Thứ Bảy, Tháng Chín 7, 2024
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SANHÌNH ẢNH NGƯỜI MẸ NGƯỜI VỢ LIỆT SĨ TRONG DÒNG SÔNG CUỘN...

HÌNH ẢNH NGƯỜI MẸ NGƯỜI VỢ LIỆT SĨ TRONG DÒNG SÔNG CUỘN CHẢY

HÌNH ẢNH NGƯỜI MẸ NGƯỜI VỢ LIỆT SĨ TRONG DÒNG SÔNG CUỘN CHẢY

 Hà Tùng Sơn

 Đọc Dòng sông cuộn chảy (*) của Trần Thế Tuyển, điều đọng lại trong cảm xúc và nhận thức của người đọc là những câu chuyện trong tập truyện ngắn của anh rất thật, thật như anh đang viết về chính cuộc đời của anh vậy. Đó là cuộc đời và số phận của những người lính đã đi qua chiến tranh và cùng với hình tượng người lính là hình ảnh và số phận của những mẹ, người vợ liệt sĩ – những con người gắn bó máu thịt nhất với những người lính đã ngã xuống trong chiến tranh.

Trong truyện ngắn Ông Bôn, dù nhân vật chính, ông Bôn, là người sĩ quan từng dạn dày chinh chiến, từng lên đến chức trung đoàn trưởng nhưng số phận cuộc đời ông lại quá nghiệt ngã. Chính nhân vật người mẹ của Thái đã nói trong nước mắt khi kể về cuộc đời ông Bôn cho con trai nghe:

“Đi kháng chiến mấy chục năm, hòa bình trở về thì gia đình tan nát. Bố mẹ mất lâu rồi. Vợ thì đi theo người khác hồi còn chiến tranh. Con thì chưa có”. Nói về cuộc đời ông Bôn nhưng mẹ của Thái, một người vợ liệt sĩ cũng lồng vào đó câu chuyện đầy bi kịch của mình. Ông Bôn và cha của Thái từng là đôi bạn thân thiết từ thời để chỏm ở làng. Họ cùng nhập ngũ, cùng chiến đấu ở chiến trường rồi cha của Thái hi sinh trong chiến đấu. Mẹ Thái trở thành vợ liệt sĩ. Đến lượt người con trai là Thái tiếp bước cha lên đường nhập ngũ và cũng vào Nam chiến đấu. Mẹ Thái bên cạnh nỗi đau vì mất chồng, nay lại thêm nỗi đêm ngày vò võ trông con sống sót trở về. Ngày hết chiến tranh, nhìn thấy người bạn thân, người đồng đội của chồng là ông Bôn trở về làng, người vợ liệt sĩ ấy như nhìn thấy bóng hình người chồng của mình không biết thân xác đang nằm lại nơi nào ở chiến trường phương Nam. Nước mắt người vợ liệt sĩ cũng là người mẹ của người lính ấy đã lặng lẽ chảy vào trong với tất cả nỗi đau đớn khôn nguôi. Vì thế, bà càng thấy thương, thấy đồng cảm hơn bao giờ hết với ông Bôn. Ngày rời quê hương trở lại đơn vị, ông Bôn sang thăm mẹ Thái và thắp hương cho người đồng đội. “Ông Bôn cứ đứng nhìn trân trân lên tấm hình người bạn chiến đấu đã hi sinh mấy chục năm rồi. Khi chia tay mẹ Thái ra về mắt ông Bôn ngấn lệ, khiến mẹ Thái òa khóc”. Tác giả đã viết: “Không biết mẹ khóc vì thương cho hoàn cảnh của ông Bôn hay thương cho số phận bạc bẽo của chính mình”.

Chỉ một vài dòng phác họa về hình ảnh nhân vật người mẹ của Thái, truyện ngắn Ông Bôn cũng đã khắc họa được một cách đầy đủ và rõ nét về hình ảnh nhân vật người vợ liệt sĩ với nỗi đau mất chồng không bao giờ nguôi ngoai trong họ. Chiến tranh đã chấm dứt, chiến thắng đã thuộc về những người lính nhưng nó đã phải trả bằng một cái giá quá đắt, quá đau đớn. Sinh mạng của những người lính đã ngã xuống trên chiến trường và cuộc sống đầy đau thương không gì bù đắp nổi của những người mẹ, người vợ liệt sĩ thời hậu chiến.

Độc giả dễ dàng nhận thấy cách phản ánh hiện thực không thể thực hơn của Trần Thế Tuyển khi anh xây dựng nhân vật vợ liệt sĩ trong truyện ngắn này. Anh đã không tô hồng, không lãng mạn hóa về một hình ảnh người chinh phụ như ta vẫn thấy trong văn học cổ điển. Trên thực tế, không có người vợ lính nào lại lấy làm tự hào vì chồng mình trở thành liệt sĩ và được ngợi ca vì đã chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc. Khi những người lính ngã xuống ở chiến trường cũng là khi nỗi đau trỗi dậy với những người vợ của họ.

Chính những trang viết chân thành ấy của Trần Thế Tuyển đã làm nên sức hấp dẫn trong truyện ngắn của anh. Cái hay của một tác phẩm văn chương không nằm ở sự tô vẽ, bịa đặt xa rời thực tế mà ngược lại, nó nằm ở sự trung thực trong ngòi bút nhà văn khi phản ảnh hiện thực. Bởi theo lí thuyết của lí luận văn học hiện đại thì sáng tác văn chương là một quá trình sáng tạo nhưng sáng tạo không có nghĩa là bịa đặt mà sự sáng tạo ấy của nhà văn phải luôn bám sát vào thực tiễn cuộc sống. Chỉ khi đó tác phẩm mới hút hồn người đọc. Các truyện ngắn của Trần Thế Tuyển trong Dòng sông cuộn chảy đã làm được điều đó.

