TRẦN MỸ LINH
Sáng sớm, khi bình minh đang tỏa rạng trên sông Nhật Lệ, chúng tôi rời TP Đồng Hới theo đường Hồ Chí Minh ngược lên miền Tây Quảng Bình. Con đường mang tên Bác Hồ kính yêu không còn là đường mòn “chưa một dấu chân người”, mà đã là một đại lộ trải nhựa hun hút, dọc dài đất nước. Chúng tôi qua bến phà Long Đại, một trọng điểm đánh phá ác liệt của địch trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dưới ánh nắng ban mai, Đền thờ liệt sĩ Trường Sơn cạnh bến phà Long Đại hiện uy nghi, tráng lệ. Đây là một trong 5 ngôi đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP tổ chức.Mái ấm liệt sĩ Trường Sơn
Tháng 5-2009, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đoàn 559 – Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Báo SGGP mở đợt tuyên truyền sâu rộng về tuyến đường vận tải quân sự chiến lược mang tên Bác. Ban Biên tập cử nhóm phóng viên do nhà báo Nguyễn Đức, Trưởng Ban Chính trị – một cựu chiến binh (CCB) từng vượt Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ phụ trách, đi dọc dài Trường Sơn để lấy tư liệu viết bài. Các anh đã vượt qua hàng ngàn cây số dọc Đông và Tây Trường Sơn, có khi sang cả đất bạn Lào và Campuchia để khám phá về con đường huyền thoại này.
Loạt phóng sự Trở lại Trường Sơn huyền thoại gồm trên chục bài đã gây được sự chú ý của bạn đọc. Trước cảnh đồng bào ta dọc đường Trường Sơn đang sống trong cảnh nghèo khó, một số di tích lịch sử bị xuống cấp hoặc lãng quên, nhà báo Nguyễn Đức đề xuất vận động các nhà hảo tâm và bạn đọc đóng góp tiền lo cho Trường Sơn.
Thế là Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (NTTS) ra đời. Ngay từ khi phát động, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, từ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đến bạn đọc, đặc biệt, là các doanh nghiệp và nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Các cựu chiến binh trở về thắp nén tâm nhang cho những người ngã xuống tại chiến trường Thành Cổ trong chuyến “Trở lại chiến trường xưa” do Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP tổ chức vào tháng 5-2012.
Một buổi chiều, tại căn nhà nhỏ trên đường Kỳ Đồng (TPHCM), anh Sáu Phong (Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) tiếp chúng tôi. Sau khi nghe báo cáo ý tưởng tổ chức Chương trình NTTS, ông hưởng ứng ngay: “Mình ủng hộ các bạn. Nên làm, rất nên làm”. Biết chúng tôi đều là CCB, giọng anh Sáu ấm áp: “Lính Cụ Hồ trên mặt trận mới. Các cậu cứ làm đi, mình tin là sẽ thành công, sẽ thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội”. Ngay đêm đó, Chủ tịch nước đã viết thư gửi Ban Biên tập Báo SGGP tỏ rõ sự ủng hộ và kêu gọi mọi người cùng tham gia. Thư của Chủ tịch nước được đăng trên Báo SGGP và các phương tiện thông tin đại chúng như một lời hiệu triệu. Nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, bạn đọc trong đó có các CCB và cựu TNXP Trường Sơn vào cuộc mạnh mẽ.
Sau đó ít ngày, lễ phát động Chương trình NTTS được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Hòa Bình (TPHCM). Ngay đêm đầu tiên, ban tổ chức đã nhận được số tiền ủng hộ trên 50 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng cổ phần Thương mại Ngoại thương Việt Nam là nhà tài trợ chính với trên 40 tỷ đồng. Trong vòng 5 năm (2009 – 2013), với số tiền gần 140 tỷ đồng do các nhà tài trợ và bạn đọc đóng góp, tiêu biểu là Ngân hàng cổ phần Thương mại Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng cổ phần Thương mại Công thương Việt Nam (Vietinbank), ban tổ chức chương trình đã triển khai nhiều hạng mục công trình tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc và hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình thuộc diện chính sách, những CCB và cựu TNXP từng chiến đấu và công tác trên tuyến đường Trường Sơn có cuộc sống đang gặp khó khăn.
Chương trình đã xây dựng và bàn giao trên 1.400 căn nhà tình nghĩa, 19 trạm xá quân dân y kết hợp, trao tặng hàng ngàn suất học bổng, nhiều công trình dân sinh; phối hợp cùng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt xây tặng bà con khu vực thác Bản Giốc (Cao Bằng) một trường mầm non trị giá 10 tỷ đồng; cùng Tổng Công ty Rượu bia – Nước giải khát Sài Gòn xây dựng mới hoàn toàn Bản Văn hóa – Di tích lịch sử Làng Ho (Quảng Bình). Đã và đang xây dựng 5 đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn, mỗi ngôi đền trị giá từ 10 – 15 tỷ đồng. Đặc biệt, để nhắc nhớ về con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, ban tổ chức phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM thực hiện bộ phim Trở lại Trường Sơn huyền thoại dài 60 tập.
Đền thờ Liệt sĩ Trường Sơn cạnh bến phà Long Đại năm xưa là một trong những công trình tình nghĩa ấy. Tôi nhớ lại cách đây 4 năm, một đêm cuối tháng 7, chúng tôi làm lễ cầu siêu, khởi công xây dựng công trình này. Nửa đêm, bên dòng Long Đại linh thiêng, trong khói hương trầm lan tỏa, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ, đã không cầm được nước mắt… Bây giờ thăm lại công trình tình nghĩa này, chúng tôi thêm một lần nữa khẳng định sự lựa chọn của Ban Tổ chức Chương trình NTTS với sự giúp đỡ đầy trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình là hoàn toàn đúng đắn…
Trả lại tên cho Làng Ho
Tôi gặp Đại tá Dương Ngọc Bội, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cách đây hơn 5 năm, ngay buổi đầu tiên chương trình đến với mảnh đất đầy nắng gió và thấm đẫm huyền thoại này. Lần này, Đại tá Bội đưa đoàn công tác của chương trình lên miền Tây Quảng Bình, nơi có di tích Cổng Trời, có quốc lộ 12 oanh liệt một thời và có đồn biên phòng Cha Lo nổi tiếng với bài hát Đêm Cha Lo của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Theo kế hoạch, hôm nay chúng tôi sẽ khánh thành trạm xá quân dân y kết hợp tại thôn Bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa với số tiền đầu tư trên 500 triệu đồng do Suntory Pepsico Việt Nam tài trợ và Bia tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại Lằng Khằng trên đất bạn Lào.
Những người lính vượt Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, dường như ai cũng qua Làng Ho. Với tôi, Làng Ho thật nhiều kỷ niệm. Cuối năm 1970, Đoàn 2255 của chúng tôi hành quân qua đây trong một đêm mưa giá rét. Chúng tôi được ô tô thả xuống giữa rừng và mò mẫm tìm cây mắc võng. Trung đội trưởng Quản Đình Mậu bảo đây là Làng Ho. Trong đêm đông mịt mùng, nghe tiếng mưa rơi trên mái tăng, tôi hình dung ra Làng Ho với vị già làng râu dài, tóc bạc và cô gái Vân Kiều ngực trần, mắt nâu như trong cổ tích…
Thực ra, ngày ấy chúng tôi không thấy một ngôi nhà sàn nào, cũng không gặp một vị già làng và cô gái Vân Kiều nào cả. Nhưng hai tiếng Làng Ho thật ấn tượng, bởi đây là trạm giao liên đầu tuyến đường Trường Sơn huyền thoại…Sau gần 4 giờ, vượt qua những con đường khúc khuỷu, quanh co, chúng tôi đến Làng Ho. Trước mắt tôi không phải là ngôi làng mộng mơ, huyền thoại. Đó là những mái nhà xơ xác, đường đất bụi mù; những đứa trẻ lưng trần bên cạnh những bãi phân trâu. Ngay cả cái tên Làng Ho cũng không còn lưu giữ, chỉ thấy chiếc bảng nhỏ treo ở đầu đường: Bản Trung đoàn.
“Tại sao thế?”, tôi hỏi Đại tá Dương Ngọc Bội. Anh Bội nói nhỏ, có lẽ vì đây là nơi đứng chân của Binh trạm 27 (tương đương cấp trung đoàn); Bộ Tư lệnh Đoàn 559 chọn làm điểm tập hợp vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men để chuyển vào Nam, nên người ta quen gọi thế. Trên đường về, tôi bàn với nhà báo Nguyễn Đức, Phó ban Thường trực Ban tổ chức chương trình và đại tá Bội về việc đầu tư xây dựng lại bản Làng Ho.
Ý tưởng ấy được các anh chị lãnh đạo Công ty Rượu bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhiệt tình ủng hộ, cam kết tài trợ 5 tỷ đồng. Chúng tôi thống nhất trích 3 tỷ đồng để xây dựng lại Làng Ho.
Đầu năm 2013, chúng tôi làm lễ khánh thành Bản Văn hóa – Di tích lịch sử Làng Ho. Cả bản làng bà con dân tộc Vân Kiều đầu đường Trường Sơn nhộn nhịp như ngày hội lớn. Toàn bộ bản Làng Ho được xây dựng mới với 37 nhà sàn bằng gỗ, nhà văn hóa cộng đồng, trạm xá quân dân y kết hợp và hệ thống giao thông nội bản cùng các công trình vệ sinh công cộng.
Cũng trong ngày hội này, cái tên Làng Ho gần gũi thân thương với bà con các dân tộc và những người lính Cụ Hồ từng hành quân trên con đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh huyền thoại đã trở về đúng vị trí của nó. Dịp này, UBND huyện Lệ Thủy đã trao tận tay từng hộ gia đình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Ước mơ ngàn đời của bà con dân tộc Vân Kiều nay đã được thực hiện.
***
Chương trình NTTS của Báo SGGP chuyển sang giai của đoạn mới. Những người lính Cụ Hồ trên mặt trận mới cũng khép lại một chặng đường công tác đầy ý nghĩa và thấm đậm tình đồng đội. Đêm gala tổng kết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương, TPHCM đã đến dự. Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng ba cho tập thể Báo SGGP. Trong không khí ấm áp ấy, tôi như thấy bóng dáng những người lính trên đỉnh Trường Sơn huyền thoại năm nào. Chính các anh, các chị đã tiếp sức cho chúng tôi thực hiện chương trình…