KHÚC CA TRƯỜNG SƠN
Nhà văn Trình Quang Phú
Trong những ngày công tác ở Ủy ban thống nhất Trung ương tôi có dịp gặp tướng Võ Bẩm và được ông kể lại: Tháng 5 năm 1959 khi ông còn là thượng tá được tướng Nguyễn Văn Vịnh, Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất gọi lên trao nhiệm vụ. Anh Vịnh ngày ấy còn là thường trực Quân ủy Trung ương. Hôm đó anh Vịnh thay mặt Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Bẩm tổ chức mở đường giao thông đặc biệt xuyên Trường Sơn để tiếp viện cho miền Nam thực hiện nghị quyết 15 của TW Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh còn nói: “Không phải chỉ Quân ủy chọn đồng chí đâu mà là Bộ chính trị chỉ đích danh đồng chí đấy”. Tướng Võ Bẩm, người con gan vàng dạ sắt của Quảng Ngãi nói với tôi: “Vinh dự lớn và khó khăn thì khôn tả”.
Đồng chí Võ Bẩm tổ chức đội quân đi mở tuyến, khởi đầu từ cánh rừng Khe Hó phía tây Quảng Trị. Tốp quân đầu tiên với khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói và nói không tiếng”, nghĩa là phải tuyệt đối bí mật. Chỉ bằng hai bàn tay và ý chí với xà beng, cuốc, xẻng và phải tự túc lương thực. Anh Võ Bẩm kể: “Khi đó một người làm thì một người đi kiếm thức ăn. Gạo hết thì hái hạt dẻ, hái sung, hái quả vả về ăn thay cơm”. Hai năm sau, một con đường hình thành, nhưng chỉ cho người thồ, cho voi thồ, ngựa thồ đi mà thôi. Đồng chí Võ Bẩm nói: ngựa voi cũng chỉ vài chuyến là “ngựa què”, voi ốm, “nuôi người chưa đủ lấy đâu thức ăn cho voi cho ngựa”. Vì vậy con người vẫn là chính. Vậy đó, với đôi vai mảnh khảnh mà anh hùng ANun (em trai Kan Lịch) đã gùi có chuyến trên vai anh đến 4 nòng pháo nặng 200 ký.
Năm 1961, năm đầu tiên đã có 265 tấn vũ khí, 400 tấn gạo và đưa đón 7.664 cán bộ vào Nam chi viện. Đường Trường Sơn cứ thế dài và rộng ra, xe đạp thồ, rồi xe cơ giới bắt đầu chở hàng ra tiền tuyến.
Chúng ta có đường Trường Sơn Tây, rồi đường Trường Sơn Đông và nhiều đường ngang nối nhau, nối các tỉnh dọc Trường sơn. Cho đến ngày đất nước giải phóng đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh nếu tính cả đường ngang đường dọc dài hơn 1/3 chu vi địa cầu. Theo tài liệu tổng kết “Chiến tranh Việt Nam 1945-1975 thắng lợi và bài học” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật thì cứ mỗi một nghìn tấn hàng (gồm cả vũ khí) vào tới chiến trường phải có 25 chiến sĩ hy sinh và 51 đồng chí bị thương, 23 xe ô tô bị bom đạn kẻ thù phá hủy…
Có thể nói rằng đường Trường Sơn đã mở ra và giữ vững không chỉ bằng ý chí kiên cường với lòng gan da sắt, mà là bằng máu, bằng xương của bao cán bộ chiến sĩ của chúng ta.
