Chủ Nhật, Tháng chín 15, 2024
Trang chủTác phẩmKÝ ỨC ĐẪM LỆ CỦA VỊ ĐẠI TÁ “BA VỢ, MỘT CON”

KÝ ỨC ĐẪM LỆ CỦA VỊ ĐẠI TÁ “BA VỢ, MỘT CON”

CUỘC THI “ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA”

MINH TUỆ

Trong căn hộ nhỏ tại khu tập thể B1 (phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội), tôi được Đại tá tình báo Lê Văn Trọng kể lại những cảnh đời ly tán vì chiến tranh trong gia đình ông – một gia đình mà cả vợ lẫn chồng trước đó đều đã vĩnh viễn mất đi “một nửa” của mình. “Nhiều người từng gọi đùa tôi là “ông đại tá ba vợ, một con”, nhưng họ cũng hiểu vì chiến tranh mà gia đình tôi phải rơi vào hoàn cảnh đặc biệt ấy”, Đại tá tình báo Lê Văn Trọng mở đầu câu chuyện bằng những giọt nước mắt lăn dài. Ít ai biết rằng, gia cảnh ông là một điển hình của nỗi đau “núi cách sông ngăn” sau những năm dài chiến trận…

Đại tá tình báo Lê Văn Trọng.

NỖI ĐAU CẮT CHIA TỪ HAI NGƯỜI VỢ TRẺ

Sau năm 1954, nhiều cán bộ miền Nam nhận nhiệm vụ tập kết ra Bắc, trong lúc kẻ thù đang rắp tâm phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, chia cắt nước ta thành hai miền Nam – Bắc. Ngày ấy, mỗi gia đình cán bộ tập kết đều mang trong mình tâm tư trĩu nặng “ngày Bắc đêm Nam”, bởi họ biết nỗi đau ly tán trong mỗi gia đình rồi sẽ lại tiếp tục dài thêm…

Là bộ đội miền Nam, ông Lê Văn Trọng nhận nhiệm vụ tập kết ra Bắc, để lại người vợ mới cưới ở quê hương Khánh Hòa. Do nhiệm vụ bí mật của một cán bộ tình báo nên ông không được phép biên thư, ghi địa chỉ về nhà, bởi vậy sau nhiều năm bặt tin, lại chưa có với nhau một mụn con, người vợ trẻ đã quyết định xây dựng gia đình với người đàn ông khác. “Mãi sau này, khi cơ sở của ta ở trong Nam báo ra, tôi mới được biết, thôi thì vì hoàn cảnh, nhiệm vụ, mình cũng phải cảm thông với cô ấy”, ông Trọng nhớ lại.

Tạm gác chuyện gia đình, công việc của tổ chức đã lần lượt cuốn ông Trọng đi khắp các chiến trường, rồi sau đó ông nhận nhiệm vụ bí mật “tập kết ngược”, trở về hoạt động giữa lòng địch. Năm 1967, ông làm nhiệm vụ trong mạng lưới tình báo tại địa bàn Vùng 1 chiến thuật của địch. Tại đây, ông đã xây dựng được cơ sở tình báo tại “Nhà may y phục Thanh Tâm” trên đường Thống Nhất, TP. Đà Nẵng, một thời gian sau, ông nên duyên vợ chồng với cô chủ hiệu may Trà Thị Tâm.

Khi cặp vợ chồng chủ hiệu may Thanh Tâm vừa sinh được cậu con trai tròn 6 tháng tuổi, đúng giữa Tết Kỷ Dậu năm 1969, người chồng của cô chủ hiệu đột ngột “bỏ đi biệt tăm” mà không có một lời nhắn gửi. Ngay sau đó, hiệu may Thanh Tâm bị an ninh, mật vụ chính quyền Sài Gòn tới lục soát, chúng tới gia đình cha mẹ đẻ của Trà Thị Tâm khám xét và thu được tấm hình người con rể, sau đó địch phát lệnh truy nã người mà chúng nghi là “điệp viên cộng sản”.

Bốn năm liền sống trong không khí ngột ngạt từ sự kìm kẹp, truy bức của an ninh mật vụ, cũng là 4 năm chúng đón lõng “người chồng Việt Cộng” tại nhà cô chủ hiệu may Thanh Tâm. Sau khi giăng bẫy không thành, cuối tháng 6/1973, địch đã bắt giam Trà Thị Tâm cùng cậu con trai trong một lần cô có việc về Sài Gòn. Chỉ trong 4 ngày, Tâm đã bị địch tra tấn dã man cho đến chết mà không khai thác được thông tin nào về người chồng từng “bỏ nhà biệt tích”. Trở thành đứa con mồ côi khi vừa tròn 5 tuổi, cậu bé Lê Văn Hùng đã được ông bà ngoại đón từ Trại giam Chí Hòa về Đà Nẵng nuôi nấng, chăm sóc…

Nữ điệp báo Phạm Thị Điểm trong một chuyến công tác vào Nam (ảnh do gia đình cung cấp)

NGƯỜI VỢ THỨ BA VÀ NHỮNG TRANG THƯ ĐẪM LỆ

Giống như người bạn tình báo Lê Văn Trọng, năm 1954, bà Phạm Thị Điểm cũng phải tạm biệt chồng và hai con nhỏ ở quê hương Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) để tập kết ra Bắc, trong khi chồng bà – ông Lê Long Châu, Tỉnh ủy viên Quảng Ngãi – được tổ chức bố trí ở lại miền Nam hoạt động bí mật. Ra Hà Nội công tác khi đang mang thai người con út, bà Điểm chỉ có dịp tâm sự cùng chồng, con qua những lá thư mỏng manh, dù không nhiều những trang thư như vậy vượt qua được vĩ tuyến 17 để tới tay người nhận.

Đầu năm 1958, bà Điểm hay tin chồng mình bị địch bắt, tra tấn dã man và hy sinh trong nhà tù tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với nỗi đau “núi cách sông ngăn” giữa đôi bờ giới tuyến, gia đình bà lại phải lại nén chịu nỗi đau con mất cha, vợ mất chồng. Đọc thư của một người đồng đội gửi từ quê nhà, bà tưởng như đứt từng khúc ruột:

“Thím Điểm thân mến! Tôi kể qua về chú cho thím rõ. Sau khi chú vượt ngục ra được 3 ngày, lần về gần đến cơ sở ở Tịnh Thọ, giáp Bình Thới thì không may gặp phải tên phản động đuổi bắt chú. Vì người yếu, trong tay không có vũ khí, lại 3 ngày liền không có hạt cơm nên bị chúng bắt đem về tỉnh. Chúng tra tấn, hành hạ chú cực kỳ dã man cho đến chết…” (Thư ngày 28/12/1959).

Nén đau thương, Phạm Thị Điểm vừa một mình nuôi con nhỏ, vừa làm tròn nhiệm vụ cấp trên giao phó. Bà đã xuyên Trường Sơn vào chiến trường B2 làm nhiệm vụ của một giao thông viên và được Phòng Tình báo Miền (J22) giao nhiệm vụ vào Sài Gòn bắt liên lạc với các cán bộ điệp báo. Từ trong lòng địch, qua những lá thư gửi cho các con, bà vẫn không nguôi nỗi đau mất chồng:

“Vân, Thanh, Thành con! Kẻ địch đã cướp mất ba của các con rồi! Từ nay ba sẽ không còn gần các con nữa, nhưng tinh thần, dũng khí cách mạng kiên cường, bất khuất không bao giờ phai nhạt trong tâm trí má, tâm trí các con và trong lòng nhân dân… Các con hãy cố gắng chăm sóc bà ngoại những lúc bà đau ốm và đi theo cách mạng để trả thù cho ba. Má cũng quyết tâm công tác thật tốt, dù trong hoàn cảnh nào má cũng sẽ làm tròn nhiệm vụ Đảng giao để quyết trả thù cho dân tộc và trả thù cho Ba của các con” (Thư ngày 1/1/1966).

Tháng 7/1972, bà Điểm được cấp trên giao nhiệm vụ đặc biệt: Vào Sài Gòn tìm kiếm một cán bộ tình báo bị mất liên lạc, đó chính là Tổ trưởng điệp báo Lê Văn Trọng (sau này trở thành người bạn đời của bà).

Khi ấy, với tên gọi Sáu Dung, bà Điểm đã tạm biệt đứa con út đang học tại Trường học sinh miền Nam (Đông Triều, Quảng Ninh), nhiều lần vượt biển Đông vào Nam, ra Bắc để xác định tung tích đồng đội… Sau 7 chuyến vượt biển, lúc vào Nam, khi ra Bắc, bà Điểm đã mang tấm căn cước được làm giả từ Hà Nội vào để “giải cứu” người đồng đội Lê Văn Trọng khỏi nanh vuốt kẻ thù…

“Bà Điểm hiểu rất rõ hoàn cảnh éo le của tôi là có người vợ bị địch tra tấn và hy sinh trong tù khi đứa con trai vừa lên 5 tuổi. Vì vậy khi trên đường tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, bà đã tìm tới địa chỉ gia đình vợ tôi tại Đà Nẵng để báo tin tôi vẫn còn sống sau gần 10 năm xa vợ con mà không một dòng nhắn gửi” – Đại tá Lê Văn Trọng kể.

Khi thành phố Đà Nẵng vừa được giải phóng, bà Điểm đã tìm tới địa chỉ 111, đường Thống Nhất (quận 2, Đà Nẵng) để báo tin cho cha, mẹ vợ ông Trọng được biết: “Người con bội bạc” của gia đình hiện vẫn còn sống. Ba ngày sau, ở ngoài Bắc, ông Trọng liền nhận được lá thư chuyển tay với những nét chữ ngộ nghĩnh của Lê Văn Hùng (đứa con mà ông từng rời xa khi mới 6 tháng tuổi) – bức thư mà mỗi lần đọc lại, ông đã không sao cầm được nước mắt:

Lá thư mà người con trai duy nhất gửi ông Lê Văn Trọng ngày 11/4/1975.

“Đà Nẵng, 11/4/1975

Ba kính! Đọc được thư ba con mừng quá. Con nhớ ba nhiều, con trông gặp ba ghê. Má chết con buồn, bà ngoại thương nhớ má, bà ngoại già ghê và ốm. Bà ngoại thương con nhiều, ba khỏi lo. Con năm nay học lớp 2, con khỏe mạnh thường, lớn mau, con hết bịnh rồi. Khi nào ba về thăm con nghe. Con trông ba nhiều, nhớ ba lắm. Con gởi ba hai cái hình hồi bọn ác ôn bắt con và má nhốt ở Sài Gòn.

Con

Lê Văn Hùng”

Sau này lớn lên, Hùng mới hiểu rằng “người cha biệt tích” năm xưa chính là cán bộ tình báo Lê Văn Trọng, còn mẹ anh – liệt sĩ Trà Thị Tâm – cũng là một nữ điệp viên từng hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc “Hiệu may Thanh Tâm”. Vì cơ sở bị lộ mà Lê Văn Trọng đã phải vào Sài Gòn ẩn náu, sau đó bị địch bắt, tra tấn với tội danh “dùng căn cước giả”.
CHUNG TAY GÂY DỰNG NHỮNG MẢNH ĐỜI LY TÁN

Ngày đất nước thống nhất, hai cán bộ tình báo (một người có chồng hy sinh, một người có vợ là liệt sĩ) đã tự nguyện “táp” vào đời nhau với điều an ủi duy nhất: Xung quanh họ vẫn còn 4 người con – những “của để dành” đáng giá sau rất nhiều giông bão cuộc đời… Ông Trọng đã đón người con duy nhất của mình từ Đà Nẵng ra Hà Nội, còn bà Điểm cũng về lại quê hương Quảng Ngãi tìm hai đứa con lưu lạc trong chiến tranh. Khi ấy, bà mới biết người con gái lớn do nghèo khổ mà phải vào hái chè thuê ở Đà Lạt, trong khi đứa con trai thứ hai do sợ bị địch khủng bố khi có người thân theo “Việt Cộng” mà đã phải xuống tóc đi tu. Bà Điểm đã tới chùa Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) khuyên con về tu tại gia, rồi tiếp tục cho các con ăn học. Sau này, cô con gái đầu và người con thứ hai của bà Điểm đều trở thành công chức nhà nước, người con út (được sinh ra, lớn lên ở miền Bắc) cũng trở thành kỹ sư và công tác trong ngành bưu điện.

Sau những năm dài ly tán do chiến tranh, những “của để dành” là 4 người con của hai liệt sĩ đã trưởng thành trong một tổ ấm mà hai thương binh đã cùng nhau nương tựa… Tưởng rằng cặp vợ chồng thương binh ấy sẽ còn có nhiều năm gắn bó trong quãng đời còn lại, nào ngờ, năm 2005, sau một cơn bạo bệnh, bà Điểm đã vĩnh viễn rời xa tổ ấm mà hai người từng cất công gây dựng.

Trong những năm cuối đời, ông đại tá “ba vợ, một con” lại một thân một mình sống với những hoài niệm cũ. Trên ban thờ trong căn hộ tập thể đơn sơ, người lính già ấy vẫn thường hay lụi cụi thắp hương cho hai người vợ và không quên hương khói cho người chồng liệt sĩ của người vợ thứ ba…

( bài viết được đăng trên: vanchuongthanhphohochiminh.vn)

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây