Thứ ba, Tháng mười 15, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCBẠN ĐỌC VIẾTGẶP LẠI CHA TRÊN CHIẾN TRƯỜNG

GẶP LẠI CHA TRÊN CHIẾN TRƯỜNG

Trong những năm tháng chiến đấu ác liệt, thời khắc được gặp lại cha trên chiến trường có lẽ là món quà thiêng liêng nhất, cũng là ký ức sâu đậm nhất của người lính.

Anh Trần Công Chương là con trai đầu trong gia đình có 3 anh em tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tỉnh, cha của anh là ông Trần Công Tính từng chiến đấu trên mặt trận phía Nam. Ông đi bộ đội khi anh Chương vừa tròn 8 tuổi.

Chiến tranh ác liệt, anh Chương tuy còn nhỏ nhưng luôn nung nấu lớn lên sẽ ra trận chiến đấu cùng cha mình. Năm 18 tuổi, anh xung phong nhập ngũ vào Nam, lúc bấy giờ anh chỉ biết cầm súng tiêu diệt kẻ thù.

Lúc đó, anh là lính pháo binh Trung đoàn 45, Sư đoàn 351, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị.

Trong chiến tranh ác liệt, anh không biết cha mình đang chiến đấu ở đâu như trong tâm khảm anh vẫn ước được gặp cha.

Tháng 3/1968, anh Chương vinh dự kết nạp Đảng ngay trên chiến trường.

Sau đó, trong một lần đơn vị anh vừa trải qua trận đánh, người còn dính vết bùn, mặt mũi lấm lem đất cát thì anh nghe thủ trưởng báo “đồng chí Chương có người nhà tìm gặp gấp”.

Anh Chương nhớ lại, lúc nghe thủ trưởng nói, tim anh đập thình thịch loạn xạ và linh tính báo gia đình anh đang có chuyện gì đó. “Tôi bước vội với suy nghĩ ngổn ngang thì thấy một người đàn ông mặc trang phục người lính, dáng gầy nở nụ cười tươi bước lại bên tôi, tôi vẫn không nhận ra ai cả, đến một lúc tôi mới nhận ra cha mình, đến cha mình tôi cũng không nhận ra vì lúc cha đi bộ đội tôi còn bé. Rồi tôi ôm chầm cha mình khóc nức nở như một đứa trẻ, cha tôi thì cười và tự hào về tôi”, anh Chương kể lại.

Với anh, đó là khoảng khắc thiêng liêng nhất, hơn cả giấc mơ vì anh chưa từng nghĩ được gặp cha mình trong chiến tranh.

Sau đó, anh mới biết cha mình là Chính uỷ Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1.

Hai cha con anh Chương gặp nhau giữa chiến trường.

Sau cuộc hội ngộ, cha anh lại phải đi theo đơn vị vào các tỉnh phía Nam. Anh vẫn nhớ mãi lời cha dạy, dù khó khăn, gian khổ mấy, con cũng không được chùn bước, hay chùn ý chí.

Tạm biệt cha, chúng tôi tiếp tục sứ mệnh cầm súng. Trận đánh tiếp theo của đơn vị anh là dành cao điểm 845 trong chiến dịch đường Chín Nam Lào. Sau lần gặp được cha, anh như được tiếp thêm sức mạnh.

Tháng 7/1970, anh Chương được cử đi học trường Sĩ quan Pháo binh Sơn Tây Hà Nội, còn ông Tính vẫn tiếp tục chiến đấu tại mặt trận phía Nam.

Tháng 11/1974, anh Chương được bổ sung vào Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, tham gia đánh trận cùng Binh đoàn Tây Nguyên giải phóng Buôn Mê Thuột, sau đó anh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Còn ông Tính đã anh dũng hy sinh trên mặt trận chiến trường tháng 3/1975.

Sau ngày giải phóng đất nước, anh Chương tiếp tục tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia giải phóng đất nước, rồi tiếp tục tham gia chiến đấu phía Bắc. Đến năm 1989, khi về hưu, anh Chương mới gặp lại cha mình bên di ảnh của cha.

“Giờ này tôi chỉ biết cầm bức ảnh hai cha con gặp nhau trên chiến trường khốc liệt, miên man nghĩ về người cha suốt một đời cầm súng tiêu diệt kẻ thù từ trận đánh Điện Biên Phủ, rồi tiếp chống Mỹ giai đoạn ác liệt nhất. Hoà bình rồi tôi trở về thì cha đã không còn, tấm hình hai cha con chụp chung khoảng khắc hiếm hoi trên mặt trận tại Quảng Trị đầy khói lửa. Cảm ơn nhà báo quân đội, nhà nhiếp ảnh đã nhanh tay chụp được bức hình quý giá này, với tôi đó là món quà vô cùng quý giá”, anh Chương nói.

                                                                         Nguyễn Nhị

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây