Tuỳ bút TRẦN BẢO TRÂN
Thực sự như một ngày quốc giỗ, không chỉ có những địa danh gắn liền với những chiến công và sự hy sinh của người lính Cụ Hồ, mà khắp nơi trên đất nước ta, tháng 7 là tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ – những người con ưu tú đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tháng 7 này, theo dòng người hành hương về cội nguồn, tôi như sống lại một thời hào hùng của dân tộc. Những nén tâm nhang ngát hương khắp dải non sông.
MỘT
Từ thành phố Vinh (Nghệ An), chúng tôi “hành quân” bằng cơ giới dọc mảnh đất miền Trung đến tỉnh Quảng Bình. Ngày mai, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ tổ chức khánh thành đền thờ liệt sĩ Trường Sơn – Bến phà Long Đại.
Cách đây đúng hai năm, tôi đã có mặt tại đây chứng kiến lễ khởi công xây dựng công trình tình nghĩa này. Từ một khu đồi hoang mọc đầy sim và cỏ dại, nơi đây đã hiện hữu một quần thể văn hóa tâm linh. Đền thờ liệt sĩ Trường Sơn – Bến phà Long Đại uy nghi tráng lệ hiện ra như trong cổ tích.
Không biết trên trái đất này, có nơi đâu phải trả giá cho độc lập tự do đến như thế không? Tôi hỏi vị tướng già, nguyên là Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Thay vì trả lời thẳng câu hỏi của tôi, vị tướng dạn dày trận mạc quê ở chính mảnh đất chiến trường xưa đã kể cho tôi nghe những kỷ niệm một thời chiến tranh ác liệt. Ông như người cõi khác, mỗi khi hồi ức về đồng đội.
Nhất tướng công thành vạn cốt khô. Từ thực tế những cuộc chiến tranh khốc liệt, người đời đã rút ra hệ lụy ấy. Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, đã gần đến tuổi cửu thập, nhưng ông vẫn tự nguyện làm cố vấn đặc biệt cho chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, bởi món nợ không bao giờ trả hết đối với đồng đội. Nhớ lại đêm cầu siêu cho hương hồn liệt sĩ bên bến phà Long Đại cách đây không lâu, tôi đã thấy ông khóc như chưa bao giờ được khóc.
Từ tâm linh sâu thẳm, ông trò chuyện với những người đã khuất. Vong linh đồng đội của ông vẫn còn lẩn khuất đâu đây trên những cánh rừng Trường Sơn, hay những bến bờ xa thẳm dọc dòng Long Đại linh thiêng, huyền ảo này. Bây giờ, đền thờ liệt sĩ Long Đại đã hoàn thành. Lặn lội mấy trăm cây số ra dự lễ khánh thành, ông như trẻ lại. Ông bước chậm rãi trên những bậc thang còn thơm mùi vôi vữa dẫn lên đền mà như đang cùng đồng đội vượt đỉnh Trường Sơn năm nào.
Tháp tùng vị tướng già, giữa bao la đất trời linh thiêng, như người mộng du, tôi đọc cho ông nghe những câu thơ vừa lóe lên, y hệt có hương hồn đồng đội chắp cánh: Thần Đinh đa Phật, thủy vân xa. Long Đại đa Thánh, ngẫu yên ba/Đền đài mái ấm hồn liệt sĩ/Trường Sơn hùng vĩ nối Trường Sa/Đất mẹ ngàn năm vòng tay lớn. Sông sâu thiên cổ chốn đi về/Nén hương cong thay lời tỏa ấm/Hậu sinh muôn thuở áng mây che/Đền thiêng tọa lạc giữa đất thiêng/Lòng thành kính cẩn Thánh Phật Tiên.
HAI
Từ Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, tôi về viếng Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM, đúng dịp kỷ niệm lần thứ 66 Ngày thương binh – liệt sĩ. Như ngày quốc giỗ, dòng người từ thập phương đổ về khu đồi linh thiêng viếng hương hồn liệt sĩ, người thân và đồng đội. Bên trái tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, hôm nay hội đồng hương ba tỉnh Nam Định – Hà Nam – Thanh Hóa làm lễ vinh danh danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho các chiến sĩ Tiểu đoàn 16 Long An, nguyên là Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 B thuộc Quân khu ba, thời kỳ chống Mỹ.
Cựu chiến binh Lê Nguyên Long, nguyên Phó Giám đốc cơ quan thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại TPHCM, Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Nam Định tại TPHCM là một trong những người tự nguyện đứng ra tổ chức buổi lễ đầy xúc động này.
Câu chuyện về những người lính Tiểu đoàn 16 Long An, tôi đã được Lê Nguyên Long kể cho nghe từ lâu. Tháng 7-1967, từ hậu phương lớn, Tiểu đoàn 5 được bổ sung vào chiến trường B2 với phiên hiệu mới là Tiểu đoàn 16 Long An. Những người con của quê hương Nam Hà – Thanh Hóa đã cùng quân và dân Long An – Sài Gòn – Gia Định lập nên nhiều chiến công, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của toàn dân tộc, trong đó phải kể đến cuộc tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất Tết Mậu Thân năm 1968.
Trong cuộc chiến đấu không cân sức này, Tiểu đoàn 16 dưới sự chỉ huy của chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Văn Sáu, đã kiên cường bám trụ, đánh lui hàng chục đợt phản kích của hàng trăm lính Mỹ. Trận chiến dài ngày, khốc liệt, 2/3 quân số của đơn vị hy sinh, trong đó có chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Văn Sáu và chính trị viên phó đại đội Nguyễn Văn Mẹo.
Chuyện như trong truyền thuyết, chính trị viên phó đại đội Nguyễn Văn Mẹo đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Và, anh chết đứng, dựa lưng vào chiếc xe tăng M41 của địch đang bốc cháy. Tay Mẹo vẫn nắm chắc khẩu súng AK, mũi súng hướng thẳng về phía quân thù. Hình ảnh ấy đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân viết nên bài thơ Dáng đứng Việt Nam lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Cảm kích trước hành động anh hùng của những người con quê hương, Lê Nguyên Long và những cựu chiến binh của Tiểu đoàn 16 Long An đã thu thập hồ sơ đề nghị Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 16. Ngày 25-4-2013, nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ước mơ của những cựu chiến binh Tiểu đoàn 16 đã trở thành hiện thực. Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 16 và liệt sĩ Nguyễn Văn Sáu, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 16 – Long An cũng được truy tặng danh hiệu cao quý này.
Có mặt trong buổi lễ tình nghĩa và trang trọng ấy, tôi bỗng nhớ đến những ngôi mộ liệt sĩ mà mới tôi đã gặp dọc đường hành hương về cội nguồn. Mới hôm qua thôi, trong chuyến công tác khởi công dự án trạm xá quân dân y tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, đại tá – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Bình Phước đã hướng dẫn chúng tôi đến thăm dấu tích Đồn biên phòng 717 xưa (nay là Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư). Chỉ trong một ngày đầu năm 1978, 33 cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã hy sinh để giữ yên từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trên đường trở về TP, chúng tôi dừng lại thắp hương viếng các liệt sĩ đã hy sinh trong trận chốt chặn đường 13 Tàu Ô – Xóm Ruộng, mùa hè năm 1972. Hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 đã nằm lại nơi đây. Thân thể các anh đã tan biến thành đất đai của Tổ quốc.
Tháng 7 đến như sự sắp đặt của tạo hóa, người hôm nay và người hôm qua trò chuyện, suy ngẫm về nhân tình thế thái. Lịch sử có thể thăng trầm, mọi thứ có thể đổi thay. Nhưng gương mặt những người con ưu tú đã hy sinh vi đất nước còn sáng mãi. Tôi bỗng nhớ đến những vần thơ để đời của nhà thơ liệt sĩ – Anh hùng LLVT nhân dân Lê Anh Xuân. Đó không chỉ là vần thơ tặng riêng cho chính trị viên phó đại đội Nguyễn Văn Mẹo trong trận tấn công sân bay Tân Sơn Nhất năm nào mà tặng cho tất cả những người con ưu tú của đất nước đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình vì độc lập tự do, vì vẹn nguyên lãnh thổ và vì cuộc sống yên bình hôm nay. Anh là chiến sĩ Giải phóng quân/Tên Anh đã thành tên đất nước…/Từ dáng đứng của Anh trên đường băng Tân Sơn Nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát Mùa Xuân.
Hương thơm khắp dải non sông.
TP Hồ Chí Minh, đêm 26-7-2013