Nếu trong truyện ngắn Ông Bôn là để nói về người mẹ liệt sĩ thì trong truyện ngắn Dòng sông cuộn chảy ở cuối sách được tác giả lấy làm tên chung cho cả tập truyện là để nói về hình ảnh người vợ liệt sĩ. Đây là truyện ngắn đã gây sự xúc động mạnh mẽ, đã lấy đi nhiều nước mắt của bạn đọc. Nhân vật chính của truyện ngắn này là ông Kết cùng người bạn nối khố, người đồng đội thân thiết tên là Nam đã hi sinh trong một trận đánh ở chiến trường ngay trong vòng tay ông Kết. Nam nằm xuống ở chiến trường để lại ở hậu phương người vợ trẻ chưa kịp có con với nhau tên là Hương. Trước khi nhắm mắt Nam chỉ kịp nói với bạn: “Kết à, tao đi rồi, mày ở lại. Mai này nếu trở về, mày giúp tao lo cho Hương nhé. Tao thương Hương lắm. Mày nhớ lời tao dặn. Hãy giúp tao…”. Ngày hết chiến tranh Kết trở về làng gặp lại vợ con. Trong lúc vợ con ông nở nụ cười rạng rỡ sung sướng vì chồng, cha mình đã may mắn mà sống sót trở về thì ở ngôi nhà của Nam bên cạnh, người vợ liệt sĩ tên Hương, vợ Nam, đang khóc vì thương nhớ chồng và khóc cho cả sự tủi phận của mình. Có lẽ nỗi đau tâm hồn lớn nhất của người vợ liệt sĩ khiến con tim bạn đọc như bị bóp nghẹt là chi tiết khi Kết sang thăm nhà Nam với tâm trạng: “Kết dừng nơi bờ ao mà tuổi thơ Nam và Kết hay câu cá, đắn đo. Không biết có nên kể cho Hương nghe phút lâm chung và ước nguyện cuối cùng của Nam? Hình như có ý đợi Kết, nhà Hương chưa đóng cửa. Ngọn đèn dầu Hoa Kỳ leo lét trên bàn gỗ cũ kỹ. Nơi bàn thờ khói nhang nghi ngút. Hương ra tận cửa đón Kết. Không giữ đước xúc động, Hương cầm bàn tay Kết vừa khóc vừa nói:

– Anh về rồi còn anh Nam của em đâu?”

Câu hỏi của người vợ liệt sĩ như xé lòng Kết, người lính dạn dày trận mạc trong chiến tranh nhưng lại rất dễ bị tổn thương trong cuộc sống thời bình.

Kết quả của sự quan tâm chăm sóc Kết dành cho Hương là Hương lần lượt hạ sinh hai đứa con gái với người đồng đội, người bạn nối khố của chồng. Một tình yêu ngoài ý muốn đã dẫn đến bi kịch ngay trong nhà ông Kết và bi kịch cho cả người thiếu phụ tên Hương. Xóm làng nghi ngờ và không ít người dị nghị, nghĩ xấu cho Hương và Kết. Ai cũng nghĩ là sẽ có lúc cuộc tình tay ba này sẽ bị bùng nổ bởi xung đột trong gia đình ông kết. Đỉnh điểm của bi kịch tình cảm này bị đẩy lên mức cao trào là khi ông Kết lâm chung. Đức, người con trai cả của ông Kết về đến nhà thì thấy cảnh hai đứa em gái cùng cha khác mẹ, là kết quả mối tình của cha mình và Hương, người vợ liệt sĩ cũng là bạn thân của cha mình cùng các con cháu của ông Kết đang phủ phục chịu tang bên thi hài ông. Trong phút giây thiêng liêng ấy, “Bỗng dưng Đức thấy thương chúng quá. Hai đứa em gái của anh không có lỗi. Nếu có lỗi thì đó là việc của người lớn… Anh thấy thương yêu tất cả mọi người. Mẹ Hằng, các em của anh. Và cả cô Hương cùng các em cùng cha khác mẹ nữa, không ai có lỗi. Tất cả là do chiến tranh!”.

Đến đây thì nút thắt đầy kịch tính của câu chuyện được tháo gỡ một cách có hậu. Và đó cũng chính là điểm sáng của truyện ngắn hay nhất trong Dòng sông cuộn chảy.

Gấp lại trang sách cuối cùng của Dòng sông cuộn chảy, độc giả như vẫn chưa dứt với những mạch truyện mà tác giả Trần Thế Tuyển đã tạo dựng lên một cách rất hợp lí qua mỗi câu chuyện kể. Vẫn biết thể tài truyện ngắn là đầy tính sáng tạo và không có thật nhưng bạn đọc vẫn tin rằng, mỗi truyện ngắn có trong sách này là một câu chuyện dựa trên những câu chuyện có thật được rút ra từ cuộc đời trận mạc của chính tác giả, người lính Trần Thế Tuyển. Và đó cũng chính là điều mang lại thành công lớn cho Dòng sông cuộn chảy.

(*) Nhà xuất bản tổng hợp TPHCM – 2020

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây