Tháng 8 năm 1969, vừa tốt nghiệp phổ thông, anh Ninh Văn Chiến quê ở Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã cùng bạn bè xếp bút nghiêng lên đường nhập ngũ. Rời cuộc chiến tranh chống Mỹ trở về đời thường với thương tật trên cơ thể, anh không ngừng phấn đấu, trở thành Người nông dân kiểu mẫu. Nhưng ký ức về những ngày vượt Trường Sơn vẫn không thể nào quên.
Anh kể: “Nhập ngũ, tôi được phân về tiểu đoàn 5, đại đội 8, trung đoàn 14, tức là “C 8, K 5, E 14”. Sau 4 tháng huấn luyện, đơn vị nhận lệnh lên đường đi B, vào Nam chiến đấu. Tới địa bàn tỉnh Quảng Bình, chúng tôi mới thực sự đạp chân lên đường Trường Sơn. Bốn tháng trời ròng rã với biết bao gian nan. Dưới sự chỉ huy của giao liên, ngày đi đêm nghỉ, đêm đi ngày nghỉ. Cứ thế chúng tôi đi.
Đường hành quân không cùng đường với xe tải chở vũ khí, đạn dược, lương thực… mà là một con đường nhỏ cheo leo, sỏi đá, chập chùng khe suối, len lỏi giữa triền núi, ven sông, luồn lách dưới rừng già.
Là con đường duy nhất cho bộ đội hành quân nên ngày nào đường Trường Sơn cũng có những đoàn quân nườm nượp đi vào. Có những chặng đường cheo leo, thăm thẳm dốc đứng, phải vượt qua, người đi sau ngẩng đầu lên chỉ nhìn thấy gót chân người đi trước. Có những chặng đường đã trở thành hố sâu do B52 tàn sát, lại phải lội bì bõm trong sình lầy, gai gốc, cây rừng ngổn ngang. Có những chặng đường người đi sau phải bắt buộc đạp lên dấu chân người đi trước, trên một tảng đá nhỏ, bởi địa hình éo le không còn cách nào khác, đến nỗi tảng đá trở nên mịn màng, láng bóng. “Đá mòn mà đôi gót không mòn…” (lời bài hát Bước chân trên dãy Trường Sơn của Vũ Trọng Hối) là như thế”.
Về hình ảnh bộ đội hành quân vượt Trường Sơn hay băng rừng lội suối, tôi đã được học tập, tìm hiểu qua nhiều tư liệu, qua những bộ phim nói về chiến tranh… Nhưng hôm nay trực tiếp được nghe anh kể, tôi mới thấy thấm thía từng lời, thấy những hình ảnh đó như mới hiển hiện ngày hôm qua đây thôi.
Anh tiếp tục kể: “Trên đường Trường Sơn lúc nào cũng nườm nượp những đoàn quân đi vào, đi ra. Trên đầu không khi nào ngớt tiếng máy bay địch rú gầm. Chỉ cần có dấu hiệu nghi ngờ là lập tức B52 ập đến trút bom. Có binh trạm đã sơ ý để lộ mục tiêu bị B52 dập tan nát. Có những đơn vị vừa mới vào trạm nghỉ chân tức khắc bị xóa sổ, nhìn lên ngọn cây quần áo, búi tóc của những cô gái giao liên treo lơ lửng… Vì thế, bộ đội chúng tôi luôn tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh 3 không: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Càng đi vào càng ác liệt, càng nguy hiểm. Trên đường Trường Sơn không ngày nào không có B52, không ngày nào không có người hy sinh. Người đi vào nhìn người đi ra nhưng có hỏi thăm được gì đâu, vì đơn vị đang hành quân, ai nấy đều lo lắng, khẩn trương.
Ròng rã 4 tháng vượt Trường Sơn, cuối cùng đơn vị của anh cũng đã tới miền Tây Nam bộ. Nơi đây anh đã chứng kiến nhiều cảnh người dân địch bắt tra tấn dã man vì “tiếp tay cho Cộng Sản”.
Đến tháng 5 năm 1973 anh bị thương trong một cuộc hành quân khi đang tiến lên với khí thế tiêu diệt địch. Lúc đó hai bên đều nhã đạn, một quả pháo nổ ngay trước mặt anh, mảnh đạn lướt qua cánh tay trái, anh nhìn thấy cánh tay lủng lẳng, máu phọt ra từng tia, sau đó anh bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy, anh thấy mình đang nằm tại một trạm quân y trong rừng, xung quanh có rất nhiều các đồng đội bị thương đủ kiểu.
Anh suy sụp tinh thần chỉ muốn tự sát chết đi vì nghĩ mình đã tàn phế. “Lúc đó, chết được là sướng nhất”, anh tâm sự. Nhưng rồi nhìn thấy rất nhiều anh em thương binh có người còn nặng hơn mình, có người cụt cả hai tay, hai chân… anh từ từ thấy lòng dịu lại, nghĩ mình còn may mắn hơn đồng đội.
Đến tháng 10 năm 1974 anh được ra Bắc an dưỡng. Năm 1975 anh phục viên. Một thời gian sau anh lập gia đình. Đến năm 1987, anh đưa vợ con vào Nam lập nghiệp tại tổ 4, khu phố Xa Cam 1, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Là một người lính Cụ Hồ, trong chiến đấu cũng như trong cuộc sống đời thường lúc nào anh cũng phát huy tinh thần, dám nghĩ dám làm, luôn là một tấm gương, một thương binh tàn nhưng không phế, một người dân kiểu mẫu, anh đã vực dậy và đưa gia đình đi lên làm giàu bằng chính công sức, nghị lực và trí tuệ của mình. Anh xác định không thể chỉ sống dựa vào chế độ ưu đãi của nhà nước.
Phường Hưng Chiến đã bình chọn anh là người thương binh vươn lên bằng nghị lực, bằng bản lĩnh và ý chí: Người nông dân kiểu mẫu của thị xã Bình Long nhiều năm liền.
Bụi Cát