Thứ ba, Tháng chín 17, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCBẠN ĐỌC VIẾTHàng chục năm mòn mỏi đi tìm chế độ chính sách

Hàng chục năm mòn mỏi đi tìm chế độ chính sách

Sau nhiều năm kiên trì chờ đợi, ông Lê Văn Hoàng (sinh năm 1958) thuộc C20, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, Quân khu 7 không giấu được sự xúc động vì đã được công nhận thương binh hạng 2/4. Đây không chỉ là niềm vui của riêng ông mà còn là niềm vui chung của những người đồng đội từng vác súng ra chiến trường.

Trong không khí rộn ràng của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Lê Văn Hoàng, người vừa được công nhận thương binh hạng 2/4 sau nhiều năm chờ đợi. Chúng tôi cảm nhận rõ sự vui mừng của người cựu chiến binh này qua từng lời nói, cử chỉ bởi sau chuỗi ngày kiên trì, tin tưởng vào chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, ông đã được đền đáp xứng đáng.

Việc ông được công nhận thương binh hạng 2/4 dù khá muộn so với nhiều đồng đội nhưng ông vẫn thấy yên lòng. Niềm vui đó dường như nhân đôi, nhân 3 vì đây không chỉ là niềm mong mỏi của riêng ông, gia đình mà còn của những người đồng đội một thời mang súng, khoác ba lô.

Thương binh Lê Văn Hoàng (bên trái) cùng đồng đội 

Ông khoe với chúng tôi: “Chú được nhận quyết định công nhận thương binh từ tháng 1, sau đó tháng 2 nhận được khoản tiền hỗ trợ đầu tiên”. Đối với ông và những người lính bước ra từ chiến trận, việc được nhận tiền trợ cấp của nhà nước không phải là điều quan trọng mà quan trọng hơn là được Đảng, Nhà nước ghi nhận sự cống hiến đó.

“Tôi rất xúc động và biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng chí, đồng đội”, ông Hoàng nói.

Nói về hành trình để được công nhận thương binh, thi thoảng ông lại chặc lưỡi, thở dài bởi ông là một trong những người cựu chiến binh gian nan nhất khi làm các thủ tục nhận chế độ.

Ông bắt đầu vào chiến trận từ tháng 12/1977, trận đầu tiên ông đánh là đêm giao thừa năm 1977 -1978 ở Tây Ninh, biên giới Tây Nam, thuộc địa bàn của Quân khu 7. Năm 1978, ông được Trung đoàn 174 giao nhiệm vụ tăng cường cho Tiểu đoàn 6 đánh mở đường từ Tây Ninh qua Lộc Ninh, cũng trong trận đó ông bị thương.

Thương binh Lê Văn Hoàng vẫn luôn nhớ về những ngày tháng chiến đấu cùng các đồng đội

“Khi bị thương tôi đã chụp lấy đầu vì lúc đó miễng đạn vô rồi nên cháy máu, cánh tay phải của tôi cũng bị miễng cắt vô rồi sang ngực phải, lúc đó tôi bị mẻ xương sọ nhưng vẫn còn tỉnh táo bàn giao lại nhiệm vụ”, ông Hoàng kể lại.

Bước ra khỏi trận mạc, ông trở về quê lập gia đình, hiện ông đang có cuộc sống hạnh phúc cùng mẹ già và vợ con tại TPHCM. Tuy nhiên vết thương chiến tranh vẫn còn mãi, cứ mỗi lúc trái gió trở trời, ông lại bị ho, đầu đau râm ran, người luôn trong tình trạng mệt mỏi.

Ông kể, năm 2011, ông chuẩn bị các thủ tục, giấy tờ để xin công nhận thương binh. Năm 2012, ông bắt đầu làm thủ tục, thời điểm đó, ông nộp hồ sơ vào Ban Chính trị Quận 10. Sau đó, ông nộp thủ tục ở Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh nhưng vì nhiều lý do khách quan như cán bộ nghỉ hưu, luân chuyển công tác, không bàn giao nên thủ tục của ông nhiều năm bị ngưng trệ.

Ông Hoàng gặp lại những người đồng đội từng tham gia chiến đấu

“Nhiều lần ngắt quảng lắm, hồi đó cứ lâu lâu tôi lên hỏi thăm lại được cán bộ yêu cầu bổ sung thủ tục, có nơi yêu cầu chụp ảnh đến mấy lần. Rồi bị nhầm hộ khẩu, lúc ở Phú Nhuận, lúc lại Quận 10. Nói đến quá trình đó cũng vất vả nhưng mình là Bộ đội Cụ Hồ nên luôn kiên trì, tin tưởng vào chính sách ở trên, đó cũng là lợi ích của bản thân”, ông Hoàng tâm sự.

Từ câu chuyện của bản thân, ông mong muốn Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng tiếp tục dành sự quan tâm, còn địa phương phải nắm vững cách làm thủ tục để hướng dẫn, hỗ trợ các cựu chiến binh. Riêng người đi làm chế độ, trong trường hợp mất hết giấy tờ phải kiên trì về đơn vị cũ, gặp ban chính trị, ban chính sách xác lập giấy tờ.

Thương binh Lê Văn Hoàng cũng cho rằng, Đảng, Nhà nước cần sát sao hơn trong công tác xét duyệt, làm thủ tục hưởng chế độ cho các thương binh, tránh trường hợp thương binh thật ngồi chờ, thương binh giả lại nhận chế độ.

Chia sẻ niềm vui với đồng đội, Đại tá Bùi Xuân Tiến xúc động: “Tôi và các đồng đội rất mừng cho anh Hoàng, chừng ấy năm kiên trì cuối cùng cũng có được quả ngọt. Tôi cũng hy vọng những người cựu chiến binh chưa được nhận chế độ sẽ sớm được quan tâm, hỗ trợ”.

Theo Đại tá Bùi Xuân Tiến, quy trình làm thủ tục để nhận chế độ, chính sách chặt chẽ là đúng, tuy nhiên những người làm chính sách cần phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình để giúp đỡ những người cựu chiến binh chưa có chế độ.

Kim Sáng

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây