Đại tá TRẦN THẾ TUYỂN – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Mình là một trung tâm lớn về nhiều mặt của cả nước; thành phố năng động, sáng tạo và nghĩa tình. Đây chính là mảnh đất anh hùng, đi trước về sau của Nam bộ “ Thành đồng Tổ quốc” trong kháng chiến và “ cùng cả nước, vì cả nước” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thành phố Hồ Chí Mình cũng là nơi chịu nhiều mất mát, đau thương qua mấy cuộc kháng chiến. Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, đến tháng 6 năm 2020, thành phố có 278.302 đối tượng thuộc diện người có công với cách mạng; trong đó có 27.182 thương binh, 5.397 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 51.459 liệt sỹ…
Từ sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã có nhiều chủ trương, biện pháp chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với đất nước, đặc biệt các gia đình liệt sỹ, thương binh. Nhưng do sự phát triển không đồng đều của cơ chế kinh tế thị trường, một bộ phận không nhỏ gia đình thuộc diện chính sách còn khó khăn về đời sống. Hơn nữa những vấn đề tồn tại sau chiến tranh như tìm kiếm hài cốt và xác định danh tính liệt sỹ vẫn chưa dứt điểm. Cần có sự vào cuộc đồng bộ, sức mạnh tổng hợp mới có thể hàn gắn vết thương chiến tranh, cũng chính là tri ân đối với những người có công với đất nước.
Để chung tay thực hiện công việc nghĩa tình ấy, bên cạnh hệ thống thực thi chính sách của Đảng và chính phủ đối với những người có công với đất nước, đặc biệt gia đình liệt sỹ, thương binh, cách đây đúng 10 năm ( 2010), Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam được thành lập. Một thập kỷ qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức Hội đã hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Tại thành phố Hồ Chí Mình, theo nguyện vọng của các cựu chiến binh, cựu TNXP; được sự giúp đỡ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, cách đây 2 năm 6 tháng, Ban Vận động thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ thành phố Hồ Chí Mình do Đại tá Nguyễn Văn Bạch, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 làm trưởng ban được thành lập. Ngày 29 tháng 4 năm 2020, đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; căn cứ Nghị định 45/NĐ- CP ngày 21-4-2010 của Chính phủ, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Mình đã ra quyết định số 1445/ QĐ- UBND cho phép thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ thành phố Hồ Chí Minh( Hội ).
Theo quyết định này, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức xã hội, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội được Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh thông qua; chịu sự quản lý nhà nước của Sở LĐ TB và XH thành phố Hồ Chí Minh. Tôn chỉ mục đích của Hội là : Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng hỗ trợ các gia đình liệt sỹ về tinh thần và vật chất như : tìm kiếm và xác định danh tính liệt sỹ ; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân nhân, gia đình liệt sỹ ; huy động nguồn tài trợ xây dựng và tặng nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sỹ; trao học bổng cho con em liệt sỹ… Đặc biệt phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng đền thờ, bia tưởng niệm liệt sỹ, trong đó có con em của thành phố đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Đại hội lần thứ nhất Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ thành phố Hồ Chí Minh đã được tổ chức trọng thể ngày 10 tháng 7 năm 2020 tại Bảo tàng LLVT Miền Đông Nam bộ – Quân khu 7. Đại hội đã bầu ra BCH gồm 39 đồng chí. Ban Thường vụ Hội gồm 11 đồng chí. Đại tá nhà báo Trần Thế Tuyển, nguyên Phó Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ Thông tin- Truyền thông; nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn giải phóng được bầu làm Chủ tịch Hội.
Theo nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ thứ nhất ( 2020-2025), Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ thành phố Hồ Chí Mình tập trung thực hiện một số việc chính sau đây:
Thứ nhất, nhanh chóng kiện toàn tổ chức Hội và phát triển hội viên. Hội sẽ xúc tiến thành lập Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tại tất cả các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố và các tổ chức xã hội, trong đó chú trọng các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và Ban Liên lạc bạn chiến đấu, CCB; cựu TNXP, các cơ quan truyền thông, báo chí…
Thứ 2, phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ TB- XH thành phố và các cơ quan chức năng nắm chắc thực lực gia đình liệt sỹ; các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước đối với người có công với cách mạng, nói chung và gia đình liệt sỹ, nói riêng để tham mưu cho lãnh đạo thành phố đề ra chủ trương, biện pháp hỗ trợ gia đình liệt sỹ cả về mặt tinh thần và vật chất.
Thứ 3, theo quyết định số 1445/ QĐ- UBND và Điều lệ được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt, Hội sẽ lập “ Quỹ Nghĩa tình Đồng đội “ để huy động nguồn lực xã hội; phối hợp chặt chẽ với các địa phương phát hiện, xây dựng và trao nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sỹ đang gặp khó khăn về nhà ở; xây dựng đền thờ và đài tưởng niệm liệt sỹ, trao học bổng cho con em liệt sỹ vượt khó, học giỏi; thành lập các tổ chức thành viên trực thuộc Hội để triển khai nhiệm vụ như : Trung tâm tổ chức sự kiện; tư vấn pháp luật; tư vấn tìm kiếm và xác định danh tính liệt sỹ…
Thứ 4, nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, Hội phối hợp với các nhà tài trợ và cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thăm và tặng quà cho mẹ VNAH, mẹ liệt sỹ và thương binh tại một số quận huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có con em của thành phố hy sinh qua các cuộc kháng chiến và làm nghĩa vụ quốc tế như huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai; huyện Vĩnh Hưng tỉnh Long An…
Để Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành “trách nhiệm trái tim “ của mình, Ban chấp hành Hội rất mong sự chỉ đạo, giúp đỡ, ủng hộ của lãnh đạo và các cơ quan chức năng của thành phố ; sự đồng hành của các nhà tài trợ, các cơ quan báo chí , truyền thông; đặc biệt các tầng lớp nhân dân thành phố.
Nghĩa cử cao đẹp, trách nhiệm nghĩa tình của lãnh đạo và nhân dân thành phố Hồ Chí Mình và các địa phương sẽ là nguồn động viên lớn lao để Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ thành phố thực hiện các mục tiêu đề ra: Tâm huyết, minh bạch, hiệu quả ; góp sức cùng thành phố và cả nước thực hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa “ của Đảng, nhà nước; đạo lý “ uống nước nhớ nguồn “ của dân tộc ta ./.
TTT