Đất nước Việt Nam ta đã trải qua các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Những mất mát, đau thương của nhân dân ta và lực lượng vũ trang trong các cuộc chiến tranh là rất lớn và đáng trân trọng, trong đó phải kể đến công lao của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh.
Việt Nam ta có được độc lập tự do như ngày hôm nay là nhờ vào sự hy sinh dũng cảm, quên mình của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, các anh đã nêu cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông, đất nước. Không sợ hy sinh gian khổ, nhiều đồng chí mãi mãi không trở về, có những đồng chí để lại một phần máu thịt của mình cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Đến khi đất nước hòa bình, được trở về với quê hương và gia đình, nhiều đồng chí phải mang trong mình những vết thương nặng và những căn bệnh hiểm nghèo.
Dù vật lộn với cuộc sống mang nhiều bệnh tật và vô vàn khó khăn nhưng các anh vẫn luôn ghi nhớ lời Bác Hồ đã dạy: “Thương binh tàn, nhưng không phế”, bằng nghị lực và ý chí quyết tâm của người lính Cụ Hồ, nhiều đồng chí thương binh đã chủ động khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục cống hiến bằng khả năng, uy tín và những việc làm thiết thực của mình, góp phần xây dựng quê hương, địa phương ngày càng ổn định, phát triển, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Trung tướng Lưu Phước Lượng tặng quà cho các thương binh trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Trong đó, nhiều tấm gương tiêu biểu về xây dựng kinh tế, thực hiện các cuộc vận động, phong trào, xứng đáng được xã hội tôn vinh, học tập, trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo và xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”.
Ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.
Hơn 75 năm qua, nhất là trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh – liệt sỹ và người có công với cách mạng”.
Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Những việc làm thiết thực, ý nghĩa đó phần nào bù đắp lại những mất mát, hy sinh mà các anh đã trải qua. Đồng thời, góp phần giải quyết phần nào khó khăn, cổ vũ, động viên các đồng chí thương, bệnh binh, thân nhân các liệt sỹ tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Thương binh hạng nặng là đối tượng luôn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị dành nhiều sự quan tâm
Cùng với sự ra đời của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu chiến binh TPHCM được thành lập vào tháng 12/1989. Trải qua hơn 33 năm xây dựng và phát triển, Hội đã có trên 300 Hội cơ sở với gần 67.000 hội viên cựu chiến binh. Trong đó có 10.387 hội viên là thương binh, bệnh binh, 1.907 hội viên bị nhiễm chất độc hóa học vẫn đang ngày đêm chiến đấu với bệnh hiểm nghèo.
Nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, hàng đầu và cũng là tâm nguyện của Hội Cựu chiến binh Thành phố là tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ Xã hội Chủ nghĩa và bảo vệ nhân dân; Các cấp Hội luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành ở địa phương tuyên truyền, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; Thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động, quy chế, quy định ở địa phương. Dù ở cương vị công tác nào, khó khăn hay thuận lợi, cựu chiến binh cũng đều thể hiện nhiệt tình, trách nhiệm, tận tâm, tận lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, đánh giá cao; nhân dân tôn trọng, tin yêu.
Những năm qua, cựu chiến binh các cấp đã tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả như: Xây nhà tình nghĩa, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm viếng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, thương, bệnh binh, con liệt sĩ…
Ông Lê Thanh Song và ông Lê Trường Giang đến thăm, tặng quà thương binh hạng nặng tại TPHCM
Trong 5 năm gần đây (2017 – 2022), Thành hội đã xây dựng và sửa chữa 84 căn nhà tình nghĩa, trao tặng gần 9.000 chiếc xe lăn cho thương binh, người tàn tật; trao 89 sổ tiết kiệm tặng các gia đình chính sách và người có công. Làm tốt công tác phối hợp giải quyết chế độ chính sách với cựu chiến binh và người tham gia cách mạng, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố tham gia 8 đợt tìm kiếm, quy tập 122 hài cốt liệt sỹ. Tổ chức tốt việc thăm, viếng hơn 500 gia đình có hội viên Cựu chiến binh tử vong do dịch Covid-19;
Thường xuyên chủ động, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, huy động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm để quyên góp, hỗ trợ phát động xây dựng những công trình, những mô hình và việc làm thiết thực giúp đỡ thương, bệnh binh, gia đình chính sách.
Những công trình, những phần quà thăm hỏi, động viên của Hội Cựu chiến binh các cấp đến với các đối tượng chính sách nhân các dịp lễ, tết thể hiện tình cảm, tấm lòng thơm thảo của những người đồng chí, đồng đội với nhau, qua đó tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua khó khăn, bệnh tật, thêm niềm tin với Đảng, Nhà nước và chế độ tốt đẹp của chúng ta.
Cùng với sự phát triển của Thành phố, Hội Cựu chiến binh luôn phát huy phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống “Cựu chiến binh gương mẫu”; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Nghĩa tình của những người đồng đội trong thời bình
Bên cạnh Hội Cựu chiến binh TPHCM, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM cũng được xem là cánh tay nối dài của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trong công tác chăm lo cho gia đình chính sách, có công với cách mạng.
Dù đặt nền móng chưa lâu nhưng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM đã thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa. Trong năm 2022, Hội đẩy mạnh công tác phối hợp tìm kiếm thông tin liệt sĩ và hài cốt liệt sĩ, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong hoạt động tri ân liệt sĩ. Theo thống kê, Hội đã thu thập danh sách trên 10.000 liệt sĩ để phối hợp các cơ quan chức năng tìm thông tin liệt sĩ; thông tin 50 trường hợp mộ liệt sĩ cho gia đình liệt sĩ, chỉnh sửa 42 trường hợp thông tin sai lệch trên bia mộ liệt sĩ;
Hỗ trợ kinh phí di chuyển 5 hài cốt liệt sĩ (10.000.000 đồng), tổ chức Lễ truy điệu và an táng 1 liệt sĩ (1.600.000 đồng), giám định ADN 2 hài cốt liệt sĩ (11.000.000 đồng). Triển khai xây dựng, sửa chữa 15 nhà tình nghĩa, trong đó TPHCM 8 căn (2 căn 60.000.000 đồng/căn, 3 căn 90.000.000 đồng, 2 căn 20.000.000 đồng/căn, 1 căn 80.000.000 đồng/căn), Long An (1 căn 60.000.000 đồng/căn), Bình Phước (1 căn 60.000.000 đồng/căn), Bến Tre (2 căn 60.000.000 đồng/căn), Tiền Giang (1 căn 60.000.000 đồng/căn), Ban Liên lạc Truyền thống Sư đoàn 5 (2 căn 70.000.000 đồng/căn) với tổng kinh phí 950.000.000 đồng. Phối hợp tổ chức Lễ trao tặng 29 căn nhà tình nghĩa, trong đó có 14 căn đã triển khai giải ngân trong năm 2021.
Phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH TPHCM, Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện, TP Thủ Đức trao tặng quà cho 50 thương binh, gia đình liệt sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán 2022 (mỗi suất 2.000.000 đồng tiền mặt và 1 hộp sâm).
Tổ chức trao 10 sổ tiết kiệm (1.000.000 đồng/sổ) và 45 suất quà (1.000.000 đồng/ suất) cho thân nhân các gia đình chính sách tại quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp, huyện Cần Giờ. Trao tặng 11 suất quà cho gia đình chính sách khó khăn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước (mỗi suất 2.000.000 đồng gồm tiền mặt và quà). Hỗ trợ 20 suất quà cho con liệt sĩ theo đề nghị của Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông (tổ chức thành viên của Hội), với tổng kinh phí 7.000.000 đồng.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, Hội tổ chức dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ Long Khốt và tặng quà cho 50 gia đình chính sách thuộc huyện Vĩnh Hưng và Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, trị giá quà tặng gần 100 triệu đồng. Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội tặng Thư viện huyện Vĩnh Hưng 300 cuốn sách, trong đó có nhiều cuốn nói về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Vĩnh Hưng, đặc biệt sự hy sinh cao cả của hơn 600 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 174 (Đoàn Cao – Bắc – Lạng) tại khu vực Long Khốt, Thái Bình Trung, Thái Trị…
Hỗ trợ Quỹ nhà tạm, nhà dột nát cho UBND huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An 30.000.000 đồng. Trao kinh phí 200 triệu đồng theo đề nghị của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM để hỗ trợ 31 hộ gia đình liệt sĩ giảm nghèo năm 2022. Trong đó, đã phối hợp trao kinh phí hỗ trợ giảm nghèo cho 22/31 gia đình liệt sĩ.
Cùng với đó, vận động 25 “Căn nhà mơ ước”, 16 căn nhà tình nghĩa, 250 “Phần quà tri ân”, 8 tấn gạo và gần 1,6 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm để thực hiện chăm lo cho gia đình chính sách, có công với cách mạng khó khăn.
Đặc biệt, Hội đang kiến nghị các cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền xem xét theo đúng quy trình, quy định pháp luật về việc chọn ngày 27/7 làm ngày Quốc giỗ.
Có thể thấy rằng, với sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân thành phố, với niềm tin tưởng, tự hào sâu sắc về lịch sử và truyền thống hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, mỗi cán bộ, hội viên Cựu Chiến binh Thành phố, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM đang tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm; ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Hội; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” “Uống nước nhớ nguồn”, xứng đáng với những mất mát, hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sỹ, thương, bệnh binh và xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Kim Sáng