếu lòng lắm. Yếu lòng là khi đụng tới tình cảm, còn ý chí làm trai thì anh chẳng kém ai. Chả thế mà, đang học ở Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Thanh và Ẩm cùng các sinh viên khác của trường đã dám gác ước mơ thành họa sĩ để cầm súng lên đường vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc. Tôi đã gặp hai chàng sinh viên ấy ở Trung đoàn 174 – Đoàn Cao Bắc Lạng giữa chiến trường miền Đông Nam bộ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết liệt những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Những ngày ấy, chúng tôi ở Ban chính trị trung đoàn. Tôi là trợ lý, còn hai bạn sinh viên vừa nhập ngũ vào chiến trường là nhân viên của Tiểu ban tuyên huấn. Chúng tôi làm đủ thứ việc, thượng vàng hạ cám, từ soạn thảo các văn bản, bản tin, vẽ tranh, áp phích, cắt khẩu hiệu đến đóng đinh leo thang và đôi khi còn trực tiếp chiến đấu, chuyển thương, tải đạn nữa. Tôi nhớ những ngày đánh vào Chi khu Long Khốt. Trong đội hình của Sư đoàn 5, Trung đoàn 174 của chúng tôi gian nan lên bờ xuống ruộng. Một căn cứ quân sự không lớn, nhưng nằm ở vị trí rất “hiểm” bên cạnh dòng sông biên giới đã làm tốn xương máu của chúng tôi biết chừng nào. Lúc còn ở Tiểu đoàn 6, tôi nhớ có lần chi bộ ra nghị quyết trận này chỉ được hy sinh tối đa là 5 đồng chí và cấp trên cũng chỉ cấp cơ số trang bị tử sĩ là 5. Nhưng trận đó ác liệt quá, con số thương vong tăng lên gấp ba, bốn lần. Và như thế, không có vải để liệm mà phải lấy võng và áo mưa cá nhân để chôn cất anh em. Tôi cùng Trọng Thanh và Văn Ẩm – hai chàng họa sĩ ấy đã có lần phải đi khiêng cáng hàng chục tử sĩ từ Long Khốt về các gò cao trên đất bạn Campuchia để chôn cất. Có lẽ thế, khi nghe qua điện thoại, biết tôi và Trình Tự Kha – một đồng đội cũ ở 174 về Long Khốt xây đền, đúc chuông thờ hương hồn đồng đội, Thanh đã không cầm được nước mắt:
– Anh giúp em với! Đợt này em không về Long Khốt được, anh thắp nhang cúng hương hồn đồng đội giùm em. Làm sao có thể quên được anh Vũ, anh Nghịnh, anh Lật, Ân và biết bao đồng đội mình đã nằm xuống ngày ấy, anh ơi?…
Và, cứ thế Thanh khóc như một đứa trẻ. Tiếng khóc của người đàn ông đã quá tuổi “tri thiên mệnh” như tiếng sấm làm lay động cả đất trời.
– Thôi, chú đừng khóc nữa. Anh sẽ giúp chú thắp nhang cho đồng đội…
Từ Hà Nội, không chỉ có Thanh mà còn có cả Ẩm và nhiều đồng đội 174 của chúng tôi thời chống Mỹ nhớ về Long Khốt. Những kỷ niệm một thời máu lửa cứ canh cánh khôn nguôi.
Phía sau tấm huân chương
Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trung đoàn 174 – Đoàn Cao Bắc Lạng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh tổ chức đúng ngày thành lập trung đoàn 19-8. Đó là một buổi họp mặt không hoành tráng, nhưng ấm áp tình đồng đội. Ra đời trên chiến khu Việt Bắc từ những năm sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 phần lớn là con em của đồng bào các dân tộc 3 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Phiên hiệu 174 cũng là số hiệu của 3 tiểu đoàn 72 (Cao Bằng), 74 (Bắc Kạn) và 28 (Lạng Sơn) cộng lại. Vì thế, Bác Hồ và Trung ương đã đặt cho trung đoàn mật danh là Đoàn Cao Bắc Lạng. 60 năm qua đã có hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước tham gia chiến đấu và xây dựng trung đoàn. Và, mỗi giai đoạn lịch sử, những người lính – bộ đội Cụ Hồ ấy, bằng máu xương của mình đã viết lên truyền thống của trung đoàn 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân này. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phúc, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 thời sau chiến tranh chống Mỹ là một người như thế. Tập kết ra Bắc sau 1954 được đào tạo cơ bản về pháo binh, Nguyễn Hồng Phúc trở lại chiến trường miền Nam từ 1961. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đang làm Trưởng ban tác chiến sư đoàn ông được điều về nhận nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174. Ấy là lúc cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đang nổ ra. Tôi gặp ông trong một lần đi kiểm tra bộ đội huấn luyện dưới chân núi Thị Vải. Vị thủ trưởng trung đoàn mới về có dáng cao cao, mái tóc hoa râm, nhanh nhẹn với lời lẽ khúc chiết, dứt khoát đã cuốn hút tôi. Là sĩ quan cấp dưới, sau này là người ghi chép các sự kiện lịch sử của trung đoàn, tôi đã hiểu được phần nào tình thế của trung đoàn lúc ấy. Đúng là trong những bước đường xây dựng và phát triển của trung đoàn, giai đoạn ông Năm Phúc về làm trung đoàn trưởng là một trong những giai đoạn khó khăn, thách thức nhất. Đất nước thống nhất, theo chủ trương của trên, những người lính trận như Thanh và Ẩm được rời quân ngũ trở về địa phương. Quân đội chỉ giữ lại một số ít lực lượng và khung thường trực (KTT) làm nhiệm vụ huấn luyện quân dự bị sẵn sàng chiến đấu. Đùng một cái, biên giới có sự lộn xộn. Kẻ thù không ai xa lạ, là những người vốn là đồng chí. Họ gây ra thảm họa ở Ba Chúc, Xa Mát – Thiện Ngôn. Cấp trên ra lệnh cho ông điều lực lượng ra biên giới. Trung đoàn lúc ấy chỉ còn vài trăm lính chiến, số còn lại toàn là lính mới “tò te” vừa nhập ngũ theo chế độ nghĩa vụ quân sự. Không biết giải quyết ra sao, từ Thị Vải ông dẫn theo một sĩ quan tác chiến phóng xe lên Gia Tân – Gia Kiệm, nơi Tiểu đoàn 5 đang làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Gặp tiểu đoàn trưởng Bùi Đức Trần, ông chỉ thị: “Nhanh chóng tổ chức cho đơn vị ra chiến đấu ở biên giới”. Tiểu đoàn trưởng Trần bối rối: “Báo cáo trung đoàn trưởng hết quân rồi. Chỉ còn hơn 100 đồng chí đã nhận giấy giải ngũ. Ngày mai anh em lên đường ra Bắc”. Không còn cách nào khác, ông nói: “Thôi đành vậy, động viên anh em ở lại. Biên giới có giặc hãy gác việc nhà, ra trận”. Hơn 100 con người đã cầm sẵn quyết định giải ngũ về với cha mẹ, vợ con lại khoác ba lô ra trận. Và, trong số họ, hàng chục người đã không bao giờ trở về. Lại thêm một lần nữa, họ dấn thân và hy sinh vì đất nước. Có phải thế không, mà hôm nay, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống trung đoàn, tướng Phúc nói về đồng đội mà như ông đang khóc. Ông bảo, lúc ấy chiến sĩ mới hầu hết là học sinh, thanh niên mới lớn vào bộ đội, chưa kịp huấn luyện gì đã phải ra trận. Và, như các đồng chí biết đấy làm sao tránh khỏi tổn thất. Họ đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân. Lại thêm một lần nữa, tôi không sao cầm được nước mắt khi nghe tướng Phúc nhắc lại kỷ niệm thời chiến tranh. Cũng chính vì sự hy sinh của những người lính gắn với những chiến công của họ mà 3 năm sau, năm 1979, trung đoàn được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Phía sau những tấm huân chương là máu xương của biết bao những người con ưu tú – những đồng đội thân yêu của chúng tôi.
Linh khí quốc gia
Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, nhưng hậu quả của nó vẫn còn tồn tại, chưa thể nào khắc phục được. Tác hại của chất độc da cam, cũng như sự ẩn náu của bom mìn còn sót lại vẫn từng ngày, từng giờ cướp đi sự sống hoặc để lại di chứng bất hạnh với con người, đặc biệt là những người lính đã đi qua chiến tranh. Còn một vấn đề bức xúc nữa, ấy là việc đi tìm hài cốt liệt sĩ. Rải rác trên các cánh rừng, các nghĩa trang dọc biên giới nước ta, hầu như nơi nào cũng có những phần mộ liệt sĩ. Có nơi ghi: Liệt sĩ chưa có tên; có nơi ghi: Tên anh chưa ai biết? Đó là nỗi niềm nhức nhối của các gia đình, là sự khắc khoải, chờ mong của các bà mẹ, người vợ và những người thân liệt sĩ. Đối với Trung đoàn 174 cũng vậy. 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, đi từ Bắc vào Nam, trong đó có hơn 40 năm gắn bó với chiến trường miền Đông Nam bộ, đã có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn hy sinh hoặc hiến dâng một phần thân thể. Chỉ tính riêng ở Chi khu Long Khốt, trong thời gian trên dưới 10 năm đã có gần 500 cán bộ, chiến sĩ ngã xuống. Một lần trở lại thăm chiến trường cũ, chúng tôi, những cựu chiến binh của trung đoàn đã nảy ra ý tưởng vận động xây dựng một ngôi đền và đúc một khánh chuông để cúng thờ đồng đội. Ý tưởng ấy đã thành hiện thực, ngày 27-7 vừa qua, nhân kỷ niệm 62 năm ngày Thương binh – liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ ở Long Khốt và khánh chuông đã được hoàn thành. Thượng tá Sơn, Chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng Long An vừa điện cho tôi, báo tin, mỗi buổi sáng và chiều chiều tiếng chuông từ đền thờ liệt sĩ Long Khốt vang lên làm ấm cả một vùng biên giới. Nghe Sơn nói, tôi vui lắm. Ở nơi xa xôi, như bước ra từ tiềm thức, tôi nghe đâu đó bên tai mình tiếng chuông vọng lại. Tôi nhớ đến gương mặt rất vui của Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Long An, khi anh đến dự lễ khánh thành đền liệt sĩ Long Khốt mới đây. Đọc mấy câu thơ của tôi tạc trên chuông, anh nói: Cảm ơn anh đã nói hộ chúng tôi về sự hy sinh của những người con ưu tú cho đất nước. Đúng như thế, thân thể các liệt sĩ đã biến thành đất đai Tổ quốc và hồn các anh đã hóa linh khí quốc gia.
Tháng 8-2009