Năm trước, tôi có may mắn được đi cùng đoàn cán bộ huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An ra thăm khu di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ. Dù điều kiện đi lại thời bây giờ không còn quá khó khăn như xưa, nhưng để thực hiện hành trình dài ngày cho thỏa ước mơ, nhiều người trong đoàn phải “hạ quyết tâm”, vừa phải sắp xếp công việc cơ quan, gia đình, vừa chuẩn bị tinh thần, sức khỏe.
Đến khi tận mắt chứng kiến những chứng tích chiến tranh cùng sự tái hiện lại những cống hiến, hi sinh vĩ đại của bộ đội và Nhân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bao nhiêu mệt mỏi tan biến, mọi thành viên trong đoàn trào dâng niềm xúc động.
Với riêng tôi, đây là lần thứ hai tôi đặt chân lên mảnh đất đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại và cũng là nơi đã thấm đẫm máu xương các anh hùng liệt sĩ. Cảm xúc vẫn bồi hồi, vẹn nguyên như vừa mới hôm qua tôi đi trong đoàn quân chiến thắng.
Ngày ấy, sau khi thi đỗ vào Đại học Biên phòng, lớp chúng tôi là khóa học viên dự nguồn đào tạo sĩ quan thứ 2 được huấn luyện tại Trung đoàn Bắc Bắc, Sư đoàn Quân Tiên Phong (e36f308) anh hùng. Bài học đầu tiên về truyền thống Sư đoàn, chúng tôi được giáo dục rằng đây là Sư đoàn (trước đây gọi là Đại đoàn) đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và là Đại đoàn có vai trò quyết định trong cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân, năm 1953 – 1954, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
26.400 lượt dân công cùng hơn 21.000 xe đạp thồ đã dồn sức tiếp tế cho bộ đội ta tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Trong những lần sinh hoạt văn nghệ, những buổi hành quân giữa ngập tràn hoa mơ, hoa mận, nơi vùng núi Lương Sơn, Hòa Bình, chúng tôi cùng nhau hát vang bài “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Dù chiến thắng đã lùi xa, thuộc thế hệ ông bà chúng tôi nhưng khung cảnh núi rừng Điện Biên với những “nương lúa mới trồng”, “từng đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa” như còn hiện ngay ra trước mắt. Đặc biệt, niềm vinh dự, tự hào được là người chiến sĩ tiếp nối bước chân của đoàn quân chiến thắng khiến chúng tôi như được tiếp thêm nguồn sức mạnh, hăm hở tiến về phía trước.
Bài học lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi được học, đó là sự hi sinh vô cùng to lớn của cả dân tộc ta. Không chỉ là “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non”. Mà đó còn là kết quả của chín năm trường kì kháng chiến. Và hơn thế nữa, đó còn là kết quả của gần một trăm năm đấu tranh gian khổ, chống lại ách thống trị của thực dân, phong kiến, “lũ cướp nước và bè lũ bán nước”.
Đó còn là bài học về nghệ thuật quân sự Việt Nam, biết tiến tới, biết thoái lui đúng lúc. Sau biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, bộ đội, công binh và dân quân ta đã kéo một phần ba số pháo vào trận địa. Nhưng tình hình chiến trường thay đổi, ta phải chuyển từ phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” thành “đánh chắc, tiến chắc”. Ngày 26/01/1954, Đảng ủy Mặt trận Chiến dịch họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định hoãn cuộc tiến công, ra lệnh cho bộ đội lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Chính quyết định này cùng với sự thống nhất đồng lòng, quyết chiến thắng, quyết hi sinh trong toàn Mặt trận, Chiến dịch đã thắng lợi hoàn toàn.
Nhớ lần đầu tiên (năm 2019), tôi đến thăm Điện Biên Phủ. Một buổi chiều mùa Đông sương bay là đà trên đỉnh đồi A1. Thật may mắn, mấy anh em chúng tôi được trò chuyện cùng cựu chiến binh Ma Văn Sinh, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, một trong 5 đại đoàn trực tiếp tham gia Chiến dịch. Bác Sinh năm ấy đã ngoài tám mươi tuổi nhưng còn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Bác bảo, khi tham gia chiến dịch bác chưa đầy hai mươi, nhưng đó mãi mãi là khoảng thời gian chứa đựng những kí ức đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Để suốt bao nhiêu năm qua, bác vẫn luôn răn dạy bản thân và con cháu, hãy sống sao cho xứng đáng với những hi sinh to lớn của các thế hệ cha anh. Những ngày cuối đời, bác tình nguyện làm một hướng dẫn viên du lịch, một nhân chứng sống, cung cấp tư liệu cho khách tham quan mà không nhận bất cứ một khoản thù lao hay “bồi dưỡng” nào. Ở đây, bác được sống với những kỉ niệm và anh linh những người đồng đội năm xưa.
Bảy mươi năm đã trôi qua, cùng với sự biến chuyển của thời gian, rất nhiều hạng mục trong khu di tích đã không còn nguyên vẹn. Nóc hầm Đờ-Cát ngày nào còn là biểu trưng quyền lực của trung tâm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nay đã hoen rỉ. Từng đoạn hào, hố bom đã được bê tông kiên cố hóa, phục dựng lại cho du khách tham quan… Tất cả trong im lặng nhưng tự thân nó đã nói lên nhiều điều về sự tàn khốc của chiến tranh, về những mất mát hi sinh và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khi nghe cô hướng dẫn viên kể về tấm gương hi sinh của anh Bế Văn Đàn dùng vai làm giá súng trung liên cho đồng đội tiêu diệt quân thù; anh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình cứu khẩu pháo đang bị đứt dây tời lao nhanh xuống Dốc Chuối; hay câu chuyện về một bác dân công ở tỉnh Thanh Hoá lấy bàn thờ tổ tiên nhà mình làm thành xe cút kít tải lương ra mặt trận… nhiều thành viên trong đoàn đã không cầm nổi nước mắt.
Hè về, trên mặt hố bom đỉnh đồi A1, cây phượng vĩ đã bung nở từng chùm hoa đỏ thắm giữa bát ngát, mênh mông màu xanh ngút ngàn của núi rừng Tây Bắc. Đoàn cán bộ quê hương Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kì vĩ của khu di tích lịch sử. Một thành viên trong đoàn bỗng thốt lên: Màu hoa phải chăng đó là biểu trưng cho tinh thần bất diệt của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mỗi dịp hè về lại bừng lên rực rỡ?
Dâng hương tại đền thờ các anh hùng liệt sĩ, một lần nữa đoàn chúng tôi không khỏi bất ngờ và xúc động khi gặp lại đôi câu đối của nhà thơ Trần Thế Tuyển tại đền thờ Khu di tích lịch sử Khu vực Đồn Long Khốt: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc – Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”. Vâng, anh linh các anh hùng liệt sĩ Điện Biên Phủ đã quần tụ, hòa chung cùng linh khí quốc gia dân tộc, để Tổ quốc ta mãi mãi trường tồn.
Nguyễn Hội