Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024

KHI ĐÀN SẾU BAY QUA

LÊ KIÊN THÀNH

Tôi và Bằng là sinh viên đại học, vào đơn vị cùng một ngày. Sau khi nghe thủ trưởng dặn dò vài điều, chúng tôi nhận quân trang và được đưa xuống tiểu đội. “Cậu nhận hai lính mới nhé”, thủ trưởng nói với một anh lính, tiểu đội trưởng của chúng tôi. Anh nhìn Bằng rất nhanh rồi quay sang nhìn tôi, hơi nheo mắt, đầu gật gật. Tôi hiểu cái gật gật đó là: “À, thằng nhóc con ông to đây”. “Tớ là Deo, Trần Văn Deo”, anh nói, giọng khàn khàn, khê khê. Bộ quần áo anh đang mặc đã cũ, sờn vai, sờn cổ, khác hẳn với hai bộ đồ còn thơm phức mùi vải mới của chúng tôi. Sẽ khó đây, tôi nghĩ.

Nhưng chẳng có cái khó nào. Khác hẳn với vẻ xù xì, gai góc bên ngoài đó là một người hiền lành, dung dị. Anh chỉ cho chúng tôi mọi điều, hướng dẫn tận tình những gì mà mấy chú lính mới còn không biết. Bằng giọng quê anh hay nói, tao bẩu này, nghe cứ ngồ ngộ, thương thương. Hôm đi qua cái mương trong làng (chúng tôi đóng quân ở Bình Đà, Hà Tây) anh nhún chân nhẩy qua, Bằng nhún theo và rơi tòm xuống mương. Tôi đứng cười ngặt nghẽo, ai bảo đú. Tôi lùi xa, lấy đà, nhẩy qua. Tùm. Vẫn xuống mương. Hóa ra là anh được học võ khi là lính trinh sát sư 308.

Từ trái qua: Trần Văn Deo (hy sinh năm 2007), Nguyễn Xuân Ân ( hy sinh năm 1983),

Lê Kiên Thành ( Tác giả) và Bùi Văn Ký ( hy sinh năm 1978)

Sau này thân, anh hay kể chuyện chiến đấu ở Trường Sơn, những gian khổ mất mát mà anh và đồng đội phải chịu. Có lần các anh bò đi lấy lương khô, quay về thiếu mất tiểu đội trưởng, người bò sau cùng. Quay lại thì thấy anh ấy bị thám báo địch giết, xác còn nóng hổi. Chúng lấy cây ba chạc gác đầu anh lên, lưng bị rạch chữ: “Sát cộng’’. Những câu chuyện đó như phả hơi nóng của cuộc chiến tranh vào tôi, tôi thấy như mình lớn lên hơn từ những giây phút đó.

Sang đến Liên Xô chúng tôi ở cùng phòng. Anh học tiếng Nga hơi khó nhưng chịu nói và hay hờn với cô giáo. Có lần sau khi bị phê bình, anh ba ngày không nói chuyện với cô. Cô sợ lắm nhưng chúng tôi an ủi, Curxant (học viên) Deo ở chiến trường lâu nên thế thôi. Thế là cô chiều anh lắm. Còn anh mỗi lần như thế lại nháy mắt với chúng tôi.

Trong phòng, anh là người duy nhất hay nhận được thư của bạn gái và thường đọc chung cho chúng tôi nghe.  Có lần đọc xong mặt anh ngẩn ra, thì ra có tấm hình cô ấy cắt và buộc sợi chỉ đỏ ở cổ. Sau một hồi suy luận thằng Ân bảo: “Đây là sợi dây tình yêu!”. Anh “à” một tiếng. Tôi thì nói: “Có khi nào cô ấy định treo cổ không?”. Anh hét vào mặt tôi: “Thằng thối mồm”. Nhưng một giây sau anh còn đơ hơn lúc đầu. Sau này, đó vẫn là câu hỏi không có câu trả lời. Những bức thư với lời lẽ có phần ngô nghê, viết sai chính tả nhưng đối với chúng tôi, những người lính xa nhà xa quê hương sao mà ấm áp, thân thương lạ lùng.

Sức khoẻ tôi có vấn đề nên cấp trên chuyển tôi đi hoc kỹ sư tại Học viện Giucopxky, Matxcova. Anh bay xong L29 chuẩn bị bay Mig 21 thì bị ngất trên bảng nên bị cho về nước. Hồi ở cùng phòng, trở trời, anh cho chúng tôi xem mấy viên bom bi nổi dưới da chân. Lúc bom nổ ở chiến trường anh chỉ kịp chúi đầu xuống hố bom nên chỉ bị vào chân. Tôi đón anh ở sân ga, đưa về nhà chị Hồng (chị gái tôi) ở sứ quán ăn một bữa cơm Việt nam. Anh móc trong túi ra đưa cho chị những trái táo miền Nam nước Nga thơm phức và lắc đầu khi chị bảo nhiều thế. “Bọn em trộm ở nông trường ấy mà!”.

Ăn xong ngồi nói chuyện, tôi hỏi: “Có phải lần đầu tiên gặp, anh không có thiện cảm với tôi?”. Anh bảo: “Không, tao nghĩ, thế là “ông ấy” cũng cho con đi bộ đội thật”. Chiến tranh không phải trò đùa. Hơn ai hết, những người đã trải qua những ngày khói lửa ở chiến trường hiểu rõ nhất. Ngay cả đối với mặt trận trên cao cũng khốc liệt không kém. Nhìn những chàng phi công cao to, đẹp trai, áo quần bảnh bao ít ai biết rằng sau lưng họ là những cuộc chiến khốc liệt nhất, đẫm máu nhất. Họ còn có lúc như những cảm tử quân theo đúng nghĩa đen của những từ này.

Sau này đọc quyển “Lính bay” của anh hùng phi công, trung tướng Phạm Phú Thái, tôi mới biết là lúc đó để đánh đêm, khi ta chưa có điều kiện để hạ cánh trong điều kiện đó, các anh được lệnh cho phép bỏ máy bay, nhảy dù. Phải bỏ đi những chiếc máy bay mới nhất, phi công khi nhảy dù là đối mặt với cái chết và chấn thương, nhưng chúng ta vẫn quyết đánh, vẫn quyết thắng. Cho nên con trai của một trong lãnh đạo cao nhất của Đảng có mặt cùng các anh lúc đó có thể là điều anh không nghĩ tới. “Nhưng tao thấy mày chẳng khác gì chúng tao -anh nói – cũng gánh nước, đào đất, cũng lăn lê bò toài, thì tao quý mày”.

Sau này tôi còn nhận được giấy khen, bằng khen của đơn vị, quân chủng, nhưng ba tiếng “tao quý mày” của tiểu đội trưởng Deo đối với tôi vẫn là phần thưởng ngọt ngào, trân quý nhất. Vì đó là lời của người đã từng vào sống ra chết, đã từng chịu đựng bao nhiêu khó khăn thử thách thách khốc liệt nhất, nên tôi tin, người đó hiểu rất rõ những giá trị thật của cuộc đời này.

Tôi tiễn anh về nước trong buổi chiều đông Matxcova lạnh như cắt. Trên sân ga tôi và Võ Điện Biên (con đại tướng Võ Nguyên Giáp) nhìn mãi khi đoàn tàu chở anh chìm vào màn tuyết trắng…

Tốt nghiệp (1977) tôi và Biên được phân về Cục kỹ thuật Quân chủng không quân, đi thực tập ở trung đoàn trực thăng 916 và cuối cùng chúng tôi về Viện kỹ thuật không quân, khi cấp trên quyết định triển khai chương trình thiết kế và chế tạo chiếc máy bay đầu tiên của mình. Có một ngày tôi bất chợt gặp anh Deo ở cổng Bộ tư lệnh quân chủng. Chúng tôi ôm lấy nhau như anh em. Mày vẫn thế nhỉ, anh bảo.

Lúc đấy nghe anh kể mới biết là sau khi về nước, kiểm tra sức khỏe lại, anh vẫn được bay. Mà bay ác ấy chứ, anh cười to khoái chí. Mấy loại của Mỹ để lại như HU-1A, T41 rồi sau là máy bay huấn luyện phản lực L39 của Tiệp Khắc. Tôi nhớ hồi mới sang Liên xô ai cũng sợ mình không bay được và bị cắt bay. Còn anh nói với chúng tôi: chắc khó hơn đi xe đạp tý thôi, tao sẽ bay được và tất cả chúng mày (trong phòng) cũng thế. Mà gần như thế thật, chỉ có tôi đi học kỹ sư còn lại các anh không những bay mà còn bay giỏi trong đoàn.

Đứng huyên thuyên một hồi, anh chỉ sang bên kia đường: “Anh sắp lấy cô kia làm vợ kìa mày”. Tôi tưởng anh đùa thế mà anh kéo tôi sang xềnh xệch, giới thiệu: “Kiên Thành, lính anh”. Rồi anh hạ giọng (nhưng tôi nghĩ cả phố nghe thấy): “Con bác Lê Duẩn đấy”. Cô gái cứ lấy chiếc nón che mặt, tôi nghĩ đó là gái quê, hợp với anh. Tôi chỉ hỏi: “Đây có phải…? Anh khoát tay chẳng đợi tôi nói hết câu: “Không, đây là mới!”.

Rồi chúng tôi lại chia tay cho đến khi tôi được đơn vị cử vào trường Không quân Nha Trang tìm các khí tài cho việc chế tạo máy bay. Đó là khoảng đầu 1980, đất nước sau chiến tranh khó khăn vô cùng. Bữa ăn của các sĩ quan “từ quân chủng’’ về chỉ có vài con moi moi (một loại tép biển) và mấy miếng bí mà chúng tôi không biết là xào hay luộc nữa. Anh gọi tôi và hai anh cùng đi về phòng anh, cắt cơm của anh và hai cậu học viên bay (bắt chúng nó ra ngoài ăn, anh bảo thế) chiêu đãi chúng tôi một bữa tuý luý, đến mức một anh say quá, cứ chạy dọc bờ biển hát bằng tiếng Ba Lan líu lô – anh ấy tốt nghiệp bên đó.