Tôi muốn nhắc ở đây về huyền thoại một cung đường từ Tây Phong Nha đến ngã ba tỉnh Khăm Muộn trên đất Lào, là con đường hiểm trở vách đá cheo leo, sông suối chằng chịt, địch biết đây là yết hầu nên đánh phá ác liệt suốt ngày đêm. Để có thể mở cửa nối với đường Trường Sơn cần mở đường ngang để nối với Trường Sơn Tây mà các bạn Lào đã đồng ý giúp ta cho mượn đất mở đường vào miền Nam. Con đường đó chỉ có 123 cây số nhưng phải vượt qua nhiều dãy núi và có 2 cái đèo hiểm trở là đèo Đá Đẻo dài 17km, và đèo Phu La Nhích ở cuối đường, trên đất Lào. Kẻ địch đã dùng cả B52 đánh phá gần một vạn lần ở đèo này. Công binh và thanh niên xung phong đã đội mưa bom mở đường và giữ đường thông suốt. Gọi là đường 20 vì những người mở đường hầu hết tuổi chỉ hai mươi. Sau này ác liệt quá, mới gọi thêm “Đường 20 Quyết Thắng”. Con đường phải vượt qua vùng Tà Lê nước ngập đến 10 cây số, chiến sĩ ta phải dầm mình dưới nước để lát đá xây đường ngầm cho xe qua Tà Lê. Đây có lẽ là đường ngầm dài nhất của thế giới. Máy bay trinh sát của Mỹ phát hiện được, chúng đánh phá ngầm Tà Lê ác liệt, chúng ta phải làm 4-5 đường ngầm gọi là ngầm A, ngầm B…
Có thời gian máy bay Mỹ đánh cả ngày, cả đêm xe không qua được, công binh phải bắt giàn cáp dài 15 cây số để kéo hàng qua. Kẻ thù phát hiện ra cáp, bom đạn lại cắt hư cáp. Ngầm D, ngầm E lại xuất hiện. Dòng nước Tà Lê vốn chảy qua vách núi đá luôn trong xanh, bom Mỹ ngày đêm dội sôi cả nước và trộn nhào đất và phù sa làm nước đục đỏ ngầu. Lần vào Tà Lê thị sát chỉ đạo chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn dòng nước đã nói: “Trong nước đỏ đó có máu của các liệt sĩ anh hùng của chúng ta”.
Con đường 20 Quyết Thắng là như vậy, để mở được đường, để giữ thông đường, hàng vạn thanh niên xung phong mà rất nhiều, rất nhiều là những nữ thanh niên tuổi 20 trẻ trung, xinh đẹp và nhiệt huyết đã ngày đêm chiến đấu ở đây. Thâu đêm họ bám đường dẫn xe qua các hố bom. Mỗi khi máy bay ném bom trúng xe ta, xe cháy, hàng tung tóe, các cô lao ra cứu người cứu hàng. Và sau đó cắm tiêu chỉ nơi có bom nổ chậm, dẫn xe vượt qua để lao lên phía trước. Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân ở Trường sơn và nhiều cô đã vĩnh viện nằm lại Trường Sơn. Chỉ một con đường dài bằng Hà Nội đi Đồ Sơn (123 cây số) mà đã có 20.000 đồng chí hy sinh và 30.000 đồng chí bị thương và tật nguyền suốt đời. Như vậy, nếu tính ra cứ 20 mét đường có 3 đồng chí hy sinh và 4 đồng chí bị thương. Đây là con đường mở bằng máu và tồn tại cũng bằng máu của lớp lớp “tuổi xuân phơi phới, dãi dầu mưa nắng Trường Sơn”.
*********
Tôi đã mấy lần vượt Trường Sơn vào Nam ra Bắc dưới mưa bom và cũng đã từng cùng đồng đội hát những khúc ca Trường Sơn, “vượt trên triền núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn”. Nhưng có lẽ lần vào thăm chiến khu Thừa Thiên sau ngày hiệp định Paris được ký kết là chuyến đi không còn bom đạn và có điều kiện thanh thản chiêm nghiệm nhất. Chúng tôi đến khu rừng già bên dòng suối có thác reo nơi đặt trụ sở của Khu ủy, đêm cùng Nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Thanh Hải, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Quang Hà đàm đạo. Anh Trần Hoàn được vợ gởi từ Hải Phòng cho một ít khô mực, anh nướng đãi chúng tôi cùng rượu gạo của đồng bào dân tộc K’Ho. Giữa rừng Trường Sơn nhâm nhi miếng mực khô bên chén rượu gạo để nghĩ về Trường Sơn thật là thi vị. Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng là người đã từng lên chiến khu Ba Lòng từ kháng chiến chống Pháp, nói chuyện mở đường anh lắc đầu: “Tôi cũng đã từng mở đường thời chống Pháp, từng lấy lá rừng lót làm chiếu ngủ, nhưng tôi xin ngả mũ tỏ sự khâm phục vì huyền thoại những con đường trên Trường Sơn như thế này, sau này người Mỹ chỉ cần hiểu đúng đường Trường Sơn, họ sẽ hiểu vì sao họ thua chúng ta”. Trên đường Trường Sơn Đông đầy bụi đỏ, xe chúng tôi bon bon phía trước và vẫn gặp những tốp thanh niên xung phong sửa đường, giữ đường, sẵn sàng đánh trả kẻ thù. Lúc ấy kẻ địch vẫn đang lấn chiếm, Quảng Trị vẫn nổ súng, chiến sĩ ta vẫn hy sinh, Trường Sơn vẫn sẵn sàng. Cuối ngày, chúng tôi xuống sông Đắk Krông để tắm xả bụi, nhìn nhau vui thật, ai như cũng đeo mặt nạ vì cả tóc, cả mặt đều phủ đầy bụi đỏ, chỉ hai con mắt đen và hàm răng trắng là còn nguyên. Mỗi người nhảy xuống là một khoảng nước sông đỏ ngầu. Cá mát vây quanh chúng tôi để rỉa đất. Chúng tôi lấy áo, lấy quần cột hai ống làm bẩy bắt cá, một lúc sau có cả mớ cá, và tối đó cá mát nướng với rau rừng Trường Sơn, dù gạo mục cũng vẫn thấy thơm tho, ngon ngọt.
Kẻ thù rất sợ màu xanh của Trường Sơn vì rừng Trường Sơn đã che kín mui xe, che thân bộ đội, là căn cứ hậu cần của ta. Bao nhiêu binh trạm, kho gạo, kho súng đạn đã giấu trong rừng Trường Sơn và ở đây tôi muốn nói đến một thứ “vũ khí lương thực” đặc biệt đó là rau Trường Sơn. Cả dãy Trường Sơn dài dằng dặc dù bom napan rải xuống, màu xanh vẫn luôn xanh. Các loại rau Trường Sơn đã nuôi sống lực lượng cách mạng. Rau rừng tự nhiên thì vô kể. Ở Trị Thiên và Khu 5 thì rau lủi là loài rau nổi tiếng. Rau lủi cộng tím, lá nhọn khía răng cưa, có mùi thơm thuốc bắc rất dễ trồng và rất dễ ăn, nấu canh, xào, luộc đều được. Rau lủi có nơi gọi là rau bầu đất, có nơi gọi là kim thất như một vị thuốcTrường Sơn có nhiều loại rau rất quen thuộc như: rau má, cải trời, rau tàu bay, rau bồ ngót, măng tre, đặc biệt là cải xoong bên những vụng nước đọng ven bờ suối. Đoàn quân trước hái ăn phải gieo hạt xuống để người sau đến có ăn. Gặp mùa đậu xanh chúng tôi đem hột ngâm rồi cho vào lon guigoz có đục lỗ đeo trên ba lô, ba ngày đổ ra sẽ có giá trắng tinh, cọng dài rất ngon ngọt.
Trong sổ tay tư liệu của tôi còn có rất nhiều loại rau như: lạc tiên, lá bép, rau dớn, lá bứa, lá nương, rau bò khai, cây đắng, húng vịt làm gia vị và cây chuối nhất là chuối con được bộ đội khai thác chế biến làm nhiều loại rau. Xuôi Trường Sơn vào đến Trung ương Cục, chiến khu Tây Ninh rau càng phong phú. Rau Nam Bộ có thể ăn sống rất thoải mái như rau xăng máu, rau mặt trăng, rau chòi mòi, các loại rau: sộp, đọt choại, lá cóc, rau sao nhái mới nhìn giống như rau cần nước, luộc hay xào rất ngon. Mỗi mùa có những thứ rau, nhưng không mùa nào thiếu rau ăn sống, rau nấu canh, rau xào, rau luộc, rau muối chua, rau làm gỏi, rau nấu cá… Rau là thứ không thiếu được với cán bộ chiến sĩ ta, rau rừng là thực phẩm của đất mẹ Trường Sơn để nuối sống cán bộ chiến sĩ ta suốt nhiều năm tháng. Một nhà văn nói: Nếu được chọn, anh sẽ chọn cây rau rừng Trường Sơn để tặng danh hiệu “cây rau anh hùng”.
********
Hôm sau nhà thơ Thanh Hải, Chủ tịch Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế đưa chúng tôi đến thăm và chung vui với đoàn văn công của khu vừa đi phục vụ bộ đội về. Các ca sĩ gặp các nhà thơ thì vui như pháo nổ. Chia tay bên bờ suối các cô rất bịn rịn. Thanh Hải nói vui: “Chúng ta bị thương hết rồi” mọi người cười ồ. Anh Tạ Bảo, giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên đi trong đoàn chưa hiểu, thật thà hỏi: “Sao là bị thương”. Một cô trong đoàn văn công nghe được liền nói to: “Không bị mô mà được đó”. Lúc đó Tạ Bảo mới hiểu ra, đồng tình “được chi mô, bị thương là đúng”. Hoàng Phủ Ngọc Tường cười “Vết thương ni khó chữa lành nghe”.
Tôi đã mấy lần gặp các cô gái Thanh niên xung phong gọn gàng quân phục, ngực đầy sức sống, vác trên vai cọc tiêu, cuốc xẻng phăng phăng ra trận địa. Tấm vải dù trên vai và mái tóc các cô bay trong gió như càng tăng thêm sự phơi phới của tuổi thanh xuân. Họ vừa đi vừa hát “Trường Sơn ơi, ta đi trong gió, ta đi trong mưa, từng ngày từng tháng, là từng bài ca” (Huy Du). Họ yêu đời lạc quan như vậy đấy.
Trường Sơn là thế, hàng vạn nữ thanh niên tuổi mới mười tám, đôi mươi tình nguyện đi thanh niên xung phong, họ chưa một lần biết yêu và được yêu, trong trắng và lạc quan, nhưng can trường dũng cảm vô biên. Họ ở giữa Trường Sơn, họ chịu mọi hy sinh, nhưng có lẽ sự hy sinh lớn nhất của họ là hy sinh tuổi thanh xuân, gác tất cả những cháy bỏng của tình yêu tuổi trẻ để đương đầu với bom đạn, với chết chóc để yêu Trường Sơn, bám Trường Sơn, sống chết vì Trường Sơn. Cái tình yêu đó đã làm cho Trường Sơn sừng sững hơn.
********
Một lần vào những năm 1968 chiến tranh ác liệt, tôi dừng chân ở một binh trạm trên đường Trường Sơn và gặp ở đó một người lính già người Hải Dương quê hương kết nghĩa của tôi. Ông đã ở Trường Sơn ngay khi đường được mở, lặng lẽ âm thầm đưa đón hết đoàn này đến đoàn khác vào chiến trường đánh Mỹ. Tôi hỏi anh: “Kỷ niệm nào sâu sắc nhất về Trường Sơn của anh”. Trầm ngâm một lúc, anh kể: Khi đường Trường Sơn mới thông xe, anh được giao đi chọn chỗ cắm trạm, một lần trong khu rừng vắng anh phát hiện một chiếc võng dù treo giữa hai cây to. Anh hỏi tôi: Anh có biết tôi thấy gì không? Anh đặt tay lên tim và nói trong xúc động “Tôi thấy một bộ xương nguyên vẹn”, rồi nhỏ nhẹ anh nói: Người của ta, đồng chí ấy đã hy sinh chắc cũng từ những năm đầu mở tuyến. Trên bộ xương còn một quyển sổ tay nhỏ và một cây bút đã khô mực, trang cuối cùng ghi: “Tôi kiệt sức rồi, không đi được nữa… các đồng chí đi tiếp…”. Anh nhìn tôi rồi nói trong xúc động: Đồng chí ấy hy sinh lặng lẽ vậy đó anh. Mấy năm nay tôi đã đi ngang đi dọc Trường Sơn, lúc nào tôi cũng như nghe văng vẳng một lời nhắc của đồng chí ấy: “Các đồng chí đi tiếp”. Tôi khâm phục đồng chí ấy. Anh nghĩ xem, không một lời ca thán. Trong cơn sốt, đói và cái chết ập đến anh ấy biết mình sẽ chết, nhưng vẫn rất thanh thản và gởi trọn niềm tin với đồng đội. Cao cả lắm anh ơi!. Nói đến đây anh trạm trưởng ôm vai tôi nghẹn ngào…
*****
Nhà thơ Thanh Hải, đêm bên bếp lửa hồng đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện nhạc sĩ Văn Dung với cô gái Thì Thương ở đường 20 Quyết Thắng của Trường Sơn. Hôm ấy đoàn các nhạc sĩ được đưa đi thăm đại đội nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ ở Đèo Mây của đường 20. Khách của các cô gái ở đây thường khi là những đoàn quân ra trận, những anh lái xe bị thương và thường nhất là khách không mời, đó là lũ máy bay Mỹ, là bom đạn. Cho nên khi được tiếp đoàn nhạc sĩ các cô vui tươi, hớn hở, mặt cô nào cũng ửng đỏ, có món gì các cô cũng đem ra đãi, còn mời các anh ở lại ăn món cá nấu măng vừa kiếm được. Ngồi giữa các cô gái hồn nhiên, nụ cười và ánh mắt cũng cười rạng rỡ, biết các cô đều tuổi 18 quê Quảng Bình nên Văn Dung liền khẽ hát bài “Quảng Bình quê ta ơi”. Các cô vỗ tay khen “anh hát hay quá, lần đầu tiên chúng em được nghe nhạc sĩ hát”. Văn Dung hỏi thăm cô gái ngồi cạnh: “Em tên gì”? cô gái lỏn lẻn: “Em tên Nguyễn Thị Thi, chắc cha em yêu thơ nên đặt tên em như rứa”. Rồi nhìn vào Văn Dung cô nói: “Nhưng em thì xấu xí nên không có thi ca chi mô”. Văn Dung xúc động trước sự giản dị, chân chất của cô gái, liền ý nhị đùa: anh gọi em là Thường Thi nhé.
