Kinh nghiệm về công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ của Đoàn cựu chiến binh tình nguyện tỉnh Bình Phước
(ĐTTA) – Đoàn cựu chiến binh (CCB) tình nguyện thuộc Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước là đơn vị tình nguyện được thành lập tháng 2.2012, phối hợp cùng quân đội thực hiện đề án 515 tìm kiếm và quy tập hài cốt Liệt sĩ. 9 năm qua, đơn vị đã gắn bó với Ban chính sách và đội chuyên trách K72 tìm kiếm thông tin, khảo sát, thẩm tra, xác minh tài liệu, thẩm định di vật, đưa được 118 liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang, thông báo cho trên 2.700 gia đình các thông tin có liên quan tới Liệt sĩ. Cung cấp hàng trăm trang tài liệu và thông tin liệt sĩ cho đội K72, tổ chức cất bốc và tiễn đưa hàng chục liệt sĩ về quê hương…
Qua thực tế hoạt động, Đoàn cựu chiến binh tình nguyện thuộc Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước rút ra một số kinh nghiệm trong công tác tìm kiếm thông tin và quy tập hài cốt liệt sĩ:
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH CHUNG VỀ CÔNG TÁC TÌM KIẾM, QUY TẬP LIỆT SĨ
Về công tác hồ sơ, tài liệu quy tập từ sau khi giải phóng đến nay chưa được tổng kết, đồng bộ hóa. Sau chiến tranh, các đơn vị đóng quân và chiến đấu trên địa bàn Bình Phước như F5, F7, F9, F302, F303, E271, E75 pháo binh…hầu như đều đã cử các đoàn công tác về quy tập liệt sĩ của đơn vị mình, có một số bàn giao cho Cục Hậu cần thực hiện (chủ yếu tại các bệnh viện, bệnh xá). Tuy nhiên do tính lịch sử, việc bàn giao hồ sơ, tài liệu chưa triệt để và khoa học, thêm vào đó điều kiện bảo quản và trình độ quản lý còn rất lạc hậu nên dẫn tới việc thất thoát rất nhiều hồ sơ không tìm thấy trong lưu trữ. Những đơn vị nào đã làm công tác quy tập, quy tập tại những vị trí nào, kết quả quy tập tìm thấy bao nhiêu liệt sĩ, còn lại bao nhiêu liệt sĩ không đơn vị quản lý nào có thể nắm chắc chắn được. Vì thế cần có một giải pháp hữu hiệu chính là việc đề nghị các đơn vị hỗ trợ cung cấp danh sách liệt sĩ, cung cấp những tài liệu quy tập hoặc liên quan tới quy tập, vị trí đã quy tập… để cơ quan tỉnh đội và TBXH tỉnh cùng đồng bộ công tác theo dõi và quản lý liệt sĩ trên các nghĩa trang tỉnh. Đáp ứng chính xác và nhanh chóng những yêu cầu nóng bỏng của xã hội về công tác liệt sĩ.

Qua 9 năm hoạt động, Đoàn cựu chiến binh tình nguyện thấy rằng việc tìm kiếm thông tin các liệt sĩ là cán bộ dân chính đảng hoạt động tăng cường về các địa phương, dân quân du kích, bộ đội đặc công là gặp nhiều khó khăn: hy sinh riêng lẻ, trang bị và vũ khí sử dụng của địch nhất là bộ đội đặc công không có quần áo, khi phát hiện tìm thấy hài cốt rất khó để kết luận khi hy sinh.
Tình trạng này chắc cũng nhiều địa phương vấp phải, nếu không thận trọng và nếu không có trách nhiệm nhiều liệt sĩ nằm trong tốp này chịu thiệt thòi, chúng ta sẽ có tội với đồng đội. Công tác tìm kiếm mật danh các đơn vị địa phương các K, KC qua từng thời kỳ chưa có tài liệu cụ thể, các căn cứ kháng chiến, các bệnh xá địa phương… không có sơ đồ và tài liệu chỉ dẫn, các đồng chí trực tiếp công tác và chiến đấu ở các đơn vị này (bộ đội huyện, cán bộ cơ quan dân chính…) người còn, người mất, người già yếu nên tài liệu vô cùng hiếm hoi, các liệt sĩ nằm trong nhóm này còn nhiều đồng chí chưa tìm thấy.

Về công tác nghĩa trang và quản lý hồ sơ liệt sĩ, đối với bia mộ thì việc khắc bia cần có sự kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ cho đúng, chính xác thông tin liệt sĩ. Hiện nay nhiều bia thông tin không chính xác sai lệch tên đệm, tên, địa chỉ…
Việc sai sót này do nhiều nguyên nhân: từ danh sách đến người khắc bia (thổ âm, giọng, tiếng địa phương, trình độ…) từ những vấn đề sai sót trên bia dẫn đến khó khăn trong hoàn tất hồ sơ di chuyển. Sai lệch một chút cũng không được di chuyển, lại phải xác minh tận địa phương lòng vòng qua nhiều khâu để được điều chỉnh, sửa đổi…
Còn đối với hồ sơ thì việc quản lý hồ sơ liệt sĩ tại nghĩa trang đòi hỏi sự nghiêm túc và khắt khe để không được nhầm lẫn, sai sót. Nhưng trong thời gian qua đặc biệt là giai đoạn ngoại cảm lộng hành nhiều nghĩa trang đã bị thao túng. Ngoại cảm tới cùng gia đình gắn bia mộ thiếu căn cứ, gia đình cùng ngoại cảm tới áp vong rồi chỉ đâu gắn bia đó… dẫn tới những hệ lụy khó giải quyết.

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM, QUY TẬP LIỆT SĨ
Kết quả hoạt động tìm kiếm, quy tập liệt sĩ: Sau chiến tranh, việc tìm liệt sĩ đã trở thành một yêu cầu bức thiết cho nhiều gia đình, nhất là khi điều kiện kinh tế chung của đất nước phát triển, cuộc sống ngày càng được cải thiện, nhưng đây cũng chính là cơ hội cho những kẻ bất lương lợi dụng. Hàng loạt những nhà ngoại cảm, trung tâm ngoại cảm ra đời lừa đảo nhà nước và thân nhân liệt sĩ. Gia đình tôi cũng trực tiếp bị những kẻ bất lương này lợi dụng…
Đoàn CCB tình nguyện ra đời trong giai đoạn tệ nạn ngoại cảm nóng bỏng nhất. Đoàn CCB tình nguyện đã thấy, đã chứng kiến cả ngàn liệt sĩ được đưa về quê hương, về các nghĩa trang liệt sĩ chỉ là những nắm đất tổ mối, những vật chứng ngụy tạo, đến nay biết bao gia đình đã đắng cay, ngậm ngùi … Hệ lụy của giai đoạn này còn tồn đọng không biết đến bao giờ mới giải quyết xong.
Đoàn CCB tình nguyện với lực lượng 5 đội viên ra đời tháng 2.2011, trong tâm trạng nửa tin nửa ngờ của các đồng chí lãnh đạo CCB tỉnh Bình Phước. Đoàn hoạt động tìm kiếm thông tin, đào tìm liệt sĩ dưới sự kiểm tra và giám sát chặt chẽ của thường trực CCB tỉnh (các đ/c lãnh đạo chỉ sợ chúng tôi vi phạm đạo đức và pháp luật). Chiến công đầu tiên là chúng tôi tìm thấy 1 liệt sĩ ở xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tiếp theo tìm thấy 1 liệt sĩ tại suối Bàu Tre, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú rồi tiếp nữa tìm thấy 1 liệt sĩ tại huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, tìm thấy 2 liệt sĩ tại xã Phước Sang, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Dương, cùng với đội K72 tìm thấy 22 liệt sĩ tại cầu Cân Lê, huyện Lộc Ninh.
Bằng những thành tích cụ thể và niềm tin sắt đá, ngày 15.2.2012 Thường trực CCB tỉnh Bình Phước đã chính thức công nhận Đoàn CCB tình nguyện là đơn vị hoạt động hợp pháp, thành viên của hội với tổng số 35 cán bộ và chiến sĩ. Phương châm hoạt động độc lập, kinh tế tự chủ bằng hình thức đóng góp.
Chiến công nối tiếp những chiến công, năm 2013 Chính phủ thực hiện chương trình 1237 và 150, đoàn CCB tình nguyện đã tìm thấy tài liệu, phối hợp cùng huyện đội Tây Sơn, tỉnh Bình Định quy tập được 78 liệt sĩ đưa về an táng tại xã Bình nghi, huyện Tây Sơn.
Cung cấp tài liệu và nhân chứng phối hợp cùng đội K72 Bộ CHQS tỉnh Bình Phước tìm thấy 14 liệt sĩ E88 hi sinh trong trận đánh Phước Quả 3 địch chôn tập thể tại sân bay Phước Bình. Tham gia các chương trình hội thảo của Bộ CHQS tỉnh Bình Phước tìm tư liệu cho những khu vực có mộ tập thể chưa được quy tập, phát hiện những vị trí còn nóng bỏng trong việc tìm kiếm liệt sĩ như sân bay Lộc Ninh, đồi Quân y Bắc Sơn, trại biệt kích Tống Lê Chân, trại biệt kích Bù Đốp, trận chiến Măng Cải, xã Lộc Thiện…
Đến giai đoạn này phương thức hoạt động của đoàn đã thay đổi, không còn là phương thức hoạt động độc lập nữa, mà là phối hợp hành động cùng các cơ quan chức năng như Bộ CHQS, Sở LĐ-TBXH…việc tìm kiếm, cung cấp thông tin là nhiệm vụ chính, việc quy tập đã có các đơn vị quân đội đảm nhiệm.
Ngày 31.12.2015, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước thành lập, đoàn CCB tình nguyện trở thành đơn vị nòng cốt của Hội, thực hiện 4 nhiệm vụ cơ bản trong sự nghiệp tri ân liệt sĩ. Từ đó đến nay, cả ngàn gia đình liệt sĩ đã nhận được thông báo nơi an táng người thân, được tư vấn thủ tục thăm viếng và đi tìm liệt sĩ. Hàng trăm gia đình đã được hướng dẫn làm thủ tục đính chính thông tin trên bia mộ, di chuyển và giám định AND trả lại tên cho liệt sĩ… Tổ chức hàng chục lễ tiễn đưa liệt sĩ về quê hương.
Quá trình 9 năm hoạt động tri ân của Đoàn CCB tình nguyện, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước là cả một thời gian dài vô cùng gian khổ, hoạt động tự nguyện không lương, không phụ cấp. Tất cả mọi hoạt động đều được củng cố bằng niềm tin mãnh liệt và tình nghĩa đồng đội sâu nặng. Vừa làm vừa học, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay bài học đã đúc kết được là: ” 5 phối hợp, 4 quyết tâm”.

KINH NGHIỆM TRONG CÔNG TÁC TÌM KIẾM
Từ thực hiện tốt 4 công tác phối hợp
Về phối hợp tài liệu của ta, công tác tìm kiếm thông tin liệt sĩ, đặc biệt là những mộ tập thể chưa được quy tập, việc tiếp cận tìm hiểu những chiến dịch, những trận đánh mà các đơn vị ghi chép lại là rất quan trọng, nó đánh giá được quy mô, phạm vi tác chiến và mức độ thiệt hại của ta trong thực tế chiến tranh….Căn cứ vào những tài liệu này kết hợp với những yếu tố khác có và đủ mới có thể lập được kế hoạch khảo sát, thăm dò tìm liệt sĩ có hiệu quả. Tuy nhiên có những vấn đề đặc thù trong chiến tranh như công tác bảo mật nhiều tài liệu ghi chép chưa thể hiện được đầy đủ và chính xác. Nhiều tài liệu bị thất lạc do những nguyên nhân chủ quan và khách quan nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.
Về phối hợp tài liệu của địch, chúng ta chiến đấu với quân đội Mỹ, lính ngụy và quân đội của những nước chư hầu đều là những đội quân nhà nghề, việc tổ chức tác chiến và quản lý hồ sơ rất chuyên nghiệp, chặt chẽ và khoa học. Sau chiến tranh ở Việt Nam, một kho tư liệu khổng lồ về chiến tranh xâm lược Việt nam được lưu giữ tại Nhà Trắng và Trường Đại học Texas. Trong này lưu giữ cả triệu báo cáo về những chiến dịch, những trận đánh và những kế hoạch quân sự triển khai trong cuộc chiến tranh Việt Nam cũng như 3 nước Đông Dương. Chúng tôi xác định: nếu như tận dụng được những tài liệu phù hợp chúng ta có thể tìm thấy liệt sĩ nhanh hơn, đỡ tốn kém công sức và tiền của. Ở đây khó khăn nhất là đột nhập qua hệ thống bảo mật, lựa chọn những tài liệu có giá trị phục vụ…vì thế đòi hỏi phải có một đội ngũ những người tâm huyết, trình độ khoa học công nghệ, kiến thức quân sự và ngoại ngữ sâu rộng. Ở đây chúng tôi đã thành công trong việc kết nối những nhà khoa học, những chuyên gia và trí thức trẻ nhiệt tình, tâm huyết cùng thực hiện sự nghiệp tri ân liệt sĩ (sẽ có 1 phần trình bầy riêng).

Về phối hợp những nhân chứng sống và phát hiện của nhân dân, nhân chứng sống được bao gồm: những CCB từng trực tiếp tham gia chiến đấu và an táng liệt sĩ, những người lính phía bên kia chiến tuyến, những người dân chứng kiến sự kiện. Cung cấp thông tin của nhân chứng sống là điều khẳng định sự kiện chiến tranh, mức độ ác liệt và quy mô của trận chiến. Những tài liệu này bổ trợ thêm cho những tư liệu ghi chép của ta, của địch, đánh giá khách quan sự thiệt hại của cả hai phía. Đồng thời chỉ dẫn cho những người đi làm công tác liệt sĩ đến những nơi cần đến, cần tìm. Tuy nhiên ở đây có sự hạn chế lớn, do thời gian xảy ra sự kiện đã quá lâu, địa hình, địa vật thay đổi nhiều theo năm tháng nên việc nhầm lẫn về thời gian, vị trí chôn cất liệt sĩ không chính xác. Vì thế các cuộc quy tập phát huy hiệu quả không cao, chỉ ở mức độ khiêm tốn. Trong quá trình lao động sản xuất nhiều phát hiện của nhân dân đã giúp cho đơn vị quy tập thành công trong việc tìm kiếm, quy tập liệt sĩ.
Về phối hợp những tấm lòng nhân ái và công nghệ mới hiện đại, trong quá trình hoạt động tìm kiếm thông tin liệt sĩ, tính đến nay Đoàn CCB tình nguyện đã kết nối được 156 cộng tác viên tình nguyện, những cộng tác viên này có người là CCB, có người là TNXP, có người là giao liên trong kháng chiến, có người là công an, bộ đội đang công tác, có người là những trí thức, giáo viên đã nghỉ hưu. Đặc biệt là Đoàn CCB tình nguyện đã tạo được sự ủng hộ của những nhà khoa học, trí thức đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực, có trình độ chuyên môn sâu rộng… đội ngũ cộng tác viên tình nguyện đã giúp chúng tôi thông qua máy tính, điện thoại chuyển tải hàng ngàn tài liệu, hồ sơ, chứng cứ liên quan tới liệt sĩ ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Việc hỗ trợ thân nhân tìm liệt sĩ, đính chính thông tin trên bia mộ ở các nghĩa trang đã trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.
Trong bài viết này này đặc biệt Đoàn CCB tình nguyện muốn nhấn mạnh vai trò kết hợp với đội ngũ các nhà khoa học vận dụng công nghệ mới làm công tác tìm kiếm liệt sĩ, đặc biệt là tìm các mộ tập thể. Đoàn CCB tình nguyện đã từng kết nối cùng các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, Viện Vật lý địa cầu ứng dụng máy Ra đa xuyên lòng đất để thăm dò tìm hài cốt liệt sĩ tại khu vực sân bay Phước Bình. Kết nối với các chuyên gia đồ bản và không ảnh, chuyên gia tin học, máy tính, ứng dụng công nghệ mới tìm các tài liệu lưu trữ của địch, so sánh đối chiếu áp hình ảnh vào bản đồ Google Map để tìm ra các hố chôn liệt sỹ… thắng lợi gần đây nhất chuyên gia không ảnh Nguyễn Xuân Thắng (Nike OV10), chuyên gia máy tính Lâm Hồng Tiên (Nike Kỷ vật kháng chiến) đã lập được bản đồ quy tập tại Mang Cải, Lộc Ninh. Với các tài liệu mới thiết lập, đội K72 Bộ CHQS tỉnh Bình Phước đã tìm thấy 33 hài cốt liệt sĩ (tháng 4.2021). Hiện nay Đoàn CCB tình nguyện đã giới thiệu trực tiếp các nhân tài cho Ban chỉ đạo 515 tỉnh Bình Phước và được đặc biệt hoan nghênh.

…Đến thực hiện 4 quyết tâm:
Đoàn kết một lòng, thủy chung với lời thề Nghĩa tình đồng đội. Đoàn CCB tình nguyện có tổng số 35 cán bộ, đội viên. Tất cả đều là những CCB chiến đấu trên nhiều chiến trường và hoàn thành nhiệm vụ trở về, có đồng chí là sĩ quan, có đồng chí là thương binh như đặc điểm rất chung đều là thân nhân liệt sĩ. Đoàn CCB tình nguyện đến với nhau tự nguyện, thực hiện nhiệm vụ tự nguyện, không phân biệt sĩ quan hay chiến sĩ, bầu chọn người lãnh đạo là người có đạo đức và năng lực để chỉ huy đơn vị…Với lời thề Nghĩa tình đồng đội, chúng tôi coi nhau như anh em ruột thịt, gắn bó và chia sẻ với nhau trong công việc hàng ngày để hỗ trợ những người đi công tác, tự nguyện cùng nhau đóng góp tiền bạc chi cho xe cộ, xăng dầu và ăn uống trong các chuyến công tác xa nhà, giúp đỡ những gia đình liệt sĩ khó khăn.
Bám sát chứng cứ, bám sát địa bàn, bám sát nhân dân. Đây là những vấn đề rất khó, khi đã có những chứng cứ, tài liệu liên quan tới liệt sĩ cần phải được tìm hiểu, xác minh cụ thể và tỉ mỉ, phải đi xuống tìm hiểu khảo sát địa bàn, gặp gỡ nhân dân địa phương để nắm bắt thêm những thông tin mà tài liệu chưa thể hiện đấy đủ, thực tế địa bàn sau nhiều năm thay đổi về hiện trạng cần phải xác định chính xác. Thời gian để phục vụ công tác này rất khó ấn định, có khi hai ba ngày, có khi kéo dài cả tuần mới kết luận được, có những vị trí trong rừng, trong suối chúng xa dân Đoàn CCB tình nguyện phải mắc võng ngủ lại, ăn uống tự túc… nếu như không quyết tâm chắc sẽ bỏ cuộc giữa chừng.
Thuyết phục. Khi chưa có chương trình 1237, sau khi có tài liệu và đã xác minh tại địa bàn Đoàn CCB tình nguyện chủ động đề nghị địa phương hỗ trợ người rồi cùng đào tìm, sau này có chương trình 1237 muốn thực hiện lại phải trải qua những công đoạn báo cáo về các cơ quan có thẩm quyền như Ban chỉ đạo 1237 tỉnh hoặc Ban chỉ đạo 24 huyện… Nói tóm lại là rất lâu, có khi không được tin tưởng còn phải xem xét, nghiên cứu thêm. Có lần chúng tôi đã phải gửi tâm thư cho Tỉnh ủy kế hoạch mới được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đó là giai đoạn đầu, sau này hàng trăm trang tài liệu chúng tôi cung cấp cho Ban chính sách Tỉnh đội hoặc cho Ban chỉ đạo 515 phát huy được hiệu quả, hầu như tất cả các kế hoạch đề xuất đều được thực hiện nhanh chóng. Chúng tôi hiểu rằng muốn thuyết phục được lãnh đạo phải tạo được lòng tin từ thực tế và hiệu quả công việc.
Giữ vững 10 lời thề, 12 điều kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đoàn CCB tình nguyện hiểu, giữ vững 10 lời thề, 12 điều kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam là sức mạnh để cống hiến cho sự nghiệp Tri ân liệt sĩ, thực hiện trọn vẹn Nghĩa tình đồng đội. Phát huy sức mạnh này, trong 9 năm hoạt động tìm kiếm thông tin và quy tập hài cốt liệt sĩ, đơn vị chúng tôi đã vinh dự được nhận tổng số 57 Bằng khen do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tặng cho tập thể và cá nhân. Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng 1 Bằng khen, Quân khu 7 tặng 3 Bằng khen, tỉnh Bình Định tặng 1 Bằng khen, ngoài ra còn nhiều Giấy khen của Sở TBXH, Bộ CHQS, CCB tỉnh Bình Phước tặng cho tập thể và cá nhân.
Chiến tranh đã lùi xa, thời gian không còn là cứu cánh, các cựu chiến binh đã già đều trên 70 tuổi trở lên, họ đã quên nhiều. Hài cốt của các liệt sĩ bị phân hủy không còn đảm bảo cho việc giám định AND chính xác. Chúng ta không nỗ lực thì công việc tìm kiếm quy tập liệt sĩ sẽ gặp vô cùng khó khăn. Xương thịt của nhiều liệt sĩ sẽ hòa vào hồn thiêng sông núi, mãi mãi không trở về với gia đình, người thân. Mặc dù họ là linh hồn bất tử nhưng sẽ là nỗi đau cho gia đình và cho mỗi chúng ta, những thế hệ được hưởng kết quả của sự hy sinh của các liệt sĩ./.
Cựu chiến binh Vũ Đình Luật
Bài đăng trên trian.vn.
Tiêu đề do Linh khí quốc gia đặt lại