Đầu tháng 4-2021, tôi và Trung tá Vũ Duy Quỳnh, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) đến thăm chú Lê Minh Xước ở khu phố 4, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản. Chú Xước vừa trải qua căn bệnh tai biến nay đã dần hồi phục. Chú là Chỉ huy trưởng đầu tiên của Huyện đội Hớn Quản. Nghỉ hưu, chú Lê Minh Xước được phong hàm Trung tá.
Với thế hệ chúng tôi, chú Xước đã là anh hùng trong trận mạc, trong gian khó, táo bạo đưa bộ đội đêm đi theo quốc lộ lên tận căn cứ Trà Thanh (Hớn Quản) nhận gạo của hậu cần. Anh hùng cả khi bị sốt rét nặng đi viện phải quay trở lại đơn vị chỉ huy chiến đấu diệt quân Pôn Pốt trả thù cho đồng đội. 81 tuổi nhưng chú Lê Minh Xước còn minh mẫn. Chú kể rõ từng trận đánh, cả tên địa danh, tên người chỉ huy của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bình Long cũ.
Chú Xước quê huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, vào bộ đội tháng 6-1959 tham gia nhiều trận đánh ở địa phương. Trước khi được tăng cường qua Tỉnh đội Bình Long, chú thuộc lực lượng bảo vệ An ninh Cục miền Nam đóng ở huyện Tân Biên (Tây Ninh). Tháng 10-1961, chú được tăng cường cùng với một trung đội sang LLVT tỉnh Bình Long, lúc đó chú là đảng viên. Tháng 5-1965, Tỉnh đội Bình Long thành lập Đại đội 70, chú Xước làm Đại đội trưởng và đến tháng 12-1968 làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 368. Năm 1969, từ Tiểu đoàn 368, chú được trên điều về làm Chỉ huy trưởng Huyện đội Hớn Quản, lúc đó chú cấp bậc Đại úy.
Những trận đánh quyết định
Từng tham gia và chỉ huy 650 trận đánh, chú Xước không nhớ xuể. Duy có trận đánh Bót Đồng Long năm 1966 và trận tiêu diệt quân Pôn Pốt ở Đồi 100, năm 1979 thì chú nhớ mãi.
Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 ngụy đưa lên 1 Tiểu đoàn tăng cường Bót Đồng Long. Chú Xước lúc đó là Đại đội phó Đại đội 70. Chú cho tổ trinh sát và 1 trung đội bí mật vào đánh 9 trái DH10, diệt tại chỗ 80 tên địch. Địch hoang mang gọi quân Mỹ lên chi viện, đơn vị của chú kết hợp cùng LLVT Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 chặn đánh tiêu diệt 80 xe tăng địch.
Chú Xước cho biết: “Trận này đánh lớn, nhưng bên ta chỉ bị thương có 1 đồng chí. Tuy nhiên, trong chiến trận không phải trận nào cũng may mắn cả. Có khi ta hy sinh cả trung đội, đại đội… Thế mới nói, người chỉ huy phải biết nhìn nhận bao quát và thực địa tình hình địch để đưa ra những quyết địch phù hợp, tránh để bộ đội thương vong…”.
Năm 1968, chú Xước tham gia trận đánh tại Sóc Bế. Địch điều lên 100 xe tăng, Tiểu đoàn 368 chú chỉ huy tiêu diệt 17 xe tăng địch. Trận đánh 2 giờ liền vào kỵ binh bay của Mỹ, đơn vị chú hy sinh 2 và bị thương mấy đồng chí quê ở miền Bắc.
Tháng 7-1978, chú Lê Minh Xước làm Chỉ huy trưởng Huyện đội Lộc Ninh. Trận đánh ngày 7-1-1979 với chú là trận đánh lịch sử trong 24 năm quân ngũ và cũng là ký ức đậm nhất của người chỉ huy chiến trận tại địa phương. Trước tình hình giữa ta và Campuchia hay xảy ra biến động, Pôn Pốt thường lén lút đánh sang các xã biên giới. Với những thách thức đó, chú Xước quyết định thành lập 1 Tiểu đoàn gồm 400 quân và 2 Đại đội trực thuộc huyện, cùng 11 Đại đội du kích của 11 xã, thị trấn. Các đơn vị độc lập, du kích xã được trang bị súng AK và B40.

Trận đánh Pôn Pốt trên Đồi 100, Bộ Tư lệnh tiền phương (Quân khu 7) giao chú, đồng thời tăng cường cho LLVT huyện 1 Tiểu đoàn xe tăng và 1 Tiểu đoàn pháo 105ly. Lúc đó chú Xước sốt rét nặng, đang được đồng đội cáng đi viện quân y. Đang trên đường đi viện, cấp trên yêu cầu chú quay trở lại chỉ huy đơn vị, vì lý do xe tăng của ta bị địch phục kích đánh mìn hư hỏng gần hết, Tiểu đoàn 301 vừa thành lập hy sinh 80 đồng chí.
Bàng hoàng trước sự hy sinh quá nhiều của đồng đội, chú Xước xuống đi bộ quay lại trận địa gấp. Tới đơn vị, chú tức tốc điều quân từ 2 Đại đội hậu bị bổ sung cho Tiểu đoàn 301. Chú Xước quyết định đánh địch bằng bộ binh, không đánh bằng xe tăng và xin ý kiến Bộ tư lệnh tiền phương. Qua bản đồ tác chiến, cấp trên đồng ý cách đánh của chú Xước.
Từ Tiểu đoàn pháo 105ly, địch cách ta chừng 500 mét, chú Xước tự điều chỉnh tọa độ và cho các khẩu đội pháo đồng loạt bắn cấp tập vào đội hình địch. Chừng 15 phút sau, chú lệnh cho pháo chuyển nòng thấp bắn địch chết la liệt. “Trận này ta bắt sống 20 tên, còn lại 200 tên bị tiêu diệt”, chú Xước nói.
Về căn cứ Trà Thanh nhận gạo chiến đấu
Chú Xước nhớ lại, điều kiện, cơ sở vật chất chiến tranh ngày đó rất khó khăn, lán trại làm bằng lá buông, tranh, tre, lồ ô và cây rừng. Đặc biệt lương thực không có, mà có cũng ít. Mỗi lần đi nhận gạo cho đơn vị rất khó khăn, cả tuần mới lấy được gạo về, mà phải lên tới căn cứ hậu cần ở mãi tận sông Măng (Bù Đốp) và Trà Thanh. Phần nhiều ta tổ chức các ấp chiến lược đi lấy gạo.
Năm 1971, Sư đoàn 9 điều 2 Tiểu đoàn mai phục đánh Mỹ tại ngã ba Tắc Ních xuống Sa Trạch. Tình hình lương thực rất khó khăn, bộ đội hết gạo ăn và phải ăn cháo qua ngày thứ 2. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Tô Ngọc Vân phải nhờ LLVT huyện. Chú Xước dẫn theo 1 trung đội vào khu đồng bào dân tộc thiểu số mua gạo. Đi gần hết ấp nhưng chỉ được có 500 kg gạo, trong khi đó quân số của 2 tiểu đoàn không ít. Bộ đội phải nấu cháo với măng le, củ môn ăn qua ngày.
Năm 1971, địch phong tỏa mấy trung đoàn bộ binh cùng hàng trăm chiếc xe tăng Mỹ từ ngã ba Tắc Ních sát Sacudơ xuống sông Bé, nên hậu cần ta khó chuyển gạo được cho các đơn vị chủ lực. Một quyết định táo bạo của chú Xước đưa ra và được Ban Chỉ huy Trung đoàn 2 nhất trí. Hai Tiểu đoàn bộ binh dưới sự chỉ huy của chú (thời điểm đó chú Xước cấp bậc Thiếu tá, Chỉ huy trưởng Huyện đội Hớn Quản) hành quân trong đêm lên căn cứ Trà Thanh nhận gạo. Mệnh lệnh của chú đưa ra cho 2 Tiểu đoàn LLVT bạn là với tư thế sẵn sàng chiến đấu, gặp địch là đánh, quân trang, súng ống đạn dược đầy đủ, đi bộ khiêng theo cả cối ĐKZ, chủ động trong mọi tình huống…
“Mình đi ở đường cái. Lính địch ở trong trại ăn đồ loong rổn rảng, rọi đèn ra, kệ nó, địch cách ta khoảng 50, 60 mét. Mình cứ đi, cứ bình tĩnh, đi vậy mà an toàn đến sáng, anh em đói rã người. Tới nơi, Trung đoàn trưởng Tô Ngọc Vân quá mừng rỡ. Sáu giờ chiều hành quân ra Tổng Cui vừa tối, bộ đội đi trong đêm khoảng 13 km thì đến Trà Thanh, địa điểm nhận gạo”, chú Xước kể.
Một phần ba cuộc đời binh nghiệp của chú Xước có một kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là lần chú trực tiếp bảo vệ Trung tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền ra sân bay Lộc Ninh.
Tiếp nối thế hệ Chỉ huy Huyện đội Hớn Quản
Trung tá Vũ Duy Quỳnh, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hớn Quản khẳng định: “Hình ảnh của chú Lê Minh Xước anh dũng mưu trí trong trận mạc, chịu đựng gian khó trong mọi tình huống để chỉ huy đơn vị giành thắng lợi trong chiến tranh mãi mãi ghi sâu trong tâm trí lớp lớp cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện. Những bài học kinh nghiệm chỉ huy trong chiến đấu chống Mỹ, chống Pôn Pốt, trong xây dựng và bảo vệ đất nước của chú Lê Minh Xước đã và đang được Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hớn Quản làm chủ đề giáo dục chính trị hàng năm.
Chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Hớn Quản hôm nay được sinh ra và trưởng thành trong thời bình luôn luôn tự hào về truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước. Chúng tôi luôn hứa với lòng mình sẽ phát huy truyền thống của đơn vị, noi gương chú Xước, Chỉ huy trưởng đầu tiên của Huyện đội Hớn Quản để rèn luyện, tu dưỡng trau dồi bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức cách mạng; tích cực học tập, huấn luyện nâng cao trình độ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; gìn giữ, phát huy và làm sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới”.
DUY HIẾN