THANH KIM TÙNG (thực hiện)
“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia”
Hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Trần Thế Tuyển đã trở thành đôi câu đối đặt tại nhiều đền thờ, công trình tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên cả nước. Nhiều văn nghệ sĩ đã lấy cảm hứng từ đôi câu đối này làm chất liệu sáng tạo nghệ thuật, lan tỏa niềm tôn kính, tri ân “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”… Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), chúng tôi có cuộc trò chuyện thân mật với nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Hai câu đối tại Đền thờ liệt sĩ Phú Quốc ( Kiên Giang và Long Khốt ( Long An)
PV: Đôi câu đối “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia” đã rất quen thuộc với nhiều giới độc giả, đặc biệt là trong môi trường văn hóa tri ân các anh hùng liệt sĩ. Cơ duyên nào giúp ông có được hai câu thơ “xuất thần” như thế?
ĐẠI TÁ NHÀ THƠ TRẦN THẾ TUYỂN:
Hai câu thơ, sau này là đôi câu đối ấy đến với tôi thật bất ngờ. Ấy là vào giữa năm 2008, tôi cùng đồng đội về thăm lại chiến trường xưa – Khu vực Long Khốt thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Chúng tôi dừng chân trước dòng sông Long Khốt bên cạnh Chi khu quân sự cùng tên của quân đội chế độ cũ trước 1975 mà không sao cầm được nước mắt. Trên dòng sông này và cả những cánh đồng bát ngát mà chúng tôi gọi là “cánh đồng chó ngáp” đã có hàng ngàn đồng đội của chúng tôi nằm xuống. Danh sách liệt sĩ (bản viết tay) trước chiến tranh vẫn có đầy đủ danh tính của các anh mà nhiều người, gia đình vẫn chưa tìm thấy mộ phần.
Tôi nghĩ, năm tháng qua đi, thân thể các liệt sĩ đã biến thành đất đai tổ quốc và hồn của họ đã bay lên hóa linh khí quốc gia. Tôi vội lấy bút ghi lại. Năm sau, nhân kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi và anh Trình Tự Kha, CCB Trung đoàn 174 – đơn vị được giao 2 lần làm mũi chủ công giải phóng Long Khốt về khánh thành ngôi đền thờ liệt sĩ đầu tiên do chúng tôi vận động xây dựng. Công ty Du lịch Gofl VN do anh Kha làm Tổng giám đốc cúng tiến quả chuông đồng nặng trên 150kg đặt trong đền thờ. Anh Kha nói tôi làm vài câu thơ khắc trên chuông. Tôi chọn hai câu thơ trên. Anh Kha tâm đắc và đề nghị làm thêm hai câu nữa gắn với địa danh Long Khốt. Tôi làm thêm hai câu lục bát. Toàn bộ bài thơ như sau:
THÂN NGÃ XUỐNG THÀNH ĐẤT ĐAI TỔ QUỐC
HỒN BAY LÊN HÓA LINH KHÍ QUỐC GIA
NGÀN NĂM MÃI MÃI NGÂN NGA
TIẾNG CHUÔNG LONG KHỐT GẤM HOA DÂNG ĐỜI.
Để kỷ niệm khoảnh khắc này, khi đúc chuông, tôi đề nghị khắc cả tên tôi và tên anh Kha trong chuông đồng.
Khi sáng tác bài thơ này, ông có nghĩ rằng hai câu thơ mở đầu bài thơ sẽ được chọn làm câu đối tri ân các anh hùng liệt sĩ?
Tôi không nghĩ thế. Nhưng như có sức mạnh kỳ diệu từ liệt sĩ, hai câu thơ này lần đầu xuất hiện trên báo Sài Gòn Giải phóng (trong bài Tiếng chuông tri ân của tác giả Bùi Ngọc Nội – báo SGGP số ra ngày 20/7/2009) nó đã được bạn đọc đón nhận. Nhiều nơi dùng đôi câu đối này khắc trên chuông đồng, hoành phi… ở các đền thờ, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ.
Nghe nói ông đã làm thủ tục đăng ký bản quyền tác giả cho đôi câu đối này?…
Vâng, đúng như thế. Tháng 8 năm 2014, NXB QĐND xuất bản tập trường ca “Phía sau Mặt trời” của tôi. Trong tập trường ca này, tôi nhiều lần dẫn lại hai câu thơ ấy (Thân ngã xuống thành đất đai tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia). Tôi gửi Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VH-TT và DL đăng ký quyền tác giả tập trường ca, trong đó có hai câu thơ – đôi câu đối trên. Cục Bản quyền tác giả đã cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Quyền tác giả số 1299/ 2017/ QTG cho tôi với tư cách là Tác giả đồng thời là Chủ sở hữu đôi câu thơ trên.
Có lẽ “bản quyền” chắc chắn nhất, quan trọng nhất là nó được neo vào lòng công chúng, đi vào đời sống tâm linh?
Đôi câu đối ấy xuất hiện trên sách, báo, truyền thanh, truyền hình từ năm 2009, tôi không nghĩ nó có sức sống lạ thường. Ngoài việc hơn 50 đền thờ, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ sử dụng nó để tri ân liệt sĩ, nó còn được xướng lên trong các bài diễn văn, phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và các sự kiện văn hóa, chính trị tri ân liệt sĩ. Đặc biệt, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, soạn giả dân ca nhạc cổ… lấy cảm hứng từ đôi câu đối ấy để sáng tạo ra các tác phẩm âm nhạc, múa, cải lương…
Được biết ông là một trong những người khởi xướng, đề xuất ý tưởng lấy ngày 27/7 hằng năm là ngày “Quốc giỗ”! Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Điều nay tôi đã ấp ủ từ lâu, nhưng đến khi cùng BBT báo SGGP phát động Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (2009), có dịp trở lại Trường Sơn và các địa danh lịch sử thời đánh giặc, tôi mới nghĩ đến việc đề xuất đất nước ta nên có một ngày Quốc giỗ nữa. Năm 2020 về tham gia Hội HTGĐ LS TP.HCM, tâm nguyện ấy của tôi càng thôi thúc. Tôi trình bày với tập thể BCH và Ban Thường vụ Hội về ý tưởng này và nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của tập thể những người thiện nguyện tri ân liệt sĩ. Và, bây giờ công việc hệ trọng này, không còn là ý tưởng, tâm nguyện của riêng cá nhân tôi mà là của tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội HTGĐ LS TP.HCM.