“Sau này hòa bình thống nhất, ai là người còn sống nhớ đi tìm người đã chết đưa về quê cha đất tổ”, câu nói năm ấy cứ văng vẳng bên tai của Nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đoàn 18 đặc công miền Đông Nam Bộ Nguyễn Viết Quản. Và suốt 14 năm qua, ông ngược xuôi đi tìm hương hồn của những người đã khuất.
Ông Nguyễn Viết Quản năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng chưa có ý định nghỉ ngơi, vì ngoài kia còn biết bao đồng đội đang đợi ông. Hơn một thập niên qua, ông Quản vẫn mòn mỏi đi tìm người đã khuất, ông xem đó là sứ mệnh trái tim, là trách nhiệm của người còn sống với những người đã hoá cát bụi.
Ông Quản tham gia kháng chiến năm 1969 -1975 ở chiến trường miền Đông Nam Bộ và Campuchia. Sáu năm sống dưới bom đạn, khói lửa, ông nhớ nhất trận đánh ở núi Bà Đen năm 1972. Ông kể, trước khi vào trận đánh, anh em nói với nhau “Sau này hòa bình thống nhất, ai là người còn sống nhớ đi tìm người đã chết đưa về quê cha đất tổ”.
Ông Nguyễn Viết Quản (bìa trái) cùng các đồng đội bốc hài cốt liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi
Một câu nói bâng quơ trên chiến trường nhưng cứ văng vẳng bên tai người chiến sĩ cả lúc ăn lúc ngủ và ông xem đó là lời thề. Những năm tháng ấy, chiến trường vô cùng khốc liệt, phải kể đến chiến dịch Nguyễn Huệ, một mùa hè đỏ lửa, vô số đồng đội của ông đã ngã xuống, kẻ mất người còn. Sau khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, ông xin với các đồng đội cho thời gian để thực hiện lời thề vì sau ngày 30/4/1975, ông phải nhận nhiệm vụ mới tại Công an TP.HCM.
“Xin đợi đến lúc về hưu tôi sẽ đi tìm các bạn”, ông Quản nhớ lại.
Khép lại chặng đường cống hiến cho cách mạng, cho đất nước ở thời chiến và thời bình, năm 2008, ông nhận quyết định nghỉ hưu. Cùng lúc đó ông lên kế hoạch để thực hiện lời thề năm xưa và ông đã cùng các cựu chiến binh của Tiểu đoàn 18 bắt đầu chặng đường nghĩa tình.
Ông Quản (mặc quân phục) được vinh danh là tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của TP.HCM năm 2022
Ông bộc bạch: “Chúng tôi là một tổ chức tự phát, tiền bạc, xe cộ… đều tự bỏ ra. Nhiều năm qua, tôi trở về chiến trường xưa để tìm đồng đội, rồi báo cáo, phối hợp với các cơ quan chính quyền để quy tập tại nghĩa trang. Hồi trước có nhiều người đi cùng tôi nhưng nay chỉ còn khoảng 4-5 người, một phần do kinh phí hạn hẹp, phần vì tuổi cao sức yếu nên không còn đủ sức để đi”.
Đến nay, đã có 117 hài cốt được tìm thấy ở miền Đông, Tây Nam Bộ và Campuchia, trong đó có 47 hài cốt được di chuyển về quê cha đất tổ.
Theo ông Quản, công việc đi tìm hài cốt liệt sĩ không phải ngày một ngày hai mà bắt nguồn từ một quá trình dài. Năm xưa, khi còn ở chiến trường, ông được chỉ huy giao nhiệm vụ quán xuyến sau trận đánh. Ông có nhiệm vụ thu dung toàn bộ người bị thương, tử sĩ ra khỏi trận địa rồi cùng tiểu đội chuyên trách đưa đi chôn cất. Ngày đó, ông chôn theo lọ Penicillin bên trong có thông tin về liệt sĩ, sau đó ông còn vẽ sơ đồ và giao cho bộ phận chính sách của đơn vị… Cũng nhờ đó mà ông có nhiều cơ sở, kinh nghiệm trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Bây giờ, nghe ai đó hỏi về cảm xúc khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ, hai hàng nước mắt của ông tuôn dài, rồi ông đọc liền mấy câu thơ:
Bạn thương ơi!
Tuy chúng mình không phải chung một cha
Nhà chúng mình không ở cùng một ngõ
Hơn thế nữa cả hai thời lớn nhỏ
Đời chúng mình chẳng được sống bên nhau
Ta chỉ biết nhau trong chiến đấu
Thế rồi ta thương nhau từ đó
Tình yêu thương như con cùng một mẹ
Như những người ruột thịt một quê cha!
Người cựu chiến binh nặng lòng với đồng đội
Đối với ông, ngày nào còn sống ông sẽ tiếp tục đi tìm đồng đội. Mới đây, ông khoe với chúng tôi, ông vừa được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM bổ nhiệm làm Tổ trưởng tổ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ông thổ lộ rằng trọng trách này tuy nặng nề nhưng ông cảm thấy rất vui, vì tới đây công việc của ông đã có Hội đỡ đầu và có thêm nhiều nguồn lực “tiếp sức” để ông đưa đồng đội về với quê hương.
Với những gì đã làm được, ông Quản vinh dự được chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM vinh danh là tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của TP.HCM năm 2022.
Gia Nguyễn