Chủ Nhật, Tháng mười 13, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCGặp người khởi xướng phong trào “Về chiến trường xưa tìm đồng...

Gặp người khởi xướng phong trào “Về chiến trường xưa tìm đồng đội”

Dù tuổi đã cao nhưng Đại tá Lê Thanh Song – Nguyên Trưởng Phòng chính sách (Cục Chính trị Quân khu 7) vẫn cùng đồng đội thực hiện các công việc nghĩa tình như bốc hài cốt liệt sĩ, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng…

Nhắc đến Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, không ai không biết đến Đại tá Lê Thanh Song – Nguyên Trưởng Phòng chính sách (Cục Chính trị Quân khu 7), ngoài tinh thần nhiệt huyết, hăng say trong các hoạt động của Hội, ông còn được mọi người ví là “cây hài” của Hội, bởi bất cứ chương trình, sự kiện nào có sự xuất hiện của Đại tá Lê Thanh Song thì đều rôm rả tiếng cười.

Năm nay, dù đã bước qua tuổi 80 nhưng Đại tá Song chưa có dấu hiệu tuổi già, dấu chân ông vẫn có mặt ở mọi nơi để làm tròn trách nhiệm với những đồng đội đã khuất. Đại tá Lê Thanh Song sinh năm 1944 tại Hưng Yên, bắt đầu nhập ngũ năm 1963, đã cùng Sư đoàn 316 tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào và đã đạt danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng, được dự Đại hội thi đua toàn quân năm 1966 tại Hà Nội. Năm 1967 anh cùng đơn vị hành quân vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, trong đó có trận Đắk Tô – Tân Cảnh.

Đại tá Lê Thanh Song tặng quà cho gia đình chính sách

Ngày ấy anh là Trung Đội Trưởng Trung đội ĐKZ thuộc Trung đoàn 174. Trong trận đánh ác liệt tiêu diệt Lữ đoàn dù 173 của Mỹ ở Đắk Tô năm 1967, anh bị pháo của địch trúng một mảnh vào đầu, hai mảnh vào chân trái và một mảnh vào chân phải, phần thịt ở hai đùi phá ra nhưng rất may không vào xương.

Thời điểm đó, ở chiến trường không có điều kiện đắp thịt mà chỉ gom da khâu túm tụm lại nên vết thương vẫn khuyết lõm đến bây giờ. “Thời gian đầu đi lại rất đau và khó khăn lắm. Đơn vị nhiều lần quyết định cho tôi ra Bắc nhưng tôi xin ở lại chiến đấu cùng anh em. Tôi được đơn vị tạo điều kiện bố trí làm trợ lý chính trị trung đoàn, ít phải đi lại nên cũng đỡ…”, Đại tá Song kể lại.

Trong chiến dịch Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, đơn vị ông tham gia chiến đấu ở Kontum, điều kiện vận chuyển đạn gạo phục vụ chiến đấu vô cùng khó khăn. Là chính trị viên đại đội, dù chân đau ông vẫn tham gia đi vận tải cùng đơn vị. Năm 1976, ông được điều về làm cán bộ Ban Chính sách Sư đoàn 5.

Đại tá Lê Thanh Song tham gia bốc hài cốt đưa liệt sĩ về quê

Từ năm 1977, ông cùng đơn vị tham gia chiến đấu trên tuyến biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia thoát khỏi Pôn Pốt. Năm 1989, khi quân tình nguyện được lệnh rút quân về nước, trên cương vị Phó phòng Chính sách Quân khu 7, ông đã đề nghị lãnh đạo quân khu cùng đơn vị có chủ trương “Liệt sĩ hành quân trước, bộ đội hành quân sau”.

Năm 1997, Quân khu 7 phát động các ý tưởng, sáng kiến để kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022). Trên cương vị Trưởng phòng Chính sách, ông đã đề xuất Đảng ủy Quân khu ra chủ trương: “Về chiến trường xưa tìm đồng đội”. Cũng từ phong trào này mà hàng chục ngàn hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy và đưa về nghĩa trang.

“Tôi vẫn nhớ buổi sáng đó, lúc vào cơ quan uống trà thì nhớ ra ý tưởng và kêu anh trợ lý ghi luôn “Về chiến trường xưa tìm đồng đội”, sau đó cơ quan làm văn bản báo cáo Đảng ủy Quân khu, rồi từ đó Quân khu phát động phong trào để kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Phong trào được tất cả anh em hưởng ứng một cách sôi nổi, rầm rộ”, Đại tá Lê Thanh Song nhớ lại.

Thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng

Chỉ trong năm 1997, Quân khu 7 đã tìm được hơn 2 vạn liệt sĩ, cho đến nay phong trào đó lưu truyền và lan rộng ra toàn quốc. Cũng từ phong trào trên, Đại tá Lê Thanh Song vinh dự được Chủ tịch nước thưởng Huân chương chiến công hạng Ba (năm 1997) vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách thương binh – liệt sĩ và hậu phương quân đội góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2003, ông được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng Huy chương vì sự nghiệp Lao động – Thương binh và Xã hội vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Lao động – Thương binh và Xã hội. Đến năm 2003, Đại tá Lê Thanh Song nghỉ hưu nhưng tâm trí và bước chân của ông vẫn luôn đau đáu về đồng đội. Năm 2012, ông làm Trưởng Văn phòng Đại diện của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tại TP.HCM. Suốt thời gian đó, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tại các tỉnh, thành phía Nam và các chi hội trực thuộc.

Dù không được cấp kinh phí hoạt động, ông vẫn thuyết phục hàng trăm cựu chiến binh và các nhà doanh nghiệp tham gia tìm hài cốt liệt sĩ, làm nhà tình nghĩa, khám bệnh miễn phí, tặng quà cho các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách…

Đại tá Lê Thanh Song cũng là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM. Hiện tại, ông đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM.

Hoàng Diệp

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây