Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024
Trang chủTin văn hóaKhúc tráng ca Mùa Xuân và Tản mạn dọc sông Sài Gòn

Khúc tráng ca Mùa Xuân và Tản mạn dọc sông Sài Gòn

Trước thềm năm mới Quý Mão, tại nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra một sự kiện văn hoá thật ý nghĩa. Trung tâm Phát thanh và Truyền hình QĐND phối hợp cùng Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP HCM tổ chức Gala nghệ thuật đặc biệt mang tên “Khúc tráng ca Mùa Xuân”.

Trong cái lạnh ngọt ngào hiếm hoi, giữa thành phố tráng lệ mang tên Bác mọi người tề tựu đông đủ. Họ là những người lính Bộ đội Cụ Hồ một thời đang đảm nhiệm trọng trách trong hệ thống chính trị của đất nước hoặc đã nghỉ hưu nhưng bàn chân không mỏi vì nghĩa tình đồng đội. Đó là Trương Hoà Bình, Nguyễn Trọng Nghĩa, Lưu Phước Lượng, Nguyễn Đức Hải, Trần Hoài Trung, Nguyễn Hồng Sơn… và cả những văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo đã gắn bó cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng: Phạm Minh Tuấn, Trần Thế Tuyển, Trầm Hương, Mạc Phương Minh, Phan Tùng Sơn…

MỘT

“Khúc tráng ca Mùa Xuân” với sự góp mặt của các nghệ sĩ trẻ thuộc nhạc viện TP HCM, nhà hát giao hưởng TP HCM, được dàn dựng công phu, hoành tráng đã thực sự chạm đến trái tim của nhiều người, kể cả trong khán phòng và trước màn ảnh nhỏ. Sự chạm vào trái tim ấy bởi nhiều lẽ. Trước hết đó là nội dung của chương trình – một đề tài không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Tráng ca mùa Xuân gắn với những Mùa Xuân lịch sử của đất nước, kể từ năm 1930 khi Bác Hồ thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Khúc tráng ca ấy đầy máu và nước mắt trong các dấu mốc hiển hách chiến công nhưng cũng thấm đậm sự hy sinh tưởng như vô bờ bến. Đó là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954); Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968); trận “Điện Biên Phủ trên không” (1972); Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975)… và dằng dặc con đường bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế…

Hát bằng trái tim và nhiệt huyết mãnh liệt, các nghệ sĩ “con nhà nòi: “Nam Khánh, Khánh Ngọc… đã truyền cảm hứng cho mọi người về một thời máu lửa, tráng ca. Ngồi bên nhạc sĩ tài hoa Phạm Minh Tuấn, tác giả của nhiều ca khúc để đời, trong đó có ca khúc “Người nữ tự vệ Sài Gòn” ông viết cách đây 55 năm giữa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1968, tôi thấy nhiều lần nhạc sĩ lấy khăn chấm nước mắt. Có lẽ bài hát “đi cùng năm tháng” ấy đã đánh thức những kỷ niệm buồn vui trong ông trên chặng đường hơn nửa thế kỷ hành quân cùng người lính Cụ Hồ. Tráng ca và anh hùng ca tuy hai mà một. Không có tráng ca thì không có anh hùng ca. Ban tổ chức chọn tráng ca có tính biểu tượng; bởi con đường dẫn đến ngày hôm nay chưa bao giờ là thảm đỏ.

HAI

Hôm nay (16/1/2023) tại TP HCM, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo SGGP có chuyên đề nổi bật bàn về vấn đề này. Bên cạnh các ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các nhà nghiên cứu: Nguyễn Văn Nên, Phan Văn Mãi, Phạm Phương Thảo, Trương Trọng Nghĩa, Võ Khắc Thái… là bài bút ký “Tản mạn dọc sông Sài Gòn” của Trần Thế Tuyển.

Sông Sài Gòn từ mấy trăm năm nay gắn liền với lịch sử thăng trầm của “hòn ngọc viễn đông” của Thành phố mang tên Bác. Sông Sài Gòn vừa nên thơ vừa thắm máu bởi các thế hệ người Việt hy sinh để giữ mảnh đất này, trong đó có các chiến sĩ đặc công đoàn 10 Rừng Sác. Những người lính Bộ đội Cụ Hồ ấy, người hiến thân vì đất nước thành “linh khí quốc gia” ; người ở lại tiếp tục hành quân để giữ mãi mùa Xuân đất nước, đó là âm hưởng chủ đạo trong “Khúc tráng ca mùa Xuân” và bút ký “Tản mạn dọc sông Sài Gòn”.

Từ “Khúc tráng ca mùa Xuân” đến “Tản mạn dọc sông Sài Gòn”, nói như Bí thư Thành ủy TP HCM, đó là tín hiệu Mùa Xuân. Nghị quyết 31 là nghị quyết có tính lịch sử, tạo ra bước phát triển mới cho TP HCM. Cần sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống gắn với xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng TP HCM xứng danh Thành phố mang tên Bác kính yêu.

Gió heo may đang về. Nàng xuân đang gõ của từng nhà mang tin vui đến./.

Rạng sáng 25 tháng Chạp Nhâm Dần

Trần Bảo Trân

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây