Sáng 16/4, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Đắk Tô phối hợp với Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 174 (Đoàn Cao – Bắc – Lạng) tổ chức Lễ khánh thành Bia ghi danh tưởng niệm các liệt sỹ thuộc Trung đoàn 174 tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đắk Tô.
Các sỹ quan, tướng lĩnh quân đội dự Lễ khánh thành Bia tưởng niệm
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum, huyện Đắk Tô dự Lễ khánh thành
Đến dự có Trung tướng Lưu Phước Lượng – nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Đức Hải – nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng; Đại tá Phạm Văn Bạch – nguyên Chủ nhiệm chính trị Quân khu 7, Trưởng Ban liên lạc CCB Sư đoàn 5; Đại tá Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ TPHCM, Trưởng Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 174.
Về phía tỉnh Kon Tum có đồng chí A Kang – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh xã hội (LĐ-TBXH) tỉnh, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Về phía huyện Đắk Tô có Bí thư Huyện ủy A Hơn, Chủ tịch HĐND huyện Bùi Tiến Lý, Chủ tịch UBND huyện Đặng Hoàng Nam cùng lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương, các CCB Trung đoàn 174 cùng thân nhân các gia đình liệt sỹ.
Nghi thức dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ
Bia ghi danh tưởng niệm các liệt sĩ thuộc Trung đoàn 174 (Đoàn Cao – Bắc – Lạng) là công trình do Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở LĐ-TBXH, UBND huyện Đắk Tô, Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 174 xây dựng nhằm đáp ứng nguyện vọng của các CCB thuộc Trung đoàn 174, đặc biệt các CCB thuộc Đoàn A1 năm 1967.
Sau gần 3 tháng thi công, Bia ghi danh tưởng niệm các liệt sĩ thuộc Trung đoàn 174 (Đoàn Cao – Bắc – Lạng) đã hoàn thành. Công trình với tổng kinh phí hơn 382 triệu đồng, trong đó kinh phí được hỗ trợ từ Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 174 là 50 triệu đồng, Sở LĐ-TBXH tỉnh Kon Tum trích từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa là 335 triệu đồng.
Đại tá Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, Trưởng Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 174 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam phát biểu tại Lễ khánh thành
Trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và Xuân Hè 1972 trên địa bàn huyện Đắk Tô, Trung đoàn 174 đã tham gia đánh địch liên tục 24 ngày đêm trên các cao điểm 875, 822, 823… đánh chiếm thị trấn Đắk Tô trong đêm 30 Tết Mậu Thân 1968.
Cũng chính tại mảnh đất Đắk Tô, Trung đoàn 174 đã cùng các đơn vị bạn chiến đấu ác liệt, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 4.000 tên địch, bắn cháy 13 máy bay, phá hủy nhiều vũ khí trang bị của địch. Theo thống kê, có khoảng 200 cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 174 đã anh dũng hy sinh, đến nay vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt và chưa xác định được danh tính.
Chủ tịch UBND huyện Đắk Tô Đặng Hoàng Nam phát biểu
Chủ tịch UBND huyện Đắk Tô Đặng Hoàng Nam cho biết, đây là công trình quan trọng, thể hiện lòng tri ân sâu sắc, sự tôn vinh thành kính của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum đối với những anh hùng liệt sỹ không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
“Đảng bộ, quân và dân huyện Đắk Tô nguyện đoàn kết một lòng, phát huy cao độ truyền thống văn hóa, yêu nước cách mạng, phấn đấu xây dựng Đắk Tô ngày một phát triển, vững mạnh”, Chủ tịch UBND huyện Đắk Tô nhấn mạnh.
Ôn lại truyền thống của Trung đoàn, Đại tá Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, Trưởng Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 174 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam cho biết, Trung đoàn 174 là đơn vị tham gia chiến dịch quan trọng, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đến chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đoàn chụp hình lưu niệm
Trong đó, chiến dịch Đắk Tô – Tân Cảnh Đông Xuân 1967-1968 nay đã trở thành vùng đất giàu có, phên dậu, mái nhà vững bền, thiêng liêng của Tổ quốc.
“Bia tưởng niệm ghi danh liệt sĩ Trung đoàn 174 đoàn Cao – Bắc – Lạng đã sừng sững hiện lên trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắk Tô ấm áp và linh thiêng. Dân tộc ta, đất nước ta, nhân dân ta, đặc biệt những người đang sống mãi mãi không bao giờ quên ơn các anh hùng liệt sĩ. Thân thể các anh đã biến thành đất đai thiêng liêng của Tổ quốc. Hồn các anh đã hoá thành linh khí sưởi ấm cho quốc thái dân an, cho Tổ quốc Việt Nam ngàn năm văn hiến, đời đời bền vững”, Đại tá Trần Thế Tuyển bày tỏ.
Trung đoàn 174 là một trong hai Trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta được thành lập ngày 19/8/1949 tại chiến khu Việt Bắc. Sau khi thành lập, được sự quan tâm, chỉ đạo, dìu dắt của Đảng, quân đội, trực tiếp là Bác Hồ, Quân ủy Trung ương, Trung đoàn đã lập công lớn trong chiến dịch Thu Đông 1950 với những trận đánh trên đường số 4 và căn cứ Đông Khê lịch sử. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Trung đoàn được giao mũi chủ công đánh đồi A1 với chuỗi bộc phá ngàn cân.
Tháng 3/1967, sau khi hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn Lào, Trung đoàn nhanh chóng củng cố đơn vị và hành quân vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Tháng 11/1967, với mật danh Đoàn A1, hơn 7.000 CBCS của Trung đoàn đến Đắc Tô – Tân Cảnh, Trung đoàn được giao nhiệm vụ chốt giữ các cao điểm 823, 875, 882 nhằm thu hút lực lượng của địch. Rạng sáng 18/11/1967, Mỹ ném bom B52 tại các cao điểm 823, 875, 882 trên dãy Ngọc Kom Liệt. Hai tiểu đoàn Mỹ tiến vào cao điểm 882, 875. Bộ đội ta giữ bí mật để địch đến cách trận địa 20m mới nổ súng. 17h cùng ngày, Mỹ rút quân thả bom Na Pan, bom bi hòng hủy diệt trận địa chốt của ta. Ngày 29/11, Trung đoàn 174 được lệnh rút khỏi địa bàn Đắc Pét. Sau hơn 20 ngày đêm chiến đấu liên tục, ta loại khỏi vòng chiến đấu 4.000 quân Mỹ thuộc Lữ dù 173, Lữ bộ binh 1 thuộc Sư đoàn 4 Mỹ, bắn cháy 13 máy bay, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch . Đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 2 và các đơn vị thuộc Trung đoàn phối hợp cùng LLVT địa phương tiến công thị trấn Tân Cảnh, bao vây thị xã Kon Tum, góp phần vào chiến công chúng của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968. Đã có trên 200 đồng chí Trung đoàn 174 – Đoàn A1 hy sinh tại đây. Sau đó, Trung đoàn 174 hành quân vào Miền Đông Nam Bộ. Trong đội hình công trường 5 nay là Sư đoàn 5, Trung đoàn tiếp tục được giao mũi chủ công tiêu diệt chi khu Lộc Ninh trong chiến dịch mang tên người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ mùa hè năm 1972, góp phần mở ra một vùng giải phóng rộng lớn, thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Ngay sau khi giải phóng Lộc Ninh, chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Paris buộc quân xâm lược Mỹ rút về nước, Trung đoàn được lệnh hành quân cấp tốc về đồng bằng sông Cửu Long. Từ tháng 6/1972 – tháng 4/1975, Trung đoàn đã đánh hàng trăm trận dọc biên giới Tây Nam và các tỉnh Miền Tây Nam Bộ, tiêu biểu là trận đánh chi khu Long Khốt thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 174 chốt chặn lộ 4, giải phóng thị xã (nay là TP Tân An), góp phần vào chiến công chung giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1977, Trung đoàn lại hành quân bảo vệ biên giới Tây Nam. Sau đó, CBCS Trung đoàn ở lại giúp đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, xây dựng cuộc sống mới. Hơn 70 năm chiến đấu xây dựng và trưởng thành, Trung đoàn 174 được tuyên dương hai lần là Đơn vị Anh hùng LLVT. Kim Sáng |