Năm 1980 chúng tôi bay thử thành công chiếc máy bay đầu tiên TL-1, trinh sát-liên lạc. Năm 1983 khi đang làm tiếp máy bay thứ hai HL-1, huấn luyện, tôi chuyển ngành ra Viện khoa học Việt nam, kết thúc cuộc đời quân ngũ mà tôi cứ nghĩ sẽ theo mãi mãi. Tôi theo học tiếp ngành máy gia tốc hạt nhân, bảo vệ bằng phó tiến sĩ tại Viện hạt nhân Đúp na, Nga, về nước và thất nghiệp. Đó là những năm 1989-1992.

Rồi cùng những nhà khoa học thất nghiệp khác, chúng tôi thành lập các công ty chuyển giao công nghệ, đưa một số thứ là thành quả của nước Nga (Liên xô đã sụp đổ) về áp dụng tại Việt Nam và có kết quả. Cuộc sống của tôi dễ chịu hơn, và tôi gặp lại anh, người tiểu đội trưởng của tôi từ thủa nào. Anh đã là trung tá, trung đoàn trưởng nhưng vẫn mặc chiếc áo quân phục cũ như ngày tôi mới gặp lần đầu. Các anh vào Sài gòn tiếp nhận máy bay sau đại tu.

Về nhà tôi ăn cơm, khi chỉ còn hai chúng tôi, anh nói giọng buồn buồn: “Mày có biết tao là trung tá duy nhất của Quân đội NDVN mà còn đi xe đạp không?”. Tôi bảo anh: “Thôi, anh về Nha Trang, chọn cái xe nào anh thích nhất, báo cho tôi giá và số tải khoản”. Anh tròn mắt: “Mày nói cái gì?”. Tôi bảo: “Thế đấy!”. Mấy hôm sau anh điện thoại: “Thành ơi, xe đẹp lắm”. Tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ, chỉ nói, anh đi cẩn thận nhé. Những lần sau về Sài gòn anh toàn mang cho tôi hai can to nước mắm, đặc sản đấy, anh bảo. Tôi cho đi can rưỡi mà ăn cả năm không hết đặc sản của anh.

Lần cuối gặp anh, anh bảo sẽ sửa căn nhà cấp bốn (tôi cũng giúp anh hóa giá) cho ba mẹ con khi nghỉ hưu. Rồi như sực nhớ ra, anh nhìn thẳng vào mắt tôi: “Anh hỏi thật, mày đi làm ăn bên ngoài như thế có gì khó khăn không?”. Tôi ấp úng: “Thì cũng…”. Anh dằn giọng: “Là anh hỏi hiền lành như mày có bị thằng nào bắt nạt không? Tao sẽ cùng mấy thằng học viên đến tẩn cho bỏ mẹ. Anh dạy chúng nó bay, dạy cả võ nữa, chúng nó máu lắm!” Rất lâu rồi, hay là chưa bao giờ cũng nên, tôi lại có cảm giác mình như người em bé nhỏ, có người anh trai to lớn, vững chắc bảo vệ, che chở để mình an tâm vững bước trên đường đời.

Thế rồi tôi nghe tin anh hy sinh. Cái gì đó đau nhói trong lòng, nơi một viết thương mà bị cắt ba lần (trước anh, hai người bạn cùng phòng hồi học ở trường lái máy bay là Ký và Ân cũng đã hy sinh)! Anh hy sinh cùng học viên khi bay vòng cuối cùng, ở chuyến bay cuối cùng tại thời điểm cũng là tháng cuối cùng để nghỉ hưu. Mọi người kể là như linh cảm, trước khi đi bay anh cứ bắt chị vợ đấm lưng thêm một lần nữa…

Không biết đây là lần thứ bao nhiêu, tôi tự hỏi tại sao những người tốt trên đời lại phải ra đi sớm, ý nghĩa của sự bất công này là gì vậy? Hay là để nhiều người sống chưa tốt trên thế gian này hiểu và sống tốt hơn, có ích hơn chăng?

Có một bài hát Nga về các chiến sĩ Hồng quân hy sinh, thời chúng tôi học rất thích: “Đàn sếu”. Tôi thử dịch nghĩa vài câu: “Những người lính hy sinh, tôi nghĩ, không nằm lại đất lạnh, mà biến thành sếu trắng. Phải chăng vì thế ta thường ngắm trời xanh trong đớn đau, câm lặng?… Trong ánh chiều tà kìa đàn sếu bay qua. Có khoảng trống nhỏ ở đó, là chỗ của tôi… một khi nào?’’.

Tôi cũng hay ngước lên nhìn trời cao và biết rằng ở nơi rất xa và rất xanh kia, có những người bạn của tôi, những người đồng đội của tôi.

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây