Anh khẳng định: Nếu không có cuộc chiến tranh 30 năm, sẽ không có nhà nhơ Trần Thế Tuyển, sẽ không có anh nông dân cặm cụi trên cánh đồng chữ suốt 40 năm qua.
Chính trong cuộc chiến đó, với tâm thế là người trong cuộc, anh đã cùng chiến đấu và tận mắt chứng kiến đồng đội anh ngã xuống. Ngày trở về, anh đã từng tự hỏi: Vì sao mình không chết. Và anh tự trả lời: Đồng đội đã phân công anh ở lại. Thế là anh đau đáu trả món nợ ân tình. Anh lại khoác ba lô lên vai, lại đi tìm đồng đội: Những Thành Cổ, Ngã ba Đồng Lộc/Những Long Khốt, Đường 13, Xóm Ruộng…/Những nấm mồ liệt sĩ chưa biết tên.
Anh tâm niệm xác định danh tính cho người nằm xuống, đưa họ về với quê cha đất tổ chính là xoa dịu đi nỗi đau của người còn sống. Anh nhận sự phân công với cương vị là Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM cũng là để hoàn thành tâm nguyện đó ở những ngày vào độ cuối thu của cuộc đời.
Sự cộng hưởng của công việc đã cho anh nguồn cảm hứng bất tận để con tằm rút ruột nhả tơ. Trong đó phải kể đến xấp xỉ 70 bài thơ của anh đã được các nhạc sĩ dùng giai điệu và những nốt nhạc chấp cánh cho nó bay cao, bay xa trên bầu trời nghệ thuật.
Hãy lắng nghe anh – Đại tá, nhà thơ Trần Thế Tuyển bộc bạch qua cuộc trò chuyện thú vị trong chương trình: Giai điệu từ những vần thơ phát sóng vào sáng thứ ba hằng tuần trên HTV9.