– Răng mà anh gọi rứa? Im lặng một chút cô cười: có nghĩa là Thi bình thường phải không?
– Không, gọi Thường Thi là Thì Thương đó,
– À, nói lái. Cả đội cười vui.
– Hay đó, anh đặt rứa may ra có anh mô qua đây thì thương em, em mong được một lần như rứa.
Cuộc giao lưu kết thúc vì đến giờ các cô lên đường. Đoàn các nhạc sĩ xin theo lên Đèo Mây. Các cô đi rất nhanh, vừa đi lại vừa hát vang khúc ca Trường Sơn: “Máu thắm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi, tình quê tha thiết. Ta đi trong ánh lửa từ trái tim mình”. Tiếng hát vượt trên ngọn cây, bay vút lên mây, cứ lanh lảnh, tự tin đầy sức sống. Văn Dung xúc động, một tứ thơ và những nốt nhạc vụt đến “Ôi cô gái Thì Thương, bao đêm em đi mở đường”. Thế rồi máy bay Mỹ đến, pháo cao xạ bắn, một mệnh lệnh phát ra: “Các anh chạy đi”. Bom nổ, một bàn tay kéo Văn Dung và đẩy anh vào căn hầm đào sẵn bên đường. Bom nổ như rung chuyển cả núi đồi, một cô gái lấy thân che cho Văn Dung ở cửa hầm, trong ánh chớp anh nhận ra cô ta chính là Thì Thương. Cô gái không quay đầu lại, nói: “Anh yên tâm, đêm mô cũng rứa”. Tiếng bom dứt, các cô lao ra trận địa lấp hố bom, cắm tiêu những hố bom chưa nổ, khắc phục để xe ta vượt qua đèo.
Một đêm qua đi, mặt trời lên ở Đèo Mây, các nhạc sĩ chia tay các cô. Không biết dưới bom đạn như vậy mà kiếm đâu ra một cành hoa phong lan tươi và thơm, Thì Thương tặng cho nhạc sĩ Văn Dung. Cầm cành hoa của Thì Thương nhạc sĩ Văn Dung quá xúc động, anh nói với cô gái: “em nhắm mắt đi”. Cô gái hỏi: “chi rứa”, nhưng vẫn nhắm, Văn Dung cảm động hôn lên trán cô như gởi lại bao tình thương quí cao cả của hậu phương. Và tình cảm ấy, sự rung động ấy đã thôi thúc Văn Dung nhanh chóng hoàn thành bài hát về cô gái mở đường trường sơn. Đầu tiên anh viết: “Ơi cô gái Thì Thương/bao đêm em đi mở đường, cho từng chuyến xe anh qua/vang giọng hát em ngân xa…” Nhưng sau đó, Văn Dung sửa lại “Ôi cô gái Trường Sơn” thay cho “Cô gái Thì Thương” vì nhạc sĩ cho rằng trong các cô gái Trường Sơn có cô Thì Thương. Văn Dung viết với sự rung cảm xúc động mãnh liệt, nước mắt làm nhòa cả trang viết. Về đến Hà Nội, bài hát “Đường Trường Sơn xe anh qua” của anh phát trên đài phát thanh, nhưng Văn Dung nghe tin cả đội nữ thanh niên xung phong của Thì Thương đã hy sinh không còn ai vì một trận B52.
Văn Dung đâu có hiểu rằng nụ hôn anh đặt lên trán Thì Thương là nụ hôn đầu tiên và cũng là nụ hôn cuối cùng của người đàn ông đi theo người nữ liệt sĩ Thì Thương trong trắng vĩ đại ấy.
********
Trường Sơn là như vậy, mỗi mẩu chuyện thấy được, nghe được đều là những khúc ca, dù thế nào cũng vẫn hùng tráng, là những huyền thoại của huyền thoại. Những huyền thoại rất đời thường, rất giản đơn. Đó chính là văn hóa Trường Sơn. Sự chịu đựng gian khổ, đương đầu với cái chết vì một lý tưởng cao cả cho đất nước chiến thắng, sự dám hy sinh với lòng lạc quan, yêu đời trong trắng đó đã tạo nên sự vĩ đại của Trường Sơn đã tô đậm nền văn hóa cách mạng Trường Sơn, đã làm cho dân tộc ta vĩ đại trên những điều vĩ đại.