Thứ Bảy, Tháng Chín 7, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCBẠN ĐỌC VIẾTKhi Điện Biên Phủ trở thành biểu tượng sức mạnh dân tộc

Khi Điện Biên Phủ trở thành biểu tượng sức mạnh dân tộc

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi quân sự lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và “Điện Biên Phủ” đã đi vào Lịch sử Quân sự thế giới như một biểu tượng sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Khi Điện Biên Phủ trở thành biểu tượng sức mạnh dân tộc - Ảnh 1.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953 – 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này – Ảnh tư liệu

Vào cuối năm 1953, khi Pháp-Mỹ đã hoàn thành một bước kế hoạch Navarre tập trung 44 tiểu đoàn ra miền Bắc Việt Nam và bắt đầu đổ quân xuống Điện Biên Phủ lập căn cứ quân sự gồm 49 cứ điểm thì Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến, cả hai bên cùng chọn Điện Biên Phủ làm nơi quyết chiến chiến lược – đòn quyết định kết thúc chiến tranh.

Nhưng đây là sự lựa chọn giữa một bên là chủ nghĩa thực dân với hơn 400 năm tồn tại và thường dùng những đạo quân viễn chinh đi thực hiện tranh chiếm thuộc địa, với một bên là nền cộng hòa non trẻ mới gần 9 năm ra đời và ngay từ những ngày đầu khai sinh đã phải tổ chức cuộc kháng chiến cho cả một dân tộc chống ngoại xâm.

Thực dân Pháp (có Mỹ giúp sức) chỉ trong mấy tháng (từ tháng 11/1953 đến tháng 2/1954) đã có ngay 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 2 tiểu đoàn pháo 105 mm, 1 đại đội pháo 155 mm, 2 đại đội súng cối 120 m, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 18 tấn, 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay 14 chiếc… Tổng số khoảng 16.200 quân phân bổ trong 3 phân khu với 49 cứ điểm thành một “pháo đài không thể công phá”.

Để chống lại binh hùng tướng mạnh của thực dân Pháp, quân và dân ta đã huy động hơn 260.000 dân công từ các địa phương, gần 21.000 xe đạp thồ, 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, hơn 300 xe ngựa, 11.800 bè mảng, vận chuyển 25.000 tấn lương thực, 1.200 tấn đạn, hơn 1.700 tấn xăng dầu… bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch, gồm 55.000 bộ đội chủ lực, 33.300 thanh niên xung phong/dân công phục vụ chiến dịch.

Với số quân đông, hoả lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng tá Pháp và Mỹ xác nhận đây là “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”. Xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp hòng thực hiện ý đồ thu hút chủ lực ta để tiêu diệt, rồi chuyển sang tiến công ta.

Về phía ta, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lời căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Theo tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương án đánh địch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Trong 56 ngày đêm, bộ đội ta tổ chức 3 đợt tiến công (sau mỗi đợt, thế và lực được tăng cường thêm, đợt 3 đã có sức mạnh áp đảo tiến công tiêu diệt toàn bộ địch) tại Điện Biên Phủ.

Khi Điện Biên Phủ trở thành biểu tượng sức mạnh dân tộc - Ảnh 2.

Phân khúc quân đội Việt Nam kéo cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng De Castrie ngày 7/5/1954 trong bức tranh tường tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên, thành phố Điện Biên – Ảnh: VGP

Khi nói về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lượng hóa: “Về tinh thần và chính trị thì ta mạnh hơn địch gấp trăm gấp ngàn lần”.  Cụ thể là: Ưu thế của những con người chiến đấu vì mục tiêu chính nghĩa; ưu thế của ý chí quyết thắng, tinh thần quyết tâm chiến đấu cao của những con người đầy khát vọng giải phóng, chống xâm lược; ưu thế của sức mạnh tổng hợp đang trên đà chiến thắng, hội tụ vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Sức mạnh cơ bản, nhân tố chủ yếu làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (không nằm ở vũ khí trang bị), là ở chính trị – tinh thần, ở khối đại đoàn kết dân tộc, ở tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm bảo vệ nền tự do và độc lập của dân tộc.

Điện Biên Phủ vì thế là biểu tượng của sức mạnh dân tộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do, biểu tượng của ý chí quyết chiến quyết thắng của quân dân Việt Nam được phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng quân thù, biểu tượng “sức mạnh của trí tuệ và lòng yêu nước Việt Nam”.

Điện Biên Phủ là thắng lợi của “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, cùng sự phối hợp chi viện của chiến trường cả nước với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”

Điện Biên Phủ 1954 là mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc chống ngoại xâm, được “ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Điện Biên Phủ – trận công kiên lớn nhất từ trước tới thời điểm đó, là minh chứng trực tiếp của nghệ thuật quân sự Việt Nam được sáng tạo phát triển thành phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, “đánh ăn chắc, đánh chắc thắng”, tạo ra sức mạnh áp đảo để thắng địch về quân sự trong chiến tranh.

Điện Biên Phủ làm xoay chuyển cục diện quân sự và chính trị trên chiến trường, giáng đòn quyết định và đập tan ý chí xâm lược của thế lực thực dân hiếu chiến, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao ở hội nghị Genève, tạo điều kiện cơ bản để Việt Nam tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Điện Biên Phủ với đối phương là nỗi kinh hoàng về những tổn thất về quân sự và chính trị, là cột mốc đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân; báo hiệu sự tan rã của chế độ thuộc địa trên phạm vi toàn cầu.

Điện Biên Phủ còn là nỗi ám ảnh cho những thế lực xâm lược về sau, từ ám ảnh “Điện Biên Phủ thứ 2” tại Khe Sanh năm 1968, đến ám ảnh “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội năm 1972.

Điện Biên Phủ đi vào lịch sử văn hóa bằng những hình ảnh “binh chủng” xe đạp thồ từ hậu phương lên mặt trận, bằng đoàn người kéo pháo băng rừng, vượt núi, bằng những con người cụ thể như Tô Vĩnh Diện lấy thân mình cứu pháo, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai…

Điện Biên Phủ ngoài thực địa đã gắn với các dân tộc bị áp bức chuyển thành hành động, mở ra con đường thắng lợi cho phong trào giải phóng dân tộc, thức tỉnh khát vọng và niềm tin vào tương lai tốt đẹp của các dân tộc bị nô dịch, góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.

Ở châu Mỹ, nhân dân Cuba tìm thấy sức mạnh tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ trong việc bảo vệ những thành quả của cách mạng và vững bước trên con đường của chủ nghĩa xã hội. Ở Bắc Phi, nhân dân Algeria, Senegal, Madagascar, Morocco, Tunisia đã đứng lên theo tinh thần Điện Biên Phủ để đòi tự do giải phóng và xây dựng thành những quốc gia độc lập.

Sức mạnh và giá trị tinh thần Điện Biên Phủ, khí thế hào hùng Điện Biên Phủ đã và vẫn đang được phát huy, tạo ra thế và lực mới cho đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là minh chứng không có khó khăn, trở lực nào mà dân tộc Việt Nam không thể vượt qua.

Theo VGP

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây