Sau nhiều lần lỡ hẹn, những người cựu chiến binh của Trung đoàn 174 từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hải Dương, Hải Phòng, Cần Thơ, Tiền Giang, TP.HCM… cùng nhau hành quân về chiến trường xưa để tưởng nhớ đồng đội đã nằm lại đất nước Chùa Tháp và hàn huyên về những trận chiến đầy đau thương, mất mát.
Sáu ngày ở đất nước Chùa Tháp (Campuchia) tuy không dài nhưng đủ để những người cựu chiến binh của Trung đoàn 174 (E174) ôn lại kỷ niệm về thời trai trẻ, tay cầm súng, vai khoác ba lô vào chiến trận. Hôm nay, các anh đã là những cựu chiến binh (CCB) ngoài 60, có người tóc đã bạc trắng, người chân đi khập khiểng nhưng tất cả vẫn mang khí thế anh dũng, bất khuất của những người lính Cụ Hồ 40 năm trước.
Để có chuyến về nguồn đầy mong đợi này, từ đầu tháng 11, các CCB đã lên kế hoạch, lịch trình, chuẩn bị các điều kiện “cần, đủ”. Càng đặc biệt hơn khi đoàn về thăm chiến trường xưa đúng dịp kỷ niệm 77 năm thành lập Quân khu 7 (10/12/1945 – 10/12/2022), 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022).
Hành trình ngược thời gian, về lại chiến trường Campuchia
Trong không khí của những ngày lịch sử, các CCB từ Hải Dương, Hải Phòng, Cần Thơ, Tiền Giang… khởi hành tại TP.HCM và bắt đầu với lịch trình khoảng 2000km đến nhiều địa điểm của Campuchia như: Kratie, Kampong Chàm, Kampong Thơm, Siem Reap, Banteay Meanchey, Battambang, Buatsat SápKampong Chhnang, Phnôm Pênh, Prey Veng, Svay Rieng…
Thời gian đã đi qua hơn nửa đời người nhưng tình đồng đội của các anh vẫn còn mãi. Ngày hôm nay, kẻ còn người mất, những người lính già lặn lội tìm về ký ức năm xưa, thế nhưng không còn cảnh “Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ” vì thân xác của nhiều đồng đội đã hoá tro bụi. Hình ảnh những anh lính đầu bạc chuẩn bị từng phần bánh trái, nhang thơm, vàng mã giữa vùng núi đồi trơ trọi khiến nhiều người phải rơi nước mắt, có lẽ họ đang nói với nhau “Tụi tao ở đây, còn tụi bây đâu rồi”.
Các CCB E174 được phu nhân Phó Thủ tướng Ke Kim Dan tiếp đón tại nhà riêng
Một câu hỏi dù biết rõ đáp án nhưng họ vẫn muốn cất lời để khóc thương cho những đồng đội đã hy sinh vì tổ quốc, những anh chàng chưa một lần nắm tay, hôn má người yêu, rồi ra đi không hẹn ngày về. Để rồi hôm nay, chính quyền và người dân Chùa Tháp nỗ lực từng ngày để xây dựng, phát triển mảnh đất này thêm giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với máu đỏ của Bộ đội Cụ Hồ.
Trong những ngày ở Campuchia, dù cách xa về vị trí địa lý nhưng để khỏa lấp nỗi nhớ đồng đội cho những người ở nhà, nhiều CCB E174 đóng vai trò là “đại sứ” truyền tải thông tin, hình ảnh về Việt Nam, nơi có những ánh mắt đang hướng về đoàn và đất nước Chùa Tháp. “Tôi theo dõi các anh em mỗi ngày và thầm cảm ơn CCB E174 với chuyến đi ân tình khó quên”, ông Phạm Đức, CCB E16, F5 bày tỏ.
Dù không được “đi tận nơi, về tận chốn” nhưng nhiều CCB đã yên lòng phần nào khi chứng kiến những đồng đội còn sống thể hiện trách nhiệm, nghĩa tình với những đồng đội đã khuất.
Khi đi dọc chiến trường xưa, các anh lính già cùng nhau nghêu ngao mấy câu hát Kh’Vao kỷ niệm:
“Kh’Vao ơi! Tôi xin chào người
Chào điểm chốt những đêm dài thức trắng
Ghi nhớ mãi Kh’Vao vào kỷ niệm
Cho những người đang chốt giữ Kh’Vao”
Kh’vao giữa thời bình hiện lên đầy sức sống với khí thế mới. Trước đây, Kh’Vao là một trong những địa danh gắn bó với những người lính Tiểu đoàn 6, E174, đây là nơi có những liệt sĩ hy sinh đến 2 lần.
Đại tá Bùi Xuân Tiến tặng quà cho gia đình chị Chiêm, nơi ông được tá túc trong thời gian dài công tác tại Tà Ben
Về chiến trường xưa còn trở về với những ký ức không bao giờ quên, các anh cùng nhau ăn lương khô, cơm nắm rồi nghĩ về những ngày gian khổ thời chiến. Đó còn là câu chuyện của hai thương binh nặng đi tìm “chân thật” đã cho Pôn Pốt “mượn” cách đây 40 năm. Cuối cùng, chân thật của hai cựu chiến binh được xác định ở bên bụi tre gần bờ sông. Không chỉ có hai thương binh mà biết bao người con của dân tộc đã mất đi nhiều bộ phận trên cơ thể kể từ lúc rời xa chiến trận.
Sau chuyến đi, chúng tôi có dịp trò chuyện với Đại tá Bùi Xuân Tiến, ông kể hành trình trở về Chùa Tháp bằng giọng điệu rất phấn khởi, đoàn đã đi qua 11 điểm để tham quan, thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ ở khu lưu niệm Mặt trận dân tộc đoàn kết cứu nước Campuchia tại Snuol (tỉnh Kratie), đến hồ Trabeng Thmo (Phnom Srok), đây là nơi những người lính của Trung đoàn 174, họ cũng là những người Việt Nam đầu tiên đi vào sau giải phóng (tháng 2/1979). Đoàn còn đến khu vực xe đổ (Kh’vao), đây là nơi Pôn Pốt thường gài mìn và phục kích gây thương vong cho nhiều chiến sĩ của ta, có những tử sĩ trên đường đưa về chôn cất bị chết thêm một lần nữa do bị vướng mìn, vô cùng thương đau.
Đoàn ghé qua Cao Mê Lai, một địa danh của “rừng thiêng nước độc” của sốt rét ác tính, của những cơn khát, cạm bẫy bom mìn… Suốt 10 năm trời những đồng đội E2, E4, F5 đã cắn răng chịu đựng và không ít người đã nằm lại nơi đây.
Những người lính E174 tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh tại đất nước Chùa Tháp
Đến Pallin – Thành phố đá quý, những người lính Cụ Hồ nhớ lại trận giao thừa đầu năm 1979 khi E174 vượt rừng từ BaVen để tham gia giải phóng Pallin cả trung đoàn bị một trận khát nước lịch sử, tối hôm đó nếu không tìm được dòng suối cạn chắc có lẽ cả trăm người sẽ trở thành ma khát!
Đoàn cũng dành thời gian đến viếng đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia và tham quan Hoàng Cung tại Thủ đô Phnôm Pênh.
Trên con đường hành quân năm xưa, khi qua Cầu Kampong Cham vào chiều muộn, nơi diễn ra trận đánh vượt sông để giải phóng thị xã 40 năm trước, nhiều CCB không cầm được nước mắt bởi chiến tranh, bom đạn đã lấy đi máu xương của nhiều đồng đội và đến nay những hình hài đó vẫn nằm lại đất bạn.
Đặc biệt, lần này, trong lần trở lại chiến trường, đoàn đón nhận nhiều tình cảm đến từ Phó Thủ tướng Ke Kim Dan và phu nhân, Trung tướng Sok RiNa – Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 4 Quân đội Hoàng gia, ông Om Reatney – Chủ tịch tỉnh Banteay Meanchey…
Chuyến đi có một không hai, dù không đủ đầy các thành viên nhưng dấu ấn vẫn còn mãi. Không biết bao nhiêu người lính E174 đã ngã xuống bởi đạn thù, bệnh tật và vô số nguyên nhân khác. Nhưng họ vẫn quyết tâm giữ vững Snoul, giữ vững mảnh đất tiền tiêu này để ngày 02/12/1978, Mặt trận Dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập, làm tiền đề cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước Campuchia, để có Ăng Co như hôm nay.
Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1979 là 1 trong 23 cuộc chiến lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, chính nghĩa và tất thắng. Những người lính của Trung đoàn 174 nói riêng, quân đội Việt Nam nói chung đã hoàn thành nhiệm vụ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ vững biên cương và chủ quyền quốc gia lãnh thổ, bảo vệ vững chắc đất đai và cuộc sống hòa bình cho nhân dân vùng biên giới Tây Nam, lập lại sự ổn định và trật tự vùng biên giới; đồng thời giúp nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, giúp bạn gây dựng lại lực lượng cách mạng, khép lại trang sử đen tối, đau thương của dân tộc Campuchia, mở ra quá trình giúp bạn làm lại cuộc cách mạng, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc và phát triển đất nước Campuchia.
Tình đoàn kết, hữu nghị của hai nước Việt Nam – Campuchia là một quá trình thấm đượm máu, nước mắt. Đến nay, tuy không còn cảnh chiến tranh tàn bạo nhưng nhân dân hai nước luôn mong muốn quan hệ được thắt chặt lâu bền trên tất cả mọi mặt, mọi lĩnh vực, đó cũng là niềm trăn trở của những người lính còn sống.
Kim Sáng