Thảo nguyên Hà
Nhân dịp kỷ niệm 2 năm ngày thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM ( 10/7/2020- 10/7/2022), vừa qua Ban Thường vụ Hội HTGĐLS TP HCM đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ.
Ban Thường vụ đã tổ chức Hội nghị BCH lần thứ 5 nhìn lại hai năm hoạt động và định hướng công việc nghĩa tình thời gian tới. Theo đó, Hội nghị BCH lần thứ 5 đã quyết nghị chuyển hướng hoạt động của Hội tập trung hỗ trợ gia đình liệt sĩ tìm kiếm thông tin, xác định danh tính liệt sĩ . Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày TBLS Hội chủ trương lấy ý kiến hội viên, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách để kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội xác lập ngày 27/7 là ngày Quốc giỗ- giỗ những người vị quốc vong thân trong sự nghiệp giữ nước qua các thời kỳ lịch sử. Phối hợp với các nhà tài trợ, Hội tổ chức tặng quà gia đình liệt sỹ, thương binh bao gồm xây mới và sửa chữa 7 nhà tình nghĩa, trao 25 suất quà, 10 sổ tiết kiệm… tại các quận huyện : Gò Vấp, Phú Nhuận, Củ Chi, Cần Giờ…
Dịp này, Hội phối hợp với Thường trực Huyện ủy Cần Giờ tổ chức đại hội lần thứ 1 thành lập Chi hội HTGĐLS huyện Cần Giờ và xuất bản số đặc biệt đặc san Linh Khí Quốc Gia ( tháng 7/2022) .
Cạnh đó, Ban Thường vụ Hội tổ chức gặp mặt các nhà báo đồng hành cùng Hội hai năm qua.
Nhân dịp này, tòa soạn LKQG trân trọng giới thiệu bài phát biểu của bà Đỗ Liên ( Madam Liên ) đại diện cho các nhà tài trợ đồng hành cùng Hội.
ĐỂ NGHĨA TÌNH LUÔN TỎA SÁNG
Tôi sinh ra trong một gia đình họ Đỗ có truyền thống làm nghề giáo. Từng tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm II và đứng trên bục giảng 3 năm theo định hướng của Bố tôi – cũng là một nhà giáo ưu tú gương mẫu, tuy có tố chất sư phạm, nhưng trong tôi còn trỗi dậy một khí chất mạnh mẽ khác. Tôi quyết chí bỏ lại sau lưng gia đình, tạm chia tay với nghề giáo, một mình khăn gói vào Nam theo trái tim mách bảo. Làm thế nào để bản thân thoát nghèo, gia đình thoát nghèo là điều khiến tôi suy nghĩ hàng ngày hàng giờ.
Thời đó, nghề giáo là một nghề cao quý, nhưng đồng lương quá thấp. Ngoài những giờ đứng lớp, cuộc sống chỉ quanh quẩn bên đồng áng, ruộng vườn, chăn nuôi… Đủ ăn qua ngày đã là rất quý, nói gì tới dư dả dành dụm cho tương lai. Nhìn xung quanh chỉ toàn người nghèo, cái đói lúc nào cũng ám ảnh. Tôi không cam tâm bó buộc bản thân mình. Tôi quyết vượt qua giới hạn của sự chịu đựng để vươn lên làm kinh doanh giúp gia đình và giúp cộng đồng.
Tất cả mọi thứ xuất phát là như vậy!
Là cô giáo dạy văn nên tôi hiểu các cuộc chiến tranh của đất nước mình, việc giữ nước và xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh xương máu vì hòa bình, độc lập, tự do cho đất nước vẫn đang nằm ở đâu đó, chưa tìm được hài cốt, thực sự tôi không thể nói lời cảm ơn suông được. Và cả những người lính đã nghỉ hưu vẫn miệt mài dành chút tâm sức còn lại để tiếp tục làm nghĩa cử cao đẹp cho người đã khuất và thân nhân của người có công. Tôi nghĩ trên thế giới này chắc không nơi nào như ở Việt Nam mình, máu chảy ruột mềm, linh thiêng nguồn cội.
Bao nhiêu xương máu đổi lấy hòa bình của hiện tại, để thế hệ cháu con được hưởng sự an yên, đó thực sự là niềm hạnh phúc lớn lao không gì sánh được.
Bao nhiêu tiền là đủ? Thực sự, chờ có điều kiện thì mới giúp Hội, chắc không ai có cả. Vì chúng tôi là kinh doanh cũng có những nỗi khổ, vất vả, thách thức của kinh doanh.
Chính vì những điều ấy, khi Đại tá Trần Thế Tuyển – Nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng trao đổi với tôi về chuyện thành lập Hội Hỗ trợ gia đình thương binh liệt sĩ, tôi đồng ý hỗ trợ ngay.
Lúc bấy giờ tôi đang ở Đức. Tôi chưa biết nhiều về hoạt động của Hội, chỉ đọc những bài thơ anh Thế Tuyển viết về đồng đội, về mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đồng hành cùng anh, cùng Hội. Bất kể khi nào Hội cần tôi, tôi đều có mặt và làm bằng cả trái tim mình.
Tôi hiểu Anh Trần Thế Tuyển và nhiều chiến sĩ đã bỏ cả tuổi thanh xuân của mình, bỏ cả hạnh phúc cá nhân là vợ con ở hậu phương vì sự nghiệp lớn.
Tôi hiểu có người nhiều năm không được về nhà, có đồng chí phải bỏ cả mạng sống của mình, cả cuộc đời hi sinh cho dân cho nước. Bây giờ ở tuổi “thất thập” này các anh đứng ra tri ân, đền ơn đáp nghĩa với người có công thì mọi hoạt động đều phải thiết thực.
Tôi hiểu các anh tất cả vì lý tưởng, vì yêu nước theo một cách khác nhau. Và ở Hội các anh đã cho tôi cơ hội để được trả ơn, được thể hiện trách nhiệm của mình đối với đồng bào, đối với gia đình liệt sĩ đã mất đi một phần máu thịt. Tự đáy lòng, tôi xin biết ơn và tiếp tục đứng bên cạnh Hội cùng chăm lo hương khói cho người có công, san sẻ gánh nặng cho các mẹ, các chị được chu đáo đến cuối đời./.
Thùy Mai ghi
Sau đây là một số hình ảnh trong đợt hoạt động :