NHỮNG BƯỚC CHÂN KHÔNG MỎI TRÊN HÀNH TRÌNH NGHĨA TÌNH
Minh Huệ
Thử search các từ khóa “Madam Liên” “Shark Liên” trên google, lập tức hiện lên 10 trang kết quả với từ “tiếp” sau đó. Người phụ nữ với vóc dáng sang trọng, khỏe khoắn, tự tin, nụ cười thân thiện tỏa sáng rất hợp với hình dung về một doanh nhân năng động, thành đạt và giàu lòng nhân ái.
Trong hành trình tình nghĩa, hơn 20 năm bà đã dành hơn 200 tỷ đồng làm thiện nguyện. Điểm đến của những “đồng tiền, bát gạo” bà trao gửi không giới hạn là ai, ở đâu, miễn họ, nơi đó thật sự khó khăn, thật sự cần một bàn tay chìa ra giúp đỡ. Bà đến với người dân Ngọc Hồi, Kon Tum bằng những cây cầu treo bắc qua sông Poko để bà con lên rẫy, trẻ con đi học không còn phải đu dây qua sông; đến với bà con nghèo vùng sâu vùng xa Đồng bằng sông Cửu Long bằng những cây cầu xi măng vững chãi. Bà chung tay giúp cho các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa chắc tay súng bằng dự án phát triển rau xanh; tài trợ đưa hài cốt 39 công dân Việt Nam tử nạn trên con đường mưu sinh từ nước Anh về nhà…
Mắt bà lấp lánh cười khi bà nói đã vui thế nào lúc nhìn những món quà của mình được cộng sự thay mặt trao cho những thầy cô giáo, em học sinh, những người gặp khó khăn suốt dọc đất nước từ Bắc vào Nam. Từ “đồng tiền, bát gạo” của bà, trẻ em vùng cao được đến trường trong phòng học kín gió, ấm áp trong tấm áo bông giữa mùa đông cắt thịt cắt da. Từng là một cô giáo dạy văn trên bục giảng, bà mong muốn có cơ hội tiếp sức cho thầy cô đồng nghiệp còn khó khăn thắp sáng hơn ngọn lửa nghề, làm bệ đỡ cho những học sinh nghèo không phải bỏ lỡ con đường học hành. Mong muốn ấy bà đã làm được, chưa từng ngưng nghỉ và vẫn sẽ tiếp tục làm.
Mỗi người làm thiện nguyện đều có lý do riêng của mình, bởi trao đi đồng tiền mà mình đổ không ít mồ hôi, công sức làm ra không phải dễ gì. Với Madam Liên, là tự đặt cho mình trách nhiệm phải giúp đỡ, đáp đền. “Tôi không bao giờ quên những quả bom thả ra giữa trời”, ký ức ám ảnh về lời cầu nguyện của bà nội lúc nửa đêm “van lạy ông trời đừng để bom rơi xuống nơi đây” đã khiến bà không thể quên. Để bom ngừng rơi ngày ấy, để có hòa bình hôm nay, đã có bao người con để lại một phần xương thịt, hay nằm xuống giữa tuổi thanh xuân đẹp đẽ. Và có ngần đó bà mẹ đã cạn lệ, đứt lòng. Vậy hôm nay có thể làm được gì đáp đền, bà không tiếc. Trao đi bằng trách nhiệm và trái tim, là không cần đợi ai kêu gọi. Bà chủ động kết nối với Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM để gửi gắm Hội trao cho các gia đình liệt sĩ 10 căn nhà tình nghĩa ngay khi Hội vừa thành lập. Mùa bão lũ càn quét miền Trung năm 2020, bà lại chung tay xây cho các mẹ liệt sĩ neo đơn 10 căn nhà, nhận nuôi dưỡng mẹ tới cuối đời.
Trong thảm họa toàn cầu – đại dịch Covid-19, dù đang ở trời Âu xa xôi, nhờ sự kết nối của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, Madam Liên để đội ngũ của mình phối hợp cùng lực lượng vũ trang Quân khu 7 tổ chức chương trình “Gói tình Sark Liên – Gửi nghĩa đồng bào”. Những người lính bất kể ngày nắng cháy áo ướt đầm mồ hôi hay ngày mưa nước ngập lội bì bõm, đi từng xóm trọ chật hẹp, khu dân cư đông đúc khắp thành phố trao gần 30.000 phần quà đến bà con nghèo, đỡ đi phần nào khó khăn, khiến họ ấm lòng vì tình người trong những tháng ngày ngặt nghèo nhất. Chương trình còn hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến đang ngày đêm dốc sức cứu người bệnh nhiễm Covid-19.
Nói về cuốn truyện ký viết về cuộc đời mình mang tên “Liên – Người được chọn”, bà chia sẻ: từ lúc trong đầu lóe ra ý tưởng tới khi cuốn sách được ra mắt bạn đọc chỉ vỏn vẹn 4 tháng, chưa một lần trực tiếp gặp mặt nhóm tác giả nhưng tư tưởng họ đã gặp được nhau trên cùng tần số. Cuốn sách là cách mà bà truyền động lực cho những người trẻ bị chấn động tinh thần, mất phương hướng khi đại dịch bùng nổ khiến họ bị rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế chung toàn cầu lúc mới bước chân vào con đường khởi nghiệp. Bà chọn nhà văn nổi tiếng Y Ban và cộng sự để cuốn sách có thể viết theo thể ký văn học, với mong muốn đánh thức lại tình yêu văn chương, truyền cảm hứng đọc sách cho lớp trẻ.
Tiền bán sách đều được dùng cho hoạt động thiện nguyện, nghĩa là khi người đọc bỏ tiền mua sách là từ năng lượng mà bà lan tỏa, họ đang chung tay giúp đỡ người khó khăn. Bởi thế chỉ trong vòng 1 tháng, cuốn sách đã bán được con số kỷ lục: 30 ngàn bản. Sau cuốn sách khởi đầu đó, “Liên và những giấc mơ”, “Liên và dòng chảy nghĩa tình” tiếp tục được ra mắt để chia sẻ câu chuyện, tấm lòng của người phụ nữ đáng quý này.
GIỮA DỊCH BỆNH, NHỮNG TRÁI TIM VẪN VẸN TÌNH TRI ÂN
Lê Thùy Mai
2021 là một năm khó khăn chồng chất với TP.HCM, bởi dịch bệnh Covid-19 đã tấn công đến từng ngõ ngách. Trong xiết bao đau thương mất mát khi nửa triệu người dân thành phố phải đối mặt với bệnh dịch, gần hai vạn người đã phải xa lìa cuộc sống, thì đâu đó, giữa trái tim thành phố, vẫn vẹn tròn tình cảm tri ân của những tấm lòng dành cho các thân nhân liệt sĩ.
Giữa những tấm lòng đó, tôi có vinh dự được đồng hành cùng bà Đỗ Liên – Nhà hảo tâm luôn ủng hộ Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh từ những ngày đầu. Trong những ngày khó khăn của thành phố, chúng tôi đã cùng bà Đỗ Liên triển khai chuỗi hoạt động thiện nguyện hướng về bà con vùng dịch, cứu trợ lương thực – thực phẩm cho hơn 50.000 hộ dân các khu phong tỏa, cách ly tại TP.HCM và các tỉnh lân cận Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Trao tặng 10.000 thẻ bảo hiểm cho người nghèo TP.HCM nhằm hỗ trợ chi phí mai táng trong trường hợp không may tử vong do Covid-19, không có thân nhân lo hậu sự như một cách san sẻ đau thương, tận nghĩa cùng đồng bào, chung tay với chính quyền thành phố hỗ trợ người dân thông qua chương trình “Gói tình Shark Liên – Gửi nghĩa đồng bào”.
72 ngày khẩn trương, xúc động của chương trình Gói tình Shark Liên – Gửi nghĩa đồng bào ấy, đã được ghi dấu trong cuốn sách Liên & Dòng chảy nghĩa tình. “Tôi nghĩ, mình cần lưu lại những ngày tháng này bằng những câu chữ. Cuốn sách “Liên & Dòng chảy nghĩa tình” ra đời, như một sự lưu giữ, để thế hệ sau biết dân tộc ta đã kiên cường chống dịch, với tấm lòng lá lành đùm lá rách như thế nào. Trong cuốn sách, tôi chỉ đóng góp những dòng tự sự rất nhỏ. Còn lại, tất cả là câu chuyện, là trải lòng, là cảm xúc thật của tất cả mọi người đã sống qua 72 ngày gói tình gửi nghĩa. Những ngày đó, thành phố lockdown, không ai ra đường, nhưng chúng tôi là “người được chọn”. Bà Đỗ Liên đã chia sẻ như vậy trong ngày ra mắt cuốn sách.
Hành trình của “Liên & Dòng chảy nghĩa tình” không chỉ dừng lại ở trong trang sách, mà tiếp tục với sứ mệnh “sinh ra trong nghĩa tình, tiếp nối trong tình nghĩa” như một dòng chảy không điểm dừng. Toàn bộ số tiền bán sách được dùng để giúp sức những hoàn cảnh thiệt thòi, mất mát: trong đó có mẹ và thân nhân liệt sĩ thông qua Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM mà chúng tôi là những đại diện.
Trước đó, trong những ngày dịch bệnh khó khăn nhất, bên cạnh các hoạt động cứu trợ đồng bào, bà Đỗ Liên vẫn canh cánh việc tri ân những gia đình liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối hoạt động những năm trước, năm nay bà đồng hành cùng Hội xây sửa 9 căn nhà tình nghĩa cho thân nhân các gia đình liệt sĩ khu vực TP.HCM. Đó là món quà đầy ý nghĩa không chỉ với người còn sống, mà bà còn thay mặt những người đã khuất gánh vác trách nhiệm chăm lo cho những người vợ, người mẹ có một nơi ở khang trang hơn để cúng rước ông bà, tổ tiên, vong linh của chồng, của con cùng về đón cái Tết đầm ấm sau những mất mát xa xôi trong quá khứ và những khó khăn các gia đình cùng thành phố vừa mới vượt qua.
Đấy cũng là dấu hiệu của một sự khởi sắc mới sau đại dịch. “Mùa bình thường, mùa vui nay đã về”, những mất mát đã ở sau lưng, chỉ tấm lòng còn ở lại.