Sáng 27/10, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM tổ chức tọa đàm tìm kiếm, thu thập, điều chỉnh, lưu trữ thông tin liệt sĩ; thủ tục di chuyển mộ, hài cốt liệt sĩ.
Tham dự tọa đàm có đại diện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS), Phòng Người có công Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) các tỉnh Đông Nam Bộ, đại diện Phòng chính sách – Cục chính trị Quân khu 7, Quân đoàn 4, các Đội quy tập tại một số tỉnh phía Nam…
Phát biểu tại toạ đàm, Đại tá Lê Thanh Song – Phó Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM cho biết, dân tộc Việt Nam đã trải qua ba cuộc chiến tranh giành độc lập, giải phóng thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc – đó là chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới. Với ba cuộc chiến tranh đó, dân tộc ta có gần 1,2 triệu liệt sĩ.
Ngay từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, độc lập tự do; Đảng, Nhà nước và toàn thể cán bộ, nhân dân cả nước đã không ngừng tiến hành quy tập hài cốt liệt sĩ, tìm kiếm, chỉnh sửa thông tin liệt sĩ, hoàn chỉnh các nghĩa trang, xây dựng khu tưởng niệm, đền đài ghi công các anh hùng liệt sĩ nhưng vẫn còn không ít các hài cốt chưa được quy tập về nghĩa trang, xương cốt các anh vẫn nằm đâu đó trên các vùng đất của Tổ quốc, trên đất bạn Lào, Campuchia.
Theo thống kê sơ bộ, cả nước còn trên 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, 300.000 liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính, còn nhiều ngôi mộ liệt sĩ có thông tin nhưng chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, từ đó rất nhiều thân nhân các gia đình của liệt sĩ vẫn không biết được thân nhân hiện nằm nơi đâu.
Phó Trưởng Phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Đinh Thị Thuý Nga nhận định, hiện nay còn nhiều khó khăn trong việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và xác minh chỉnh sửa thông tin trên bia mộ liệt sĩ do thời gian trôi qua đã xóa đi nhiều dẫn cứ, mất đi nhiều thông tin, những thông tin đã được ghi chép lại bị mất đi nhiều do chiến tranh, công tác lưu trữ, quản lý, bàn giao hồ sơ liệt sĩ, mộ liệt sĩ còn có bất cập, hạn chế; thân nhân liệt sĩ, nhân chứng lịch sử tuổi ngày càng cao, trí nhớ kém.
Hơn nữa, hài cốt liệt sĩ được chôn cất trong thời gian dài, phần lớn hài cốt không còn nguyên vẹn, bị mủn nát, phân hủy ở mức độ cao, việc thực hiện di chuyển một số lần đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, gây khó khăn trong quá trình lấy mẫu sinh phẩm để phân tích, giám định ADN ngày càng khó khăn hơn.
Do đó, việc tổ chức toạ đàm nhằm kết nối, mở rộng các nguồn cung cấp thông tin về liệt sĩ; phối hợp chặt chẽ nguồn thông tin từ những đồng đội cùng chiến đấu, cùng đơn vị, quê quán với nguồn thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương.
Qua đó, tìm giải pháp, biện pháp hiệu quả, phù hợp trong công tác tìm kiếm, thu thập, điều chỉnh, lưu trữ thông tin liệt sĩ; thủ tục di chuyển mộ, hài cốt liệt sĩ trong điều kiện, đặc điểm và tình hình mới.
Bên cạnh những giải pháp đã và đang thực hiện, Hội HTGĐLS TP.HCM kiến nghị nhà nước sớm thành lập một ngân hàng gene.
“Phải khẩn trương xây dựng ngân hàng gene, tổ chức lấy được gene của thân nhân liệt sĩ, chứ không 5-7 năm nữa là mất hết, không còn người mà lấy gene. Đi tìm hài cốt liệt sĩ đã khó, có mẫu hài cốt liệt sĩ đủ chuẩn ngày càng khó, nhưng tìm thân nhân mà lấy gene sẽ càng chậm càng khó hơn”, Đại tá Lê Thanh Song nói.
Là cánh tay nối dài của ngành LĐ-TB&XH, từ khi thành lập (tháng 7/2020) đến nay, Hội HTGĐLS TP.HCM đã thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Hội đã phối hợp thu thập được danh sách 23.496 liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn TP.HCM, các đền thờ liệt sĩ, bia tưởng niệm liệt sĩ… chuẩn bị cho việc thành lập Thư viện Thông tin liệt sĩ trên trang website linhkhiquocgia.vn của Hội.
Tham gia thẩm định danh sách gần 15.000 liệt sĩ để ghi danh tại các đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ. Phối hợp cùng các đơn vị đưa gần 300 hài cốt liệt sĩ về quê.
Tổng kinh phí tri ân liệt sĩ, chăm lo, hỗ trợ gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn trong 3 năm (7/2020 – 7/2023), trong đó có việc xây dựng các đền, đài ghi ơn liệt sĩ hơn 100 tỷ đồng.
TP.HCM hiện có 7 nghĩa trang liệt sĩ với tổng 27.877 mộ, trong đó có 19 mộ liệt sĩ tập thể, 13.639 mộ liệt sĩ đủ thông tin, 7.510 mộ liệt sĩ thiếu thông tin và 5.952 mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Từ năm 2014 – 2023, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố và các ban, ngành liên quan trong công tác tổ chức khảo sát, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ.
Tiếp nhận và tổ chức Lễ an táng 189 bộ hài cốt liệt sĩ (139 trường hợp có tên, 50 trường hợp chưa xác định được thông tin) được quy tập vào các nghĩa trang trên địa bàn thành phố về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ cũng như việc lấy mẫu sinh phẩm gửi vào ngân hàng gen.
Trong đó, Nghĩa trang liệt sĩ thành phố: 73 hài cốt; Nghĩa trang liệt sĩ quận Bình Tân: 30 hài cốt; Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi: 15 hài cốt; Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn: 18 hài cốt; Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cần Giờ: 3 hài cốt và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An 1 hài cốt).
Trong khuôn khổ tọa đàm, các đơn vị đã tổ chức ký kết phối hợp hoạt động trong công tác tìm kiếm, thu thập, điều chỉnh, lưu trữ thông tin liệt sĩ; thủ tục di chuyển mộ, hài cốt liệt sĩ.
Trước đó, năm 2021, Hội HTGĐLS TP.HCM đã tổ chức Tọa đàm phối hợp tìm kiếm thông tin, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ, đó là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237) do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) do Bộ LĐ-TB&XH triển khai.
Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.
Năm 2018, Chính phủ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thành Ban Chỉ đạo quốc gia 515 trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo quốc gia 1237) và Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Ban Chỉ đạo 150). Sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã quyết định triển khai việc thành lập Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ online.
Sau đó, Bộ Quốc phòng đã chuyển giao hơn 700.000 dữ liệu về liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH đã chuyển giao 1,2 triệu dữ liệu về liệt sĩ, trong đó có gần 900.000 dữ liệu về mộ liệt sĩ và hơn 3.000 dữ liệu về nghĩa trang liệt sĩ cho Bộ Thông tin và Truyền thông để chuẩn hóa, tích hợp liên thông cơ sở dữ liệu về công tác tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đăng trên Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ.
Theo Kim Sáng (Báo Công lý)