MỘT
Mặt trời tắt nắng, Giang chuẩn bị cầm vợt ra sân thì nghe tiếng chuông điện thoại:
– Thưa bác sĩ. Mời bác sĩ xuống phòng cấp cứu ngay. Có ca sanh khó.
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Thấy bác sĩ đến, kíp trực nhường chỗ cho anh. Trên giường bệnh, một thiếu phụ khoảng gần ba chục tuổi, khuôn trăng thanh tú, vài sợi tóc vương trên gương mặt lấm tấm mồ hôi.
Giọng một phụ nữ luống tuổi, chắc là mẹ thiếu phụ:
– Cháu chuyển dạ đã ba ngày nay mà chưa sinh được. Nước ối vỡ rồi. Bác sĩ cứu cháu với.
Không trả lời, Giang lấy ống nghe và thao tác. Đoạn anh quay sang kíp trực:
– Chuẩn bị phòng mổ gấp.
Ca mổ bắt đầu từ 7 giờ tối kéo dài đến tận 11 giờ đêm. Là bác sĩ sản khoa, từ khi ra trường đến nay, Giang đã mổ không biết bao nhiêu ca sản phụ, nhưng chưa bao giờ thấy phức tạp như ca này. Người mẹ trẻ sinh con lần đầu. Cấu tạo bộ phận sinh nở rất lạ nên đứa bé không thể chào đời bằng “đường truyền thống”. Mọi thông số kỹ thuật đều ở mức báo động đỏ. Nguy cơ tử vong rất cao.
Giang và những người cộng sự của anh phải xử lý nhiều tình huống trong quá trình thực hành ca mổ. Không chỉ nguy cơ đến với mẹ mà sinh mạng bé sơ sinh cũng khó bảo toàn. Cuối cùng thì tiếng khóc oe oe của bé cũng vang lên như tia nắng bình minh sưởi ấm căn phòng.
HAI
Giang bước ra khỏi giường, mở tấm vải che cửa. Ban mai tràn vào phòng. Đêm qua, bệnh nhân sản phụ biến chứng, nên anh phải trực tiếp theo dõi đến 4 giờ sáng mới vào giường chợp mắt được. Tiếng chuông điện thoại reo lên:
– Dạ, con nghe đây Ba
Đêm qua con trực không về nhà à?
– Dạ, một ca khó sanh, Ba ạ
– Nếu anh còn ở bệnh viện, lát nữa chị con sẽ đưa bố lên. Đêm qua, bố không ngủ được. Đôi mỏm chân tê cứng.
– Dạ, con đợi Ba. Ba lên ngay nhé?
BA
Khi Giang xuống phòng bệnh, người thiếu phụ đêm qua anh phẫu thuật chưa tỉnh. Cùng với chồng cô có người mẹ của bệnh nhân.
Giang lấy ống nghe và lướt qua bảng theo dõi treo ở đầu giường. Tiên liệu xấu. Giang thầm nghĩ rồi vén tấm ra thăm bệnh nhân. Đôi mắt nhắm nghiền. Cặp môi dày khô. Vài sợi tóc vương trên khuôn mặt bầu bĩnh. Đang khám bệnh thì điện thoại reo, Giang lướt nhìn và nhận ra số điện thoại của chị gái :
– Chị đưa ba đến rồi. Em ra phòng khám ngay nhé?
– Dạ, chút xíu em đến liền.
Giang dặn dò người chồng bệnh nhân đôi điều rồi đi về phía phòng khám. Đến cửa Giang thấy ba ngồi trên xe lăn đang nói chuyện với một người đàn bà. Đó là mẹ của thiếu phụ bệnh nhân mà anh mổ bắt con đêm qua.
Giọng ba Giang:
– Đây là cô Thanh. Kỹ sư Thanh mà bố đã kể cho con nghe.
Giang cố nén sự xúc động, anh cúi đầu:
– Cháu chào cô ạ. Thế mà cháu không biết.
Ý Giang là, cháu không biết cô từ đêm qua khi cô đưa con gái vào phòng mổ.
Người đàn bà bối rối:
– Tôi mới tệ. Tôi không biết bác sĩ là con trai anh Thạch đây. Thạch là tên bố của Giang.
Giọng ba của Giang:
– Nghe nói con gái cô sanh khó, phải mổ. Đoạn ông quay sang Giang:
– Tình hình sao rồi con?
Bác sĩ Giang ngập ngừng:
– Cũng, cũng ổn Ba ạ. Anh quay sang bà Thanh:
– Cô đừng lo.
Giang xin phép đưa ba đi khám . Còn bà Thanh đến phòng hậu phẫu, nơi con gái bà đang ở đó.
Giang đẩy xe lăn cho ba mà lòng anh nặng trĩu. Chuyện tình của ba và cô Thanh này diễn ra hơn 40 năm nay, qua lời tâm sự của ba, anh không thể nào quên được.
Ngày ấy, khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ba anh , một chàng trai đang học lớp cuối trường cấp ba Lê Hồng Phong tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Ba là học sinh giỏi lại là “tay ghi ta” nổi trội, độc nhất vô nhị của trường nên ban giám hiệu muốn giữ lại. Ba kiên quyết thực hiện nguyện vọng của mình và anh lên đường khi các cánh quân của ta đã tràn sang Campuchia cứu dân tộc này thoát khỏi họa diệt chủng. Bà Thanh lúc ấy cùng học trường Lê Hồng Phong nhưng dưới ba một lớp. Bí thư chi đoàn Thanh mê Thạch không chỉ bởi Thạch học giỏi, đàn hay mà còn ở sự điển trai hiếm có. Ngày ấy ông Thạch có dáng cao, mảnh mai mà các bạn vẫn đùa gọi là Chánh Tín (diễn viên điện ảnh trong bộ phim Ván bài lật ngửa) của nhà trường. Ngày chàng trai Thạch lên đường nhập ngũ cũng là ngày Thanh tỏ tình. Đêm chia tay, bí thư chi đoàn Thanh hát bài “Ngày mai anh lên đường” hay như chưa bao giờ hay thế. Ngày mai anh lên đường/ Ngày mai anh ra chiến trường/ Để lại em yêu dấu có khoảng trời thành phố …”
Ba kể lại, trước đó tập trung học hành, ba không để trái tim mình vướng bận vào tiếng sét ái tình nào. Rồi đến một ngày trái tim khô cứng, như sa mạc ấy không trốn nổi ánh mắt da diết và đôi môi mọng hồng như trái dâu chín của người bạn gái dưới mình một lớp. Đêm chia tay họ thức trắng. Thanh hứa với Thạch sẽ chờ đợi anh đến ngày chiến thắng trở về. Không biết có hậu định gì mà gần sáng, Thạch ghì siết Thanh nói trong hơi thở:
– Sau này, nếu anh không chết mà tàn phế trở về, em còn yêu anh không?
Thanh gục vào ngực Thạch nước mắt dàn dụa:
– Anh không thể chết. Dù tàn phế đến đâu em vẫn theo anh suốt cuộc đời.
Nhưng trên đời này, như tiền nhân dạy:” Nói trước bước không qua”, cô sinh viên năm cuối khoa kiến trúc đã bước không qua thật. Sau một thời gian mất liên lạc, mùa hè năm 1985, người ta báo cho cô Thạch bị thương đã chuyển về quân y viện 175. Cô vội vã chạy vào. Dạo ấy, bệnh viện đông nghịt thương binh. Hàng ngàn giường bệnh mà không đủ chỗ. Nhiều ca phải mắc võng nằm
dọc hành lang. Trên chiến trường nước bạn, bọn tàn quân Pôn Pốt rải mìn khắp nơi. Loại mìn nguy hiểm chưa từng xuất hiện trên thế giới. Người ta đạp trúng mìn. Mìn bung lên chừng ngang đùi rồi nổ. Thương binh phần lớn cụt hai giò. Không chết. Chết thì xong chuyện. Đằng này kẻ thù muốn để lại hậu họa cho đất nước của đối phương.
Cô sinh viên như hoa lá mùa xuân mới ra trường, miệng mang khẩu trang tìm người yêu giữa hàng ngàn thương binh đầy mình băng bó. Cuối cùng cô cũng tìm ra:
– Anh Thạch nằm ở giường số 6 khoa B1B. Một người mặc trang phục y tế nói với Thanh.
Đến giường số 6, Thanh tìm mãi không thấy Thạch đâu. Căn phòng chưa đầy 30m2 mà có tới hơn 10 thương binh điều trị. Đây là phòng thương binh nặng. Đa số các anh mất hai chân. Có anh mất cả cánh tay.
– Chị tìm ai? Giọng cô y tá trẻ có dáng mảnh mai hỏi:
– Dạ. Tôi tìm anh Thạch.
– Anh Thạch ở sau lưng chị
đó.
Thanh quay người lại. Cô nhận ra đôi mắt của Thạch:
– Anh Thạch, anh Thạch. Sao đến nông nỗi này ? Giọng Thanh thảng thốt.
Anh thương binh mất đôi chân cố tình trốn cô gái. Thanh cầm lấy bàn tay Thạch. Mới có mấy năm mà chàng “Chánh Tín” điển trai, học giỏi, đàn hay của trường chuyên mang tên vị tiền bối cách mạng biến đi đâu rồi. Chỉ còn người thương binh mất hai chân quá đầu gối, gầy gò, da xám xịt vì sốt rét.
– Anh Thạch không nhận ra em sao? Em là Thanh 11A đây mà.
Anh thương binh không đáp lại. Đoạn anh với tấm ra trùm kín mặt. Thanh khóc một hồi không được Thạch đáp lại, cô đành ra về. Đó cũng là lần cuối cùng họ gặp nhau.
Thanh về rồi, Thạch không khóc mà nước mắt cứ trào ra.
Thực lòng anh vẫn yêu Thanh và cần cô hơn bao giờ hết. Nhưng anh không muốn anh là gánh nặng cho Thanh suốt đời…
Khi tốt nghiệp đại học, bố mới kể cho Giang nghe chuyện ấy. Mối tình đầu với Thanh không thành, bị tàn phế, cả chỗ hiểm, Thạch nghĩ sẽ không bao giờ xây dựng gia đình. Nhưng chuyện gì đến đã đến, mẹ của Giang bây giờ chính là cô y tá đã chăm sóc ba anh trong bệnh viện thời chiến tranh. Dạo ấy, lúc buồn, Thạch lấy guitar chơi những bài hát mang dấu ấn một thời ; trong đó có bài “Ngày mai anh lên đường” mà Thanh đã hát tặng anh trước ngày lên biên giới. Thạch hát mà như khóc, bóng hình người bạn gái đầu đời cứ chập chờn ẩn hiện. Cô y tá (mẹ của Giang) biết điều ấy, nhưng bà vượt qua biết bao trở ngại để đến với ba anh – một thương binh mất cả đôi chân và có nguy cơ lấy vợ khó có thể không có con.
Nhưng ông trời có mắt. Mẹ Giang chính là cuộc đời thứ 2 của ba anh. Không những bà tặng cho ông hai đứa con một gái một trai học giỏi, sống lễ phép mà còn là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của ông. Đáp lại, Thạch vượt lên chính mình. Sau khi vết thương ổn định, tổ chức dự định đưa Thạch về trại điều dưỡng thương binh nặng ở Long Hải. Nhưng Thạch bàn với vợ độc lập lo cho bản thân. Vốn là học sinh giỏi toán, Thạch mầy mò tự học, rồi thi đại học tại chức chuyên ngành điện tử mà anh ưa thích. Thạch trở thành “ thợ” sửa điện thoại như thế. Sau, không chỉ sửa chữa, anh còn vay vốn mở cửa hàng mua bán điện thoại. Nhờ thế mới có tiền cho hai con học đại học. Chị là kỹ sư hóa thực phẩm. Còn em là bác sĩ…
Cuộc gặp bất ngờ giữa ba và cô Thanh khiến chuỗi sự kiện hơn 40 năm trước hiện về như cuốn phim quay chậm. Thực lòng, lúc đầu nghe ba kể, Giang thấy chẳng có chút tình cảm với cô Thanh. Cô đã không kiên trì để thực hiện lời hẹn ước . Nghĩ lại, Giang thấy tất cả do chiến tranh. Chiến tranh tàn khốc quá; không những cướp đi sinh mạng hoặc cướp đi một phần thân thể của nhiều triệu người mà hậu quả của nó không biết đến bao giờ mới chấm dứt.
Kính trọng và thương ba má – nhân chứng của cuộc chiến đẫm máu đã qua, Thạch còn thương cho những mối tình trong chiến tranh như mối tình đầu của ba và cô Thanh nữa. Thạch nghĩ trong chuyện này chẳng ai có lỗi. Đó là một trong những hệ lụy của chiến tranh. Nhìn nét mặt bối rối của cô Thanh trong cuộc gặp ba anh mới đây, Thạch thấy thương cô Thanh quá. Không biết gần nửa thế kỷ qua, cô sống có hạnh phúc không; hay mối tình đầu bất thành cứ ám ảnh cô mãi ?
Tokyo, tháng 3/2024
Truyện ngắn Trần Thế Tuyển