Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 8, 2023
Trang chủHOẠT ĐỘNG HỘIKIẾN NGHỊ NHÀ NƯỚC SỚM THÀNH LẬP NGÂN HÀNG GENE LIỆT SĨ

KIẾN NGHỊ NHÀ NƯỚC SỚM THÀNH LẬP NGÂN HÀNG GENE LIỆT SĨ

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM kiến nghị nhà nước sớm thành lập một ngân hàng gene, tổ chức lấy được gene của thân nhân liệt sĩ bởi đi tìm hài cốt liệt sĩ đã khó, có mẫu hài cốt liệt sĩ đủ chuẩn ngày càng khó, nhưng tìm thân nhân lấy gene mà càng chậm sẽ càng khó hơn”, Phó Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM Lê Thanh Song nhấn mạnh.

Tại toạ đàm tìm kiếm, thu thập, điều chỉnh, lưu trữ thông tin liệt sĩ; thủ tục di chuyển mộ, hài cốt liệt sĩ do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) TP.HCM tổ chức vào ngày 27/10, Đại tá Lê Thanh Song – Phó Chủ tịch Hội đã có phát biểu đề dẫn liên quan đến công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Đại tá Lê Thanh Song cho biết, đất nước Việt Nam của chúng ta chỉ trong hai thế kỷ gần nhất đã phải trải qua ba cuộc chiến tranh giành độc lập, giải phóng thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc – đó là chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới. Với ba cuộc chiến tranh đó, dân tộc ta đã có gần 1,2 triệu liệt sĩ.

Ngay từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, độc lập tự do; Đảng, Nhà nước và toàn thể cán bộ, nhân dân cả nước đã không ngừng tiến hành quy tập hài cốt liệt sĩ, tìm kiếm, chỉnh sửa thông tin liệt sĩ và hoàn chỉnh các nghĩa trang, xây dựng khu tưởng niệm, đền đài ghi công các anh hùng liệt sĩ, nhưng vẫn còn không ít các hài cốt chưa được quy tập về nghĩa trang, xương cốt các anh vẫn nằm đâu đó trên các vùng đất của Tổ quốc, trên đất bạn Lào, Campuchia. Còn trên 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, 300.000 liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính, còn nhiều ngôi mộ liệt sĩ có thông tin nhưng chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, từ đó rất nhiều các gia đình của liệt sĩ vẫn không biết được  thân nhân của minh hiện nằm nơi đâu.

Việc khớp nối thông tin, dữ liệu đầy đủ để liệt sĩ trở về quê hương sẽ giúp giải tỏa được niềm mong mỏi của thân nhân các liệt sĩ. Hiện nay, ngoài việc xác định thông tin liệt sĩ bằng ADN, thì nhiều đơn vị đang triển khai xác định thông tin hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng (khớp nối thông tin về liệt sĩ, thông tin gia đình liệt sĩ và bia mộ của liệt sĩ đó).

Thông qua phương pháp thực chứng và sự phối hợp nhiều cơ quan chức năng, thông tin đồng đội, đơn vị, thân nhân liệt sĩ và nơi quy tập hài cốt liệt sĩ, từ đó mới đem lại kết quả chính xác đáp ứng mong mỏi của gia đình, thân nhân liệt sĩ.

Đại tá Lê Thanh Song – Phó Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM phát biểu đề dẫn tọa đàm.

Theo Đại tá Lê Thanh Song, mục đích của việc tổ chức toạ đàm nhằm kết nối, mở rộng các nguồn cung cấp thông tin về liệt sĩ; phối hợp chặt chẽ nguồn thông tin từ những đồng đội cùng chiến đấu, cùng đơn vị, quê quán với nguồn thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương; tìm giải pháp, biện pháp hiệu quả, phù hợp trong công tác tìm kiếm, thu thập, điều chỉnh, lưu trữ thông tin liệt sĩ; thủ tục di chuyển mộ, hài cốt liệt sĩ trong điều kiện, đặc điểm và tình hình mới.

Về thực trạng tìm hài cốt liệt sĩ, thông tin về mộ liệt sĩ, điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ, việc di chuyển hài cốt (mộ) từ nơi chôn cất tại các nghĩa trang liệt sĩ về quê, Đại tá Lê Thanh Song cho biết có nhiều khó khăn về nơi chôn cất ban đầu (không có điều kiện ghi chép, không xác định được tọa độ, có ghi chép nhưng bị mất thông tin, những đồng đội thực hiện chôn cất ban đầu không còn);

Về việc quy tập, di chuyển mộ liệt sĩ; sai lệch thông tin (do không có thông tin; thông tin có nhưng không rõ ràng nên người ghi lại thông tin bị sai sót, nhầm lẫn; quá trình quy tập, di chuyển liệt sĩ thông tin bị thất lạc, không rõ ràng…).

Theo Đại tá Lê Thanh Song, để công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đạt kết quả tốt hơn cần huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và nhân dân tham gia; lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Phát huy rộng rãi trong nhân dân, nhất là các đồng đội cùng đơn vị đã cùng chiến đấu trên các địa bàn của đơn vị cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ làm cơ sở cho việc kết luận thông tin hy sinh, nơi chôn cất ban đầu; Đẩy mạnh công tác thu thập, kết nối, xử lý thông tin về liệt sĩ.

Đặc biệt, kiến nghị nhà nước ta sớm thành lập một ngân hàng gene. “Phải khẩn trương xây dựng ngân hàng gene, tổ chức lấy được gene của thân nhân liệt sĩ, chứ không 5-7 năm nữa là mất hết, không còn người mà lấy gene. Đi tìm hài cốt liệt sĩ đã khó, có mẫu hài cốt liệt sĩ đủ chuẩn ngày càng khó, nhưng tìm thân nhân để lấy gene mà càng chậm càng khó hơn”, Đại tá Lê Thanh Song nói.

Về phía Hội HTGĐLS TP.HCM, từ khi thành lập đến nay, Hội đã phối hợp thu thập được danh sách 23.496 liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn TP.HCM, các đền thờ liệt sĩ, bia tưởng niệm liệt sĩ…; đóng thành tập và lưu giữ tại Văn phòng Hội để chuẩn bị cho việc thành lập Thư viện Thông tin liệt sĩ trên trang website linhkhiquocgia.vn của Hội. Tham gia thẩm định danh sách gần 15.000 liệt sĩ để ghi danh tại các đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ. Phối hợp cùng các đơn vị đưa gần 300 hài cốt liệt sĩ về quê.

Đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng và gia đình liệt sĩ; hỗ trợ gia đình liệt sĩ bị thiệt hại do bão lũ, trao học bổng cho con em liệt sĩ, hỗ trợ gia đình liệt sĩ giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội đã phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ gia đình liệt sĩ, thương binh và gia đình thuộc diện chính sách với tổng số tiền và hàng hóa trị giá gần 1,8 tỷ đồng.

Vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đăng ký tài trợ xây dựng gần 100 nhà tình nghĩa, trong đó đã sửa chữa 48 nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí 2,875 tỷ đồng.

Ngoài công tác chăm lo, hỗ trợ gia đình liệt sĩ trên địa bàn TP.HCM, căn cứ nhu cầu và đề nghị của lãnh đạo các tỉnh về tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ, Hội HTGĐLS TP.HCM đã phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và UBND tỉnh Long An, UBND tỉnh Kiên Giang kêu gọi DonaCoop tài trợ trên 100 tỷ đồng xây dựng mới đền thờ liệt sĩ tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt và đền thờ liệt sĩ tại Phú Quốc; phối hợp xây dựng Bia ghi danh liệt sĩ thuộc Trung đoàn 174 hy sinh năm 1967 tại chiến trường Đắc Tô – Tân Cảnh; tham gia xây dựng đền thờ liệt sĩ tại Phú Quốc; phối hợp chuẩn bị xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), Bia chiến công huyện Lộc Ninh (Bình Phước) và TP Tân An (Long An)…

Tổng kinh phí tri ân liệt sĩ, chăm lo, hỗ trợ gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn trong 3 năm (7/2020 – 7/2023), trong đó có việc xây dựng các đền, đài ghi ơn liệt sĩ là trên 100 tỷ đồng. 

Đặc biệt, Ban Thường vụ Hội chủ trì kiến nghị với cấp có thẩm quyền công nhận ngày 27/7 hàng năm là ngày Quốc giỗ. Kiến nghị đã được Chủ tịch nước và các Bộ ngành liên quan ghi nhận…

Hoàng Diệp

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây