HÀ TÙNG SƠN
Tháng 9/1972, tôi cùng 180 sinh viên và cán bộ trẻ của Trường ĐHSP Vinh nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện ở Đoàn 22A tại Nghệ An, tháng 12/1972, chúng tôi trở thành những người lính đầu tiên của đại đội trinh sát C20 thuộc Sư đoàn 341 và chuyển vào Quảng Bình huấn luyện nghiệp vụ. Đầu tháng 1/1975, đúng vào đêm mùng 2 Tết âm lịch Ất mão, cả Sư đoàn 341 được lệnh hành quân bằng ô tô của Đoàn vận tải quân sự Trường Sơn (Đoàn 559) vào chiến trường miền Đông Nam Bộ.
CCB sư đoàn 341 viếng đồng đội ở NTLS Tảng Bom dịp 30/4/2022
Sau hơn 1 tháng hành quân, chúng tôi đặt những bước chân đầu tiên xuống miền Đông Nam Bộ ở trong những khu rừng cao su bạt ngàn của Đồng Xoài tỉnh Bình Phước. Khi chúng tôi vượt quốc lộ 14, đang ở vị trí tập kết tại khu vực Định Quán trên đường 20 thì gặp quân địch. Các Trung đoàn bộ binh 273, 270, 266 và Trung đoàn pháo 55 thuộc F341 đã nhanh chóng triển khai tấn công với sức mạnh áp đảo, chỉ trong thời gian ngắn, sư đoàn 341 đã đánh bại quân địch, buộc chúng tháo chạy khỏi Định Quán. Nhiều trận đánh tiếp theo của E273 cũng liên tục giành thắng lợi, góp phần giải phóng Dầu Tiếng, Bến Cát, Bàu Bàng (Bình Dương)…
Ngày 09/4/1975, Quân đoàn 4 gồm các Sư đoàn 341, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 và nhiều đơn vị pháo binh, thiết giáp phối thuộc được lệnh tấn công vào thị xã Xuân Lộc, nơi được coi là cánh cửa thép bảo vệ phía bắc Sài Gòn của quân đội VNCH. Cuộc chiến đấu ở Xuân Lộc kéo dài dai dẳng hàng chục ngày trước sức chống cự của quân địch. Cả 2 bên quân ta và quân địch đều thương vong vô cùng lớn. Trung bình mỗi ngày chiến đấu ở Xuân Lộc quân ta có 400 cán bộ, chiến sĩ hy sinh (trong lúc ở mặt trận Quảng Trị năm 1972 mỗi ngày trung bình có 100 chiến sĩ hy sinh).
Cuối cùng thì trước sự tấn công mãnh liệt của quân ta, sau 12 ngày đêm kiên trì chiến đấu (09 – 21/4/1975), Quân đoàn 4 đã giải phóng thị xã Xuân Lộc. Sau khi thị xã Xuân Lộc được giải phóng, Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từ chức và bỏ chạy ra nước ngoài.
Nhận thấy thời cơ đã đến, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh tấn công vào Sài Gòn – Gia Định. 17h ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Sư đoàn 341 thuộc Quân đoàn 4 là một trong những đơn vị được lệnh dội những loạt đại bác đầu tiên vào Chi khu Trảng Bom mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh và đã giải phóng hoàn toàn Chi khu Trảng Bom sau một ngày chiến đấu.
Trên đà thắng lợi, Sư đoàn 341 tiến đánh giải phóng Hố Nai, sân bay Biên Hòa. Sáng 30/4, Sư đoàn 341 cùng các đơn vị bạn tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Trưa ngày 30/4, đoàn xe tăng của Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 đã tập kết ở khu vực Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Trong niềm vui đại thắng, những người lính Sư đoàn 341 chúng tôi ngậm ngùi nhớ về hàng nghìn đồng đội đã ngã xuống trong các trận đánh khốc liệt vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng. Tôi còn nhớ như in cảm xúc của mình lúc cùng nhiều đồng đội khi ngả mình trên thảm cỏ xanh trước Dinh Độc Lập trong buổi trưa đầu tiên ngày giải phóng, lòng chúng tôi rưng rưng nghĩ đến những đồng đội đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến. Đến bây giờ, mỗi dịp kỷ niệm các ngày Chiến thắng 30/4, ngày TBLS 27/7 và ngày thành lập quân đội 22/12, những CCB Sư đoàn 341 chúng tôi lại tìm về các nghĩa trang liệt sĩ ở miền Đông Nam Bộ tại Long Khánh, Trảng Bom, Biên Hòa để viếng thăm, dâng hương tưởng nhớ đồng đội.
Cứ mỗi dịp như thế, sau lễ chào cờ nghiêm trang ngay tại NTLS, chúng tôi tỏa đi khắp các khu mộ thắp hương tưởng nhớ những người đồng đội cùng F341 đã hy sinh trong các trận đánh Xuân Lộc, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa… Tại các NTLS Trảng Bom cùng các NTLS Long Khánh và NTLS Biên Hòa là nơi an táng nhiều nhất những người lính Sư đoàn 341 của chúng tôi đã ngã xuống trước ngày chiến tranh kết thúc. Riêng tại NTLS Long Khánh đã có 1.100 mộ liệt sĩ F341, tại NTLS Trảng Bom có đến 600 mộ LS F341, tại NTLS Biên Hòa có 400 mộ liệt sĩ F341. Nhiều người trong số họ ngã xuống ở tuổi 18, 20 trong đó có những đồng đội là bạn bè học cùng tôi ở trường ĐHSP Vinh trước ngày nhập ngũ.