Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024
Trang chủTác phẩmKÝ ỨC TRÁI TIM

KÝ ỨC TRÁI TIM

Trần Thế Tuyển

LTG: Tôi viết bài này cách đây 21 năm. Đó là câu chuyện của Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân khu 9, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ – tác giả tập hồi ức gây sốt trong giới nhà binh cách nay vài năm- tập Dấu ấn cuộc đời. Ký ức trái tim là câu chuyện của chàng trai sinh ra nơi đất Bình Dương thơ mộng. Lúc ấy vì lý do tế nhị tác giả tạm đặt tên nhân vật là Năm và vợ ông là Ngọc. Ngọc chính là Đại tá Mạc Phương Minh bây giờ.

Duyên kỳ ngộ, khi được nhà nước cho nghỉ hưu, Trung tướng Lưu Phước Lượng nhận lời tham gia Hội đồng Tư vấn cho Ban Thường vụ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh. Và, hơn một năm nay, Ông là một trong những chỗ dựa tinh thần, “linh hồn” của Hội.
Trân trọng giới thiệu bài viết rút trong tập “Nơi Thành đồng Tổ quốc”.

Trung tướng Lưu Phước Lượng.

                                                                   Một

Năm nào cũng vậy, Tết đến dù bận thế nào, Năm cũng tìm đến thăm nhà má Hai. Mấy chục năm rồi, cảnh vật ở đây đã đổi khác và cả ngôi nhà của vợ chồng má Hai cũng đổi khác, nhưng ký ức về những ngày ác liệt gian khổ ấy, đối với Năm vẫn còn y nguyên. Lần này trở lại thăm gia đình má Hai, Năm không còn là cậu chiến sĩ thông tin tiểu đoàn 1 Quyết Thắng lừng danh cách đây hơn 30 năm nữa, mà đã là Phó Tư lệnh chính trị của một binh đoàn chủ lực được mang tên chín dòng sông đầy ắp phù sa. Mái tóc đã bắt đầu điểm bạc, nhưng sự hồn nhiên, trẻ trung vẫn còn đầy ắp trong anh, chỉ có điều khác trước nó không “bong ra ngoài” như thời trai trẻ mà chín dần, chín dần theo năm tháng, với cương vị công tác mới ngày một nặng nề thêm.

Năm bước vào căn nhà mà chỉ cần nhắm mắt lại thôi, anh đã thấy gương mặt của biết bao đồng đội hiện về. Sắp đến Tết, không khí đón xuân, thật chộn rộn. Mai vàng đã chúm chím nở. Căn nhà lợp ngói, tường xây cũ kỹ cách đây 31 năm, mà nhờ nó, anh và đồng đội thoát hiểm, giờ đây đã được thay thế, bởi ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Nhưng tất cả sự đổi thay ấy, không làm Năm quên đi kỷ niệm của một thời máu lửa. Đó là Tết Mậu Thân năm 1968, Năm được phân công tăng cường cho tiểu đoàn một Quyết Thắng đang tấn công vào thành phố Sài Gòn. Từ Tân Thới Hiệp (Hóc Môn), đơn vị anh vượt qua An Phú Đông, Gò Vấp đánh vào cổng số 4 Bộ Tổng tham mưu ngụy. Sau mấy tháng chiến đấu liên tục, đơn vị bị tổn thất nặng nề. Khi rút ra tiểu đoàn một chỉ còn 6 người. Vốn người nhỏ thó, lại phải chiến đấu dài ngày, thức trắng nhiều đêm, Năm gầy đét như con cá khô. Nhưng trên vai anh lúc nào cũng phải tải từ 25 đến 30kg, trong đó có chiếc máy bộ đàm K63 nặng gần 20kg. Năm cùng Khoai – bạn chiến đấu của mình dò dẫm đi về phía tiếng súng nổ tìm đơn vị. Nhưng trận địa chỉ còn khét lẹt khói đạn và những tấm tôn gặp gió loảng xoảng rung lên như có ai ào ào bước qua. Đang mò mẫm đi, bỗng một quả cối từ đâu phóng tới, rồi liên tiếp hai ba quả nữa. Khoai bị thương vào lưng, máu chảy ra nhiều, nhưng Khoai không hề rên la. Năm xé băng cá nhân băng lại vết thương cho anh Khoai rồi dìu bạn vào ngôi nhà cạnh đó. Máu ra nhiều, Khoai khát nước, nhưng biết lấy nước ở đâu bây giờ? Dân đã đi sơ tán hết. Những căn nhà đóng kín mịt kia thật hấp dẫn và đầy bí hiểm. Cầm chắc khẩu AK trong tay, nằm bên người bạn chiến đấu đang bị thương mỗi lúc càng thêm kiệt sức, Năm càng thấu hiểu lời cha dặn trước lúc đi chiến trường: “chiến tranh không phải là trò đùa đâu con”. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu, dấn thân vô là phải chịu tù đày ”. Trong hoàn cảnh này, Năm và đồng đội của anh không bị “tù đày”, nhưng còn hơn thế nữa. Ác liệt quá, cái sống, cái chết chỉ cách nhau bằng sợi chỉ mỏng manh. Ác liệt, gian khổ và bất cứ lúc nào cũng có thể hy sinh nhưng Năm không sợ, anh chỉ lo không tròn trách nhiệm. Nằm bên Khoai, Năm bỗng nhớ đến ánh mắt của chính ủy Lê Hoàng Phái chiều nay. Trong chiến đấu, nhất là khi khó khăn ác liệt, có chính ủy bên cạnh, người ta cảm thấy lòng mình ấm lại, như là một chỗ dựa tinh thần không thể thiếu. Nhưng chính ủy Phái cũng đã vĩnh viễn ra đi.

Một quả pháo bắn gần đã đánh gục ông. Trước khi tắt thở, chính ủy Phái – người bạn chiến đấu của cha anh đã nắm chặt bàn tay Năm thều thào nói trong hơi thở yếu ớt:
– Năm à, Quân đội ta là Quân đội cách mạng, sống chết vì nhân dân. Nếu có chết thì hãy chết cho xứng đáng, chết ngay trên chiến trường. Cháu ráng ở lại cùng đồng đội chiến đấu nhé.
Mắt Năm nhòe đi. Anh cắn chặt môi để không bật thành tiếng nấc. Năm biết bây giờ không phải lúc. Chính ủy tắt thở, Năm cùng đồng đội đào hố chôn ông rồi lại tiếp tục tìm đường trở về đơn vị.

Đang băng bó vết thương cho Khoai, Năm bỗng phát hiện có hai bóng người từ xa đang dò dẫm tiến về phía anh. Khẩu AK trong tay Năm sẵn sàng rung lên. Để mục tiêu đến thật gần. Năm nhận ra Hòa, đại đội trưởng. Mừng quá, cả tốp thay nhau cõng Khoai. Họ dò dẫm từng bước đi về phía căn nhà cạnh đường. Ấy là nhà má Hai, mà mãi sau này Năm mới biết đó là người nhà của ông Huỳnh. Cả tốp vào nhà má Hai. Biết sáng ra thế nào địch cũng đi lục soát, họ nằm như dán mình trên trần nhà. Quả nhiên, khi trời sáng bọn địch kéo tới. Dẫn đầu là một tên thiếu úy có dáng người nhỏ thó, theo sau một tên lính Mỹ to lớn, kềnh càng. Bọn địch phá cửa vào nhà, nhưng may thay chúng không phát hiện ra các anh. Bọn địch đi, vợ chồng má Hai quay về thăm nhà. Thoáng qua, biết trong nhà có “người đằng mình”, hằng ngày vợ chồng má Hai vẫn đi chợ mua đồ ăn về để trong nhà. Vừa đói, vừa khát nhưng Năm và anh em không dám xuống ăn. Biết không thể nhịn đói mãi được, mấy ngày sau anh Hòa, đại đội trưởng quyết định phải lên tiếng. Như biết chuyện ấy từ lâu, chú Hai nói:
– Không phải nói nhiều. Anh em cứ tự nhiên sử dụng các đồ dùng trong nhà. Tôi sẽ tìm cách móc nối để đưa anh em ra chiến khu.
Thật may mắn, gần một tháng sau, dì Sáu, một người trong gia đình má Hai đã đưa lực lượng nội thành tới. Chị Bảy ở cánh nội thành quận 3 đã tổ chức cắt tóc, chụp hình làm giấy tờ giả để đưa anh em ra vùng tự do. Năm nhớ mãi khi chia tay gia đình má Hai, anh xúc động không cầm được nước mắt. Ngồi sau xe Honda của chị Bảy, Năm cứ nhìn mãi căn nhà nhỏ thân thương trong xóm Cây Thị ấy chở che nuôi giấu anh và đồng đội. Chị Bảy dặn:
– Em cứ ngồi yên sau xe. Gặp bọn lính cứ làm lơ, đừng nhìn bọn chúng. Mọi việc để chị lo.
Chị Bảy chở Năm vượt qua mấy bót gác sang qua đường rồi giao Năm cho một cô gái khác, đó là chị Mười. Mười đưa Năm qua Bình Lợi rồi sang xã Vĩnh Phú trở về căn cứ.
Vượt qua Chánh Lưu, qua đường 13 về sông Thị Tính, Năm bồi hồi nhớ lại cách đây hơn ba năm cũng từ đây anh xuất phát ra đi làm cách mạng. Ấy là mùa hè 1965 lúc đó Năm mới 17 tuổi. Chưa thực sự làm giải phóng quân, nhưng qua mấy lần vào chiến khu D thăm ba Năm đã mơ ước được làm bộ đội giải phóng quân. Sinh ra và lớn lên ở thị xã Thủ Dầu Một vốn nổi tiếng là thơ mộng, nhưng Năm thấy rừng xanh còn thơ mộng hơn nhiều. Năm nhớ mãi lần đầu tiên chị Kim Hà dẫn anh vào chiến khu thăm ba. Từ Chánh Lưu hai chị em đi bộ 2, 3 ngày liền mới tới căn cứ. Sống trong vùng địch tạm chiếm, nghe chúng tuyên truyền về Việt Cộng bảy người leo cọng đu đủ không gãy, Năm chỉ tủm tỉm cười. Việt Cộng là ai, chính là ba, là anh Hai và các chị của anh chứ còn ai khác. Đúng là cuộc sống của người lính giải phóng quân so với cuộc sống đô thị có phần kham khổ, thiếu thốn nhiều. Nhưng thật huyền diệu. Đêm đầu tiên ngủ rừng với ba, Năm không sao chợp mắt được. Nghe tiếng suối róc rách chảy, tiếng chim thú kêu đêm, anh bỗng thấy mình đang sống trong mộng. Bây giờ Năm trở thành anh giải phóng quân thực thụ, đặc biệt cuộc thử thách dữ dội trong lòng địch vừa qua đã làm anh lớn lên nhiều. Năm khát khao được gặp ba, để báo cáo với ba những gì mà anh và đồng đội vừa vượt qua.
Từ vùng địch tạm chiếm trở về Năm được bổ sung vào đơn vị trinh sát của trung đoàn quyết thắng và được đề bạt từ tiểu đội trưởng lên trung đội trưởng. Lại tiếp tục bám địch, đánh địch. Nhân đợt tổng kết khen thưởng, Năm được đề nghị tặng thưởng 2 huân chương chiến công và đề bạt lên đại đội phó. Một lần, dẫn đơn vị đi trinh sát, Năm bị bom B52 đánh trúng hầm, vết thương thấu đùi.
Đồng đội đưa anh vào Quân y viện K71. Điều trị được vài ngày, Năm mới hay tin ba đang làm chính ủy ở Viện. Năm sung sướng, chờ đợi giây phút gặp ba. Chắc ba ngạc nhiên và vui mừng lắm. Một buổi trưa, từ buồng bệnh, Năm len lén lên gõ cửa phòng chính ủy. Khi Năm đứng nghiêm báo cáo ba theo phong cách của người lính, thì ba anh bàng hoàng không nói lên lời.
– Có đúng thằng Năm đấy không con? Năm chạy lại ôm chầm lấy ba.
– Con là Năm của ba đây mà.
Ba anh không nhận ra đứa con trai bé bỏng của mình nữa. Một phần vì chiến trường ác liệt quá, Năm gầy đi nhiều, da tái xanh tái mét. Phần vì trước đó đơn vị đã làm thủ tục báo tử cho anh. Mấy tháng nay, ba anh giữ kín tin đau buồn ấy, không muốn cho vợ và các con biết. Bây giờ Năm trở về như từ trên trời rơi xuống. Anh đứng trước mặt ông nhoẻn miệng cười. Đúng là chiến tranh có thể làm khuôn mặt con trai ông thay đổi, nhưng đôi mắt và nụ cười thì chẳng lẫn vào đâu được.
Suốt đêm ấy, Năm được ngủ bên ba. Như đứa trẻ đi lâu ngày trở về, cái gì Năm cũng muốn kể cho ba nghe. Nào là những ngày anh ở Ban chính trị của tỉnh, làm nhiệm vụ ghi tin đọc chậm. Vị phụ trách thấy dáng thư sinh của anh cứ nghi anh xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản nên luôn luôn dặn: “Cách mạng trước hết là lao động. Lao động là cải tạo mình, rèn luyện phẩm chất và xây dựng ý chí chiến đấu.”. Nào là trận “đụng” lữ đoàn dù 173 Mỹ năm 1967. Đó là trận đánh Mỹ đầu tiên đối với Năm. Nhìn bọn Mỹ nhảy dù xuống căn cứ như nấm mọc, anh cứ hình dung như mình đang tham gia trận đánh Điện Biên Phủ năm xưa. Bọn Mỹ nghi xưởng sửa chữa thông tin của đơn vị anh là sở chỉ huy mặt trận, nên tập trung hỏa lực tấn công. Năm cùng với Tồn và Tám “đụng” chúng suốt mấy tiếng liền. Trận ấy đơn vị anh được khen thưởng. Chỉ gần 20 tay súng “lính cơ quan” mà đụng độ với một đại đội Mỹ, tiêu diệt và làm bị thương trên 100 tên. Riêng tổ của Năm tiêu diệt gần 20 tên Mỹ…
Nghe Năm kể lại, ba vui lắm. Có mấy đứa con cùng tham gia kháng chiến, nhưng ông thương Năm nhiều nhất. Tội nghiệp, người nó nhỏ, sức yếu, nhưng ý chí thì chẳng thua chị, kém anh…
                                                                                  ***
Tất cả những chuyện ấy như một cuốn phim chầm chậm hiện dần trong đầu Năm. Mỗi lần trở lại căn nhà của má Hai Cây Thị, Năm không quên thắp riêng nén nhang tưởng nhớ chính ủy Phái và biết bao đồng chí, đồng đội của anh đã ngã xuống trong chiến dịch Mậu Thân lịch sử ấy.

Trung tướng Lưu Phước Lượng (bên phải) và Đại tá Trần Thế Tuyển.

                                                                           Hai
Tôi ngồi trong căn phòng đơn sơ tại nhà riêng của anh. Buổi sáng chủ nhật cuối năm tiết trời thật mát mẻ. Ngoài sân, những cánh mai vàng bắt đầu hé nở, báo hiệu mùa xuân sắp về. Tôi biết công việc cuối năm của người chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị ở một binh đoàn chủ lực đối với Năm thật bề bộn. Nhưng anh đã hứa sẽ ngồi với tôi cả buổi sáng. Đêm qua, khuya lắm Năm mới gọi điện “gút” lại cuộc hẹn này. Và, anh không quên báo tin “bà Ngọc” (vợ anh) đã chuẩn bị món nhậu cho chúng tôi nữa. Cả Triệu Xuân cũng sẽ có mặt. Xuân là người bạn chỉ huy cùng sư đoàn với Năm cách đây không lâu vừa đi công tác bên Mỹ về. Hiện anh là đại tá Phó tham mưu trưởng Quân khu, cũng là một trong những người bạn chiến đấu thân thiết, lâu ngày của chúng tôi.
Bây giờ tôi ngồi trước mặt Năm. Từ lâu rồi, cứ mỗi lần chúng tôi gặp nhau chuyện cũ, chuyện mới, chuyện ta, chuyện tây cứ liên hồi tưởng như không dứt được. Thực ra, tôi gặp Năm chỉ hơn chục năm nay. Còn tôi biết Đại tá Lê, cha của anh trước đó nhiều; bởi, lúc ấy tôi là phóng viên tờ báo Quân khu và cha anh là cán bộ của Cục Hậu cần Miền, sau về làm chính ủy Cục Hậu cầu Quân khu. Chưa gặp Năm, nhưng tôi đã biết “tiếng” anh qua lời kể của bạn bè, đồng đội. 17 tuổi đang học dở trung học (đệ tam), Năm đã trốn lên rừng theo ba và các anh, chị làm cách mạng. Trực tiếp ở đơn vị chiến đấu gần chục năm, năm 1974, Năm được cử ra Bắc học văn hóa. Và, cũng chính những ngày về “thủ phủ” Lộc Ninh, chuẩn bị vượt Trường Sơn ra Bắc, anh đã gặp cô gái Cần Thơ xinh đẹp đó chính là Ngọc, vợ anh bây giờ. Nói về chuyện này, đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn thấy từ trong giọng nói đến ánh mắt của họ vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
Đó là những ngày sau Hiệp định Pari về việc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi đất nước ta được ký kết. Trong một lần đến Thị đội Lộc Ninh thăm anh Hai, Năm gặp một phụ nữ quê ở Cần Thơ. Ngay từ lần gặp dầu tiên, Năm đã thấy người phụ nữ này gần gũi, thân thiết với anh như mẹ, như chị ở nhà. Qua lời kể, Năm biết chồng bà đi tập kết ngoài Bắc, hiện tại bà còn một người con gái đang tham gia cách mạng ở Cần Thơ. Như duyên tiền định, có ai ngờ đâu trong danh sách những người lên đường ra Bắc học tập đợt ấy có tên Ngọc – con gái bà. Từ T3 (miền tây) lên Lộc Ninh, Ngọc hồi hộp chờ ngày gặp mẹ. Nhưng thật bất hạnh cho chị, khi đến vùng giải phóng, thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thì mẹ chị không còn nữa. Cách đó hơn một tuần, bà đã hy sinh trong một trận đánh bom của địch. Ngọc như điên dại vì sự hụt hẫng, đau đớn đó. Giữa lúc ấy, cũng như bao đồng đội khác, Năm xuất hiện. Anh rụt rè an ủi, chia xẻ với người con gái – một đồng đội mà lần đầu anh gặp.

Đầu năm 1974, Năm và Ngọc cùng vượt Trường Sơn ra Bắc. Hơn một tháng trời hành quân dọc chiều dài đất nước, Năm luôn gần gũi, an ủi, giúp đỡ Ngọc. Nhưng anh đâu dám bày tỏ tình cảm riêng, ngoài tình đồng chí, đồng đội. Ngọc biết rõ điều ấy. Vừa tròn hai mươi tuổi, dáng người đầy đặn, da trắng, lại có nụ cười thật tươi, Ngọc đã làm bao chàng trai thương thầm, trộm nhớ. Nhưng tất cả đều được gác lại. Mang theo nỗi đau mất mẹ, mục tiêu lớn nhất của Ngọc là giữ gìn sức khỏe vượt Trường Sơn ra Bắc học tập, để xứng đáng với mẹ, với bao nhiêu đồng đội khác của chị đã ngã xuống.
Ra tới miền Bắc, Năm được cử đi Trung Quốc còn Ngọc lên học tại trường văn hóa của Quân đội ở Lạng Sơn. Dù xa Năm, nhưng Ngọc vẫn không thể nào quên Năm được – một chàng trai Bình Dương ít nói, thỉnh thoảng cứ len lén nhìn chị, tủm tỉm cười. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), cả Năm và Ngọc đều tốt nghiệp cấp 3. Với quân hàm Trung úy, Năm được điều về là trợ lý cán bộ trung đoàn thông tin Quân khu 9. Còn Ngọc được chọn đi học lớp sơ cấp chính trị, sau đó chị được cử đi học Đại học Dược ở thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tướng Lưu Phước Lượng và phu nhân – Đại tá Mạc Phương Minh.

Năm 1977, như trái chín đã đủ ngày đủ tháng, Năm và Ngọc làm đám cưới. Tình yêu đã chắp cánh cho họ. Sau ngày cưới, Năm ngược trở ra Bắc, trở lại Trường văn hóa Lạng Sơn để học ngoại ngữ, chuẩn bị theo học khóa đào tạo dài hạn của Học viện chính trị Quân sự.
Năm 1981, tốt nghiệp vào loại ưu khóa 15 hệ đào tạo của Học viện chính trị Quân sự, Năm được điều về làm Trưởng ban cán bộ Bộ tham mưu Quân khu 9 rồi Phó phòng chính trị Bộ tham mưu, Phó phòng khoa học quân sự, Phó văn phòng Bộ tư lệnh Quân khu 9. Những ngày cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra quyết liệt, với nhiệm vụ trợ lý Tư lệnh Quân khu, Năm đã có dịp cọ xát chiến trường. Những vấn đề lý luận anh đã học nay có dịp được thể hiện trong thực tiễn chiến đấu. Đấy là thời gian quý báu cần thiết để hình thành trong Năm tư duy về công tác Đảng, công tác chính trị, đặc biệt những biện pháp tư tưởng để nâng cao sức chiến đấu của bộ đội.

Năm 1988, từ Quân khu 9, Năm được điều về làm Phó chủ nhiệm chính trị sư đoàn N, rồi Phó sư đoàn trưởng về chính trị sư đoàn. Tại đây, Năm gặp Triệu Xuân, Anh hùng Quân đội, người mà Năm đã mến mộ từ lâu. Cặp bài trùng sư đoàn trưởng Triệu Xuân và bí thư Đảng ủy sư đoàn Lưu Năm đã góp phần rất đáng kể trong việc giữ vững danh hiệu sư đoàn 2 lần Anh hùng. Và, tôi đã gặp Năm ở đó, trong một chuyến công tác trở về sư đoàn cũ của tôi. Đêm ấy, trên biên giới Tây Ninh, chúng tôi nằm kề bên nhau nói chuyện gần như tới sáng. Tôi nói với Năm rằng, tôi về sư đoàn trước anh gần 20 năm, chỉ có điều khác là tôi về với cương vị cán bộ tiểu đội còn anh với cương vị “chính ủy sư đoàn”.
Cứ bỗ bã, bộc bạch như thế mà câu chuyện giữa chúng tôi tưởng như không dứt, rất tâm đầu ý hợp. Năm say sưa với đề tài công tác tư tưởng. Anh trăn trở, phải làm sao nâng cao hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, đặc biệt việc giáo dục mục tiêu lý tưởng cho lớp trẻ, hạn chế đến mức thấp tình hình vị phạm kỷ luật của bộ đội và nâng cao đời sống cả vật chất lẫn tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.
Tôi biết cha anh – đại tá Lê qua thực tiễn công tác và qua những tác phẩm mà ông viết về một bệnh viện đánh giặc. Được tận mắt chứng kiến các công việc mà Năm đang làm và những suy nghĩ của anh, tôi thấy lấp lánh trong một điều gì đó. Những “điều gì đó” mà tôi không thể nói ra bằng lời cụ thể trước đây đã trở thành thực sự hôm nay. Sau thời gian ngắn về làm Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu, tháng 12- 1995, Năm được điều về làm Phó tư lệnh chính trị Binh đoàn.


Vậy là cậu học trò trung học của đất Bình Dương giàu truyền thống cách mạng năm xưa, sau gần 30 năm chiến đấu và học tập đã trở thành “chính ủy”. Con hơn cha nhà có phúc. Các cụ ta dạy thế. Chúng tôi đang lan man chuyện cũ, chuyện mới thì Ngọc khệ nệ đưa đồ nhậu lên. Thấy ánh nhìn tinh nghịch của tôi, Ngọc nói:
– Các anh nói xấu gì em đấy?
Tôi nói với Ngọc rằng, chúng tôi có nói xấu gì chị đâu, chỉ đang kể về một người đẹp Tây Đô đã lọt mắt xanh của chàng trai đất đỏ miền Đông gian lao mà anh dũng đấy thôi. Ngọc cười. Từ trong ánh mắt và nụ cười của chị, tôi biết chị đang hạnh phúc lắm. Vẫn là các món ăn chúng tôi ưa thích: khô cá lóc miền Tây trộn với xoài xanh, chấm nước mắm me.
Cầm ly rượu đưa cho tôi, giọng Năm xúc động:
– Có được ngày hôm nay, nhìn lại, mình thấy có phấn đấu bao nhiêu cũng không đủ, không thể nào đền đáp được công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ; sự rèn luyện, dạy dỗ của Đảng, Quân đội và sự hy sinh của đồng chí, đồng bào…
Thấy ánh mắt Ngọc thoáng buồn. Tôi biết cũng như chồng, Ngọc đang nghĩ về những tháng ngày gian khổ ấy; những người đã mãi mãi nằm xuống ấy; trong đó có người mẹ kính yêu và chính ủy Phái – người đã có ảnh hưởng rất lớn đến Năm – người bạn đời thân yêu của chị./.

Gia đình Trung tướng Lưu Phước Lượng.

                                                                                                                  Cuối năm 2000

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây